19:52 08/03/2024

Đã đến lúc nói “Không” với thực phẩm siêu chế biến

Tuệ Mỹ

Bản chất của những thực phẩm này là bị can thiệp để trông bắt mắt hơn, cảm giác ngon hơn và để được lâu hơn. Chính những điều “phi tự nhiên” này khiến chúng trở thành thực phẩm không an toàn nếu ăn quá nhiều…

Ảnh: GB News
Ảnh: GB News

Năm 2017, giáo sư dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng Carlos Monteiro của ĐH Sao Paulo (Brazil), cùng cộng sự đã công bố bảng phân loại thực phẩm có tên là NOVA trên tạp chí khoa học dinh dưỡng World Nutrition, chia thực phẩm làm 4 nhóm dựa theo mức độ chế biến. Đó là các nhóm: không chế biến (trái cây, rau, các loại hạt, trứng, thịt), chế biến tối thiểu (sấy, tiệt trùng, nấu, ướp lạnh), chế biến (bảo quản rau củ, cá đóng hộp, pho mát) và siêu chế biến.

NHỮNG NGHIÊN CỨU MỚI

Các loại thực phẩm siêu chế biến phổ biến nhất thường được biết đến là: thức ăn nhanh, thực phẩm đông lạnh, bánh mì sản xuất hàng loạt, bánh quy, bánh ngọt, kẹo và các loại đồ ngọt khác, các sản phẩm làm từ sữa, nước uống có gas, tất cả các loại nước ngọt, thực phẩm (mì, ngũ cốc, xúp) ăn liền...

Trang Vox đưa ra định nghĩa cô đọng: Thực phẩm siêu chế biến chính là “thực phẩm được tạo ra ở các nhà máy bằng cách cho hóa chất và các chất phụ gia khác để tạo màu sắc, hương vị, kết cấu”, và quá trình chế biến này “thường làm tăng hương vị cùng hàm lượng calorie của thực phẩm nhưng cũng đồng thời tước đi chất xơ, vitamin và chất dinh dưỡng của chúng”.

Thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm siêu chế biến có thể dẫn đến 32 vấn đề sức khỏe - bao gồm các bệnh về tim và phổi, ung thư, rối loạn tâm thần và nhiều hệ lụy sức khỏe khác, kể cả nguy cơ tử vong sớm. Các nghiên cứu này có sự tham gia của gần 10 triệu người, trong đó họ tham gia khảo sát về tần suất tiêu thụ thực phẩm, lịch sử chế độ ăn và mức độ tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến hàng ngày.

Nhóm nghiên cứu phát hiện những thực phẩm này có liên quan với tất cả các nguyên nhân gây tử vong, các bệnh ung thư (vú, đại trực tràng, tuyến tụy), các vấn đề về giấc ngủ, chứng lo âu, hen suyễn, tăng huyết áp, bệnh viêm ruột, loét đại tràng, béo phì, hội chứng chuyển hóa, gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng đường huyết cùng nhiều bệnh khác.

Chẳng hạn, thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, 12% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và từ 48 - 53% nguy cơ mắc chứng lo âu và rối loạn tâm thần. Việc tiêu thụ nhiều UPF cũng có liên quan đến tăng 21% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào và tăng 22% nguy cơ trầm cảm. “Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biế dễ dẫn đến các hệ lụy tiêu cực về sức khỏe, đặc biệt là về chuyển hóa tim, các rối loạn tâm thần phổ biến và cả nguy cơ tử vong”, nhóm tác giả nhấn mạnh.

Thực phẩm chế biến sẵn gây nghiện là do chúng cung cấp chất béo và carbs đến ruột nhanh hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường.
Thực phẩm chế biến sẵn gây nghiện là do chúng cung cấp chất béo và carbs đến ruột nhanh hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường.

Trước đó, một nghiên cứu được trình bày tại Hiệp hội Tim mạch châu Âu vào tháng 8/2023 đã theo dõi 10.000 phụ nữ Úc trong 15 năm cho thấy: những người ăn lượng thực phẩm siêu chế biến cao nhất trong chế độ ăn uống của họ có nguy cơ bị huyết áp cao hơn 39% so với những người có mức thấp nhất. Theo CNN, trong một thông báo, Helen Croker, Trợ lý Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Quỹ Nghiên cứu về Ung thư Thế giới, cho biết: “Việc ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là các sản phẩm từ động vật và đồ uống có đường, có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư cùng với một bệnh khác như đột quỵ hoặc tiểu đường”.

Các nhà khoa học ở Mỹ, Tây Ban Nha, Brazil cũng đã tổng hợp 281 nghiên cứu trên 36 quốc gia và công bố kết quả trên ấn phẩm đặc biệt của Tạp chí Y khoa Anh (BMJ). Theo đó, dấu hiệu nghiện thực phẩm siêu chế biến được tìm thấy ở 14% người trưởng thành và 12% trẻ em.

Một phần lý do khiến thực phẩm chế biến sẵn gây nghiện là do chúng cung cấp chất béo và carbs đến ruột nhanh hơn rất nhiều so với thực phẩm chế biến thông thường. Ngoài ra, những thực phẩm này cũng chứa các chất phụ gia về hương vị và kết cấu khiến chúng dễ gây nghiện hơn, khiến mọi người suy nghĩ về thức ăn mọi lúc, thèm ăn khi không đói, giảm khả năng kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ...

Đã đến lúc nói “Không” với thực phẩm siêu chế biến - Ảnh 1

ĐỌC KỸ BAO BÌ THỰC PHẨM

Có thể thấy, mặc dù rất phong phú và tiện lợi nhưng việc lạm dụng thực phẩm siêu chế biến đang "ăn mòn" sức khỏe của nhiều người. Các thực phẩm siêu chế biến ngoài công thức của một số thành phần, muối, đường, dầu và chất béo, còn có thể bao gồm các chất không được sử dụng trong chế biến ẩm thực. Danh mục các chất phụ gia có thể bao gồm chất bảo quản để chống nấm mốc, vi khuẩn; chất nhũ hóa để giữ ổn định các thành phần không tương thích; chất tạo màu và thuốc nhuộm nhân tạo; chất chống tạo bọt, làm phồng, tẩy trắng, tạo gel và làm bóng...

Tuy nhiên, không phải tất cả thực phẩm siêu chế biến đều có hại. Một nghiên cứu được công bố hôm 13/11 trên tạp chí The Lancet đã thu thập thông tin về chế độ ăn uống của 266.666 đàn ông và phụ nữ từ 7 quốc gia châu Âu từ năm 1992 đến năm 2000. Trong suốt 11 năm, các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia để xem ai mắc các bệnh mạn tính khác nhau, bao gồm cả ung thư. Khi tham gia nghiên cứu, mỗi người được yêu cầu nhớ lại những gì họ thường ăn trong 12 tháng qua và các nhà nghiên cứu đã phân loại thực phẩm theo hệ thống phân loại thực phẩm NOVA.

Reynalda Córdova, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ về khoa học dược phẩm, dinh dưỡng và thể thao tại Đại học Vienna, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết khi thực phẩm siêu chế biến được kiểm tra theo các nhóm nhỏ, không phải tất cả chúng đều có liên quan đến việc phát triển các bệnh mạn tính.

Hãy tập thói quen đọc nhãn thực phẩm để có thể xác định và cắt giảm những thực phẩm chứa nhiều đường, muối hoặc chất béo bão hòa.
Hãy tập thói quen đọc nhãn thực phẩm để có thể xác định và cắt giảm những thực phẩm chứa nhiều đường, muối hoặc chất béo bão hòa.

“Trong khi một số nhóm nhất định, chẳng hạn như các sản phẩm động vật và đồ uống có đường nhân tạo, có liên quan đến nguy cơ gia tăng một số bệnh, thì các nhóm khác, chẳng hạn như bánh mỳ và ngũ cốc siêu chế biến hoặc các sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật, không cho thấy mối liên hệ nào với rủi ro kể trên".

“Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh rằng không cần thiết phải tránh hoàn toàn thực phẩm siêu chế biến, thay vào đó chúng ta nên hạn chế mức tiêu thụ và ưu tiên thực phẩm tươi sống hoặc được chế biến tối thiểu,” Freisling, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. Theo Medicalnewstoday, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tốt nhất cho sức khỏe tổng thể. Đó là một chế độ ăn đa dạng dựa trên thực phẩm chế biến tối thiểu, nhiều loại thực phẩm thực vật và hạn chế các thực phẩm đã qua chế biến kỹ.

Ngoài ra, không phải tất cả các loại thực phẩm siêu chế biến đều như nhau. Khi bạn đưa thực phẩm siêu chế biến vào chế độ ăn uống của mình, hãy chọn những thực phẩm có nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn như bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt thay vì khoai tây chiên giòn, đồ ngọt... Hãy tập thói quen đọc nhãn thực phẩm để có thể xác định và cắt giảm những thực phẩm chứa nhiều đường, muối hoặc chất béo bão hòa. Đặc biệt, nếu có thứ gì đó trong danh sách thành phần của một loại thực phẩm đóng gói mà tên của nó lạ hoặc rất khó đọc thì đó có thể là thứ đã qua chế biến kỹ lưỡng.