Khi đưa ra quan điểm kinh tế số là tương lai của Việt Nam, hẳn ông phải có những dữ liệu, cơ sở và phân tích cụ thể cho quan điểm này?
Kinh tế số là tương lai của Việt Nam, vì thứ nhất, nó là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nếu chúng ta đi con đường cũ thì GDP cũng chỉ tăng tăng trưởng 5%, 6% hay 7% thôi. Tất nhiên có nhiều ngành kinh tế tăng thấp hơn, có nhiều ngành kinh tế tăng trưởng cao hơn một chút. Còn ngành kinh tế số thì cả thế giới đều đang tăng trưởng cao. Theo thống kê thì kinh tế số tăng trưởng khoảng 15%, 16%, 17% thậm chí 20% một năm. Với một lĩnh vực tăng trưởng cao hơn thì theo logic mỗi cá nhân và cả đất nước sẽ đặt cược vào lĩnh vực tăng trưởng cao đó.
Thứ hai, hiệu suất hoặc giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ làm phần mềm như FPT Software hiện trung bình là 35.000 USD/người/năm. Trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3.500 USD, như vậy gấp hơn 10 lần. Giả sử chúng ta làm gia công, giày da, túi xách ước tính khoảng 5.000-6.000 USD, nếu gia công điện tử thì 7.000 USD (cao gấp đôi GDP), còn lĩnh vực phần mềm xuất khẩu là 35.000 USD và thậm chí còn cao hơn nếu làm giỏi, làm tốt, có công ty đã lên tới 50.000 USD/người/năm. Chưa nói Sky Mavis (công ty sở hữu game nổi tiếng Axie Infinity) và những công ty làm game online, tiền số làm tốt còn cao hơn thế nhiều. Như vậy hiệu suất của ngành kinh tế số cao hơn rất nhiều lần so với các ngành nghề khác.
Thứ ba, kinh tế số không có biên giới. Ngồi ở Việt Nam có thể nhận hợp đồng, nhận công việc từ Âu, Mỹ, Nhật Bản, tuyển nhân viên ở nước ngoài cũng được. Nhất là trong đại dịch Covid, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số vẫn chỉ đạo, điều hành online, tuyển dụng nhân viên, giao việc, nhận việc online, bán hàng khắp nơi trên thế giới, dễ dàng toàn cầu hóa qua Internet.
Ví như FPT, trước đây đối tác yêu cầu “phải bay”, phải gặp gỡ trực tiếp thì mới ra việc, nhưng giờ tất cả đều không bay được thì họ chấp nhận trao đổi online (họp hành, đàm phán hợp đồng, trình bày giải pháp). FPT vẫn bán hàng được và bán tốt. Như vậy là không biên giới, lại là thị trường toàn cầu lớn không giới hạn, nó quá lớn so với Việt Nam. Nếu thị trường Việt Nam là 350 tỷ USD (GDP) thì thế giới là trên 80.000 tỷ USD, nó lớn đến mức mình không có sức để làm nếu làm tốt.
Một điểm nữa, trong ngành này có nhiều lĩnh vực mà người Việt mình có tiềm năng. Cụ thể, người Việt có tố chất làm phần mềm, thứ hai giỏi toán. Ngày trước làm phần mềm đơn thuần không có toán mấy, nhưng giờ Blockchain, AI thì cần nhiều đến toán. Vừa phần mềm, vừa toán, thì là tố chất của người Việt.
Rồi ngày xưa làm dự án lớn, quy mô có tính hệ thống, quy củ thì người Việt không giỏi nhưng làm ở một team nhỏ thì người Việt lại giỏi, lại làm nhanh. Làm Blockchain, AI, tiền số hay game online chỉ cần team nhỏ mấy chục người, không cần team lớn. Ở qui mô đấy người Việt lại giỏi. Quy mô nhỏ, làm phần mềm và giỏi toán. Ba điều này cộng lại chính là tố chất của người Việt. Bởi thế mà người Việt làm game online, tiền số đều dẫn đầu Đông Nam Á.
Thêm một yếu tố nữa là với đại dịch Covid toàn cầu buộc phải làm việc online, càng khẳng định kinh tế số có ưu thế. Trong đại dịch Covid này, công ty nào đã chuyển đổi số, dùng công nghệ số để quản trị, điều hành thì đều có kết quả tốt hơn những công ty chưa chuyển đổi, không hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số.
Tóm lại, cộng tất cả các yếu tố như: tăng trưởng cao hơn, giá trị tăng cao hơn, thị trường toàn cầu lớn không giới hạn, không biên giới, không ảnh hưởng đại dịch, phù hợp với tố chất của người Việt, thì rõ ràng cơ hội để Việt Nam tăng trưởng về kinh tế số cao hơn, và kinh tế số sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế. Kinh tế số như vậy hiển nhiên phải là tương lai.
Vậy còn ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực kinh tế số của Việt Nam đang được khai phá, phát triển hay đạt trình độ như thế nào theo nhìn nhận của ông?
Kinh tế số theo tôi nhìn ở hai góc cạnh. Thứ nhất là tạo ra nền tảng kinh tế số. Ví dụ như trong thương mại điện tử (e-Commerce) thì người xây dựng ra nền tảng cho e-Commerce cũng là kinh tế số. Tương tự, người tổ chức dịch vụ chơi game là kinh tế số và người xây dựng ra game cũng là kinh tế số. Tiền điện tử cũng vậy. Hay như người lập ra Grab, Uber, những người lái xe taxi Grab, xe ôm công nghệ hay vận chuyển đồ ăn trên ứng dụng Uber, Grab cũng đều là kinh tế số...
Xây dựng nền tảng kinh tế số, tức tạo ra nền tảng để kinh doanh hay hoạt động kinh tế số, thì Việt Nam mình có tố chất và đã khẳng định được thành công như game online hay tiền số và đã có vị trí trên thế giới. Như game online được xếp thứ 7 thế giới, đứng số 1 Đông Nam Á và châu Đại Dương (gồm cả Australia và New Zealand). Game online và tiền số của mình đạt đến tầm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, và tiếp cận với thế giới.
Thứ hai là thuần tuý về kinh tế số như thương mại điện tử, mua bán online, media online (quảng cáo trực tuyến, game, video, âm nhạc theo yêu cầu), dịch vụ tài chính online (thanh toán, chuyển tiền, cho vay, bảo hiểm, đầu tư), online travel (booking chuyến bay, khách sạn, cơ sở lưu trú), vận chuyển và đồ ăn công nghệ, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, thì Việt Nam tuy có tăng trưởng cao nhưng khó dẫn đầu bởi nền kinh tế chưa phát triển nên mới chỉ đạt mức tầm tầm khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, những lĩnh vực cần nền tảng lớn hơn, qui mô lớn thì mình vẫn chưa đạt, mà vận chuyển công nghệ như Grab là ví dụ điển hình.
Grab xuất phát ở Malaysia, sau đó chuyển sang Singapore – cả hai đất nước đều không xe máy, chủ yếu chỉ dùng ô tô, thế mà họ vào Việt Nam – một đất nước với xe máy là chủ yếu và họ đã thành bá chủ thị trường vận chuyển công nghệ bằng xe máy, kể cả ship đồ ăn. Họ không phải là đất nước xe máy nhưng lại làm ra phần mềm phổ dụng và bá chủ thị trường Việt Nam, Indonesia, những thị trường dùng xe máy rất nhiều.
Nếu không tính mảng sản xuất phần cứng như các sản phẩm điện tử, công nghệ như máy tính, điện thoại…, thì liệu kế hoạch kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào 2030 như trong Văn kiện Đại hội XIII thì có khả thi không, thưa ông?
Quan điểm của tôi (không bao gồm lĩnh vực sản xuất điện tử) mà kinh tế số như những gì phân tích ở trên, thì đến 2030 vẫn có thể đạt được 30% GDP.
Tất nhiên chúng ta phải thay đổi tư duy. Có hai sự thay đổi tư duy cần làm, nếu không sẽ không thể đạt được. Nếu chúng ta quyết tâm đạt được 30% GDP - tức 1/3 nền kinh tế, thì mọi nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, các doanh nghiệp và người dân – phải dành 1/3 thời gian, 1/3 tâm huyết, 1/3 chính sách, 1/3 các ưu đãi. Mọi thứ đều phải dành 1/3, chứ nếu để doanh nghiệp và người dân cứ “tự bơi” như hiện nay thì chỉ được 10-15% thôi.
Thứ hai là cần chính sách khuyến khích và khung pháp lý, kinh tế số là lĩnh vực mới, có một số lĩnh vực xã hội chưa chấp nhận, nên chính sách và khung pháp lý rất quan trọng, nếu thiếu chúng ta sẽ bị chảy máu, bị các nước khác hưởng lợi.
Và mục tiêu 30% có thể đạt được bởi tố chất của người Việt, bởi cơ hội có, chỉ có điều cần khơi thông rất nhiều cản trở, bế tắc và dành sự tâm huyết.
Cấu phần và phạm vi của kinh tế số rất rộng, đa ngành. Vậy theo ông, Việt Nam nên có cách tiếp cận như thế nào để có thể bắt nhịp, đi nhanh và đem lại hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực kinh tế số này?
Như đã đề cập, kinh tế số có hai mảng. Thứ nhất là nền tảng thì mình có thể xây dựng và bán cho cả thế giới, nếu chỉ bán cho Việt Nam thôi thì nền tảng kinh tế số có giá trị không lớn, nhưng nếu bán được cho cả thế giới thì lại rất lớn.
Thứ hai bản thân kinh tế số trong những lĩnh vực kinh tế khác như thương mại điện tử, vận chuyển và ship đồ ăn, du lịch online, tài chính online, truyền thông online, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo online…, thì tỷ trọng kinh tế số chỉ chiếm tỷ lệ phần trăm nào đó trong các ngành kinh tế này. Ví dụ như dịch vụ tài chính online, chuyển tiền online, thì chỉ hưởng phần trăm dịch vụ mà việc chuyển tiền online mang lại, chứ toàn bộ doanh số của ngân hàng không phải của kinh tế số. Mảng kinh tế số trong các phần khác của kinh tế khác chỉ nằm trong tỷ trọng rất nhỏ, không thể lớn bằng 30% nền kinh tế.
Muốn đạt 30% thì kinh tế số tự nó phải là một nền kinh tế, chứ không phải kinh tế số để phục vụ các nền kinh tế khác. Nếu chỉ phục vụ ngành kinh tế khác thì không thể có tỷ lệ lớn được. Nền kinh tế số này phải bán nền tảng ra nước ngoài và thu ngoại tệ về cho đất nước về thì mới lớn được.
Như trên ông có đề cập, kinh tế số phải bao gồm cả game (online) và tiền kỹ thuật số. Dẫu vậy, cả hai lĩnh vực này ở Việt Nam không chỉ rất mới (với tiền số) mà đâu đó còn chưa được sự đồng thuận của xã hội, thậm chí bài trừ?
Cá nhân tôi cho rằng việc nhìn nhận về game online và tiền số ở Việt Nam hiện nay đâu đó cả xã hội và cơ quan quản lý đều chậm và đi sau so với thế giới, đặc biệt game online.
Khi tôi viết bài trên Facebook về game online thì nhiều người phản đối kịch liệt và cho rằng game là xấu xa, tội lỗi, thậm chí còn nói cổ súy cho thứ mà đáng lẽ nên cấm. Tôi cho rằng hiểu như vậy không đúng. Vì game online có cả lợi và hại. Lợi là giải trí, là luyện nhanh tay nhanh mắt, luyện tư duy logic, cũng tốt cho sức khỏe nếu chơi vừa phải. Và hại là nghiện và chơi quá mức.
Trên đời có khối thứ chơi quá mức, nghiện quá mức đang tồn tại. Rượu, bia, thuốc lá cũng rất hại, hại hơn game online nhiều. Vậy tại sao vẫn được tồn tại, vẫn được chấp nhận, người ta vẫn dùng? Vậy sao game online thì cứ chống? Như thế là đối xử bất công, không đúng với game. Nếu đã nghiện thì rất nhiều thứ có hại, rượu bia thuốc lá đều hại và hại hơn cả game.
Tôi không cổ súy chơi game, nhưng tôi cổ súy cho việc xây dựng các phần mềm game và bán cho thế giới, thu ngoại tệ về. Thế giới người ta không coi game online là xấu thì tại sao lại bảo viết và xây dựng game là xấu. Cả thế giới có 2,5 tỷ người chơi. Một năm ngành công nghiệp game thế giới tạo ra doanh thu 110 tỷ USD. Cả thế giới chơi và người ta không coi là xấu, còn tại Việt Nam cứ cho là xấu. Như vậy không đúng. Nên theo tôi, phải có cách nhìn khác về game online.
Tương tự như vậy tiền số, Việt Nam mình thuộc top 10-20 nước chưa công nhận, chưa có khung pháp lý. Tất nhiên hiện nay số nước công nhận tuyệt đối rất ít, nước cho phép thanh toán bằng tiền số chưa nhiều, nhưng công nhận đấy là tài sản, được phép đầu tư một cách công khai thì chiếm đến 85%. Chúng ta phải có chính sách bảo vệ hoặc hỗ trợ, khuyến khích cho những doanh nghiệp phần mềm phát triển ra tiền số như nhiều nước đã làm.
Hiện nay Ngân hàng Trung ương Thái Lan còn phát hành tiền số. Nhiều câu lạc bộ bóng đá cũng phát hành tiền số. Thời kỳ đầu mọi người dùng từ tiền ảo, nhưng khi nó (đồng BTC) tồn tại mười mấy năm nay và tăng từ 0,0001 đô lên 1 đô, rồi 5.000-7.000 nghìn đô và 50.000 đô như thời gian qua, thì tất nhiên phải có lý do để nó tồn tại, phải có lý do để nó tăng như vậy.
Công nhận để quản lý chứ không phải công nhận để cho các rủi ro và cái xấu lấn át. Công nhận vì nó đã tồn tại trên thực tế cả chục năm, vì biết có cả lợi và có cả rủi ro, phát huy và khai thác điểm lợi và kiểm soát các rủi ro. Đó mới là tư duy đúng.
Thế còn Blockchain? Đã có người nhận xét rằng Blockchain là cơ hội tương tự giống như cơ hội Internet năm 1990, ông có nghĩ vậy không?
Tôi cho rằng cơ hội từ Bookchain không bằng Internet, vì Internet có phạm vi tác động tới xã hội lớn lao hơn rất nhiều, thay đổi tất cả thói quen của mọi người. Blockchain thì không đến mức như vậy, nhưng nó vẫn có ý nghĩa rất lớn – xu thế của nó là không thay đổi, dứt khoát có tương lai mà không thể cưỡng được, chỉ có khác là nhu cầu không bức thiết bằng Internet cho nên thời gian để trở thành hiện thực sẽ lâu hơn.
Blockchain có đặc điểm cơ bản là giống như cây mắt xích, chặt mất một mắt xích là mất, coi như cả mắt xích không còn nữa. Giống hệt như cây gia phả, mất một đời là không thể ghi được nữa, không thể truy ra được.
Ưu điểm đấy tạo ra là không ai có thể sửa dữ liệu được. Anh tạo ra dữ liệu nhưng không sửa được, muốn sửa phải lưu lại dấu vết, ngày tháng sửa, thế nên các hệ thống xây dựng trên Blockchain có tính minh bạch cao hơn, có độ tin cậy cao hơn. Suy cho cùng mọi dữ liệu trước nay dùng trên máy tính mà chuyển sang Blockchain đều tốt hơn cái cũ, đều có minh bạch hơn, an toàn dữ liệu tốt hơn và niềm tin tốt hơn, cho nên xu thế là không thể đảo ngược.
Nếu xem kinh tế số là tương lai của đất nước, thì theo ông, ngoài điều kiện về 1/3 như nói ở trên, cần phải khơi dậy một khát vọng hay tinh thần về tương lai của đất nước như thế nào?
Bao năm quan sát, chiêm nghiệm, tôi thấy rằng dù thế nào thì người Việt mình vẫn có khát vọng chung là đất nước phải giàu và đất nước phải thịnh vượng. Vì đất nước giàu, thịnh vượng thì dẫn đến cá nhân mình được tôn trọng hơn.
Cho nên nếu thúc đẩy được lòng tự tôn dân tộc, lòng tự hào dân tộc và mình muốn được thế giới tôn trọng, và khi càng nhiều người nghĩ như vậy người ta sẽ càng chung mục đích, chung mục tiêu là đẩy Việt Nam phải phát triển, phải giàu có lên. Khi chung mục tiêu đấy thì mọi quyền lợi cá nhân, suy nghĩ cá nhân, ích kỷ sẽ giảm đi, và lúc đấy sẽ tạo ra được nền tảng chính sách tốt hơn, môi trường tốt hơn và tinh thần tốt hơn để Việt Nam có thể phát triển. Vấn đề lớn nhất theo tôi là khơi dậy được điều đó.
Còn cụ thể trong lĩnh vực kinh tế số, tương lai của Việt Nam theo ông sẽ ra sao?
Nhiều thứ cần phải thay đổi lắm. Lấy ví dụ ngay trong lĩnh vực game Blockchain và tiền số gần như chưa có khung pháp lý gì, anh em trong ngành làm mà cứ nơm nớp. Khi tôi viết bài về tiền số đăng trên trang cá nhân, nhiều bạn trẻ nhắn tin, phấn khởi bảo có người như anh dấy lên vấn đề này chứ lâu nay “bọn em chuyên làm trong âm thầm”.
Thậm chí có một bạn trẻ còn chia sẻ về việc công ty của mình đã phát hành đồng tiền số lên sàn và có giá trị giao dịch mấy chục triệu USD một ngày, và bảo “bắt đầu lo an toàn cho cá nhân, không biết mình có an toàn không, dù công ty lập ở Singapore nhưng vẫn không yên tâm vì mình vẫn là người Việt”. Như vậy khung pháp lý là chưa có. Mình cứ đặt tương lai Việt Nam là kinh tế số nhưng rất nhiều lĩnh vực của kinh tế số còn chưa có khung pháp lý.
Tôi có cảm giác thời điểm năm 1997, lãnh đạo của ngành bưu chính viễn thông và đất nước hình như cởi mở với Internet hơn bây giờ cởi mở với Blockchain, với tiền số và game online. Cũng có thể lúc đó là vì đất nước còn nghèo quá và sức ép phải thoát ra cái nghèo lớn hơn, cho nên chúng ta dám liều hơn, dũng cảm hơn, quyết đoán hơn. Còn giờ cuộc sống khá hơn rồi thì sẽ không dũng cảm bằng ngày xưa, không dám mạo hiểm bằng ngày xưa.
Giờ cũng phải có sức ép, phải tạo được sức ép, làm sao để mỗi vị trí cá nhân, hay cả đất nước đều phải tăng trưởng, trong các cơ quan quản lý nhà nước phải có sức ép về sự thay đổi để tạo tiền đề cho đất nước phát triển.
VnEconomy 02/02/2022 07:00
07:00 02/02/2022