Ông Phạm Văn Hiến mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế, khi chúng tôi cùng ngồi bên chiếc bàn gỗ dài dưới bóng cây râm mát của khu nghỉ dưỡng The Anam Cam Ranh, nhìn ra đại dương xanh như màu ngọc bích. Hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Anam - chủ đầu tư của các Khu nghỉ dưỡng The Anam Cam Ranh, The Anam Mũi Né…, ông Hiến trở nên tư lự hơn khi nói về du lịch thời đại dịch.
“Hai năm 2020 - 2021 là quãng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử ngành du lịch và hàng không trên toàn cầu. The Anam Cam Ranh cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, chúng tôi đã rất cố gắng để không đóng cửa bất kỳ ngày nào. Chúng tôi vẫn phục vụ khách và tuân thủ những điều kiện chống dịch khắt khe nhất của Chính phủ”, ông Hiến nói và đưa mắt nhìn quang cảnh khu nghỉ dưỡng với nụ cười tự hào. “Cùng với đó, chúng tôi tập trung vào việc tổng sửa chữa và nâng cấp toàn khu resort. The Anam hiện nay chắc chắn được hoàn thiện và đẹp hơn trước đại dịch rất nhiều”.
Làm kinh doanh trong ngành du lịch, nhất là kinh doanh dịch vụ lưu trú, có khó không, thưa ông?
Mỗi chúng ta đều biết kinh doanh không hề đơn giản. Để đưa một sản phẩm khách sạn hay resort cao cấp ra thị trường thì việc đầu tiên nhà đầu tư phải chọn là sẽ theo tiêu chí nào. Càng cao cấp thì sẽ càng khó khăn trong việc chọn tiêu chí. Vì đó là bài toán tổng thể của phong cách kiến trúc, giá trị đầu tư và sau đó là việc quản lý vận hành. Tất cả điều đó luôn là thách thức lớn trong lĩnh vực đầu tư nghỉ dưỡng lưu trú.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành và đưa vào hoạt động, nếu mọi kế hoạch đều được thực hiện, mọi tiêu chuẩn được đáp ứng thì đó là niềm vui lớn nhất của nhà đầu tư, khi đứa con tinh thần của mình được như ý và mang lại những giá trị mong muốn.
Hai năm qua, các khu nghỉ dưỡng của ông đã thích nghi như thế nào trong bối cảnh ngành du lịch gần như “đóng băng”? Cụ thể với The Anam Cam Ranh, điều gì khiến ông và các cộng sự của mình tự hào nhất trong hành trình “vượt bão”?
Suốt hai năm, chúng tôi đã rất cố gắng để không đóng cửa bất kỳ ngày nào. Khi không thể đón khách quốc tế, chúng tôi đưa ra những gói ưu đãi để chào đón khách nội địa, ví dụ như gói nghỉ dưỡng spa, gói nghỉ dưỡng gia đình… Đại dịch đã khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến yếu tố sức khỏe và sự bền vững, The Anam đã thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh có thể tái chế, ống hút nhựa bằng ống hút gạo, túi nhựa bằng túi tre... Ngoài ra, chúng tôi là một trong các khu nghỉ dưỡng hạng sang đầu tiên tại Việt Nam thay thế thẻ từ chất liệu nhựa PVC thông thường bằng thẻ từ chất liệu gỗ được chứng nhận bởi tổ chức quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council).
Bên cạnh đó, điều làm tôi thấy vui là trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh, tập thể nhân sự The Anam luôn đồng lòng nhất trí để đưa ra những kế hoạch kịp thời nhất cho từng thời điểm. Sự chuyên nghiệp và gắn bó của các cán bộ chủ chốt cũng như của toàn thể hàng trăm nhân viên của The Anam là yếu tố quan trọng để chúng tôi thích nghi và vượt qua được hai năm khó khăn này.
Theo dự đoán của ông, ngành du lịch trong thời kỳ “bình thường mới” sắp tới sẽ như thế nào?
Có thể nói là cho đến hôm nay, những gì khó khăn nhất đã trôi qua. Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn và có phương hướng rất rõ ràng cho tương lai. Với độ phủ sóng vaccine và những biện pháp của Chính phủ, tôi hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch mở cửa du lịch, mở lại các đường bay quốc tế và khởi động lại thị trường du lịch quốc tế.
Trong thời gian hai năm vừa qua, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bị hạn chế việc đi lại. Do đó, khi tình hình được ổn định và được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch sẽ tăng trở lại và sẽ rất nhanh. Mùa hè vừa qua, chúng ta thấy các khu nghỉ dưỡng ở châu Âu và bắc Mỹ đã đông kín khách. Do đó tôi chắc chắn, khi Việt Nam mở cửa, lượng khách du lịch vào Việt Nam cũng sẽ sớm phục hồi.
Ông có dự đoán được lượng khách mà các khu nghỉ dưỡng của mình sẽ đón trong năm tới hay không? Và sự cạnh tranh tại địa phương liệu có diễn ra gay gắt?
Chúng tôi đang lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2022 với điểm phục hồi ngay từ đầu năm. Theo tôi, hè năm 2022 sẽ là thời điểm mà hầu hết các khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ bắt đầu kinh doanh khởi sắc và có lãi, mặc dù phần lớn khách lưu trú là khách nội địa. Từ quý 4/2022, dự tính của chúng tôi là khách quốc tế sẽ chiếm phần lớn tỷ trọng doanh thu trong các resort của Anam Group.
Tôi nghĩ, một môi trường cạnh tranh sôi động sẽ đem đến rất nhiều cơ hội, nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải nhìn ra và biết tận dụng những cơ hội đó. Nếu nhiều doanh nghiệp cùng nhận ra và nắm bắt một cơ hội tốt đẹp, vô hình chung chẳng phải họ cần “bắt tay” nhau để tiến tới hay sao? Nếu có thể bắt tay đối thủ một cách tích cực, tôi hoàn toàn sẵn lòng.
Đầu xuân năm mới ngồi nhớ lại chuyện xưa một chút. Được biết ông theo học chuyên ngành kỹ thuật, vậy cơ duyên nào khiến ông “dừng chân” ở ngành hospitality vậy?
Khi thi đại học và được điểm vật lý cao gần như tuyệt đối, tôi được Nhà nước cử đi học ngành kỹ sư vật lý tại Đại học Kỹ thuật Praha. Sau 5 năm đại học và 3,5 năm nghiên cứu sinh để lấy bằng Tiến sĩ, tôi đã nghĩ mình rồi sẽ là một giáo sư vật lý. Nhưng với những thay đổi tại các nước Đông Âu vào các năm 90, thế hệ chúng tôi hầu hết phải chuyển sang kinh doanh và tìm cho mình một hướng đi hợp lý hơn. Tôi đã chọn ngành du lịch và dịch vụ hàng không.
Trong hơn 20 năm, công ty của tôi đã mở văn phòng kinh doanh ở 6 nước trong Liên minh châu Âu và 3 nước ở Đông Nam Á. Tôi đã đi rất nhiều nước trên thế giới và khi so sánh, tôi thấy du lịch Việt Nam có được thế mạnh rất lớn với những bãi biển tuyệt đẹp và người Việt vô cùng hiếu khách. Từ đó, tôi luôn mong muốn sẽ quay về Việt Nam đầu tư, xây dựng những resort hay khách sạn mang được những dấu ấn về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Đến giờ, tổng kết lại chặng đường nhiều năm kinh doanh của mình, ông cảm thấy mình được gì, mất gì - khi từ một tiến sỹ vật lý lại trở thành doanh nhân?
Để “được” chắc chắn phải có “mất”. Là doanh nhân, theo tôi, cái “mất” lớn nhất là thời gian và tâm trí cho những trăn trở trong kinh doanh. Vợ tôi vẫn hay nói đùa rằng công việc luôn là “cô vợ thứ nhất” của tôi (cười). Tuy nhiên, cái “được” to lớn chính là những trải nghiệm, khi làm việc đến một mức độ nào đó thì tiền cũng chỉ là con số, tôi không còn hào hứng xem năm nay mình kiếm được bao nhiêu, mà chỉ quan trọng những dự án mình đang đam mê theo đuổi có thể phát triển đúng như mong đợi hay không... Hai năm Covid-19, chắc chắn cộng đồng doanh nhân bị ảnh hưởng rất nặng nề, tuy nhiên, vượt lên trên đó là sự đồng lòng, sự đoàn kết của cả tập thể và tâm nguyện hướng tới những hoàn cảnh khó khăn... Đó cũng là những điều “được” nhận lại, với cá nhân tôi.
Vậy câu chuyện được nói đến nhiều nhất trong mâm cơm cuối năm nay của gia đình ông sẽ là gì?
Tôi nghĩ rằng gia đình tôi sẽ nói về sự lạc quan. Mỗi khi gặp khó khăn, hãy lạc quan để tìm cơ hội trong thách thức, thậm chí tìm cách chung sống hài hòa với những khó khăn đó. Tôi muốn nhắn nhủ với các con tôi: Hãy ước mơ và cố gắng để thực hiện được ước mơ đó. Dù khó khăn cũng không bỏ cuộc, sau mỗi khó khăn, giá trị việc làm của mình sẽ càng tăng lên. Cuối cùng, hãy quan tâm đến gia đình và mọi người quanh mình nhiều hơn. Tình thân luôn là điều ý nghĩa nhất của cuộc đời!
VnEconomy 03/02/2022 10:00
10:00 03/02/2022