Đêm về khuya, mưa dày hạt hơn, những chiếc xe tải chở quất, đào tập kết về đường Dương Đình Nghệ khu vực gần ga Thanh Hóa. Anh Cường cố rít nốt hơi thuốc lá rồi vội vã cùng vợ bắt tay khiêng, vác những chậu quất, đào từ trên thùng xe tải, đặt xuống vỉa hè. Với đôi bàn tay chai sần, thô rát, anh Cường thoăn thoắt bê từng chậu quất, đào đặt theo từng hàng, từng lối ngăn nắp.
Khoảng chừng nửa tiếng, “gian hàng” trên vỉa hè của hai vợ chồng cũng được anh Cường sắp xếp xong xuôi. Trong ánh sáng le lói của ngọn đèn đường, tôi thấy sắc mặt anh Cường nhợt nhạt và đôi môi thâm tím vì giá lạnh. Đêm nay, thời tiết ở thành phố Thanh Hóa chỉ khoảng 15oC.
Bật lửa, châm một điếu thuốc, anh Cường ngồi trò chuyện với tôi. Quê anh ở huyện miền núi Cẩm Thủy, vợ chồng bám víu mưa sinh vào mấy sào ruộng. Mỗi khi hết vụ lúa, quanh vùng ai thuê công việc gì, thì vợ chồng anh làm thêm công việc đó, cố kiếm tiền cho lo cho 3 đứa con ăn học. Vì có cô em gái lấy chồng ở vùng trồng quất tại tỉnh Hưng Yên, nên mấy năm gần đây, thời điểm gần Tết, vợ chồng anh Cường lại thuê xe tải ra đó lấy quất về bán. Còn đào và một số loại cây, hoa khác thì vợ chồng anh mua từ các huyện Như Thanh, Triệu Sơn và tỉnh Sơn La.
“Cứ đến đầu tháng Chạp, vợ chồng mình lại gửi các con nhờ ông bà nội trông giúp, rồi đi lấy hàng về thành phố Thanh Hóa để bán. Mình bán sớm, vất vả hơn nhưng cũng giảm bớt sự cạnh tranh. Đêm nay là chuyến hàng thứ 2, vợ chồng mình đưa về. Năm nay, lượng khách mua giảm so với mọi năm, nhưng hàng mình đã đặt lấy từ chủ vườn rồi, nên dù chưa bán được vẫn phải mang về, bày ra”, anh Cường tâm sự. Vừa để tiết kiệm chi phí và cũng tiện cho việc trông nom cây, vợ chồng anh Cường không thuê nhà trọ, mà gói gọn chỗ ăn, ngủ trong một cái lều nhỏ ngay tại chỗ bán hàng. Cái lều ấy, được anh Cường dựng tạm bởi một tấm bạt và mấy thanh tre ghép lại. Anh chia sẻ thêm: “Vợ anh sức khỏe không được tốt, nên anh muốn thuê cái phòng trọ nhỏ, để tối đến cho chị về đó ngủ, mình anh ở lại trông hàng. Nhưng thấy chưa bán hàng, tiếc tiền, chị chẳng chịu cứ một mực đòi ở lại lều cùng anh. Ở cả tháng chứ có ít đâu, trời khô ráo thì không sao, chứ như thời tiết như mấy hôm nay, mưa phùn kèm gió bấc, đêm nằm trong lều, lạnh co ro”.
Câu chuyện giữa tôi và anh bị ngắt quẵng, khi có một vị khách đến. Anh Cường nhanh nhẩu giới thiệu với vị khách từng loại quất, đào, hoa trong gian hàng của mình. Sau một hồi ngắm nghía, vị khách kia cũng “chốt” mua một cây đào thế đẹp. Anh Cường phấn khởi, khoe với tôi: “Từ chiều tới giờ, đây là vị khách đầu tiên mua hàng. Cũng may, khách bảo mình chở luôn vào nhà, nên có thêm tiền ship. Vị khách này thoáng lắm còn “bo” thêm cho anh một trăm nghìn nữa” Rồi anh vội vã cùng vợ bê cây đào lên chiếc xe ba gác, sau đó điều khiển xe chạy theo phía sau ô tô của vị khách kia. Lần này, dưới ánh đèn đường, tôi thấy nét mặt anh tươi hơn...
Trái ngược với nỗi thấp thỏm, lo toan của những tiểu thương như vợ chồng anh Cường, tại “thủ phủ” trồng quất, trồng đào Triệu Sơn (Thanh Hóa), các chủ vườn lại phấn khởi khi đắt hàng, được giá. Con đường lớn nối từ tuyến Nghi Sơn - Sao Vàng vào cánh đồng quất của xã Hợp Tiến tấp nập từng dòng xe tải, nối đuôi nhau vào nhập hàng. Cái giá lạnh, rét mướt khắc nghiệt của mùa đông năm nay, dường như không tồn tại ở nơi đây, bởi khung cảnh nhộn nhịp người mua, kẻ bán.
Trò chuyện với tôi, bà Đặng Thị Sinh trú tại thôn 3, xã Hợp Tiến, cho biết gia đình bà đã gắn bó với nghề trồng quất hơn 20 năm nay. Nghề này vốn vất vả, phải chăm chỉ, chịu khó, nếu người làm nghề không có tình yêu với cây cảnh thì khó bám trụ được lâu dài. Nghề trồng quất thực ra không có Tết, chỉ biết bán Tết cho thiên hạ. Trước Tết thì lo chăm cây, sau Tết lại tất bật chăm sóc cho kịp lứa mới. Thu nhập nghề trồng quất khá bấp bênh vì phụ thuộc nhiều yếu tố như thời tiết, sâu bệnh…
Có những năm bội thu nhưng có năm phải bù lỗ, đó là chuyện bình thường của người trồng quất. Năm nay, gia đình bà Sinh trồng 200 cây quất thế trên 2 thửa đất, mỗi thửa khoảng 500m2. Năm 2023 thời tiết thuận lợi nên phần lớn các vườn quất cảnh của huyện đều cho quả to tròn, lá xanh và kiểu dáng đẹp. Thời điểm cách đây khoảng một tháng, các thương lái tại khắp các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Nghệ An... đã về đây xem quất và đặt cọc . Cho đến thời điểm này, vườn quất cảnh nhà bà Sinh đã bán được khoảng 180 cây với giá trung bình là 1 triệu đồng/gốc, cây to hơn thì từ 1,5 - 2 triệu đồng. Trừ đi tiền phân tro, thuốc trừ sâu, bà Sinh nhẩm tính vụ quất năm nay lời ra được khoảng hơn 100 triệu đồng.
Bà Sinh cho biết, để tạo được một cây quất đẹp như ý cho ngày Tết, người trồng cần rất nhiều công chăm sóc. Phải theo dõi từ ngày đầu ươm, tạo dáng, chăm cành, cho đến khi cây lớn lên ra hoa, kết quả. Khó nhất là khâu tạo dáng, đòi hỏi những người thợ khéo tay, sơ sẩy là gãy cành, hỏng cây thì coi như mất giá. Để tỉa được một cây quất phải mất đến hàng tiếng đồng hồ, mỗi ngày chỉ làm được vài cây. Bên cạnh việc tạo dáng, việc diệt trừ sâu bệnh cũng rất quan trọng đối với người trồng quất. Nếu như không kịp thời phun thuốc thì cây sẽ rất dễ bị nấm và côn trùng đốt. Nếu bị bệnh, cây sẽ rụng quả và lá, như vậy giá quất cũng sẽ bị giảm đi. Tất cả các khâu đều dựa trên kinh nghiệm đúc kết qua từng mùa quất. “Quất đẹp là quất tứ quý, ngoài dáng đẹp thì cây phải đảm bảo bốn tiêu chí: có cả quả vàng lẫn quả xanh, vừa có hoa vừa có lộc” bà Sinh chia sẻ.
Trước đây, người dân nơi đây chưa có kinh nghiệm chăm sóc cây quất, các thế cây, họ vẫn chỉ trồng loại quất tạo hình cây thông truyền thống. Bởi thế, quất của Triệu Sơn quả không to, dáng không đẹp bằng quất mua về từ tỉnh ngoài nên khó cạnh tranh. Sau nhiều mùa vụ thất thu, nhiều hộ trồng quất đã chủ động đến các tỉnh Nam Định, Hưng Yên để tham khảo kỹ thuật chăm sóc quất, đồng thời mua phôi trồng mới và cải tạo lại gốc quất còn lại sang quất cảnh, nên những năm gần đây, cây quất cảnh cho quả to, đều, tán đẹp, rất phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Trao đổi với VnEconomy, ông Lê Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn, cho biết: “Năm nay thời tiết ủng hộ người dân trồng quất và đào trên địa bàn huyện. Nhờ đó, những hộ gia đình trồng quất đã có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống và tạo đà cho sự phát triển kinh tế địa phương. Mô hình trồng quất tại các xã của huyện Triệu Sơn đang được chính quyền tạo điều kiện để mở rộng quy mô, hình thành nên vùng chuyên canh, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Thị trường tiêu thụ ổn định, các xã Hợp Lý, Hợp Thắng,... xác định quất cảnh đang là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương và dự tính sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng quất trong những năm tới”.
VnEconomy 07/02/2024 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam