11:37 21/02/2024

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các công trình giao thông trọng điểm

Phan Nam

Trong quản lý, quản trị các dự án công trình giao thông trọng điểm, cần cương quyết áp dụng quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để cấp nào làm thì cấp đó phải chịu trách nhiệm; tránh tình trạng một người ký quyết định, rồi người khác chịu trách nhiệm thay…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả ngoài công trường, nhưng nhiều dự án giao thông trọng điểm vẫn bị chậm tiến độ do công tác quản lý, quản trị dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng...

Trước thực tế này, ngày 09/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

CẤP NÀO LÀM, CẤP ĐÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM

Chiều 19/2, tại Hà Nội, và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã đồng chủ trì họp Tổ công tác (lần 2) triển khai công điện trên của Thủ tướng Chính phủ. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm nhận định thời gian qua, Bộ Xây dựng rất chủ động phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan đến định mức, đơn giá nhưng vẫn còn tồn tại nhiều việc. Ví như vấn đề định mức được nhiều nhà thầu phản ánh thấp hơn so với thực tế. Nhưng thực chất thấp như thế nào, có thấp thật không… thì cần có sự đánh giá, rà soát của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý về hoạt động xây dựng chung của cả nước; Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư hoặc thực hiện chức năng chủ đầu tư. Từ đó, có điều chỉnh cho hợp lý.

 

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đưa ra, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất thành lập Tổ công tác liên Bộ, nhằm triển khai đồng bộ các chỉ đạo. Phiên họp thứ nhất đã diễn ra vào ngày 6/2/2024 (27 tết) để thống nhất thành phần, nhiệm vụ của Tổ công tác.

Tại phiên họp lần 2 này, Tổ công tác tập trung kiểm điểm, đánh giá nội dung công việc, giải pháp thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua và tham mưu, đề xuất giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cũng cho hay Luật Xây dựng đã được thay đổi, sửa đổi bổ sung và tinh thần của các luật liên quan từ giai đoạn 2020 đến nay là phân cấp, phân quyền cho chủ thể để tự chịu trách nhiệm, trong đó, có liên quan đến công việc lập định mức và công bố giá. Luật đã đổi mới để phù hợp với thực tiễn nhưng khi vận dụng thực tế lại đang rất lúng túng; thậm chí khi áp dụng các quy định của pháp luật cũng chưa được hiểu đúng và đầy đủ… dẫn đến bất cập.

“Tuy nhiên, cũng không thể vì điều này mà giảm phân cấp. Do đó, cần cương quyết áp dụng quy định tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ để cấp nào làm thì cấp đó phải chịu trách nhiệm; tránh tình trạng một người ký quyết định, rồi một người khác chịu trách nhiệm thay. Nhiệm vụ của Bộ Xây dựng không phải là làm tất cả các loại định mức mà phải phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, Bộ Xây dựng chỉ có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chứ không ban hành thay. Nếu còn mục nào chưa rõ, chưa kỹ thì phải làm sáng tỏ, các chủ thể gặp khó khăn khi thực hiện và có phản ánh thì Bộ Xây dựng sẽ có trách nhiệm phối hợp cùng hướng dẫn thực hiện”, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh.

ĐÃ RÀ SOÁT, PHÂN LOẠI 529 ĐỊNH MỨC

Chia sẻ về kết qủa thực hiện Công điện của Thủ tướng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho biết: Bộ Xây dựng đã kịp thời ban hành 3 văn bản quan trọng. Trong đó có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thực hiện nhiệm vụ về việc công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy, thiết bị thi công và chỉ số giá xây dựng theo đúng quy định của pháp luật. Điều này nhằm tránh tình trạng công bố giá không đầy đủ, không đúng thời gian, không kịp thời diễn biến của giá trên thị trường gây khó khăn cho công tác xác lập, quản lý, thực hiện hợp đồng thi công. Đồng thời, phản ánh những vướng mắc về thể chế (nếu có) để Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật…

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến đối với kết quả rà soát các định mức dự toán cần điều chỉnh, bổ sung thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và danh mục định mức chuyên ngành giao thông theo đề nghị tại văn bản  của Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, xác định rõ danh mục các định mức trùng lặp theo đề xuất của cả 2 bộ, danh mục định mức cơ bản đủ điều kiện ban hành theo thẩm quyền và định mức cần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Toàn cảnh cuộc họp triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg 
Toàn cảnh cuộc họp triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg 

Liên quan đến công tác này, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, chia sẻ:  Cục đã rà soát 529 định mức. Trong đó, có 41 định mức trùng với các định mức đã được Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng rà soát để điều chỉnh Thông tư 12; khoảng 90 định mức cần cập nhật, bổ sung phạm vi áp dụng và chuẩn xác lại thành phần công việc; 67 định mức đường sắt đề nghị sửa đổi, bổ sung trong Thông tư 12. Cùng với đó, có 121 định mức (đường bộ 68 định mức, đường hàng không 53 định mức) đã được chủ đầu tư khảo sát tại các dự án, đang hoàn thiện hồ sơ để gửi Bộ Xây dựng đề nghị ban hành, bổ sung trong đợt sửa Thông tư 12 lần này nếu kịp tiến độ. Ngoài ra, còn có 210 định mức cần tiếp tục khảo sát (gồm 64 định mức đường sắt và 146 định mức đường bộ).

“Đối với nhóm định mức nêu trên, cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để phân định khái niệm định mức chuyên ngành, định mức đặc thù chuyên ngành làm cơ sở xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ ban hành định mức đặc thù chuyên ngành”, ông Tiến đề xuất.

NẮM BẮT KỊP THỜI CÁC KHÓ KHĂN ĐỂ KỊP THỜI THÁO GỠ HIỆU QUẢ

Tại cuộc họp, đại diện hai Bộ cũng đã thống nhất về nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ tổ chức gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan những công việc: Hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 về việc ban hành định mức xây dựng trên cơ sở kết quả rà soát của Tổ công tác để trình Bộ ban hành theo thẩm quyền.

Phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thành, ban hành những định mức cần thiết cho quá trình đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia hiện nay như: các định mức về cấp phối vữa, định mức dự toán các công tác thi công cầu dây văng, định mức công tác đào đắp...; Kiểm tra công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng tại một số Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải được giao làm chủ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; Thu thập, đánh giá, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ…

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, nhà thầu và doanh nghiệp cùng với các địa phương rà soát hệ thống định mức hiện tại, đề xuất với Bộ, ngành có liên quan và gửi Tổ công tác về những định mức chưa phù hợp, định mức còn thiếu, định mức cần bổ sung trong quý 1/2024. Tổ công tác rà soát, đề xuất các cơ quan xem xét việc ban hành các định mức xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền trên nguyên tắc thực tiễn, đảm bảo trung thực, khách quan, công khai, minh bạch, phù hợp với thị trường, tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng;

Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù; gửi báo cáo về Bộ Xây dựng và tổ công tác để theo dõi, đôn đốc và có ý kiến với các cấp có thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ hiệu quả…