12:43 03/05/2024

Olympic Paris 2024: Cơ hội cho đồ uống không cồn?

Băng Hảo

Olympic Paris diễn ra vào tháng 7 tới tại Pháp không chỉ là sự kiện thể thao được chờ đợi nhất trong năm 2024 mà rất có thể sẽ trở thành nơi khởi nguồn của một cuộc cách mạng đồ uống trên toàn thế giới…

Ảnh: SevenFifty Daily
Ảnh: SevenFifty Daily

Trên thị trường châu Âu, từ sau đại dịch Covid-19 ngày càng có thêm nhiều loại bia hay đồ uống  không cồn. Vẫn là những nhãn hiệu quen thuộc, hình dáng lon bia, chai cocktail như cũ nhưng người tiêu dùng khi uống vào không say, không đỏ mặt, không sợ cảnh sát đo nồng độ cồn bởi hàm lượng cồn là 0, hoặc nhiều nhất là 0,5 độ.

Đặc biệt, theo tờ The Business Times, hãng bia lớn nhất thế giới AB InBev (liên doanh Bỉ-Brazil) mới đây đã ký kết thỏa thuận để trở thành nhà tài trợ cho Olympic Paris 2024. Nhờ đó, loại bia chính thức của Thế vận hội năm nay sẽ là bia không cồn Corona Cero do hãng AB InBev sản xuất. Điều đó cũng đồng nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, tại Thế vận hội Paris 2024, khán giả có thể vừa nhâm nhi bia vừa theo dõi những màn tranh tài hấp dẫn trên sân đấu.

Trước đó, ngày 12/1, AB InBev công bố giành được quyền tài trợ cho 3 kỳ Thế vận hội Olympic sắp tới. Đây là doanh nghiệp bia đầu tiên đạt được thoả thuận tài trợ cấp đối tác toàn cầu (global partner sponsor) của Olympic – điều được chính AB InBev mô tả là “một bước thay đổi đối với ngành đồ uống”. Theo Marketing Week, chương trình Đối tác Thế vận hội (The Olympics Partners) là chương trình tài trợ Thế vận hội cấp cao nhất, trong đó, AB InBev sẽ tham gia tài trợ cùng Coca-Cola, Visa và P&G.

Loại bia chính thức của Thế vận hội năm nay sẽ là bia không cồn Corona Cero do hãng AB InBev sản xuất.
Loại bia chính thức của Thế vận hội năm nay sẽ là bia không cồn Corona Cero do hãng AB InBev sản xuất.

Theo thoả thuận, Corona Cero sẽ trở thành nhà tài trợ bia chính thức của Olympic cho đến năm 2028. Như vậy, thoả thuận hợp tác sẽ kéo dài 3 kỳ, bao gồm Thế vận hội mùa hè sắp tới ở Paris, Thế vận hội mùa đông Milan 2026 và Thế vận hội mùa hè LA 2028. Ông Marcel Marcondes, CMO của AB InBev, cho biết thông qua mối quan hệ hợp tác này, công ty kỳ vọng Corona Cero sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của bia không cồn, đồng thời nêu bật thông điệp tiêu thụ bia điều độ và có trách nhiệm.

Quan trọng hơn, động thái mang tính đột phá nói trên được coi là tín hiệu mới nhất cho thấy thị trường bia không cồn đang bùng nổ trên thế giới. “Tất cả nhà sản xuất bia đang hướng tới đồ uống không cồn hoặc ít cồn. Cách đây 20 hoặc 30 năm, người ta chủ yếu tăng hàm lượng cồn, nhưng giờ thì chúng ta đang đảo ngược xu hướng và hàm lượng cồn đang giảm dần”, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất bia của Bỉ Krishan Maudgal, nói với hãng tin AFP. Mặc dù chưa tiết lộ về số tiền đầu tư hay mục tiêu bán hàng nhưng dự kiến năm nay, AB InBev sẽ tăng gấp đôi sản lượng bia Corona Cero tại nhà máy của hãng này ở Bỉ so với năm ngoái.

Thực tế, nhu cầu về tiêu thụ bia không cồn tăng trên toàn cầu, khi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, quan tâm đến sức khỏe nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị của bia. Theo tờ South China Morning Post, doanh số các loại bia không cồn đã tăng 90% trong hơn 10 năm qua. Năm 2022, tổng giá trị thị trường bia rượu không cồn đã vượt mốc 11 tỉ USD. Dẫu thị phần rượu và cocktail không cồn chiếm vị trí khiêm tốn hơn, một số doanh nghiệp đã bắt đầu hòa nhập vào “văn hóa đồ uống không cồn” bằng công nghệ hiện đại.    

Trên thực tế, công nghệ tách cồn hiện đã được hoàn thiện. Tờ Politiken tại Đan Mạch cho biết, người ta đã làm thí nghiệm mang bia từ 0 - 0,5 độ cồn ra mời những người sành bia, nhưng không nói đó là bia không cồn, đa số người uống đều khen ngon và không nhận thấy sự khác biệt so với bia truyền thống. Doanh số bia không cồn tại Đan Mạch đã tăng 31,6% trong một năm và tăng gấp 4 lần so với cách đây 5 năm.

Động thái mang tính đột phá nói trên được coi là tín hiệu mới nhất cho thấy thị trường bia không cồn đang bùng nổ trên thế giới.
Động thái mang tính đột phá nói trên được coi là tín hiệu mới nhất cho thấy thị trường bia không cồn đang bùng nổ trên thế giới.

Vừa đại diện cho ngành sản xuất thức uống thủ công giàu truyền thống vừa hấp dẫn người tiêu dùng hiện đại với lợi ích sức khỏe rõ rệt, xu thế hạ thấp triệt để độ cồn trong thị trường đồ uống hứa hẹn đó không chỉ là một trào lưu nhất thời. The Business Times cho biết thêm, xu hướng chuyển sang đồ uống không cồn hoặc ít cồn diễn ra ngay cả ở Bỉ, nơi ra đời của những thương hiệu bia danh tiếng và có văn hóa bia đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể.

Ông Maudgal tiết lộ, trong vòng 20 năm qua, mức tiêu thụ bia ở Bỉ đã giảm tới 40%, bởi người ta ngày càng uống bia rượu một cách “có trách nhiệm hơn”. Tương tự, ông Andres Penate, Phó chủ tịch của hãng AB InBev cũng nói rằng giờ đây người tiêu dùng ở khắp mọi nơi có xu hướng coi trọng sức khỏe và sự điều độ. Thay vì uống nhiều như trước đây, họ chuyển sang uống ít đi và uống những sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Cũng chính vì vậy, để thích nghi với sự thay đổi của thị trường cũng như thói quen của người tiêu dùng, các nhà sản xuất bia đang hướng tới việc phát triển những loại đồ uống không cồn.

Thị trường đồ uống không cồn hoặc ít cồn trên toàn thế giới hiện được định giá hơn 13 tỷ USD, trong đó riêng thị trường châu Âu trị giá 3 tỷ USD. Doanh số bán các sản phẩm đồ uống không cồn ở khu vực châu Âu cũng đang tiếp tục tăng, dẫn đầu là Tây Ban Nha và Đức. Trong khi đó, tại Pháp, khoảng 5 - 10 năm qua, người tiêu dùng ở nước này đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới bia không cồn và thậm chí hiện đã trở thành xu hướng cơ bản.

Ngoài đồ uống "xanh", theo Reuters, các vận động viên tham gia tranh tài tại Olympic Paris 2024 sẽ sử dụng các thực phẩm tươi sống chủ yếu sản xuất tại Pháp. “Gã khổng lồ” siêu thị Carrefour của Pháp mới đây đã tổ chức một chuyến thăm tới trang trại Vaulerand ở phía Bắc Paris nhằm giới thiệu về chiến lược thực hiện vai trò là nhà cung cấp sản phẩm tươi sống chính thức cho các vận động viên tại Làng Olympic.

Ít nhất 60% món ăn được bán cho khán giả đến xem các trận tranh tài ở Olympic Paris 2024 sẽ là món chay.
Ít nhất 60% món ăn được bán cho khán giả đến xem các trận tranh tài ở Olympic Paris 2024 sẽ là món chay.

Reuters cho biết, 600 tấn sản phẩm tươi sống do Carrefour cung cấp sẽ được sử dụng để nấu khoảng 40.000 bữa ăn mỗi ngày cho 15.000 vận động viên tại Làng Olympic. Theo “Tầm nhìn thực phẩm” Olympic Paris 2024, 25% thực phẩm cung cấp cho các vận động viên phải được sản xuất cách địa điểm thi đấu dưới 250km để giảm lượng khí thải carbon từ quá trình vận chuyển. Các sản phẩm của Pháp được ưu tiên, với mục tiêu 80% thực phẩm cung cấp cho Olympic Paris 2024 được sản xuất tại đất nước hình lục lăng.

Ban tổ chức Olympic Paris 2024 cũng đặt mục tiêu ít nhất 60% món ăn được bán cho khán giả đến xem các trận tranh tài ở Olympic Paris 2024 sẽ là món chay, riêng tại các sân vận động tổ chức những trận đấu bóng đá thì các món chay sẽ chiếm 40%. “Cho dù là ở Marseille hay Ile-de-France, ban tổ chức sẽ đưa nhiều sản phẩm địa phương hơn vào bữa ăn, vừa giúp ăn ngon miệng, vừa thúc đẩy mục tiêu giảm lượng khí thải carbon”, Reuters dẫn lời ông Tony Estanguet, Trưởng ban tổ chức Olympic Paris 2024.