Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 1
Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 2

Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, VCCI, vừa phát động việc triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (Nghị quyết 41) trên toàn quốc. Xin ông chia sẻ về những điểm mới của Nghị quyết này?

Nghị quyết 41 là văn bản thứ 3 chính thức chuyên đề dành cho giới doanh nhân. Đầu tiên là thư của Bác Hồ gửi cho giới Công thương vào tháng 10/1945, sau đó, năm 2011 có Nghị quyết 09-NQ/TW và năm 2023 là Nghị quyết 41. Điều này cho thấy Đảng rất quyết tâm, kiên định phát triển đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng chú ý, một số vấn đề rất mới trong xây dựng đội ngũ doanh nhân được nâng lên tầm lý luận. Nghị quyết 41 nêu rõ, đội ngũ doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Nghị quyết nhấn mạnh đến xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Nếu môi trường kinh doanh chỉ thuận lợi mà không an toàn thì doanh nghiệp không dám làm. Nếu chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận đất đai, nguồn lực… cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài, còn doanh nghiệp địa phương bị bỏ ngỏ thì đội ngũ doanh nghiệp dân tộc không lớn mạnh được. Doanh nghiệp nước ngoài là nguồn lực quan trọng, là động lực của tăng trưởng, nhưng để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thì phải dựa vào doanh nghiệp trong nước.

Tôi cho rằng quan trọng nhất của Nghị quyết 41, đó là tạo nền tảng về lý luận cho sự phát triển của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời, đưa ra những định hướng lớn mang tính chiến lược cùng những nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trở thành lực lượng nòng cốt, phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.

Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 3

Vậy theo ông, để Nghị quyết 41 thành công, chúng ta cần đạt được những mục tiêu gì?

Theo tôi cần đạt 3 mục tiêu: đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đảm đương vai trò nòng cốt; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi - bình đẳng; định hình văn hóa kinh doanh nhất quán, thống nhất trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam,… khi đó Nghị quyết 41 mới thành công được.

Cụ thể, chúng ta cần thể chế hóa những điều này như thế nào?

Trước hết, cần nhận thức: doanh nghiệp phải lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, đây là vấn đề cốt tử để xây dựng quốc gia, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao và thể chế hóa nhận thức này.

Nhìn lại trước kia, rất nhiều chủ trương hay của Đảng, Nhà nước được đưa ra nhưng thể chế hóa còn chậm, chưa sát chủ trương. Vì vậy, rất cần có chiến lược quốc gia về xây dựng đội ngũ doanh nhân, chiến lược quốc gia về đào tạo doanh nhân. Thực tế, Nghị quyết 09 đã đưa ra điều này, nhưng đã hơn 10 năm không ai nhắc đến, đưa ra xong rồi “chìm nghỉm”. Hay vấn đề “không hình sự hóa” trong Nghị quyết 41 sẽ được thể chế hóa thế nào?… Do đó, cần cụ thể hóa bằng luật, văn bản, các văn bản pháp quy làm nền tảng.

Sau thể chế hóa, vấn đề thực thi của hệ thống chính trị được đặt ra. Chúng tôi không kỳ vọng ngay lập tức tạo ra sự đột phá lớn, mà đây là quá trình nhưng không thể kéo dài, bởi các mục tiêu phát triển không đợi chúng ta. Chúng ta chỉ còn 21 năm để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, do đó cần hết sức quyết liệt. Nghị quyết 41 không phải là “cây đũa thần” mà là tạo nền tảng, định hướng để từng bước hình thành đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.

Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 4

Như vậy, để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân lớn mạnh, chúng ta cần làm gì?

Bên cạnh nhận thức và thể chế hóa như đã nêu trên, việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi là quan trọng. Đó là môi trường pháp lý, quy định về kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh, khí thế hay tinh thần kinh doanh là vô cùng quan trọng. Báo chí, truyền thông là một phần của môi trường kinh doanh. Vì vậy, VCCI, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đã ký chương trình hợp tác để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Có tinh thần kinh doanh mới sản sinh được đội ngũ doanh nhân.

Ngoài ra, phải đào tạo đội ngũ doanh nhân làm ăn một cách bài bản, chuyên nghiệp. Hiện nay kiến thức kinh tế, kinh doanh được dạy trong các trường đại học, nhưng khi ra trường là “tự bơi”. Ở các nước có trường lớp đào tạo các cấp độ khác nhau dành cho các cấp quản lý doanh nghiệp, tập đoàn về kiến thức, kỹ năng quản trị, lãnh đạo, hội nhập quốc tế, tầm nhìn của người lãnh đạo, xu thế phát triển của ngành, văn hóa đạo đức kinh doanh… Thậm chí, những kiến thức này được đưa vào ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường (về tư tưởng, kỹ năng kinh doanh), khi lên đến đại học sẽ được đào tạo chuyên sâu hơn, sau khi ra trường có các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Thấy rõ được điều này, trong chương trình hành động Nghị quyết 41 của VCCI và của Chính phủ đều đưa ra chương trình đào tạo. Chính phủ có Chương trình đào tạo quốc gia về doanh nhân. VCCI mỗi năm tổ chức hàng nghìn chương trình đào tạo ngắn hạn nhưng mới tập trung vào đội ngũ quản lý cấp dưới, còn đào tạo cho đội ngũ doanh nhân cấp cao hiện vẫn rất thiếu. Vì thế, mục tiêu đến năm 2030 VCCI sẽ hình thành các chương trình đào tạo doanh nhân cao cấp dành cho khoảng 500 lãnh đạo cao cấp và 5.000 đội ngũ kế cận của các doanh nghiệp lớn; ngoài ra, đào tạo khoảng 200.000 nhân sự doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 5

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn vì chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, phải xử lý hình sự, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Vấn đề đạo đức và văn hóa kinh doanh được khẳng định như thế nào trong Nghị quyết 41, thưa ông?

Nghị quyết 41 đưa ra nhiệm vụ: Xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cùng VCCI đang xây dựng Đề án quốc gia về văn hóa kinh doanh và sẽ trình Chính phủ vào năm 2025.

Xây dựng những giá trị, các chuẩn mực của văn hóa kinh doanh quốc gia chính là yếu tố cốt lõi để thành công, “văn hóa soi đường doanh nhân đi”. Thời gian qua đã có một số doanh nhân đi sai đường, lạc lối do chưa nhận thức đúng về đạo đức kinh doanh. Chúng ta cần hiểu mục tiêu của doanh nhân là làm ra giá trị chứ không phải làm ra tiền. Tạo ra đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, bền vững là mục tiêu; doanh nghiệp lớn mạnh có sức cạnh tranh trên thế giới, hàng hóa Việt Nam lan tỏa toàn cầu, giá trị đạo đức của doanh nhân Việt Nam được thế giới ca ngợi,… như vậy mới là quan trọng.

Vì vậy, chúng ta cần xây dựng được hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị kinh doanh của người Việt, thậm chí đưa ra nguyên tắc cái gì cần làm và không được làm. Năm 2022, VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức kinh doanh, còn 6 điều không được làm đang được VCCI tiếp tục hoàn thiện. Cao hơn nữa là tiến tới hình thành triết lý kinh doanh Việt Nam.

Xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Tôi nói là chiến lược vì đến năm 2045, khi Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, bắt buộc đạo đức văn hóa kinh doanh của doanh nhân Việt Nam phải ngang tầm thế giới và phải có văn minh kinh doanh. Doanh nhân Việt Nam phải có chung một hệ giá trị, một tư tưởng triết lý kinh doanh, nhằm tạo ra giá trị cho xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Trong quan hệ lao động, ứng xử với người lao động, hợp tác giữa các nhà doanh nghiệp, tri thức, công nhân, nông dân… là quan trọng. Việc hợp tác giữa các bên với nhau là vấn đề lớn hiện nay, vì doanh nghiệp không dám làm, nông dân không tin doanh nghiệp do khái niệm giá trị hai bên chưa thống nhất.

Vì vậy, ngoài việc cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án quốc gia về Văn hóa kinh doanh, VCCI tiếp tục nghiên cứu triết lý kinh doanh, quy tắc đạo đức doanh nhân, từ đó phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước cùng thực hiện.

Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 6

VnEconomy  22/05/2024 14:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Văn hóa kinh doanh Việt Nam phấn đấu đạt chuẩn quốc tế  - Ảnh 7