Thưa bà, lý do nào để UNDP chọn Việt Nam nằm trong chuỗi tham vấn quốc gia nhằm hướng tới Hội nghị khí hậu toàn cầu Stockholm+50?
Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã có những cải thiện đối với một số mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến môi trường như lĩnh vực nước sạch và vệ sinh (mục tiêu số 6). Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số mục tiêu vẫn còn bị tụt lại so với các quốc gia khác như: mục tiêu tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm (mục tiêu số 12); hành động vì khí hậu (mục tiêu số 13); bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững (mục tiêu số 14); bảo vệ tài nguyên và môi trường trên đất liền (mục tiêu số 15), cùng các mục tiêu khác.
Chúng tôi đã và đang chứng kiến Việt Nam có mức tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua. Tất nhiên ngoại trừ đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, mức tăng trưởng có sự sụt giảm nhiều. Quá trình tăng trưởng đó cũng mang đến những rủi ro cho môi trường. Những rủi ro này phải trả giá bằng môi trường, sử dụng khá nhiều carbon. Thách thức lớn là, nếu quỹ đạo tăng trưởng này tiếp tục, Việt Nam sẽ trở thành nước đóng góp lớn vào phát thải khí nhà kính trong tương lai. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề này là cực kỳ quan trọng.
Đây cũng là một trong những lý do mà UNDP khởi động chuỗi tham vấn quốc gia Stockholm+50. Chuỗi các cuộc tham vấn nhằm chia sẻ quan điểm, tiếng nói của người dân Việt Nam về những vấn đề rất quan trọng mà thế giới cần giải quyết vào lúc này.
Bà nhìn nhận thế nào về hiện trạng môi trường ở Việt Nam hiện nay?
Nhìn vào Việt Nam, có thể nhận thấy đây là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Đất nước này có một trong những đường bờ biển dễ bị tổn thương nhất, bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, siêu bão và việc tìm kiếm giải pháp tốt nhất để xây dựng khả năng phục hồi theo những cách có lợi cho môi trường bền vững là rất quan trọng.
Cùng với đó, điều rất quan trọng khi Việt Nam muốn phục hồi sau đại dịch Covid-19, đó là hướng đến một hình thức tăng trưởng khác, tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng xanh. Tôi cho rằng đây là một cơ hội lớn. Chúng tôi đã thấy Việt Nam có thể phát triển rất nhanh và đang gia tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng tôi cũng chứng kiến một sự tăng trưởng ngoạn mục sử dụng năng lượng mặt trời, gió trong các năm 2018-2019.
Tuy nhiên, để tăng trưởng hơn nữa và tuần hoàn hơn, chúng ta sẽ cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc mở rộng hệ thống lưới điện và đổi mới nguồn cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều này là vô cùng quan trọng để tiến tới loại bỏ than đá và tăng tỷ lệ phần trăm kết hợp giữa năng lượng tái tạo và mức tiêu thụ năng lượng tổng thể, vốn ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng của Việt Nam.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đánh giá của bà về những cam kết này?
Trong bối cảnh đó, chúng tôi thực sự đánh giá cao những cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại COP-26, trong đó đặc biệt là cam kết không phát thải ròng vào năm 2050. Đồng thời Việt Nam đang thực hiện các bước đi rất chủ động như: thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26, điều chỉnh lại chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cùng Quy hoạch điện 8. Đây là những bước đi để hiện thực hóa những cam kết đã được đưa ra tại COP-26.
Thách thức lớn nhưng cơ hội cũng lớn. Tôi cho rằng Việt Nam đang ở điểm khởi đầu hoạch định con đường phát triển trong tương lai. Con đường này cho đến nay vẫn còn chưa định hình đầy đủ trên quy mô thế giới. Vì vậy, đây là cơ hội để Việt Nam tiên phong và phát triển một lộ trình tăng trưởng mà những nước khác có thể học hỏi.
Thưa bà, sẽ có những khuyến nghị hay thông điệp gì được đưa ra từ chuỗi tham vấn quốc gia ở Việt Nam gửi tới hội nghị Stockholm+50?
Có ba thông điệp rất quan trọng và cũng sẽ là chủ đề trọng tâm của ba cuộc tham vấn quốc gia của chúng tôi ở Việt Nam.
Thứ nhất, là các giải pháp dựa vào tự nhiên. Hiện nay, Việt Nam là một trong 16 nước giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Vì vậy, trong quá trình phát triển, điều cần nhấn mạnh là phải bảo tồn môi trường và sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên được tích hợp vào tăng trưởng.
Thứ hai, xem xét một quá trình chuyển đổi năng lượng vừa bao trùm, vừa xanh. Tôi nghĩ đây là thông điệp chính cần phát đi từ Việt Nam ra thế giới. Tôi đồng ý là có thể có tương lai phát triển bao trùm và Việt Nam đã thực sự cho thấy mình có thể sản xuất năng lượng tái tạo nhanh chóng như thế nào. Tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá ấn tượng, cả về năng lượng mặt trời và gió. Quá trình này đã diễn ra trước đây và nay cần phải được tăng cường để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo có thể trở thành nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng năng lượng ở Việt Nam.
Hiện nay, đóng góp phần lớn cho tăng trưởng năng lượng vẫn từ nguồn than và than cần phải được loại bỏ dần dần. Tuy nhiên, việc loại bỏ than đá cần phải được tiến hành phù hợp với tiến trình mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Điều này sẽ đòi hỏi một số cải cách, mở rộng đối với lưới điện quốc gia và EVN.
Thứ ba, sẽ xem xét vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi xem xét dưới góc độ tiêu thụ và sản xuất, cũng như đảm bảo rằng mối quan hệ này được thực hiện theo các cách bền vững. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia gây ô nhiễm nhựa và ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới. Việt Nam cũng như các nước khác, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhựa đã qua sử dụng được tái sử dụng. Vì vậy, trong khi đánh giá cao các giải pháp về sử dụng nhựa dùng một lần, chúng tôi thực sự cho rằng vẫn cần phải có một cách tiếp cận tích hợp và chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế tuần hoàn, thay đổi suy nghĩ của mọi người về cách sử dụng nhựa đã qua sử dụng. Theo đó, chúng được tái sinh và có thị trường thứ cấp để có thể được tái sử dụng.
UNDP rất vui mừng được phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện công việc này. Chúng tôi đã hình thành một “Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam”. Ở đó, chúng tôi mời các đối tác khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, quan chức chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chia sẻ những gì họ đang làm, những cách làm tốt nhất mà họ có và cách chúng ta có thể tạo ra một nền kinh tế sôi động về tái sử dụng nhựa. Đây là những cơ hội cho Việt Nam và cũng là những thông điệp chính cần truyền tải ra toàn cầu.
Tôi xin nhấn mạnh rằng có những thách thức mà Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt tại thời điểm này. Nhưng điều thú vị ở Việt Nam là đã thấy việc sử dụng năng lượng tái tạo được mở rộng nhanh chóng như thế nào, nền kinh tế tuần hoàn và nhựa sử dụng một lần có thể được giải quyết ra sao. Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy của mọi người.
Chúng tôi rất vui mừng về cơ hội giải quyết vấn đề tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh sẽ mang lại một tương lai hòa nhập công bằng cho tất cả người dân Việt Nam và Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu để các nước khác nhân rộng. Chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ điều này.
VnEconomy 20/04/2022 08:00