06:00 29/05/2023

Băn khoăn về hiệu quả giảm thuế VAT 2%

Trâm Anh

Dù còn nhiều băn khoăn nhưng 24 nghìn tỷ đồng giảm thuế VAT 2% cuối năm với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ san sẻ phần nào chi phí cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng thị trường tiêu dùng nội địa, từ đó giúp doanh nghiệp hồi sức. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là do nhiều lĩnh vực bị loại trừ nên chính sách cần rõ ràng, đừng đẩy doanh nghiệp vướng vào “ma trận” khi triển khai...

Khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế VAT.
Khi ban hành Nghị quyết số 43, Quốc hội đã cân nhắc và loại trừ một số lĩnh vực không thật sự cần thiết ra khỏi diện áp dụng giảm thuế VAT.

Theo phân tích của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2023 ngày càng khó khăn gay gắt trong bối cảnh nhiều chỉ số vĩ mô không đạt kỳ vọng. Tăng trưởng GDP quý 1/2023 chỉ 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,6% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ. Tăng trưởng chủ yếu nằm ở hai khu vực dịch vụ và nông lâm thủy sản, trong khi công nghiệp luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế lại đang suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp sa thải hoặc giãn việc số lượng lớn công nhân do bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động rất khó khăn. Thực tế này đặt ra nhiều thách thức với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 và các năm tiếp theo, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tạo đà phục hồi cho nền kinh tế.

RẮC RỐI KHI ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH GIẢM THUẾ VAT

Theo nhìn nhận của Bộ Tài chính, kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, các nước thường áp dụng các gói gồm nhiều biện pháp chính sách. Trong đó, trọng tâm vẫn là các giải pháp liên quan đến các sắc thuế nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất.

Đồng thời, không miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường (trừ thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu do là mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng rộng khắp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân), bởi các sắc thuế này chỉ thu một nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định và không mang tính phổ quát.

Tổng kết tình hình thực hiện các giải pháp hỗ trợ thời gian qua, Bộ Tài chính cho rằng một trong các giải pháp hiệu quả cao, tác động tích cực ngay tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân đó là giảm thuế VAT.

Theo tính toán của bộ này, năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 43) hỗ trợ tổng cộng khoảng 44,5 nghìn tỷ đồng. Từ đó, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm nguồn thu ngân sách.

Khi thực hiện giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 43 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, kéo theo ổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, thu thuế VAT nội địa không giảm mà tăng 10% so với cùng kỳ.

Nhìn lại một năm áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% tại doanh nghiệp, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, kế toán một công ty sản xuất giấy thừa nhận, năm 2022, thời gian đầu gặp nhiều trục trặc vì phần mềm phải cập nhật thêm mã thuế dẫn đến nên rắc rối, còn năm nay, phần mềm thông suốt nên kế toán cứ thế áp dụng.

 

Khổ nhất là những doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng, dịch vụ và những doanh nghiệp bán hàng online”, kế toán công ty nói. Đặc biệt, vào thời điểm đầu năm mới, thuế suất tự động về mức cũ 10% nhưng doanh nghiệp đã báo giá VAT 8% nên phải thương thảo lại với khách hàng.

Hơn nữa, thời điểm ban đầu cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải lập hóa đơn riêng với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm VAT khiến cùng một đơn hàng, doanh nghiệp phải chia 2 đến 3 hóa đơn, làm tăng thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn.

Tuy nhiên, bất cập này nhanh chóng được giải quyết.

Dù đặc thù kinh doanh không quá nhiều mặt hàng nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, kế toán vẫn phải dành nhiều thời gian tra soát, để mắt danh sách không áp dụng để viết hóa đơn đúng thuế suất.

Có kế toán doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí, đầu vào chủ yếu là sắt thép nên xuất hoá đơn VAT 10% nhưng tra mã ngành thì VAT lại 8%. Loay hoay không biết áp thuế suất bao nhiêu, đến khi gửi công văn tới Chi cục Thuế hỏi thuế suất là 8% hay 10% thì chỉ được trả lời chung chung là đọc kỹ và áp dụng theo nghị định.

Trong khi đó, khách hàng yêu cầu phải có công văn trả lời của cơ quan thuế mới chấp nhận mức thuế VAT 10%, điều này đẩy kế toán vào tình thế khó xoay xở.

LÀM SAO VẸN CẢ ĐÔI BỀ?

Cũng theo nhìn nhận của ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, quá trình triển khai chính sách này gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế khi xác định hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng được giảm thuế, trong khi quy định loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Bởi nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khi xác định đối tượng không được giảm thuế cần xác nhận, phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan.

Những băn khoăn trong việc triển khai chính sách này cũng được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ trong phiên họp Quốc hội tuần vừa qua. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, đầu vào của các doanh nghiệp mua từ tháng 1 - 6 là 10% nhưng từ 1/7/2023 sẽ lại áp dụng 8%, phần mềm xuất hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại theo thuế suất giảm.

Năm 2022 có nhiều trường hợp doanh nghiệp không kịp điều chỉnh phần mềm nên không xuất được hóa đơn 8% trong thời gian đầu, gây nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn về đề xuất giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm. Bởi sức mua và tiêu dùng vào giai đoạn hiện nay rất khó khăn, khác nhiều so với bối cảnh năm 2022 khi sức mua và tiêu dùng của người dân bung ra và tăng trưởng cao sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh.

Thực tế cho thấy chỉ số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng dần từ quý 1 (đạt mức 104,6% so cùng kỳ) sang quý 2 (đạt 119,5%) và đạt đỉnh điểm vào quý 3 (ở mức 141,2%), song bắt đầu giảm dần từ quý 4 xuống (chỉ còn 117,1%) ngay trong lúc vẫn đang áp dụng chính sách giảm thuế VAT.

 

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng chính sách giảm thuế VAT giai đoạn nửa cuối năm 2023 khó phát huy tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như năm 2022.

Hơn nữa, tại thời điểm cuối năm 2022, nhiều hiệp hội, địa phương đề nghị tiếp tục gia hạn Nghị quyết số 43. “Nếu giải pháp này được thực hiện ngay từ đầu tháng 1/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh. Việc Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT từ thời điểm 1/7/2023 là tương đối muộn và việc giảm thuế không thực hiện một cách liên tục nên chính sách không phát huy được nhiều tác dụng cho doanh nghiệp”, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhìn nhận.

Sự ngắt quãng trong chính sách cũng dẫn đến hạn chế và phí tổn trong quản lý, thực hiện, phức tạp trong xử lý chuyển tiếp cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Rút kinh nghiệm triển khai năm qua, giới phân tích cũng lưu ý do “ma trận” nhiều mặt hàng bị loại trừ trong danh sách giảm thuế VAT nên cơ quan chức năng cần xác định rõ ràng mặt hàng không được giảm thuế, tránh phát sinh chi phí và gây lấn cấn khi thực thi với doanh nghiệp như năm qua.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, việc giảm thuế VAT cũng giúp nhiều nhóm đối tượng hưởng lợi...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 22-2023 phát hành ngày 29-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Băn khoăn về hiệu quả giảm thuế VAT 2% - Ảnh 1