Kể từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong 27 năm qua đã từng bước đưa quan hệ giữa hai nước từ chỗ gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ, phát triển theo chiều rộng và tới nay là đi vào chiều sâu với việc làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
Đã có rất nhiều dấu mốc đáng ghi nhớ trong chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên. Đáng kể như:
Tháng 11/2000, Tổng thống Hoa Kỳ William J. Clinton có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ông là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Năm năm sau, tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam có chuyến thăm Hoa Kỳ sau 30 năm kết thúc chiến tranh, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hóa.
Tiếp đến, vào các năm 2005, 2006, 2007, 2008 và 2013, các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục có các chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác và định hình khuôn khổ quan hệ song phương cho giai đoạn mới.
Đặc biệt, vào tháng 7/2015, nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Sau cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai bên đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ với việc trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa lãnh đạo hai bên trong các vấn đề trước đây được coi là nhạy cảm.
Tháng 5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam với dấu ấn quan trọng là tuyên bố Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Đến năm 2017, chỉ trong vòng 6 tháng, lãnh đạo hai nước đã có chuyến thăm chính thức lẫn nhau (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 5/2017 và Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 từ ngày 11 đến 12/11).
Tiếp đến, vào tháng 2/2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Và trong năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 và có một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, còn có các cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh (tháng 10/2021)…
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì các cơ chế đối thoại dưới hình thức trực tuyến và linh hoạt duy trì các trao đổi lẫn nhau thông qua hình thức viết thư và điện đàm.
Cùng với hợp tác chính trị, hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua cũng có sự tăng vọt trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019; 90,8 tỷ USD năm 2020 và hơn 111,56 tỷ USD năm 2021. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ là tính bổ trợ cho nhau.
Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…
Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.
Về đầu tư, Việt Nam hiện là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng của Hoa Kỳ.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: tính đến tháng 2/2022, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD với 1.145 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 11/140 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.
Tính theo địa phương, các dự án của Hoa Kỳ tập trung chủ yếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu với vốn đầu tư 4,61 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là TP.HCM (12,2% tổng vốn đầu tư), Bình Dương (9%) và Đà Nẵng (7,1%)…
Tính theo ngành và lĩnh vực, các nhà đầu tư Hoa Kỳ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống (43,1%), công nghiệp chế biến, chế tạo (32%), xử lý chất thải, vận tải kho bãi lần lượt chiếm 5,1% và 3,9% tổng vốn đầu tư…
Mặc dù đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, song các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam, như: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang…
Ngoài ra, phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Mới đây, ngày 29/3/2022, Tập đoàn Vinfast cũng đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina (Hoa Kỳ).
Về triển vọng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là những lợi ích chung mà hai nước cùng chia sẻ trong hợp tác song phương, thúc đẩy hợp tác khu vực và nỗ lực đóng góp cho các vấn đề chung của thế giới.
“Vì vậy, Việt Nam mong muốn cùng Hoa Kỳ đưa hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững không chỉ trên bình diện song phương, mà cả trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ, quan hệ đối tác Mê Công – Hoa Kỳ và các khuôn khổ hợp tác khu vực khác, cùng đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới như phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội sau đại dịch, thích ứng biến đổi khí hậu...”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
VnEconomy 19/05/2022 08:00
08:00 19/05/2022