09:06 01/05/2024

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng “đỏ lửa” vì mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn

Bình Minh

Với phiên giảm này, cả ba thước đo chính của chứng khoán Mỹ cùng khép lại một tháng 4 nhiều mất mát...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (30/4), hoàn tất một tháng giảm sâu, sau khi số liệu tiền lương mới nhất làm dấy lên mối lo ngại về sự dai dẳng của lạm phát ngay trước thềm quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư. Giá dầu thô cũng lao dốc vì khả năng lãi suất sẽ duy trì cao hơn lâu hơn, thậm chí có thể tăng thêm.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 trượt 1,57%, còn 5.035,69 điểm. Chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 570,17 điểm, tương đương giảm 1,49%, còn 37.815,92 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 2,04%, còn 15.657,82 điểm.

Với phiên giảm này, cả ba thước đo chính của chứng khoán Mỹ cùng khép lại một tháng 4 nhiều mất mát. Dow Jones mất 5% điểm số, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. S&P 500 sụt 4,2%, trong khi Nasdaq trượt 4,4%. Đồng thời, cả ba chỉ số cùng chấm dứt 3 tháng giảm liên tiếp.

Một báo cáo ngày thứ Ba của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số chi phí nhân công - một thước đo tiền lương và chế độ của người lao động - tăng 1,2% trong quý 1, cao hơn mức dự báo tăng 1% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tiền lương tăng mạnh đồng nghĩa áp lực lạm phát còn lớn, dẫn tới khả năng Fed trì hoãn việc giảm lãi suất, thậm chí có thể tăng lãi suất thêm lần nữa.

Phản ánh mối lo lãi suất như vậy, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi số liệu trên được công bố. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vượt ngưỡng chủ chốt 5%.

Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ 2 ngày vào ngày thứ Ba và dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố vào buổi chiều ngày thứ Tư theo giờ địa phương. Theo dự báo, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ phát tín hiệu chưa sẵn sàng cho việc giảm lãi suất, do các dữ liệu lạm phát và tiền lương gần đây tiếp tục cho thấy áp lực giá cả còn lớn.

Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Tom Fitzpatrick, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của công ty R.J. O’Brien and Associates, nói rằng số liệu chi phí nhân công “không phải là một con số có thể khiến Fed thay đổi lập trường ‘không vội giảm lãi suất’”.

Dù giảm mạnh trong tháng 4, S&P 500 hiện vẫn tăng hơn 20% so với mức đáy thiết lập vào tháng 10 năm ngoái, vì nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể chống chọi được với lãi suất cao và đặt cược vào cổ phiếu trí tuệ nhân tạo như Nvidia. Các báo cáo kinh tế công bố trong tháng 4 đã làm dấy lên câu hỏi liệu lạm phát “cứng đầu” có thể khiến nền kinh tế yếu đi và buộc Fed phải duy trì chính sách tiền tệ thắng chặt hay không. Nếu tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 vẫn tăng 8%.

“Nhìn vào mức độ và phạm vi của đợt tăng kể từ mức đáy vào tháng 10, tiếp đó nhìn vào sự dai dẳng của lạm phát… sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu thị trường sẽ còn trầy trật trong một thời gian nữa”, chiến lược gia trưởng Dan Greenhause của công ty quản lý tài sản Solus Alternative Asset Management nhận định với CNBC.

Cổ phiếu công nghệ thường là nhóm “chịu trận” nhiều nhất mỗi khi mối lo lãi suất tăng cao. Phiên ngày thứ Ba chứng kiến cổ phiếu Nvidia giảm 1,5%, hoàn tất tháng 4 với mức giảm 4%.

Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,7 USD/thùng, tương đương giảm 0,85%, còn 81,93 USD/thùng.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,53 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 87,87 USD/thùng.

Dù vậy, nếu tính từ đầu năm, giá mỗi loại dầu vẫn tăng khoảng 14%.

Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group, giá dầu đang đương đầu áp lực giảm từ khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm lần nữa. Ngoài ra, dấu hiệu giảm tốc của kinh tế Mỹ cũng không có lợi cho giá dầu.

Số liệu công bố ngày thứ Ba còn cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 và chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất khu vực Chicago giảm còn 37,9 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

“Một môi trường kinh tế giảm tốc kết hợp với lạm phát cao (stagflationary) đang hình thành. Thị trường đang phả ánh nỗi lo rằng Fed sẽ cứng rắn hơn nữa”, ông Flynn nói. Còn theo Chủ tịch Andy Lipow của công ty Lipow Oil Associates, lãi suất cao hơn lâu hơn có thể đẩy tỷ giá đồng USD tăng so với các đồng tiền khác, gia tăng thêm sức ép lên giá dầu.

Giá dầu chốt phiên trong trạng thái giảm dù đã tăng vào đầu phiên giao dịch sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dập tắt những tia hy vọng về một thoả thuận trao đổi con tin - thoả thuận có thể ngăn chặn một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở miền Nam dải Gaza.

Sau quyết định của Fed vào ngày thứ Tư, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư trong thời gian còn lại của tuần này sẽ hướng tới báo cáo việc làm tháng 4 đến từ Bộ Lao động Mỹ vào ngày thứ Sáu.