Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác lập. Ở góc độ cơ quan quản lý, để tạo nên những kết quả này, đâu là những nhân tố chính, thưa ông?
Trong năm 2021, mặc dù Việt Nam liên tục phải ứng phó với dịch Covid-19, nhưng với những chính sách quyết liệt, kịp thời của bộ máy chính quyền, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới. Chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, tính đến ngày 22/12/2021, chỉ số VNIndex đạt 1.477,67 điểm, tăng 33,9% so với cuối năm 2020 và được đánh giá là một trong những chỉ số chứng khoán tăng trưởng cao nhất thế giới. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tăng 250% so với năm 2020, ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 2,3 tỷ USD, xếp thứ 2 trong Đông Nam Á. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới trong năm 2021 đạt hơn 1,3 triệu tài khoản, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020. Trong đó số tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn. Cùng với đó là giá trị giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn.
Các kết quả này cho thấy, chứng khoán là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước, TTCK là một kênh đầu tư, huy động vốn hấp dẫn bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Sự tăng trưởng của TTCK được hỗ trợ từ nhiều yếu tố.
Thứ nhất, TTCK kỳ vọng vào tương lai ngắn hạn tại năm 2021 khác so với năm 2020. Mặc dù đại dịch bùng phát mạnh mẽ hơn song dự báo tăng trưởng các nước trên thế giới vẫn cao, do niềm tin vào vaccine và khả năng khống chế dịch của các quốc gia. Bên cạnh đó, sự hồi phục của các “đầu tàu” kinh tế (như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…) là các đối tác lớn của Việt Nam.
Thứ hai, chính sách điều hành vĩ mô với các giải pháp hỗ trợ kinh tế kịp thời của Chính phủ đã tác động tích cực đến TTCK. Bên cạnh đó là việc tăng cường độ phủ vaccine, khả năng thích ứng với dịch bệnh khi mở cửa trở lại và sự phục hồi các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Thứ ba, sự dịch chuyển dòng vốn đầu từ các kênh đầu tư truyền thống sang kênh đầu tư chứng khoán do các kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn hơn từ đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành, xây dựng pháp luật và tái cấu trúc TTCK thời gian qua cũng đóng góp tích cực vào sự phát triển mạnh mẽ của TTCK. Theo đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai kịp thời và đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của TTCK và ngày càng củng cố khung pháp luật về chứng khoán, từ đó góp phần tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi.
Đồng thời, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống giao dịch và bù trừ, thanh toán trên TTCK đã được hệ thống lại cho phép rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao thanh khoản thị trường. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách miễn giảm phí, lệ phí, giá dịch vụ trên TTCK để hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong năm 2022, mục tiêu và nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đặt ra là TTCK Việt Nam cũng sẽ chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành 1 trong 4 thị trường lớn khu vực ASEAN. Bộ Tài chính có những giải pháp cụ thể nào?
Ngành chứng khoán Việt Nam vừa kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển. Nếu so với bề dày lịch sử hàng trăm năm của TTCK quốc tế, ngành chứng khoán của chúng ta vẫn còn tương đối non trẻ. Tăng cường hợp tác và mở cửa hội nhập quốc tế chính là một trong những yêu cầu bắt buộc để TTCK có thể phát triển và khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thị trường vốn quốc tế và khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế quốc tế, cũng như sự xuất hiện và cải tiến nhanh chóng của các công nghệ tài chính khiến thị trường tài chính quốc tế phát triển với tốc độ vượt bậc như hiện nay, hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế càng trở nên quan trọng để đảm bảo chúng ta có thể bắt kịp sự phát triển của TTCK thế giới.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, trong những năm qua, ngành chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong tiến trình hội nhập, nhờ đó, hình ảnh của TTCK Việt Nam hiện diện ngày một rõ nét hơn trên bản đồ chứng khoán thế giới. Đối với thị trường vốn khu vực, Việt Nam có mức độ mở cửa TTCK ở mức cao so với một số nước ASEAN. Đồng thời, chúng ta cũng là một trong các thành viên tích cực của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN, tham gia sâu rộng trong các sáng kiến tăng cường hợp tác và hội nhập thị trường vốn, góp phần vào thực hiện mục tiêu chung là xây dựng thị trường vốn khu vực kết nối, linh hoạt và phát triển bền vững.
Hiện tại, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, trong đó xác định một trong các chiến lược quan trọng là chủ động hội nhập với TTCK thế giới với mục tiêu trở thành một trong bốn TTCK lớn của khu vực ASEAN. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc nâng tầm vị thế TTCK Việt Nam, đòi hỏi một hệ thống các giải pháp mang tính chiến lược và đồng bộ của cơ quan xây dựng chính sách và quản lý thị trường. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung vào một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện mở cửa và hội nhập TTCK, liên kết với các thị trường khu vực và thế giới phù hợp với các cam kết, nguyên tắc, chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; xây dựng chính sách hội nhập hiệu quả, nhất quán; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, kịp thời điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình này.
Hai là, mở cửa và hội nhập TTCK hướng tới xây dựng TTCK xanh và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của nền kinh tế. Chủ động ứng dụng thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực chứng khoán, hướng tới xây dựng nền tài chính số trong lĩnh vực chứng khoán.
Ba là, tiếp cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế cơ bản trong các lĩnh vực quan trọng mang tính nền tảng như: thông lệ giao dịch, những chuẩn mực về quản lý, các tiêu chuẩn trong kế toán kiểm toán, báo cáo tài chính, công bố thông tin, quản trị công ty tại các trung gian thị trường, chuẩn mực giám sát thị trường, chuẩn mực kế toán, trách nhiệm giải trình.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quản lý nhằm tăng cường thu hút và khai thác nguồn vốn nước ngoài hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp vừa để tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của thị trường cũng như để giúp hiện thực hóa tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam, nâng cao chất lượng và độ tín nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Năm là, nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động về liên kết thị trường, hạ tầng kỹ thuật về giao dịch, lưu ký, bù trừ và thanh toán để thúc đẩy mức độ hội nhập và liên kết sâu hơn giữa TTCK Việt Nam và các thị trường quốc tế. Đây cũng là những tiêu chí chủ chốt trong việc xem xét nâng hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng thị trường MSCI và FTSE.
Sáu là, tập trung triển khai hiệu quả các hiệp định cam kết quốc tế đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Đẩy mạnh nội luật hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực của khu vực và quốc tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, pháp lý cho quá trình hội nhập TTCK quốc tế, trước hết là hoàn thiện các quy định và tiêu chuẩn trên TTCK phù hợp với tiêu chuẩn nội khối ASEAN và liên kết vào các TTCK khu vực ASEAN.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào những giải pháp gì để thị trường tiếp tục có sự phát triển bền vững?
Mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 được đánh giá sẽ tiếp tục đà hồi phục, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do diễn biến đại dịch Covid-19 còn phức tạp; căng thẳng thương mại toàn cầu, gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài. Trong bối cảnh đó, để TTCK tiếp tục phát triển, trong năm 2022, Bộ Tài chính đặt ra 4 mục tiêu trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành xây dựng đề án Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Thứ hai, hoàn thiện mô hình tổ chức thị trường và mô hình bù trừ thanh toán theo hướng hiệu quả, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế: thực hiện phân định các thị trường giao dịch chứng khoán theo lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch; sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX và triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán, lập lại kỷ cương, kỷ luật của thị trường để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch; Tiếp tục tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK.
Thứ tư, chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, tăng sức cạnh tranh và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa TTCK Việt Nam với các thị trường trong khu vực và trên thế giới; triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng frontier market lên hạng emerging market trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE.
VnEconomy 04/02/2022 06:00
06:00 04/02/2022