Chị đánh giá như thế nào về lĩnh vực đầu tư tạo tác động tại Việt Nam? Cụ thể, lĩnh vực này đã thật sự “trưởng thành” hay vẫn còn mới mẻ, khan hiếm nhân lực cũng như vật lực?
Đầu tư tạo tác động vẫn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Trong thực tế, nhiều người vẫn đang lầm tưởng rằng đầu tư tạo tác động chỉ gói gọn ở một số thị trường ngách, ví dụ như hoạt động xã hội hoặc các dự án bảo vệ môi trường. Nhận định này không hẳn sai, bởi trong giai đoạn đầu tiên khi đầu tư tạo tác động bắt đầu cách đây khoảng 10 năm, thì đó chính là mô hình được các quỹ đầu tư tạo tác động chú trọng. Nhưng trong khoảng 7 năm vừa rồi đã có rất nhiều bước dịch chuyển dài của nguồn vốn tạo tác động ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngay ở Việt Nam hiện tại cũng có không dưới 10 quỹ tạo tác động đang hoạt động với quy mô và cách đầu tư khác nhau, với tiêu chí tuyển chọn danh mục đầu tư, giai đoạn và ngành nghề phân bổ cũng rất khác nhau.
Ví dụ như ở Patamar, chúng tôi hướng tới việc tạo ra lợi ích rõ ràng cả về tài chính lẫn lợi ích xã hội trong quá trình thẩm định dự án. Vậy, những tác động xã hội Patamar muốn tạo ra ở đây là gì?
Thứ nhất, về đối tượng, Patamar hướng đến hai đối tượng chính bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thị trường tiêu dùng đại chúng, hay còn được hiểu là những người tiêu dùng với thu nhập từ thấp tới trung bình.
Thứ hai, về cách thức tạo tác động, chúng tôi đánh giá các startup và công ty muốn gọi vốn qua 4 phương diện khác nhau, gồm: tạo việc làm; giảm chi phí sinh hoạt; tăng thu nhập; mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm hiện tại còn tồn tại nhiều trở ngại trong việc phân phối.
Patamar cũng rất linh hoạt trong việc xem xét các ngành nghề hoạt động khác nhau. Định hướng của quỹ là bám sát vào các vấn đề thiết thực trong kinh tế xã hội, giải quyết phần đứt gãy trong chuỗi cung ứng.
Một số mảng Patamar đặc biệt quan tâm là: tài chính toàn diện (Financial Inclusion), có nghĩa là thanh toán không tiền mặt, mở rộng kết nối tài chính và vốn vay cho doanh nghiệp, phổ cập về bảo hiểm và đầu tư cá nhân; hiện đại hóa nông nghiệp, và số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến các lĩnh vực như là EdTech, y tế. Tôi cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng cho các lĩnh vực này.
Vậy những startup mà Patamar Capital đã đầu tư ở Việt Nam có điểm chung lớn nào không, thưa chị?
Điểm chung mà chúng tôi nhận thấy và cũng liên quan tới đặc thù của Patamar, là tinh thần đầu tư tạo tác động của các startup này. Ngay từ lần đầu tiếp xúc, có thể thấy ngay giá trị cốt lõi mạnh mẽ từ họ, với khao khát tạo ra thay đổi tích cực đối với cộng đồng. Nói cách khác, kim chỉ nam tạo tác động của họ cực kỳ rõ ràng. Điều này thể hiện thông qua cách họ trình bày về ý tưởng, xuất phát điểm của ý tưởng kinh doanh, hoặc có thể thể hiện qua văn hóa, cách thức vận hành công ty.
Theo kinh nghiệm của Patamar Capital, đội ngũ sáng lập nào có thể cân bằng được 2 mục tiêu lợi nhuận tài chính và lợi nhuận xã hội thì thường rất vững vàng trong các giai đoạn đặc biệt khó khăn. Điều này đã được phản ánh rất rõ trong giai đoạn giãn cách xã hội cũng như 3 tháng trở lại đây, khi thị trường vốn đầu tư mạo hiểm trở nên hẹp hơn.
Như chị vừa chia sẻ, đội ngũ sáng lập nào cân bằng được 2 mục tiêu lợi nhuận tài chính và lợi nhuận xã hội thì thường rất vững vàng trong các giai đoạn đặc biệt khó khăn. Nhưng để có sự tăng trưởng hay giành được thêm thị phần trên thị trường, nhiều startup sẽ lựa chọn đốt vốn nhiều. Vậy quan điểm của chị trong vấn đề này như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, tôi xin phép được quay lại định nghĩa thế nào là startup, và mô hình startup trong lĩnh vực công nghệ là gì.
Startup trong lĩnh vực công nghệ là những công ty có ý tưởng kinh doanh đột phá, với tiềm năng tạo ra doanh thu và lợi nhuận đáng kể trong tương lai. Vốn ở trong hệ sinh thái khởi nghiệp chính là động cơ giúp những công ty này đạt được sự tăng trưởng đó, bởi vì hầu hết startup trong thời gian đầu chưa tạo được dòng tiền dương. Dĩ nhiên, vẫn có một số startup có khả năng làm được việc đó ngay từ đầu, nhưng họ lại có nhu cầu tăng trưởng nhanh hơn cả mức doanh thu có thể đáp ứng. Do vậy hầu hết startup đều rất cần hỗ trợ vốn từ các quỹ đầu tư.
Câu chuyện rót vốn mất kiểm soát để đạt tăng trưởng luôn là một vấn đề lớn. Tiếp xúc với một số quỹ đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc, chúng tôi thấy họ đưa ra nhận xét khá thú vị về chỉ số trong kinh doanh, gọi là chỉ số tổng chi phí marketing và quảng cáo trên doanh thu của công ty. Chỉ số này càng cao thì càng chứng tỏ công ty đó đang đốt rất nhiều tiền để đạt tăng trưởng. Những nhà đầu tư Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ số đó ở các công ty startup trong giai đoạn sớm ở Đông Nam Á thường cao hơn hoặc tương đương các công ty công nghệ đạt mốc kỳ lân ở Trung Quốc. Đây là một điều khiến họ rất quan ngại khi cân nhắc đầu tư vào các dự án tại khu vực, bởi họ cảm thấy một startup ở Đông Nam Á đang đốt quá nhiều tiền để tăng trưởng, nhưng nếu xét về nội lực thật sự của thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp thì chưa đủ sức bật để tự phát triển một cách hữu cơ.
Về phía Patamar thì “khẩu vị” đầu tư của quỹ là những startup có kế hoạch kinh doanh cực kỳ rõ ràng. Trong quá trình làm việc chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tư vấn về chiến lược phát triển, làm sao để có thể đến gần hơn điểm trung hòa giữa tăng trưởng nhanh và tăng trưởng bền vững, từ đó có thể giải quyết được vấn đề trên quy mô rộng. Một mặt tôi vẫn cho rằng startup cần nắm bắt được xu hướng thị trường để tăng số lượng người dùng, mặt khác startup vẫn cần tập trung vào các giá trị cốt lõi như là công nghệ và phát triển sản phẩm để tạo ra các giá trị thật sự về trải nghiệm cho khách hàng, để giữ chân khách hàng được lâu hơn chứ không đơn thuần vì câu chuyện giữ chân khách hàng bằng khuyến mãi. Đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, khi mà các quỹ đầu tư quốc tế đang siết chặt quy trình thẩm định dự án, đặc biệt là với các dự án chưa tạo ra doanh thu ngay từ đầu, thì việc tập trung vào sản phẩm cũng như công nghệ chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt để cho các startup gọi vốn thành công và tăng trưởng bền vững.
Có thể thấy là dòng vốn hiện tại khi rót vào thị trường có sự cân nhắc kỹ càng hơn. Ngoài các rào cản liên quan đến kinh tế vĩ mô hay những yếu tố bên ngoài, theo chị, đâu là những rào cản nội tại khiến cho các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài còn ngập ngừng khi quyết định vào thị trường Việt Nam? Làm thế nào để Việt Nam có thể tạo dựng thêm niềm tin của các quỹ đầu tư quốc tế?
Phải công nhận rằng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam những năm qua đã có những bước tiến thần tốc. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài bắt đầu dịch chuyển sự quan tâm ban đầu của họ từ thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ sang thị trường Đông Nam Á. Khoảng 3 năm gần đây, họ bắt đầu nhìn nhiều hơn, phân bổ nguồn vốn đồng đều hơn giữa Indonesia và Việt Nam, vì thị trường Indonesia càng ngày càng trở nên cạnh tranh và định giá của startup khá là đắt đỏ.
Trong thời gian vừa qua, khi nhìn vào tổng số các công ty khởi nghiệp được thành lập ở Việt Nam cũng như tổng số các công ty khởi nghiệp nhận được nguồn vốn đầu tư từ vòng hạt giống hoặc trước hạt giống, có thể thấy đã có sự gia tăng đáng kể cả về chất lẫn về lượng. Tổng số thương vụ cũng như giá trị trung bình mỗi thương vụ tăng vượt trội so với năm 2008 trở về trước. Hầu hết các nhà đầu tư quốc tế hay các nhà đầu tư tại thị trường Đông Nam Á đã rót vốn ít nhất vào một dự án tại Việt Nam. Sự e dè ở đây, nếu có, theo tôi chỉ diễn ra trong một số ngành nghề và trong một số giai đoạn đầu tư nhất định. Cụ thể, những nhóm ngành như fintech, logistics đã và đang thu hút một nguồn vốn đầu tư rất lớn với các dự án nổi trội như Momo, VNPay, Tiki. Còn các lĩnh vực khác thì vẫn cần các nhà đầu tư “để mắt” đến nhiều hơn.
Về giai đoạn đầu tư, chúng tôi nhận thấy là từ giai đoạn Series B trở lên, nghĩa là sau khi startup chứng minh được nhu cầu của thị trường và đạt đến cột mốc product market fit (có sản phẩm phù hợp với thị trường), thì việc gọi vốn trở nên khá vất vả.
Lý do đầu tiên là số lượng startup Việt Nam đạt đến Series B thấp hơn tổng số dự án hạt giống và Series A từng nhận được đầu tư. Thời gian chênh lệch giữa hai vòng đầu tư hạt giống và Series A thường lâu hơn một số nước khác trong khu vực. Điều này chứng tỏ startup đang vất vả hơn để đạt đến quy mô nhất định.
Các quỹ đầu tư quốc tế trong thời gian qua đã đến tham quan, tham khảo thị trường rất kỹ. Năm ngoái có rất nhiều startup gọi vốn thành công từ vòng hạt giống cho đến Series A. Tất cả chúng ta đều hồi hộp chờ đợi những công ty gọi vốn thành công sẽ chứng tỏ khả năng tạo ra doanh thu và tăng trưởng với tiềm năng lợi nhuận cao trong năm nay. Nếu nhóm startup này có thể khẳng định được vị thế cũng như độ vững trong mô hình kinh doanh thì chắc chắn sẽ giúp thay đổi nhận định của nhà đầu tư quốc tế.
Yếu tố thứ hai, khá là quan trọng, đó là tham vọng vươn ra thị trường quốc tế. Chúng tôi nhận thấy rằng việc có kế hoạch vươn ra thị trường quốc tế, nhất là thị trường khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, hay Malaysia…, cũng là một yếu tố quan trọng giúp các startup có thể gọi được vốn lớn.
Ngoài ra, so với các thị trường khác, chúng ta còn khá là non trẻ về câu chuyện thoái vốn trong các dự án công nghệ. Hy vọng là trong năm nay, khi mà VNG, Tiki cũng như một số công ty công nghệ khác đang tìm hiểu và xúc tiến câu chuyện thoái vốn, chỉ cần một điểm sáng thôi, cũng có thể giúp chúng ta lạc quan hơn về tiềm năng thoái vốn của các startup Việt.
Tóm lại, năm 2022 và nửa đầu 2023 sẽ là cột mốc rất quan trọng để giúp các startup Việt góp phần thay đổi và đánh tan sự e dè của các nhà đầu tư quốc tế.
VnEconomy 22/08/2022 06:00
06:00 22/08/2022