"Khái niệm phát triển bền vững đã được Liên hợp quốc, các thành viên Liên hợp quốc, đặc biệt là những nước phát triển, thảo luận từ cách đây nửa thế kỷ. Đó là sự phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng được yêu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến sự phát triển của tương lai.
Cộng đồng doanh nghiệp thế giới đang chuyển mình rất mạnh mẽ hướng tới mục tiêu Net Zero trên hành trình kinh doanh bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc đua này. Đứng trước các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của mình. Thành công giờ đây không chỉ nằm ở các con số tài chính, mà doanh nghiệp cần gắn kết thành công và tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
Các tiêu chuẩn về doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông hay những con số tài chính không còn là thước đo duy nhất cho thành công của doanh nghiệp, mà hiện đã mở rộng thêm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ. Chỉ khi cân bằng được chiếc kiềng 3 chân: kinh tế - xã hội – môi trường, doanh nghiệp mới có thể thành công trong thời đại ngày nay. Hơn nữa, xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay, như: chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn, lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu; củng cố nguồn vốn con người; xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm và bình đẳng trong doanh nghiệp, công bố minh bạch thông tin thông qua lập báo cáo bền vững…
Vai trò của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng trong đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Bởi không một doanh nghiệp nào có thể bền vững khi xã hội không bền vững và ngược lại. Do đó, kinh doanh bền vững hiện không còn là tạo ra sự khác biệt, mà sứ mệnh của doanh nghiệp hiện nay và thời gian tới đó là tạo ra những giá trị mới cho xã hội".
"Đúng vậy, nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững đều đã được nâng lên nhưng để thực hiện, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đó là vấn đề nguồn nhân lực, vật lực và thiếu kinh nghiệm về những thông lệ tốt để phát triển bền vững.
Với cơ cấu hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, việc chuyển đổi trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều thách thức. Với khu vực doanh nghiệp lớn và vừa, nhận thức về phát triển bền vững tương đối đầy đủ, nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn có tư duy coi phát triển bền vững là một gánh nặng với họ, không coi đó là đầu tư lâu dài cho sự phát triển trường tồn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là những hạn chế về nhân lực, tiếp cận nguồn vốn khiến việc theo đuổi để đi trên “con đường màu xanh” chỉ là yếu tố để các doanh nghiệp cân nhắc chứ chưa phải là ưu tiên lựa chọn...
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với một số thách thức chính, như: thiếu am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó còn hạn chế về nguồn lực, hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được. Mặt khác, năng lực quản trị còn yếu, khung hành lang pháp lý chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu hiện tại và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khi triển khai thực tế.
Đặc biệt, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam trong theo đuổi phát triển bền vững chính là nhận thức. Nhà bác học Anhxtanh đã từng nói: thay đổi thói quen của một con người, lối nghĩ của con người còn khó hơn làm bom nguyên tử. Bên cạnh đó là sự nhất trí, đồng thuận của các doanh nghiệp trong mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, với sức ép từ sự thay đổi trong hành lang pháp lý, yêu cầu từ người tiêu dùng, các nhà đầu tư, thị trường xuất khẩu, tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc mình phải thay đổi để thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới hiện nay.
Hiện chúng ta có nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tàu như PNJ, SASCO, Bảo Việt, Traphaco, Vinamilk, PAN Group, TBS, TNG… đang tiên phong thực hiện phát triển bền vững mạnh mẽ. Chính những doanh nghiệp này sẽ lan tỏa tinh thần phát triển bền vững đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị của mình, hỗ trợ và tạo động lực, sức ép cho sự chuyển đổi sang kinh doanh bền vững".
"Doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều lợi thế của người đi sau, rút được kinh nghiệm cũng như bài học thành công của người đi trước nên có thể đi tới xu thế mới, cập nhật, triển khai phát triển bền vững dễ dàng hơn. Đơn cử, đối với kinh tế tuần hoàn, hoàn toàn chúng ta có thể triển khai, sử dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để chuyển mô hình kinh doanh từ nâu sang xanh.
Hiện nay, phát triển bền vững không còn là khái niệm mơ hồ, xa vời, mà rất rõ ràng thông qua bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững. Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững của VCCI giúp đo lường tính bền vững của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Bộ chỉ số áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, định lượng, đo lường nhằm quản lý được tính bền vững của doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình kinh doanh. Doanh nghiệp có thể tự soi vào bộ chỉ số để xem mình đã kinh doanh bền vững một cách thực sự hay chưa, từ đó tạo cho doanh nghiệp một hướng đi cũng như một lộ trình phấn đấu.
Đặc biệt thời gian qua, VCCI hợp tác với các tổ chức quốc tế, bộ, ngành liên quan, giới thiệu những xu hướng phát triển xanh, bền vững đến đông đảo các doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, đưa doanh nghiệp tiệm cận hơn, bắt kịp với các xu thế kinh doanh đương đại trên thế giới".
"Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển xanh là một phần của phát triển bền vững. Ngày nay đối với các doanh nghiệp, việc đi trên con đường màu xanh để hướng tới hạnh phúc, hướng tới tương lai mà chúng ta mong muốn là con đường duy nhất và độc đạo, là một dòng chảy chứ không còn là xu hướng.
Nói tới chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy và nhận thức một cách hệ thống nhằm hướng tới tương lai xanh, sản phẩm xanh và lộ trình xanh, đây là xu thế không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi con người chính là nguồn vốn quý nhất của doanh nghiệp. Chuyển đổi tư duy không đơn giản là chuyển từ nền kinh tế màu nâu sang màu xanh. Để làm được điều đó, cần đào tạo lực lượng lao động, nâng cấp nguồn vốn con người là quan trọng, bên cạnh nguồn vốn xã hội và tự nhiên.
Do vậy, đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức và tư duy, định nghĩa lại thế nào là thành công của doanh nghiệp. Tư duy doanh nghiệp vì lợi nhuận đã chết từ lâu. Trong bối cảnh mới như hiện nay, doanh nghiệp xanh bền vững phải tích hợp với thành công về mặt tài chính, kinh tế gắn với những thành công về mặt xã hội như tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định an ninh việc làm, bảo vệ môi trường. Đó chính là những giá trị mới mà doanh nghiệp xanh tạo ra trong thế kỷ 21. Tư duy rộng hơn, xu thế xanh hóa, bền vững hóa chuỗi cung ứng trên toàn cầu, vì dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng trên toàn cầu, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh.
Đã đến lúc các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm giải trình, bởi trách nhiệm của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Thế nào là doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh? Điều này doanh nghiệp phải giải trình, không phải chỉ để tuân thủ các quy định mà là giải trình cho các cổ đông về việc tạo ra một sản phẩm mất bao nhiêu calo, năng lượng đó có xanh không, nguyên vật liệu làm ra sản phẩm sạch không? Giải trình chính là công cụ quản trị rủi ro rất tốt cho doanh nghiệp. Đây chính là xu thế phát triển bền vững trong những năm tới.
Khi đã chuyển đổi về tư duy, các doanh nghiệp cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh)".
VnEconomy 04/10/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 40-2023 phát hành ngày 02-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
10:00 04/10/2023