14:26 24/04/2024

CEO JPMorgan Chase không chắc kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm

Bình Minh

Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của JPMorgan Chase nói rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng “bùng nổ” nhưng cho biết ông “thuộc về phe thận trọng” khi nói về khả năng hạ cánh mềm...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ báo Financial Times, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Câu lạc bộ kinh tế New York vào ngày 23/4, ông Dimon nói tình trạng vững vàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là “không thể tin được” và đã tăng trưởng “bùng nổ được một thời gian”. Nhịp tăng trưởng này của kinh tế Mỹ được duy trì bất chấp đã từng có những dự báo cho rằng chiến dịch tăng lãi suất dồn dập để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) kể từ tháng 3/2022 sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái.

“Nền kinh tế đang ở trong một trạng thái tương đối tốt, và đến hiện tại, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất có vẻ là hạ cánh mềm. Nhưng tôi thuộc về phe thận trọng trong vấn đề này”, nhà điều hành cấp cao nhất của ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản nói.

“Câu chuyện bây giờ giống như kiểu: ‘Thị trường sẽ làm bất kỳ điều gì mà họ phải làm để khiến nhiều người tổn thương nhất’. Đây có vẻ là tiền đề cho một kịch bản như vậy xảy ra”, ông Dimon nhận định, nhắc lại một câu nói có từ thời ông mới gia nhập Phố Wall.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, vị CEO 68 tuổi cũng bày tỏ ngạc nhiên khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã không thể đẩy giá dầu lên cao hơn. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - hiện đang giao dịch ở mức khoảng 88 USD/thùng.

“Tôi có một chút ngạc nhiên khi giá dầu và khí đốt không tăng cao hơn”, ông Dimon nói, đề cập đến những rủi ro hạ tầng dầu khí bị tấn công. “Không có gì là khó để giá dầu tăng vọt lên 120 USD/thùng hoặc hơn”.

Theo nhiều nhà phân tích, giá năng lượng tăng cao hơn có thể khiến tiến trình giảm lạm phát ở Mỹ chậm lại, thậm chí có thể bị đảo ngược. Trong trường hợp như vậy, Fed sẽ phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài, có thể lâu tới mức khiến rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ tăng lên - đồng nghĩa nền kinh tế có thể hạ cánh cứng.

Chẳng hạn, các nhà kinh tế học của ngân hàng Bank of America nhận định có một “rủi ro thực sự” rằng Fed phải đến tháng 3/2025 mới bắt đầu giảm lãi suất, dù hiện tại họ cho rằng Fed sẽ có đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 12 và duy nhất một lần giảm trong năm nay. Ở thời điểm đầu năm nay, thị trường còn kỳ vong Fed sẽ có 6 lần hạ lãi suất trong cả năm.

“Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không cảm thấy thoải mái với việc khởi động chu kỳ nới lỏng vào tháng 7 hay thậm chí là tháng 9. Nói tóm lại, đây là thực tế về một Fed hành động dựa vào các dữ liệu kinh tế. Với số liệu lạm phát từ đầu năm đến nay cao hơn kỳ vọng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, nhất là khi dữ liệu về các hoạt động kinh tế Mỹ cũng còn mạnh”, nhà kinh tế Stephen Juneau của Bank of America nhận định trong một báo cáo.

Thậm chí, khả năng Fed phải tăng lãi suất thêm lần nữa cũng đang gia tăng. Theo Financial Times, thị trường quyền chọn đang phản ánh khả năng khoảng 20% Fed sẽ có một đợt tăng lãi suất trong thời gian 12 tháng tới. Khả năng này đã tăng mạnh so với mức chỉ dưới 10% ở thời điểm đầu năm.

Phát biểu hồi tháng 3, ông Dimon cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, nhưng kêu gọi Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức hiện tại để kiểm soát lạm phát.

“Thế giới đang nghĩ kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh mềm, với khả năng xảy ra kịch bản như vậy khoảng 70-80%. Tôi cho rằng khả năng hạ cánh mềm trong thời gian 1-2 năm tới chỉ khoảng một nửa mức như vậy. Trường hợp tồi tệ nhất là nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng trì trệ kết hợp với lạm phát cao (stagflation)”, ông Dimon nói tại một sự kiện ở Sydney.