16:57 27/02/2023

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới, nước giải khát không cồn...

Trâm Anh

Bộ Tài chính đang nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường như đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới...

Bộ Tài chính đề xuất giải pháp nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi xung quanh đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm phát huy hơn nữa vai trò của sắc thuế này.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng báo cáo Chính phủ tiến độ của dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi để Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023. Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024.

CHƯA NGĂN ĐƯỢC HÀNG HOÁ XA XỈ VÀ MẶT HÀNG GÂY HẠI ĐẾN SỨC KHOẺ

Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2009 thay thế Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1999, Luật sửa đổi một số điều của Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2003, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2005.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội như góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, góp phần tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội; góp phần bảo vệ môi trường; thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định.

Do đó, cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt như đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực tế thực hiện.

Bên cạnh đó, "thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp, chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội", Bộ Tài chính nhìn nhận.

Bộ Tài chính cũng cho biết hiện chưa có quy định hoàn trả thuế tiêu thụ đặc biệt đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết đối với một số mặt hàng cần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường.

Do đó, yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe.

BỔ SUNG THUẾ VỚI NHỮNG SẢN PHẨM CÓ HẠI CHO SỨC KHOẺ

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu của dự án luật này nhằm thực hiện chủ trương đến năm 2030, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí có hại cho sức khỏe và môi trường. Đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, luật còn hướng tới mở rộng cơ sở thu thuế; hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường; khuyến khích đầu tư, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng xe ôtô thân thiện môi trường; sửa đổi bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Theo đó, dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đưa ra bốn chính sách gồm: (i) mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp; (2) điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường; (3) sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan; (4) sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành.

 

Bộ Tài chính đề xuất giải pháp nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng...

Ở chính sách (2), Bộ Tài chính đề xuất giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng.

Cùng với đó, "tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ như thuốc lá, rượu, bia để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế", Bộ Tài chính nêu.

Giải pháp đặt ra ở chính sách (3) là bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác như Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện giao thông đường bộ - ô tô....

Cũng theo Bộ Tài chính, mặc dù mặt hàng thuốc lá, bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019; tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình sử dụng thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng.

Đồng thời, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vừa qua đối với thuốc lá, rượu và bia vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như các chủ trương, chiến lược đã đề ra.

Do đó, cần thiết phải nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng này để giảm sử dụng, nâng cao sức khỏe cộng đồng.