11:46 12/03/2024

Chiến lược gia giải thích vì sao chứng khoán Trung Quốc “đang quá rẻ”

Bình Minh

Định giá cổ phiếu của Trung Quốc đang ở mức “quá rẻ” và nhà đầu tư nên xem xét quay trở lại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một cách cẩn trọng - một chiến lược gia nhận định...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Giới đầu tư quốc tế xem việc Trung Quốc lạm phát trở lại trong tháng 2 vừa qua sau 4 tháng giảm phát liên tiếp là một tín hiệu lạc quan. Số liệu thống kê công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,7% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 0,8% trong tháng 1.

Thời gian qua, giảm phát là một nỗi ám ảnh đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản và tình trạng nợ chồng chất của các chính quyền địa phương, giảm phát đe doạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi khủng hoảng bất động sản chưa tìm ra lối thoát và khối nợ khổng lồ chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, việc giá tiêu dùng tăng trở lại chí ít đã giải toả nỗi lo về một vòng xoáy giảm phát-giảm tăng trưởng đáng sợ.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, chiến lược gia Shau Rein - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group - cho rằng chỉ số CPI tháng 2 của Trung Quốc tăng có thể do nhu cầu và giá cả hàng hoá tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán và giảm phát “vẫn phủ bóng lên nền kinh tế Trung Quốc”.

“Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là những người giàu, đang khá lo lắng. Họ vẫn đang giảm bớt chi tiêu, bỏ qua việc mua sắm những thứ đắt tiền”, ông Rein phát biểu. “Người tiêu dùng thận trọng về việc liệu Chính phủ có đưa ra một gói kích cầu lớn hay không. Rõ ràng là sẽ không có một gói kích cầu như vậy”.

Theo quan điểm của ông Rein, trong ngắn hạn, các thương hiệu hàng xa xỉ toàn cầu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng này giảm sút.

Khó khăn kinh tế Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán nước này giảm điểm mạnh trong năm qua, với mức giảm mạnh nhất rơi vào cổ phiếu của các công ty bất động sản và xuất khẩu. Sau khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, Chính phủ Trung Quốc mới đây đã đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm nay. Mục tiêu này bị cho là tham vọng và chưa chắc đạt được vì cơ sở so sánh năm 2023 ở mức cao.

“Báo cáo công tác mà Chính phủ Trung Quốc trình bày tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi cam kết duy trì tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc lạm phát cả năm tăng lên mức mục tiêu 3%”, nhà kinh tế Zichun Huang của công ty nghiên cứu Capital Eonomics nhận định.

“Nhưng chúng tôi cho rằng lạm phát thấp là một ‘triệu chứng’ của mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào mức đầu tư cao của Trung Quốc. Do Trung Quốc còn lâu mới giảm được phụ thuộc vào đầu tư, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ còn thấp trong dài hạn”, theo ông Huang.

Điều này có nghĩa là áp lực giảm phát có thể tiếp tục đeo bám Trung Quốc ít nhất trong ngắn hạn, và môi trường đầu tư ở nước này vẫn còn rủi ro. Dù vậy, ông Rein lập luận rằng các biện pháp mà Bắc Kinh đã đưa đưa ra để dịch chuyển nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc truyền thống vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng đã bắt đầu phát huy tác dụng, và trong dài hạn, bức tranh kinh tế Trung Quốc sẽ sáng lên.

“Kinh tế Trung Quốc vẫn còn yếu, nhưng không phải là yếu quá. Nếu bạn là một công ty đa quốc gia, nều bạn tìm kiếm động lực tăng trưởng trong 3-5 năm tới, thì Trung Quốc tiếp theo vẫn chính là Trung Quốc. Đó không pảhi là Ấn Độ, vì Ấn Độ có tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ bằng 1/6 so với Trung Quốc. Đó cũng không phải là Việt Nam. Những thị trường như vậy có quy mô nhỏ. Nên tôi thực sự cho rằng nhà đầu tư nên một lần nữa có cái nhìn dài hạn về Triung Quốc. Đây thực sự là nơi đáng để đầu tư”, ông Rein phát biểu.

“Còn quá sớm để nói về một thị trường giá lên (bull market) ở thị trường chứng khoán Trung Quốc. Nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng. Tôi nghĩ lạm phát vẫn chưa buông tha Trung Quốc. Thị trường việc làm nước này còn yếu. Nhưng mức định giá cổ phiếu đang quá rẻ”, vị chiến lược gia nhận định.

Dù đã hồi phục nhẹ trong 1 tháng qua, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông hiện vẫn giảm hơn 14% trong vòng 1 năm trở lại đây. Ông Rein cho biết cá nhân ông đã bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu A ở Hồng Kông từ cách đây khoảng 1 tháng vì tin rằng giá cổ phiếu ở đây “đang quá rẻ”.