06:00 01/08/2023

Loạt CEO khuyên các doanh nhân trẻ khởi nghiệp không “ngã ngựa”

Anh Nhi

Số doanh nhân “ngã ngựa”, thất bại trong kinh doanh và vướng vào vòng lao lý tăng nhanh khiến nhiều doanh nhân trẻ không biết lựa chọn bài học thành công như thế nào…

Bày tỏ băn khoăn tại Tọa đàm “Learn to Lead – Học để dẫn đầu” của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mới đây, một doanh nhân trẻ cho biết có một thực tế đáng suy nghĩ là trong 2-3 năm qua là số doanh nhân “ngã ngựa” tăng nhanh, cả thất bại trong kinh doanh và vướng vào vòng lao lý.

“Các doanh nhân trẻ như chúng tôi đang không biết phải học như thế nào để thành công trong bối cảnh hiện nay?”, vị này đặt câu hỏi với các diễn giả của tọa đàm.

HỌC ĐỦ SÂU TỪ NHỮNG THẤT BẠI

Khi mà có tới 90% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại thì ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần PNJ cho rằng vấn đề là phải “học đủ sâu từ những thất bại”.

“Nếu xem những câu chuyện doanh nhân thất bại như một cuốn sách để nghiền ngẫm và rút ra bài học thì nhiều người thường chỉ đọc bìa sách, số người mở ra để đọc kỹ thường ít hơn. Nhưng chúng ta phải đọc kỹ từng trường hợp mới thấy có những câu chuyện do chủ quan, có chuyện do khách quan và có khi do cả chủ quan lẫn khách quan, rất phức tạp…  Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải học đủ sâu từ những thất bại để hiểu được những gì ẩn sâu sau cuốn sách đó”, ông Thông nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CNCTech Group lại chia sẻ việc học từ chính câu chuyện của doanh nghiệp mình.

“Thời gian qua, bản thân tôi đã nhìn nhận lại việc làm sai để tìm phương pháp đúng hơn, giảm tỷ lệ sai sót trong tương lai. Theo đó, tôi giả định nếu trong trường hợp mình sai hoàn toàn thì phải có phương án chuyển giao hoặc làm cái mới như thế nào”, ông Hùng cho biết.

Chia sẻ tâm thế học để không “ngã ngựa”, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Công ty TNHH King Invest, lại khuyên các doanh nhân trẻ không chỉ học các vấn đề mang tầm chiến lược như quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số… mà còn phải học các kỹ năng mềm về tuân thủ pháp luật và những cách làm đúng.

Tọa đàm với chủ đề “Learn to Lead” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2023 cho 81 cá nhân xuất sắc.
Tọa đàm với chủ đề “Learn to Lead” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ trao danh hiệu Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2023 cho 81 cá nhân xuất sắc.

“Cập nhật kiến thức pháp luật, những quy định hiện hành để nâng cao khả năng cạnh tranh và tránh mắc sai lầm là những việc doanh nghiệp cần phải làm ngay”, ông Vương nêu quan điểm.

THÀNH CÔNG HÔM NAY CÓ THỂ MỞ ĐƯỜNG CHO THẤT BẠI TƯƠNG LAI 

Kể lại lần gần nhất đi học hơn 2 tiếng đồng hồ với các sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, ông Trần Anh Vương cho biết ông học được nhiều điều từ những sinh viên, người trẻ.

“Lúc nào tôi cũng thấy mình cần phải học nhưng không phải cái gì cũng học mà học khi bản thần có nhu cầu cụ thể, nếu không sẽ loãng”, ông Vương nói.

Song người đứng đầu của King Invest cho rằng mình học để lead (dẫn dắt) chưa đủ, mà cả tổ chức cùng phải lead, nếu không sẽ chẳng có tác dụng.

“Nếu các lãnh đạo cấp trung không đi học hoặc đi học với tâm lý bị bắt ép, không cùng nhìn vấn đề theo cùng một góc độ thì chắc chắn sẽ thất bại. Những trên thực tế, không dễ để thuyết phục các lãnh đạo cấp trung hay nhân viên học một cách tự nguyện”, ông Vương cho biết.

Ông Lê Trí Thông cũng thừa nhận việc thuyết phục mọi người trong công ty, đặc biệt là công ty với quy mô hơn 7.000 người như PNJ đi học là cực kỳ khó khăn.

Song vị CEO của PNJ cũng nhìn nhận rằng không phải cứ học nhiều là tốt mà việc học giống như hình ảnh “sữa bột và ly sữa”; nghĩa là muốn có sữa bột phải tách nước từ sữa bò nhưng muốn uống sữa bột lại phải pha lại với nước. “Học nhiều cũng giống như uống nhiều sữa bột mà không pha với nước, rất dễ nghẹn”, ông Thông ví dụ.

Theo đó, vị CEO của PNJ khuyên các doanh nghiệp trẻ cần phải chắt lọc hơn những thứ được học và phải vận dụng linh hoạt theo từng thời điểm, giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

“Công thức làm cho mình thành công ngày hôm qua có thể trở thành công thức mở đường cho mình đến thất bại trong tương lai. Người lãnh đạo phải đủ tỉnh táo để “unlearn”, nghĩa là khi startup một công ty nhỏ, mình thường coi những co-founder hoặc những quản lý đầu tiên như anh em, đồng chí. Tuy nhiên, đến lúc công ty lớn lên, quy mô 500-1.000 người, câu chuyện anh em, huynh đệ lại trở thành điều cản trở. Lúc đó, phải đi sửa lại công thức ngày xưa để làm sao quy mô 500-1.000 người vẫn có được sự bài bản, bộ máy vẫn chạy như cũ nhưng lại tạo thêm chỗ đứng cho những anh em mới”, CEO PNJ chia sẻ.