“Ở Mỹ có một câu thành ngữ là “tin tưởng thì tốt nhưng kiểm soát còn tốt hơn nữa” (Trust is Good but control is better). Điều này rất đúng khi nói về thị trường tài chính.
Quay trở lại với hiện tượng đăng ký vốn khống, nâng vốn ảo… xảy ra trên thị trường Việt Nam thời gian qua, nếu các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng không có động thái kiểm định mà chỉ tin vào báo cáo của doanh nghiệp thì đó là sơ hở, thiếu sót lớn. Theo quy định pháp luật ở Việt Nam, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước không có trách nhiệm kiểm định vốn điều lệ của doanh nghiệp, nhưng lại là nơi xem xét hồ sơ, qua đó chấp thuận cho các doanh nghiệp lên sàn. Ví dụ với ROS, vốn lên đến 4.300 tỷ đồng thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phải có thêm động tác là yêu cầu công ty kiểm toán xác nhận vốn điều lệ. Vốn như thế là rất lớn, lớn hơn vốn điều lệ của khoảng 7 – 8 ngân hàng hiện nay. Có những ngân hàng vốn chỉ có 3.000 tỷ đồng thôi mà doanh nghiệp như Faros đăng ký vốn 4.300 tỷ đồng thì rất bất thường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan quản lý các doanh nghiệp niêm yết, họ phải có bổn phận kiểm chứng những thông tin của một báo cáo tài chính được kiểm toán.
FLC Faros tăng vốn ảo bằng cách bỏ tiền vào sau đó rút ra hàng chục lần, tạo thành một dòng tiền vào lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng thực ra lại không có tiền trong tài khoản. Nếu tôi là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tôi chỉ cần có động thái hết sức đơn giản là yêu cầu doanh nghiệp cho tôi xem tài khoản, xem công ty đó đang giữ tiền của các nhà đầu tư trong tài khoản thế nào?
Tôi cũng không hiểu cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm phải kiểm soát vốn điều lệ?
Vốn điều lệ phải thể hiện trên tài khoản ngân hàng, trừ trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản rồi tính ra tiền. Trong trường hợp đó cũng phải cung cấp bằng chứng về tài sản. Kiểm toán việc đó quá dễ.
Các công ty kiểm toán có trách nhiệm không nhỏ trong việc này nếu đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, khẳng định doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định về chế độ kế toán ở Việt Nam… và không đưa ra ý kiến ngoại trừ… Các cổ đông có quyền đưa họ ra toà… Các cơ quan quản lý có quyền điều tra các công ty kiểm toán đó.
Tôi đánh giá việc giám sát chất lượng kiểm toán ở Việt Nam hiện nay chưa tốt. Vừa rồi tôi xem một báo cáo tài chính năm 2020 của một doanh nghiệp bất động sản, được kiểm toán bởi 1 trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2021, công ty này đổi đơn vị kiểm toán sang một công ty kiểm toán khác lớn hơn công ty kiểm toán năm 2020.
Tôi so sánh bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh cuối năm 2020 của công ty kiểm toán cũ và công ty mới thì thấy rằng số liệu năm 2020 của công ty kiểm toán mới chênh lệch so với công ty cũ. Thế mà trong lời bình của công ty kiểm toán mới, họ lại chấp nhận kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán cũ. Chấp nhận nhưng sau khi kiểm toán, số liệu của họ lại khác đơn vị trước, như thế là bất nhất.
Vì vậy, không nên tin tưởng 100% vào kết quả kiểm toán. Các đối tác của doanh nghiệp, những cơ quan nhà nước sử dụng báo cáo tài chính kiểm toán như thuế, ngân hàng… nên thận trọng khi đọc báo cáo kiểm toán chứ không chủ quan khi thấy doanh nghiệp được kiểm toán dù đó là Big 4”.
“Một tập đoàn bất động sản thường có rất nhiều công ty con. Thậm chí họ còn thành lập công ty chỉ để phục vụ cho một dự án nhỏ hoặc để tiện cho việc huy động vốn. Sau khi dự án hoàn thành thì công ty con đó cũng cho vào quên lãng.
Nguyên nhân của sự việc này chủ yếu do cơ chế thành lập doanh nghiệp khá dễ vì Chính phủ mong muốn đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp con chỉ phục vụ cho mục đích tốt thì không có gì để nói. Tuy nhiên, những vụ việc vừa qua trên thị trường chứng khoán đã cho thấy các doanh nghiệp con đều trở thành công cụ cho hành vi phạm pháp. Điển hình như ở vụ việc Tân Hoàng Minh, các công ty phát hành trái phiếu đều là công ty con.
Hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất nhanh nhưng quản lý thị trường này chỉ là một bộ phận hẹp trong Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đây là điều rất đáng trách, bởi họ không đủ nhân lực, sức lực để đi kiểm tra tất cả đấy công ty muốn phát hành trái phiếu. Trong khi, như đã nói, để phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản sẽ sinh ra hàng loạt công ty con để chia nhỏ khối lượng phát hành.
Cũng vì chưa có cơ quan quản lý cụ thể, đến lúc thị trường xảy ra rủi ro thì xuất hiện sự can thiệp rất thô bạo. Cứ mỗi lần như vậy thị trường gặp rất nhiều rủi ro. Thực tế, kể từ vụ Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chùng hẳn xuống, hiếm lắm mới có doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công.
Do đó, muốn phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước mắt phải phục hồi niềm tin của nhà đầu tư bằng cách vận động các ngân hàng thương mại tăng phát hành. Bởi việc phát hành trái phiếu của ngành ngân hàng thuận lợi hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác.
Còn xa hơn, rất cần phải có một cơ quan quản lý chuyên biệt, có thế thị trường mới phát triển bền vững”.
“Ngay từ ban đầu, công ty con được một số tập đoàn sinh ra với mục đích là công cụ vi phạm pháp luật. Để nhận biết các công ty này tương đối khó nhưng cũng không phải không có cách.
Theo tôi, có khoảng ba phương pháp đơn giản nhất để nhà đầu tư có thể tìm hiểu tình hình doanh nghiệp.
Thứ nhất, lãi suất phát hành của các doanh nghiệp này cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Do đó, nhà đầu tư phải thông thái, đừng nhìn lợi ích mà bị che mờ mắt.
Thứ hai, phải lên mạng tìm kiếm thông tin. Doanh nghiệp nào càng dày thông tin, càng có lịch sử hoạt động lâu đời thì sẽ có độ tin cậy cao hơn. Trái lại, phải luôn nghi vấn với các doanh nghiệp vừa thành lập.
Thứ ba, nếu quen biết những người thông thạo thị trường thì ít nhiều họ đều biết hoặc nghe tới các doanh nghiệp này. Bởi, khi doanh nghiệp mẹ bắt đầu vẽ mô hình công ty con thì lập tức thị trường đã đặt dấu hỏi lớn.
Tuy nhiên, ở phương thức thứ ba thì lại phát sinh rủi ro khác. Nếu người quen bình thường thì tốt. Nhưng nếu người quen đồng thời là môi giới (cò) thì phải cẩn thận.
Theo tôi, có 2 thị trường rất cần “cò”, đó là tài chính và bất động sản. Lý do là 2 thị trường này có sự bất đối xứng thông tin lớn nhất, và “cò” chính là yếu tố để ổn định lại sự bất đối xứng thông tin đó. Thế nhưng, đôi khi chính “cò” lại khiến sự bất đối xứng thông tin nặng nề hơn. Họ ăn tiền cả hai bên, nên thông tin đưa ra bị sai lệch để hợp đồng được ký kết.
Thực tế, hoạt động bảo hiểm, đầu tư tài chính, góp vốn mua bất động sản, mua trái phiếu… đều có những tập hợp đồng dày cộp liên quan đến pháp lý, nghĩa vụ hai bên… Để nhà đầu tư đọc được hết chỗ giấy tờ đó thì rất khó. Kể cả đọc hết cũng không tìm ra được điều bất lợi. Do đó, chỉ cần “cò” nói tốt thì nhà đầu tư tin là tốt. Trong khi, sự tốt hay xấu lại phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của “cò””.
“Kiểm toán viên cũng giữ vai trò quan trọng và lớn lao để đảm bảo tính đúng đắn và trung thực của báo cáo tài chính tại doanh nghiệp.
Công việc chính của kiểm toán viên bao gồm (i) kiểm tra tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính do nhân sự kế toán lập; (ii) đưa ra ý kiến kiểm toán về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin chính xác nhất cho các đối tượng sử dụng báo cáo đó như cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng… về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Qua đó, kiểm toán viên góp phần làm tăng tính lành mạnh của hệ thống tài chính, hướng dẫn nghiệp vụ cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và góp phần xây dựng niềm tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho các bên liên quan
Tuy nhiên, trong thực tế, kiểm toán viên gặp rất nhiều khó khăn trong công việc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Thứ nhất, công việc của kiểm toán viên yêu cầu rất khắt khe về tính độc lập, tư chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ và hiểu biết về pháp luật liên quan trong lĩnh vực tài chính và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp được kiểm toán.
Tuy nhiên, kiểm toán viên gặp phải không ít những khó khăn khi kiểm tra số liệu báo cáo tài chính, đặc biệt là báo cáo tài chính bị “xào nấu”, không đầy đủ bằng chứng kiểm toán để đưa ra ý kiến kiểm toán.
Bên cạnh đó, cũng xin lưu ý là khách hàng sử dụng dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính thông thường chính là doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp cũng là đối tượng tạo áp lực cho kiểm toán viên khi đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của doanh nghiệp, qua đó nhiều trường hợp làm ảnh hưởng đến tính độc lập và tư chất đạo đức của kiểm toán viên.
Thứ hai, áp lực về thời gian và khối lượng công việc của kiểm toán viên rất lớn, do kiểm toán là công việc theo mùa vụ và khối lượng công việc bị “đổ dồn” vào một hoặc một số thời điểm nhất định trong năm chứ không dàn trải cả năm.
Chẳng hạn, kiểm toán báo cáo tài chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính để kịp thời hạn nộp báo cáo kiểm toán cho cơ quan thuế theo quy định”.
“Báo cáo tài chính sai lệch là một trong những rủi ro nghiêm trọng với doanh nghiệp niêm yết, trên phương diện tuân thủ quy định pháp luật và minh bạch thông tin. Nếu doanh nghiệp cố tình cung cấp thông tin sai lệch, lừa gạt công chúng sẽ khiến bản thân doanh nghiệp mất danh tiếng và thậm chí chịu ảnh hưởng trên thị trường chứng khoán, kéo giá cổ phiếu lao dốc, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ngay cả kiểm toán độc lập nếu làm không đúng các chuẩn mực, hướng dẫn chuyên môn, không thực hiện đầy đủ các thủ tục và xét đoán cần thiết với những khoản mục trên báo cáo tài chính cũng có thể bỏ sót, gây nên những rủi ro kiểm toán. Tuy nhiên, “lỗ hổng” chính đến từ nội bộ doanh nghiệp khi năng lực người làm tài chính, kế toán thiếu sót hay chính bản thân họ vì vụ lợi mà thông đồng; những “chốt” kiểm soát khác trong doanh nghiệp lỏng lẻo.
Vì vậy, theo thông lệ quản trị tốt nhất, doanh nghiệp cần xây dựng, tổ chức 3 tuyến phòng vệ vững chắc để phát hiện và kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro phát sinh, tránh thông tin và báo cáo tài chính không trung thực hoặc có sai sót. Mặt khác, những con số trên báo cáo tài chính đều biểu thị quá khứ, thụ động nên doanh nghiệp vẫn phải đầu tư vào các “chốt” kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro, gian lận xảy ra trong tương lai.
Đặc biệt, tuyến phòng vệ thứ ba là kiểm toán nội bộ vô cùng quan trọng, bởi đây là một “cánh tay nối dài”, là một chức năng độc lập của hội đồng quản trị, đặc biệt là của ủy ban kiểm toán hoặc thậm chí Ban kiểm soát.
Về mặt chuyên môn, IIA Việt Nam cùng với các hội viên IIA ở Việt Nam và mạng lưới toàn cầu vẫn tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho Bộ Tài chính trong việc xây dựng, ban hành các chuẩn mực và hướng dẫn chuyên môn cho kiểm toán nội bộ cũng như các tiêu chuẩn nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề cho các kiểm toán viên nội bộ. Với sự hậu thuẫn của Viện Kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA Global), IIA Việt Nam sẽ giới thiệu những thông lệ tốt, những chuẩn mực quốc tế để nâng cao về “chất” cho kiểm toán nội bộ tại Việt Nam. Cùng với đó, chúng tôi mong muốn kết nối kiểm toán nội bộ thành một mạng lưới, tạo sân chơi ngay tại Việt Nam để những người hành nghề chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn.
Song hành cùng quản trị công ty tốt, các tổ chức như Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Hội thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) cũng đang nỗ lực thúc đẩy vai trò kiểm toán nội bộ là một “mắt xích” quan trọng trong khung quản trị doanh nghiệp hiệu quả hướng tới giá trị bền vững cho doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích cổ đông, đảm bảo minh bạch thị trường”.
VnEconomy 21/09/2022 07:00
07:00 21/09/2022