11:20 03/05/2024

35% du khách Việt không coi biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng

Tường Bách

Những năm gần đây, với quan điểm phát triển bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Du lịch là một ngành hoạt động rất nhạy cảm đối với những diễn biến của thời tiết, khí hậu nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, thiên tai và như vậy ngành du lịch là ngành cũng chịu hậu quả rất lớn của sự biến đổi khí hậu. Theo thống kê của tổ chức du lịch Liên Hợp quốc, có hơn 1 tỷ người đi du lịch hàng năm và như vậy, sự vào cuộc và nhận thức của những người đi du lịch sẽ liên quan đến phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh.

Mới đây, Booking.com đã công bố Báo cáo Du lịch Bền vững 2024 năm thứ chín. Báo cáo này, dựa trên dữ liệu từ hơn 31.000 du khách đến từ 34 quốc gia và vùng lãnh thổ, phản ánh quan điểm, sự ưu tiên và tác động của du lịch bền vững đối với quyết định của người tiêu dùng. Theo nghiên cứu này, có tới 96% du khách Việt Nam khẳng định rằng du lịch bền vững đóng một vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ. Tuy nhiên, một số phát hiện mới chỉ ra rằng, du khách toàn cầu cũng đang cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.

Nghiên cứu cũng cho thấy, một phần tư (26%) người Việt nhận thức được tầm quan trọng của du lịch bền vững, tuy nhiên, họ không coi đó là yếu tố quyết định khi lập kế hoạch hay đặt vé cho chuyến đi. Bên cạnh đó, 40% du khách bày tỏ sự mệt mỏi với việc liên tục nghe về vấn đề biến đổi khí hậu gần đây. Những phát hiện này cho thấy đây là thời điểm thích hợp để kêu gọi hành động tập thể nhằm đảm bảo những tiến triển hướng đến ngành du lịch bền vững luôn là ưu tiên hàng đầu.

Du khách toàn cầu đang cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.
Du khách toàn cầu đang cảm thấy gánh nặng từ những thách thức không nhỏ mà lựa chọn du lịch bền vững mang lại.

Nhìn về tương lai, 94% du khách Việt Nam cho biết họ mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong vòng 12 tháng tới. Tuy nhiên, sự thất vọng khi đối mặt với thực tế của du lịch bền vững có thể làm lu mờ những quyết tâm tích cực của du khách trước đó. Một số yếu tố mới lần đầu tiên được đưa vào nghiên cứu trong báo cáo năm nay đã tiết lộ rằng không ít người chưa thực sự nhận thức được ảnh hưởng của các hành động cá nhân đối với môi trường và xã hội.

Gần một nửa số người được hỏi (47%) tin rằng những tổn thất môi trường đã xảy ra là không thể khắc phục, và rằng những lựa chọn du lịch cá nhân của họ không thể tạo nên sự khác biệt. Trên thực tế, 35% không tin rằng biến đổi khí hậu nghiêm trọng như những gì người ta vẫn thường nói và 41% cảm thấy không cần thiết phải ưu tiên tính bền vững trong những chuyến đi quý giá của mình.

Cảm giác bất lực cũng gia tăng khi du khách nhận ra rằng việc họ cố gắng lựa chọn những hành động bền vững tại những điểm du lịch không thực sự áp dụng các biện pháp bền vững là không mang lại kết quả, với 46% du khách tin rằng những nỗ lực cá nhân của họ trở nên vô ích trong bối cảnh đó.

Đáng chú ý, 80% khách du lịch Việt Nam cho biết họ mong muốn những điểm tham quan mình ghé thăm sẽ được cải thiện hơn sau khi họ rời đi. Trong khi đó, hơn một nửa số người tham gia khảo sát (51%) cho rằng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch đang nắm giữ những giải pháp hiệu quả cho các vấn đề môi trường. Ngành du lịch có thể đảm bảo du khách ưu tiên thói quen du lịch bền vững thông qua việc duy trì sự nhất quán trong các tiêu chuẩn và nhãn hiệu được chứng nhận.

Sự nhất quán trong các tiêu chuẩn chứng nhận là yếu tố quan trọng khi gần ba phần tư (71%) du khách đồng ý rằng tất cả các trang web du lịch nên áp dụng một hệ thống chứng nhận bền vững chung. Tuy nhiên, số lượng du khách quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về lý do vì sao nơi lưu trú được đánh dấu bền vững đã giảm 22 phần trăm (54%) so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận thông tin đơn giản và minh bạch, giúp du khách dễ dàng đưa ra quyết định bất kể ưu tiên của cá nhân họ là gì.

80% khách du lịch Việt Nam cho biết họ mong muốn những điểm tham quan mình ghé thăm sẽ được cải thiện hơn sau khi họ rời đi.
80% khách du lịch Việt Nam cho biết họ mong muốn những điểm tham quan mình ghé thăm sẽ được cải thiện hơn sau khi họ rời đi.

Có thể nói, mỗi năm, chúng ta lại thấy rõ mong muốn của du khách trong việc lựa chọn những hành trình thân thiện với môi trường. “Tuy nhiên, báo cáo năm nay ghi nhận một vấn đề mới: sự mệt mỏi dần hiện hữu trong cộng đồng du khách khi họ đối diện với những thách thức không nhỏ từ việc đưa ra lựa chọn du lịch bền vững,” ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam chia sẻ. “Mặc dù có ý kiến cho rằng những tổn thất môi trường là không thể khắc phục và những lựa chọn cá nhân không tạo ra sự khác biệt, nhưng chúng tôi tin rằng sự đồng lòng và hợp tác liên ngành có thể mang lại những thay đổi tích cực đáng kể”.

Trước đó, tại hội thảo "Du lịch quốc gia ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam", nhiều đại biểu cho rằng, muốn phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần quan tâm sức tải - sức chứa trong du lịch; năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; du lịch giảm thải carbon...

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu: "Chúng ta cần chú trọng vấn đề biến đổi khí hậu, chính sách phát triển du lịch bền vững và kinh tế tuần hoàn. Bởi du lịch bền vững là những hoạt động du lịch có mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng; thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của các thành phần tham gia du lịch…; phải gắn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường".

Muốn phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần quan tâm sức tải - sức chứa trong du lịch; năng lượng sạch và giảm thải carbon...
Muốn phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch cần quan tâm sức tải - sức chứa trong du lịch; năng lượng sạch và giảm thải carbon...

Dưới góc độ cơ sở đào tạo, ThS Hoàng Ngọc Hiển, Phó Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn Lang cho biết, muốn giải quyết các hạn chế, thách thức khi phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch Việt Nam cần đầu tư ứng dụng công nghệ số. Trong đó, cần quan tâm ứng dụng công nghệ số ngay trong các chương trình đào tạo của các trường, trong mỗi học phần liên quan đến phát triển du lịch bền vững; đồng thời, các trường cần đẩy mạnh hợp tác đào tạo ứng dụng công nghệ số trong du lịch khi liên kết với các trường quốc tế, chuyên gia hàng đầu...

Theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sắp tới, để phát triển du lịch thông minh, Việt Nam cần chú trọng đến nguồn lực nội tại, cơ sở hạ tầng chung, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực... đặc biệt là hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động du lịch.

“Ngoài ra, ngành du lịch có thể ứng dụng robot khách sạn, công nghệ nhận diện gương mặt - tối đa hóa trải nghiệm của du khách; hệ thống mở cửa thông minh, check-in trong vòng 3 giây hoặc mở cửa phòng, mua hàng và thanh toán bằng… nụ cười... Khi những ứng dụng công nghệ này được ứng dụng hiệu quả sẽ giúp ngành du lịch tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao nâng lực cạnh tranh, công tác quản lý...", ông Lê Anh Tuấn nhận định.