06:00 22/11/2021

Đấu giá trực tuyến “tiếp lửa” tiêu dùng xa xỉ

Tường Bách

Gần hai năm đại dịch Covid  bùng phát, mua sắm “bù” đang trở thành xu hướng. Giới nhà giàu sẵn sàng chi hàng chục đến hàng trăm nghìn USD cho những món trang sức, túi xách từ các phiên đấu giá trực tuyến, để xóa buồn chán trong thời gian “cầm chân” ở nhà...

Khi đại dịch mới bùng phát vào năm 2020, các mùa đấu giá khởi đầu khá ảm đạm, nhiều phiên diễn ra hàng năm bị hủy bỏ do lệnh giãn cách nghiêm ngặt ở các thành phố tài chính lớn như: Zurich, Geneva (Thụy Sĩ), London (Anh) và Hong Kong (Trung Quốc). Nhưng rồi sau đó, giữa khó khăn, việc mua sắm vẫn diễn ra sôi động.

KHÁCH HÀNG Ở KHẮP MỌI NƠI

Khởi đầu là buổi đấu giá của Antiqorum tại Geneva được tổ chức qua internet, điện thoại và đấu giá vắng mặt hồi năm ngoái, thu về 3,34 triệu USD. Ba trong năm phiên đấu giá thuộc về đồng hồ Patek Philippe. Các tín đồ thời trang sẵn sàng chi tiền "khủng" cho loạt đồng hồ hiếm thấy. Tương tự, họ sẵn sàng trả khoản tiền sáu con số cho vòng tay và dây chuyền kim cương.

Nhà đấu giá xa xỉ RM Sotheby’s bắt đầu xây dựng nền tảng trực tuyến của mình vào mùa hè năm ngoái để mở rộng dịch vụ và đối tượng khách hàng của họ. Và đó trở thành một chiến lược vô cùng thành công, giúp mang lại doanh thu khổng lồ cho công ty nửa đầu năm 2021. “Covid-19 đã thúc đẩy chúng tôi đẩy nhanh các phiên đấu giá trực tuyến”, Ian Kelleher, Giám đốc tiếp thị của RM Sotheby’s cho biết. “Chúng tôi nhận thấy các nhà sưu tập trên khắp thế giới vẫn sẵn sàng mua và bán những món hàng chất lượng ngay cả khi không được trực tiếp mục sở thị”.

Mặc dù mức tăng trưởng này có thể là hệ quả tạm thời do đại dịch toàn cầu, nhưng đấu giá trực tuyến có thể dần trở thành chiến lược chủ lực cho thế giới đấu giá xa xỉ. Tại sao phải đi đến Paris để mua hàng mỹ nghệ, hoặc Miami để mua siêu du thuyền và Geneva cho những chiếc xe hơi cổ điển khi bạn có thể đấu giá từ khắp nơi trên thế giới chỉ với một cú nhấp chuột? Các chuyên gia đánh giá các chương trình đấu giá kỹ thuật số có hiệu quả hơn với khách hàng khi dịch bệnh khiến họ không muốn di chuyển quá nhiều.

Các nhà sưu tập trên khắp thế giới vẫn sẵn sàng mua và bán những món hàng chất lượng ngay cả khi không được trực tiếp mục sở thị.
Các nhà sưu tập trên khắp thế giới vẫn sẵn sàng mua và bán những món hàng chất lượng ngay cả khi không được trực tiếp mục sở thị.

Khách hàng vẫn trải nghiệm cảm giác hồi hộp trên các nền tảng trực tuyến nhờ đồng hồ đếm ngược, tính năng chống kéo dài thời gian đấu thầu do giá thầu cạnh tranh vào phút cuối và họ có thể theo dõi các cuộc đấu giá với bạn bè như một sở thích. Giống như một phòng đấu giá truyền thống, người tham gia có thể đặt câu hỏi để biết thêm thông tin.

Vị đại diện của RM Sotheby’s cho biết: “Khi chúng tôi chuyển phiên đấu giá trực tiếp thường thấy ở Palm Beach sang đấu giá trực tuyến, chúng tôi đã có gần 900 người đặt giá từ 44 quốc gia và 36% trong số những người đấu giá này là khách hàng hoàn toàn mới”.

Francis Belin, Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của nhà Christie’s, cho biết: “Sự tương tác kỹ thuật số và tính minh bạch tạo niềm tin cho người mua và người gửi hàng toàn cầu, những người sẵn sàng tham gia và giao dịch trực tuyến, bất kể từ khu vực nào trên thế giới. Xu hướng này đang trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết”. Theo ông Belin, sự gia tăng của doanh số đấu giá trực tuyến là một “dấu hiệu không thể chối cãi về hành vi mua hàng đang thay đổi nhanh chóng”.

TƯƠNG LAI CỦA XA XỈ LÀ ĐÂY

Điều làm nên sức hút của các hàng xa xỉ chính là độ hiếm và tính độc quyền. Trong khi đó, rất hiếm và khó tìm (do đó, khó có được) cùng với những câu chuyện hay là điểm mạnh của các nhà đấu giá. Bằng cách lựa chọn cẩn thận các món hàng được săn lùng với câu chuyện để tạo thành những bộ sưu tập độc đáo, họ đang truyền cảm hứng cho những người giàu trẻ tuổi. Đồng thời, chính thế hệ millennial đang định hình cách các nhà đấu giá quảng bá lựa chọn sắp xếp các món hàng.

 
Đấu giá trực tuyến là một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, phương thức này đang được kỳ vọng tạo ra một thị trường mua bán công khai, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin khách hàng. 

Đối với 0,1% nhóm người tiêu dùng hàng đầu này, đặc biệt ở châu Á, cuộc sống được số hóa, việc điều hành và kết nối với các khách hàng phải được công nghệ hỗ trợ. Ngược lại, millennials là những người tiêu dùng xa xỉ khó tính nhất từ trước đến nay. Họ đòi hỏi sự hoàn hảo trong trải nghiệm mua sắm, họ dễ chán, vì họ được trải nghiệm nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây. Do đó, tiếp cận họ với nội dung phù hợp và truyền cảm hứng cho họ với các chủ đề mà họ quan tâm là điều thực sự quan trọng.

Hồi tháng 8 năm nay, tại Việt Nam nổi lên xu hướng đấu giá thiện nguyện. Ví dụ như phiên đấu giá do Ban tổ chức Chương trình tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam đứng ra kêu gọi, nhằm gây quỹ ủng hộ cho tuyến đầu chống dịch. Chương trình thu hút sự tham gia của hàng loạt nhà thiết kế, hoa hậu - á hậu, người mẫu, ca sĩ tên tuổi, với hàng loạt vật phẩm đem ra đấu giá suốt hơn 5 giờ là những thiết kế và phụ kiện thời trang gắn liền với các nhà thiết kế, nghệ sĩ trong các sự kiện quan trọng.

Cuối cùng, chương trình nhận được hơn 2,6 tỷ đồng. Đặc biệt, bộ trang phục áo dài mang tên Cảm ơn Sài Gòn của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí được bán đấu giá với tổng cộng 700 triệu đồng, váy dạ hội của nhà thiết kế Tuyết Lê 500 triệu đồng… Tất cả số tiền đã được sử dụng 100% cho việc mua các thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu, dưới sự giám sát của Công ty kiểm toán Deloitte.

Hoặc như nhóm thiện nguyện Hạt Vừng cũng đã khởi xướng chương trình đấu giá trực tuyến trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, với hơn 10 phiên. Tổng cộng, nhóm đã quyên góp được gần 12 tỷ đồng để mua vật tư y tế chống dịch. Trong đó có chiếc đồng hồ Hublot do một “mạnh thường quân" tặng với giá khởi điểm 10 triệu đồng (tương ứng một máy tạo oxy) và cuối cùng được Hoa hậu Hương Giang mua với giá 900 triệu đồng.

Chính thế hệ millennial đang định hình cách các nhà đấu giá quảng bá lựa chọn sắp xếp các món hàng.
Chính thế hệ millennial đang định hình cách các nhà đấu giá quảng bá lựa chọn sắp xếp các món hàng.

Không chỉ các phiên đấu giá thiện nguyện, đấu giá trực tuyến cũng đang dần phổ biến tại nhiều sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Các món hàng được đấu giá rất phong phú, từ chiếc bật lửa cổ, tiền có số series đẹp hay quần áo, giày dép, đến xe máy, điện thoại, laptop… Thông thường  là hàng có giá trị cao hoặc sản phẩm độc và lạ. Thậm chí hiện nay, trên một số website còn có cả đấu giá một bữa tối lãng mạn tại các khách sạn cao cấp, hay đấu gia một chuyến nghỉ dưỡng tại các resort hay khách sạn 5 sao…

Theo đại diện của eBay.vn, số lượng khách hàng Việt Nam tham gia đấu giá online ngày một nhiều hơn, đặc biệt có một số khách hàng tham gia thường xuyên vào các phiên đấu giá hàng tuần để tranh thủ “săn hàng”. Nhiều đơn vị có tài sản đấu giá cho rằng đấu giá trực tuyến là một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0. Việc này càng thể hiện được tính hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, do đó đang được kỳ vọng tạo ra một thị trường mua bán công khai, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng. 

 
Nhà đấu giá Christie’s cho biết họ đã phải tăng cường các buổi đấu giá online nhằm đáp ứng nhu cầu cao kỷ lục trong mùa dịch. Cuối năm 2019, Christine chỉ tổ chức khoảng 4 buổi đấu giá trực tuyến với doanh số khoảng 9,5 triệu USD. Tuy nhiên năm nay, hãng đã tổ chức đến 12 buổi với doanh số cao kỷ lục:  40 triệu USD, mức tăng 322%.