Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đánh giá của bà, việc đấu giá như thế này có ý nghĩa như thế nào trong việc cấp biển số của cơ quan quản lý cũng như nhu cầu của người dân?
Ở một số quốc gia trên thế giới, biển số ô tô đẹp được coi là kho tài sản lớn của quốc gia và việc đấu giá được thực hiện từ rất lâu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức đấu giá biển số ô tô vẫn chưa được triển khai chính thức, mới chỉ thử nghiệm ở một số địa phương như Hải Phòng, Bình Thuận và Nghệ An. Song việc thử nghiệm sau đó đã phải chấm dứt do gặp một số vướng mắc pháp lý.
Do vậy, việc Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số thông qua đấu giá để trình Chính phủ trình Quốc hội bổ sung, xem xét vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 có rất nhiều ý nghĩa. Bởi việc đấu giá biển số xe, một mặt, đáp ứng nhu cầu sở hữu biển số đẹp của những người có nhu cầu; mặt khác, sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình cấp biển số và theo kịp xu thế các nước phát triển.
Mặc dù hình thức đấu giá biển số xe được đề xuất từ năm 1993 nhưng đến giờ Chính phủ mới trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Theo bà, điều gì khiến ý tưởng này bị kéo lùi lâu như vậy?
Đấu giá biển số xe lần đầu tiên được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất vào năm 1993. Sau đó, một số địa phương đã “vượt rào” tổ chức đấu giá biển số xe nhưng lại bị “tuýt còi” vì những vướng mắc liên quan tới pháp lý.
Trong đó, rào cản pháp lý chính khiến đề xuất này được nhắc tới nhiều lần nhưng vẫn chưa thể thực hiện là do sự mâu thuẫn giữa các luật liên quan. Cụ thể, theo Luật Đấu giá tài sản, biển số xe không thuộc danh mục tài sản đấu giá nên nếu được mang ra đấu giá thì biển số xe sẽ trở thành tài sản cá nhân, khi đó chủ sở hữu có thể cho, tặng, bán cho người khác. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ năm 2008 lại cấm mua, bán biển số xe.
Do đó, để giải quyết mâu thuẫn về quy định pháp lý và thí điểm đấu giá biển số xe thì giải pháp sẽ là phải sửa luật, hoặc Quốc hội sẽ quyết định và đưa ra nghị quyết mới về triển khai hình thức đấu giá này.
Tuy nhiên, để kết nối các luật và thống nhất quy định về trình tự thủ tục cho việc bán đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản, Luật Giao thông đường bộ và Luật Quản lý sử dụng tài sản công… cần nhiều thời gian. Đó là lý do vì sao sau gần 30 năm, đề xuất này đến giờ vẫn chưa thể triển khai.
Một trong những nội dung của dự thảo được người dân quan tâm nhất hiện nay là giá khởi điểm, phương án đấu giá, người trúng đấu giá có được quyền mua bán, chuyển nhượng biển số xe… Bà nghĩ sao về những đề xuất được nêu ra trong dự thảo lần này?
Theo dự thảo và theo quy định hiện hành, giá khởi điểm một số biển số tại Hà Nội và TP.HCM sẽ là 40 triệu đồng/biển. Tôi cho rằng mức giá này là hợp lý vì lệ phí đăng ký xe tại hai địa phương này là 20 triệu đồng.
Hơn nữa, theo thông lệ một số quốc gia phát triển có áp dụng hình thức đấu giá biển số xe như Pháp, Tiệp, Đức… việc trả thêm tiền để chọn biển số đẹp, phù hợp nhu cầu với mức chênh lệch nêu trên cũng không phải quá lớn.
Cũng theo đề án, trong vòng 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký sẽ bị thu hồi. Điều này là hợp lý bởi người trúng đấu giá cũng cần một khoảng thời gian nhất định để đặt xe và chờ xe nhập khẩu về Việt Nam.
Ngoài ra, một số quy định liên quan tới hình thức đấu giá, cơ quan đấu giá, người tham gia đấu giá hay số tiền thu được từ đấu giá biển số sẽ được phân chia nguồn thu theo tỷ lệ nộp vào ngân sách trung ương/địa phương là 70/30… cũng được quy định khá cụ thể và rõ ràng.
Tuy vậy, tôi cho rằng vẫn còn những quy định cần được làm rõ.
Cụ thể đó là gì, thưa bà?
Chẳng hạn như kết quả trúng đấu giá, Thủ tướng đã ban hành quy định về đấu giá trực tuyến; theo đó chỉ nên công khai giá đấu thành công mà không công bố thông tin người trúng đấu giá để vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá, vừa tránh tình trạng quấy nhiễu làm phiền không đáng có cho người trúng đấu giá.
Hay như Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định cấm mua, bán biển số xe. Vì thế, dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá.
Còn người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.
Tôi cho rằng cần có quy định về thời hạn sử dụng đối với xe bán theo biển nhằm kiểm soát chất lượng xe cũng như tránh tình trạng lách luật để buôn bán biển số theo cách này, cách kia.
Do vậy, có thể xem xét việc cho phép chuyển nhượng biển số để tăng thêm thuế thu từ việc chuyển nhượng, miễn là việc quản lý chuyển nhượng vẫn được quản lý công khai, minh bạch và theo các quy định.
Với sự phát triển của công nghệ, việc đẩy đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia, theo bà, sẽ đem đến những lợi ích gì?
Cổng Thông tin điện tử quốc gia tích hợp đấu giá trực tuyến là rất phù hợp, tạo thêm một hình thức nữa cho các tổ chức đấu giá lựa chọn và người có tài sản lựa chọn. Điều này giúp giảm gánh nặng cho các tổ chức đấu giá phải trả chi phí lớn cho việc xây dựng và vận hành các website đấu giá trực tuyến.
Theo bà, đâu là những yếu tố để đấu giá biển số xe thành công như các quốc gia đã từng áp dụng?
Yếu tố để đấu giá biển số xe thành công, theo tôi, là do việc gia tăng số lượng xe đăng ký mới hàng tháng tại Việt Nam rất lớn khi quy mô dân số đạt gần 100 triệu dân. Hơn nữa, với nhu cầu và đời sống ngày càng được nâng cao thì việc cần lựa chọn biển số xe theo ý thích của người sở hữu là phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quan niệm biển số xe như thế nào là đẹp lại phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người và theo tập quán bấy lâu. Do vậy, chỉ nên áp mức giá khởi điểm ở chênh lệch hợp lý so với mức phí cấp biển số xe, để một mặt tăng thu ngân sách mặt khác tăng lượng người quan tâm. Tính toán, đưa giá khởi điểm hợp lý sẽ giúp đấu giá có thêm tính khả thi.
VnEconomy 27/09/2022 14:00
14:00 27/09/2022