12:19 26/03/2024

Từ 1/7/2024, mức lương hưu có thể được cải thiện

Phúc Minh

Khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7 tới, đồng nghĩa mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng lên. Vì thế, mức lương hưu cũng có thể được cải thiện, song cách tính hiện vẫn đang áp dụng theo luật hiện hành...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, công thức tính lương hưu được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sẽ phụ thuộc vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của người lao động, và có nhân với hệ số trượt giá (hay hệ số điều chỉnh tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội) tương ứng hàng năm.

Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45%, cao nhất 75% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.

Theo Bộ Nội vụ, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ xóa bỏ mức lương cơ sở trong cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, và thay thế bằng cách tính tiền lương mới, nhưng đảm bảo không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Việc cải cách tiền lương chỉ trong khu vực công, nên khi bỏ mức lương cơ sở, sẽ chỉ thay đổi cách tính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, dẫn tới có sự điều chỉnh về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của nhóm này. Với người lao động làm việc ở khu vực doanh nghiệp, mức lương vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên việc này sẽ không ảnh hưởng tới công thức tính lương hưu của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như trên.

Hiện chưa có thông tin về cách tính mức hưởng lương hưu sau khi thực hiện cải cách tiền lương, vì thế, cách tính lương hưu có thể sẽ vẫn tiếp tục áp dụng theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Mặc dù vậy, mức hưởng lương hưu có thể thay đổi, do mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh khi tiền lương tăng.

Cùng với cải cách tiền lương, có thể tới đây cũng sẽ thay đổi cách xác định mức lương hưu tối thiểu. Luật hiện hành đang quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng/tháng, do đó, mức lương hưu thấp nhất cũng tương ứng 1,8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024, với việc bãi bỏ mức lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới, trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể, hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang dự kiến đề xuất 3 nhóm đối tượng điều chỉnh lương hưu. Nhóm một là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc, và về thời điểm nghỉ hưu trước khi cải cách hay sau khi cải cách giữa những người nghỉ hưu.

Nhóm hai là với những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, cần bù thêm để giảm phần chênh lệch lương hưu, giữa người nghỉ trước và sau thời điểm cải cách tiền lương.

Nhóm ba là với những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, dự kiến sẽ được hưởng chính sách đặc biệt để đẩy mức hưởng lương hưu lên cao hơn nữa.

Về ý kiến cho rằng với nhóm hưởng lương hưu thấp, nên chăng có mức sàn để họ không bị trả thấp hơn mức sống tối thiểu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng rất khó, thậm chí không nên, bởi mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng.

“Nếu mức đóng thấp thì mức hưởng thấp. Vấn đề mức này có đảm bảo cuộc sống hay không thì cần chính sách hỗ trợ thêm”, ông Huân nói.

Theo ông Huân, lương hưu đã quy định rõ mức đóng khác nhau thì mức hưởng khác nhau là đương nhiên, hơn nữa, mức đóng không có sàn, thì mức hưởng cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế đời sống của người về hưu, chuyên gia cho rằng cần tìm cách để tăng thêm cho họ một khoản bằng số tiền cụ thể.