Trong kinh tế số, GDP có thể tăng trưởng đột phá chứ không phải tuần tự như kinh tế thực. Không ít sản phẩm, ý tưởng công nghệ trên thế giới đã khiến nền kinh tế bùng nổ. Bởi vậy, GDP trong nền kinh tế số có những con số nhiều khi giật mình, không theo quy luật thông thường.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã dành cho Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy một cuộc trò chuyện về vai trò của kinh tế số trên hành trình Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Một trong những mục tiêu mà Thủ tướng đặt ra là coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông – đơn vị đang xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số cũng xác định kinh tế số sẽ là động lực dẫn dắt của nền kinh tế. Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và vị trí của kinh tế số hiện nay?
Kinh tế số giai đoạn tới là quan trọng bậc nhất. Bối cảnh kinh tế thế giới cho thấy dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều mô hình kinh tế số đã xuất hiện và phát triển rất nhanh. Đặc biệt là trong đại dịch Covid, trong khi nhiều ngành kinh tế đang lao đao, khủng hoảng thì kinh tế số lại lên ngôi.
Thương mại điện tử bùng nổ ở nhiều quốc gia. Các công ty công nghệ bây giờ chiếm đến 90% trong top các công ty có vốn hóa lớn nhất trên thế giới, khác hẳn với bức tranh 10 năm trước đây.
Như vậy, kinh tế số chắc chắn là định hình của nền kinh tế thế giới trong tương lai, là xu thế không thể đảo ngược.
Việt Nam cũng đã nhận thức được điều đó nên Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giai đoạn tới.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 đã đặt nội dung này là quan điểm số 1 trong các quan điểm phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào năm 2019.
Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt chiến lược quốc gia về chuyển đổi số vào năm 2020, trong đó đặt ra những mục tiêu làm thế nào để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, với những mục tiêu và khát vọng cao, đúng với vai trò của kinh tế số.
Đến năm 2025, giá trị kinh tế số chiếm 20% GDP, năm 2030 là 30%. Nếu GDP đã được đánh giá lại của Việt Nam đạt khoảng 570 tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 895 tỷ USD vào năm 2030 (theo chiến lược và kế hoạch), mà kinh tế số chiếm tới 20-30%, thì giá trị lớn lắm. Kinh tế số càng ngày càng trở nên rất quan trọng là vì thế.
Vậy theo ông, yếu tố dẫn dắt của kinh tế số ở đây nên hiểu như thế nào, nhất là so sánh với các trụ cột kinh tế khác?
Tùy giác độ khác nhau mà ta thấy các động lực tăng trưởng khác nhau.
Theo mô hình tăng trưởng Solow, các động lực quyết định tăng trưởng gồm: (1) vốn, (2) lao động, (3) công nghệ (là ngoại sinh và sau này được phát triển lên xem công nghệ như nội sinh).
Hay có loại chia nguồn lực tăng trưởng theo sở hữu: khu vực nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn nước ngoài thì khu vực tư nhân là động lực quan trọng vì chiếm hơn 42% GDP.
Một loại nữa là thành thị, nông thôn, như Tp.HCM là đầu tàu kinh tế (chiếm khoảng 23% GDP), Hà Nội đóng góp khoảng 16% GDP cả nước...
Trong tất cả các giác độ đó, có thể thấy kinh tế số hiện diện gần như khắp nơi và có đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Giờ nói đến động lực dẫn dắt của kinh tế số lại khác. Nó không chỉ đơn thuần là thứ chia theo các giác độ ở trên mà là một dạng khác – chia theo kinh tế số (hay có thể gọi là kinh tế ảo) và kinh tế truyền thống. Kinh tế số gắn liền với mô hình kinh doanh kiểu mới, dựa trên các ý tưởng mới, gắn với công nghệ thông tin, gắn với start-up, với kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ… Nếu kinh tế số chiếm 30% thì kinh tế truyền thống chiếm 70%. Và khi nào kinh tế số chiếm hơn 50% thì lúc đó kinh tế số sẽ đóng vai trò dẫn dắt.
Trên thực tế, ở thời điểm cụ thể và ngắn hạn, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế số dưới góc nhìn chủ quan của ông đang được vận hành như thế nào?
Kinh tế của Việt Nam đã là một bộ phận của nền kinh tế thế giới rồi, cho nên xu hướng chuyển đổi số trên thế giới rất nhanh như hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Covid, cũng sẽ có tác động mạnh đến Việt Nam. Chuyển đổi số sẽ diễn ra rất nhanh, vượt tưởng tượng của con người.
Cách đây vài năm, không ai nghĩ dịch vụ shipping lại nhiều như hiện nay. Giờ mua bán online, sàn giao dịch điện tử các loại phát triển rất mạnh, ví dụ như câu chuyện vải Bắc Giang, Sơn La đưa lên mạng là bán rất nhanh. Rồi sắp tới là sẽ bùng nổ các công cụ thanh toán điện tử.
Càng hạn chế giao tiếp trực tiếp thì càng khuyến khích giao tiếp gián tiếp thông qua mạng, vừa nhanh, vừa an toàn trong dịch bệnh, vừa giảm chi phí giao dịch. Khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh Covid như vậy là cú huých rất tốt để phát triển kinh tế số.
Cần nói thêm là trong nhóm các nước ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam vẫn nằm ở top cuối, vẫn là khoảng cách xa so với nhóm dẫn đầu. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ bị lấp đầy bởi chuyển đổi số và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Nếu Việt Nam bắt nhịp nhanh, tận dụng được công nghệ và thành tựu của cách mạng 4.0 thì sẽ có cơ hội thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực rất nhanh, thậm chí là vượt.
Việt Nam đã đặt mục tiêu rất cao về kinh tế số như ở trên ông có đề cập, 20% GDP năm 2025 và 30% năm 2030. Theo ông, liệu mục tiêu này có là “quá sức” không?
Ở đây tôi hiểu hàm ý mô hình kinh tế số được mở rộng, bao quát toàn bộ, có tính lan tỏa, chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số ở quy mô lớn thì mới đạt được 20% hay 30% GDP. Chứ nếu chỉ tính riêng kinh tế số theo nghĩa cốt lõi là “core digital economy” thì chắc là sẽ khó vì đến nay chỉ số này ở nhiều nước phát triển cũng chưa tới 10% GDP.
Trong kinh tế số, GDP có thể phát triển đột phá chứ không phải tuần tự như kinh tế thực. Đơn cử như các sản phẩm của nhóm Big Tech trên thế giới (những công ty lớn nhất và thống trị trong ngành công nghệ) có thể làm tăng doanh thu cho công ty tới 30-40% một năm. Còn việc các công ty công nghệ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 15-20% một năm thì đã trở thành bình thường. Vì vậy, trong kỷ nguyên số, tăng trưởng nhanh là chuyện bình thường.
Trong khi đó, nếu bàn đến nền nông nghiệp hay công nghiệp truyền thống, sản xuất lúa, ngô… thì làm gì có chuyện tăng đột ngột lên 30-40%. Đất chỉ có từng ấy, lao động chỉ từng ấy, làm sao tăng trưởng cao và đột phá được.
Nhưng với kinh tế số hoàn toàn khác. Chỉ “ăn nhau” ý tưởng, có những sản phẩm trí tuệ lại thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo và đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thì người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền để sử dụng sản phẩm ấy và sản phẩm ấy sẽ bùng nổ, và nền kinh tế cũng có điều kiện để bùng nổ.
Do vậy, sản lượng và doanh thu trong nền kinh tế số có những con số nhiều khi giật mình, không phải theo quy luật thông thường.
Tất nhiên, nếu cứ đi tuần tự như hiện nay mà không có tư duy đột phá mạnh mẽ thì, theo tôi, Việt Nam sẽ khó đạt được khát vọng trở thành nước phát triển năm 2045.
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Việt Nam là nước đi sau (về trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập trung bình còn thấp), lại có khát vọng vươn lên thành nước phát triển vào năm 2045 – tức phải đạt khoảng trên 12.450 USD/người. Chỉ có kinh tế số chứ đi tuần tự thì không được. Cả giai đoạn thì 2016-2019 (không có Covid) là giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của thập kỷ qua chúng ta mới đạt được tăng trưởng 6,8%. Nhưng với tốc độ này thì sẽ không đạt mục tiêu đặt ra vào năm 2045 được. Chúng ta phải đạt mức tăng trưởng cao khoảng 6,8-7% liên tục thì mới có thể đạt được mục tiêu đó.
Chúng tôi tính toán, đi tuần tự thì không thể đi được, nhưng đi với kinh tế số thì có thể đạt được. Đó chính là cơ hội cho những “ông” đi sau, biết tận dụng cơ hội như: dân số trẻ tiếp cận công nghệ nhanh, quy mô thị trường, những yếu tố thuận lợi bên ngoài, môi trường ổn định, nhà đầu tư mang công nghệ vào…
Khó khăn, thách thức sắp tới không hề nhỏ với phát triển kinh tế số ở đây là như thế nào? Theo ông, đâu là rào cản, thách thức lớn nhất?
Theo tôi, trước mắt có hai thách thức quan trọng nhất. Thách thức lớn nhất hiện vẫn là tư duy – tư duy phải chuyển đổi nhanh, sẵn sàng bắt nhịp vào tốc độ nhanh của chuyển đổi số. Người làm chính sách, người quản lý phải nhanh nhạy, gắn kịp được với yêu cầu của thời đại của kinh tế số, chuyển đổi số. Việc làm ra cơ chế, chính sách (phần mềm) đòi hỏi phải hiểu hệ thống hoạt động như thế nào, tương tác ra sao, nếu không cơ chế, chính sách sẽ không trúng và không đáp ứng được yêu cầu của phát triển. Trong quá trình chuyển đổi số, phần mềm này đôi khi lại quan trọng hơn là phần cứng - kỹ thuật và hạ tầng.
Thách thức thứ hai là cách tính, việc đo quy mô 20%, 30% của kinh tế số trong GDP là như thế nào. Chúng tôi đi tìm hiểu mà vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Ở đây không đơn thuần chỉ là việc đo, cách tính mà quan trọng hơn, qua việc tính toán cụ thể, phạm vi cụ thể của các lĩnh vực của kinh tế số là gì để có những chính sách cụ thể khuyến khích cho kinh tế số phát triển.
Khi chưa xác định được phạm vi đối tượng cụ thể, không có cách tính cụ thể sẽ dễ dẫn đến chính sách không rõ ràng, không phát huy, hỗ trợ được tối đa các lĩnh vực của kinh tế số phát triển.
10:36 05/07/2021