“Những tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đơn hàng các doanh nghiệp bị sụt giảm. Sang đầu năm 2023, tình hình có thể trở nên nặng nề hơn, vì vậy thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Người lao động có thể rơi vào tình trạng mất việc làm, giảm giờ làm, thu nhập giảm sút.
Cùng với đó, nhiều lao động có thể rời bỏ thị trường, việc tái cấu trúc thị trường lao động sẽ là thách thức khi khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động hiện nay còn yếu, thông tin thị trường lao động cũng hạn chế, trình độ kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm. Những yếu tố này có thể tiếp tục dẫn đến tình trạng mất cân đối lao động giữa các ngành nghề, địa phương và giữa các trình độ đào tạo.
Chúng tôi dự báo tình hình hoạt động của doanh nghiệp đầu năm 2023 có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lao động bị cắt giảm giờ làm, mất việc có thể kéo sang hết quý 1/2023.
Trước mắt, cần rà soát thường xuyên để nắm chắc tình hình biến động lao động, đặc biệt là việc cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, giảm giờ làm để có biện pháp kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bên cạnh đó, cần theo dõi nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn để thực hiện tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm, kết nối cung cầu cho những người mất việc chuyển đổi công việc; đồng thời, cần đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo trình độ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp”.
“Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp trên 138.000 lao động, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng cao đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là đến việc làm và đời sống của người lao động. Để giải quyết các khó khăn cho người lao động, đối với TP. Hà Nội, chúng tôi đề nghị cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao.
Thành phố cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời xử lý các vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Đối với Chính phủ, chúng tôi đề nghị: tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề,… đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành như giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, một số doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần sự hỗ trợ để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ khi phê duyệt các khu công nghiệp, cần đồng thời tính đến các yếu tố đồng bộ, như: nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi phục vụ công nhân và con em họ”.
“Đối với ngành da giày Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến hết quý 3 đạt mức tăng trưởng khá tốt (15% đối với mặt hàng giày dép), song đến quý 4/2022 cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt vì ngành da giày cũng là ngành xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và châu Âu chiếm đến gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành cũng chịu ảnh hưởng lớn, khiến sức mua bị suy giảm. Trong quý 4/2022, mức độ giảm khoảng 30% so với những tháng trước và tình hình này có thể còn kéo dài đến quý 2/2023.
Đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến lực lượng lao động của ngành da giày. Những tháng cuối năm 2022, người lao động hầu như đều phải giảm giờ làm, làm luân phiên; có doanh nghiệp phải dừng hợp đồng với lao động và không tiếp tục ký lại.
Khảo sát của chúng tôi tại các nhãn hàng lớn (như NIKE, ADIDAS) cho thấy rằng họ tiếp tục gia công tại Việt Nam, nhưng đơn hàng bị giảm 30%, còn các đơn hàng nhỏ bị ảnh hưởng sâu, đến 50%. Khách hàng truyền thống cam kết khi thị trường hồi phục sẽ tiếp tục gia công tại thị trường Việt Nam, đó là tín hiệu tốt. Chúng ta có các hiệp định thương mại lớn là động lực tốt để chúng ta tiếp tục duy trì đơn hàng.
Để tiếp tục duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải tính đến các biện pháp như: cho lao động làm luân phiên, nghỉ tạm thời, hỗ trợ lao động có tay nghề cao để ổn định; cần tăng cường tuyên truyền thông tin về lợi thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút đơn hàng; tăng cường chuỗi liên kết với các doanh nghiệp để cập nhật thông tin và cân đối lao động. Nhà nước cần có chính sách giãn hoặc hoãn các khoản nợ vay ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, rà soát các chính sách bất cập…
Với lợi thế cạnh tranh của ngành da giày, khi Chính phủ đàm phán đưa các FTA về Việt Nam, cơ hội của ngành giày dép sẽ mang lại lợi ích rất lớn với nền kinh tế”.
“Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 11 về tiền lương của người lao động ghi nhận mức lương chỉ còn 5,9 triệu đồng, tức giảm khoảng 800 nghìn đồng so với mức 6,7 triệu đồng (theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê đến quý 3/2022), cho thấy đời sống người lao động khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài mất việc, thiếu việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, thì thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt. Nghiên cứu và khảo sát của chúng tôi, cũng ghi nhận mức 80% người lao động đang có việc làm lo lắng có nguy cơ mất việc. Mặc dù vậy, phần lớn người lao động đều nhận được sự chia sẻ của các doanh nghiệp.
Thống kê của chúng tôi đến thời điểm ngày 10/12/2022, trong số gần nửa triệu lao động bị ảnh hưởng tại 44 tỉnh, thành phố, thì 90% người lao động vẫn được nhận lương, nhưng sau Tết, tình hình quan hệ lao động có thể trở nên cấp bách hơn. Nếu thị trường lao động không kịp hồi phục và xu hướng cắt giảm lao động, kết thúc hợp đồng lao động vẫn tăng lên sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột trong quan hệ lao động.
Trước bối cảnh như vậy, tổ chức công đoàn cùng với ngành lao động các tỉnh, thành phố sẽ giám sát doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ đối với người lao động. Trước hết là chia sẻ với doanh nghiệp, nhắc nhở, khuyến cáo doanh nghiệp cần đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động; đồng thời, công đoàn sẽ tăng cường tư vấn pháp luật cho người lao động; hỗ trợ cung cấp thông tin các chính sách, kết nối việc làm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động để có thể chuyển đổi công việc phù hợp”.
“Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến người lao động về cả chiều rộng (như: việc làm, giờ làm) và chiều sâu (như: tiền lương, thu nhập và chất lượng cuộc sống). Cùng với đó, đại dịch đã phơi bày rất nhiều vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, thực tế người lao động được thụ hưởng hỗ trợ quá ít ỏi dù có khá nhiều chính sách đã ban hành. Sự thật là khả năng chống chịu của người lao động quá yếu trước các cú sốc, nhưng chính sách lại chưa đến được với tất cả.
Dù Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, nỗ lực phục hồi nhanh thị trường lao động, nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh mạnh tay hơn nữa, bởi dự báo thời gian tới sẽ xuất hiện xu hướng cắt giảm tiền lương, cắt giảm việc làm, sụt giảm an sinh, phúc lợi cho đến khi doanh nghiệp phục hồi, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.
Các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện bằng được các chính sách an sinh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đã ban hành. Vì vậy, cần có các quy định, yêu cầu gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp để đưa vào các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Về lâu dài, cần hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn nữa. Vấn đề đặt ra ở đây là các khu công nghiệp này có tồn tại được hay không, phụ thuộc vào việc đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học, bởi lẽ, nếu không đáp ứng được những yếu tố này, công nhân sẽ lại quay về các thành phố lớn. Khi đó, nếu gặp một cú sốc tương tự như dịch Covid-19 thì một bộ phận lớn người lao động lại bị mất việc, giãn việc”.
VnEconomy 03/01/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 52 phát hành ngày 26-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
07:00 03/01/2023