"Các startup Việt Nam hiện nay đang có khá nhiều thuận lợi để gọi vốn. Trước hết số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm rất nhiều, trong đó Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn đối với các quỹ. Trong đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào các startup công nghệ đang chiếm tỷ trọng lớn.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nguồn lực công nghệ dồi dào, chất lượng cao so với các nước trong khu vực. Đồng thời các startup còn đang trong giai đoạn non trẻ. Đó là một trong các yếu tố để các quỹ đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng. Vì vậy, startup khá dễ dàng gặp được các quỹ đầu tư để trình bày ý tưởng kinh doanh, gọi vốn. Bên cạnh các quỹ ngoại, số lượng quỹ đầu tư trong nước đã tương đối nhiều. Việc gọi vốn với các startup tốt, có chất lượng không còn quá khó.
Tuy nhiên, khó khăn chính là hệ sinh thái startup ở Việt Nam còn mới, các doanh nghiệp còn non trẻ và quản trị chưa chuyên nghiệp. Các quỹ đầu tư khi vào Việt Nam định giá giá trị startup còn chưa cao. Đây có thể là yếu tố hấp dẫn với nhà đầu tư nhưng lại là thiệt thòi cho các startup vì số vốn gọi được sẽ không nhiều so với lượng cổ phần phát hành ra.
Tôi cho rằng, điều này sẽ dần được cải thiện khi hệ sinh thái ngày càng trưởng thành và các startup ngày càng chuyên nghiệp hơn thì mức định giá doanh nghiệp sẽ cao lên. Tất nhiên, khi mức định giá doanh nghiệp càng cao cũng đồng nghĩa sẽ giảm mức độ hấp dẫn với nhà đầu tư.
Một trong những yêu cầu đầu tiên khi startup khi gọi vốn chính là các số liệu kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch. Trong giai đoạn đầu, các startup chủ yếu tập trung làm thế nào có sản phẩm ra thị trường và tồn tại, mà chưa chú ý về số liệu, quản trị tài chính doanh nghiệp. Đây là điểm hạn chế khi các quỹ vào thẩm định doanh nghiệp. Do đó, tôi cho rằng, khi có ý định gọi vốn, các startup cần lưu ý tới các số liệu phải rõ ràng minh bạch ngay từ ngày đầu kinh doanh.
Bên cạnh đó, các startup cần chú trọng tới kế hoạch kinh doanh, mức tăng trưởng và có tầm nhìn rõ ràng. Các quỹ sẽ cân nhắc vấn đề này khi quyết định đầu tư. Bởi thực tế các quỹ khi đầu tư đều phải tìm kiếm lợi nhuận. Đặc biệt các startup phải xác định: khi gọi được vốn, tiền của nhà đầu tư là tiền của doanh nghiệp và được dùng để phát triển doanh nghiệp chứ không phải của cá nhân các nhà sáng lập. Do đó, các startup phải hoạt động theo đúng mô hình quản trị của một công ty cổ phần.
Các quỹ đầu tư rất “nhạy cảm” với những startup quản trị doanh nghiệp không rõ ràng, minh bạch và không đúng cam kết ban đầu. Điều này sẽ tạo điểm tín nhiệm doanh nghiệp thấp, bị mất uy tín và khó khăn trong những vòng gọi vốn tiếp theo.
Cho dù thế nào thì khi nhận được vốn, các startup phải gắn với trọng trách làm thế nào để số tiền đầu tư của quỹ sinh lời. Các doanh nghiệp startup sẽ phải chịu áp lực tăng trưởng để đạt được các KPI đã cam kết với nhà đầu tư.
Liên quan đến “khẩu vị” của các nhà đầu tư, giai đoạn trước đây các quỹ thường tập trung vào các startup tăng trưởng, lĩnh vực có tiềm năng. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid xảy ra, “khẩu vị” của các quỹ đầu tư có sự thay đổi, quay về thực chất hơn, chú trọng yếu tố lợi nhuận. Các startup không hẳn phải có lãi mới gọi được vốn, mà quan trọng phải có mô hình kinh doanh bền vững, có lợi nhuận để tiến đến hòa vốn và có lãi. Việc rót tiền đầu tư nhằm lấy số lượng tăng trưởng người dùng, chiếm lĩnh thị trường như trước đây không còn là “kim chỉ nam” trong hoạt động đầu tư nữa".
"Con số vốn đầu tư đổ vào startup năm 2021 khá ấn tượng so với năm 2020. Minh chứng là tổng nguồn vốn nước ngoài đổ vào startup công nghệ xấp xỉ 1,4 tỷ USD, cao hơn cả mức đỉnh năm 2019. Nếu nhìn về chất lượng và độ chín thì thực tế không có nhiều thay đổi lớn. Năm 2021 được hưởng lợi từ việc năm 2020 các nhà đầu tư gần như không giải ngân được do dịch bệnh và các startup gặp khó khăn.
Theo tôi, đây là những tín hiệu tích cực bởi điều quan trọng là dòng tiền các nhà đầu tư vẫn đổ vào thị trường Việt Namchứ không rút đi. Trong năm 2021, những thương vụ rót vốn đầu tư lớn từ 70- 80 triệu USD trở lên chủ yếu ở hai lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và thương mại điện tử, điển hình như Tiki hay Momo. Mặc dù lượng tiền đổ vào thị trường rất nhiều nhưng vẫn tập trung vào các startup lớn và những startup kiểu “Unicorn to be” (sớm trở thành kỳ lân).
Ngoài ra, năm 2021 có một số mảng cũng đang rất “hot” và tiềm năng hút tiền đầu tư, đó là startup công nghệ Blockchain và Crypto (tiền số). Nhưng đa phần các startup lĩnh vực này có hình thức gọi vốn khá khác biệt thông qua ICO (đợt phát hành Coin đầu tiên), gọi vốn cộng đồng…
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong những năm tới đây và bắt đầu từ năm 2022, chúng ta sẽ chứng kiến những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực EdTech (công nghệ giáo dục) và MedTech (công nghệ y tế). Những startup đã gọi vốn đầu tư hàng trăm triệu USD như năm 2021 đều là những công ty lớn và chạm đến ngưỡng có thể IPO. Do đó, ở các vòng gọi vốn tiếp theo, những đơn vị này sẽ thiên về IPO nhiều hơn chứ không còn là một vài trăm triệu đô nữa. Trong năm 2022 sẽ thiên về các startup ở tầm trung, vòng gọi vốn Series B với mức vài chục triệu đô hoặc những startup gọi vốn ở vòng Series A sẽ tương đối nhiều.
Nếu trong năm 2021, tổng số lượng thương vụ gọi vốn không nhiều nhưng lượng vốn đổ vào thị trường lại cao thì trong năm 2022 sẽ có những điểm thay đổi. Tổng quy mô vốn đầu tư trong năm 2022 có thể bằng năm 2021 nhưng số lượng các thương vụ sẽ rất nhiều, phân hóa về các deal nhỏ hơn.
Với các startup, nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài đều rất tốt, đều có những thế mạnh nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phát triển hoạt động kinh doanh. Riêng với những startup hướng tới đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo tiền đề để có thể gọi được vốn ở những vòng tiếp theo, kết nối với các đối tác.
Theo tôi, các startup nên lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu, mục tiêu và giai đoạn phát triển của mình. Có những giai đoạn, startup chỉ cần gọi vốn từ nhà đầu tư trong nước là đủ với quy trình nhanh hơn so với gọi từ quỹ nước ngoài. Thực tế hiện nay, ở thị trường trong nước đã hình thành khá nhiều quỹ đầu tư nhưng quy mô chưa lớn. Còn với các quỹ đầu tư nước ngoài thường dồi dào hơn về mặt tài chính, có nhiều kinh nghiệm hơn nên tham gia vào đa phần các deal lớn. Nhìn lượng tiền đổ vào startup thời gian qua, có đến gần 75% đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có thể trong tương lai, cán cân này sẽ thay đổi".
"Mang trong mình sứ mạng của một tổ chức giáo dục tái tuần hoàn rác thải thông minh, 3SR tiếp cận và kết nối cộng đồng bằng công nghệ, mạng lưới và theo đuổi giá trị vì “một cuộc sống không có rác thải”. Đồng hành cùng nhóm 6 sinh viên khởi nghiệp của trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội trong dự án khởi nghiệp “3SR – mạng xã hội tái tuần hoàn rác thải thông minh”, chúng tôi từng bước gặt hái được nhiều giải thưởng và thu hút được sự quan tâm sâu rộng từ cộng đồng. Chúng tôi hiện đang đóng vai trò quan trọng trong liên minh không rác thải của Việt Nam và mạng lưới các trường học không rác thải – zero waste in school.
Có 3 vòng tuần hoàn trong dự án của chúng tôi, gồm tái tuần hoàn rác thải giấy, tái tuần hoàn rác thải nhựa và tái tuần hoàn rác hữu cơ. Mô hình kinh doanh của chúng tôi tập trung vào các sản phẩm chính: “giáo dục xanh – Mobile App tích rác đổi quà và chương trình STEM+ giáo dục tái tuần hoàn rác thải thông minh” cho các trường học của Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của các hoạt động này là góp phần điều chỉnh hành vi và thói quen phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng. Dự kiến trong hai năm tới, 3SR sẽ triển khai ở 30 trường tại Hà Nội, 20 trường ở Đà Nẵng và 30 trường tại TP.HCM.
Tuy nhiên, 3SR là “startup giáo dục xanh” vốn thuộc phân khúc hoạt động phi lợi nhuận nên dòng tiền thu được từ các sản phẩm “giáo dục xanh” của chúng tôi không ổn định. Lý do bởi các trường học chưa sẵn sàng và chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm của giáo dục xanh. Thứ hai, startup chưa đủ nguồn lực đầu tư phát triển thị trường, tổ chức triển khai đưa mô hình kinh doanh vào thực tế.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động nguồn kinh phí để tổ chức và phát triển mô hình kinh doanh ý nghĩa này. Ngoài ra là các thách thức liên quan đến kinh nghiệm kinh doanh thực triển để triển khai trong thực tế tại các trường học khi đại dịch Covid lùi xa.
Cơ hội mở ra với startup xanh như 3SR khi kinh tế tuần hoàn và văn hóa kinh tế xanh đang được xem là xu hướng của tương lai và được Nhà nước, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ bằng các chính sách khuyến khích phát triển. Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đang cần các mô hình “giáo dục xanh” nhằm truyền thông về kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải thấp, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc… 3SR cũng rất phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Mô hình kinh doanh của chúng tôi có thể kêu gọi viện trợ từ các tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp, chung tay cho mục tiêu điều chỉnh hành vi và thói quen phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng.
Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ để có thể kết nối với các các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế để biến giấc mơ khởi nghiệp vì cộng đồng, phục vụ cộng đồng của chúng tôi cho cuộc sống xanh hơn thành hiện thực".
"Việt Nam đang là một nước rất phát triển về lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, số lượng nhà đầu tư “nhòm ngó” cũng như quyết định đầu tư vào khởi nghiệp của Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh mẽ. Thậm chí, vì điều kiện phát triển cũng như nhân sự nên nhiều công ty công nghệ hay cá nhân ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc còn đến Việt Nam để khởi nghiệp. Các quỹ đầu tư của các quốc gia khác cũng đang rất nhanh chóng tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam. Dù các công ty của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc nhận vốn đầu tư, cách thứ hoạt động cũng như nhân sự nhưng nhìn chung cũng đang thu hút rất nhiều quỹ đầu tư quốc tế.
Mỗi startup có một thế mạnh riêng để thu hút vốn nước ngoài. Chủ yếu các quỹ đầu tư của nước ngoài quan tâm đến những startup, ý tưởng có thể nhân rộng (scale up) một cách nhanh chóng trong khu vực hoặc quốc tế, họ quan tâm đến cách các founders (các nhà sáng lập) kinh doanh và làm việc, con người họ và đặt việc phát triển chiếm lĩnh thị trường làm yếu tố tiên quyết.
Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như các nhà đầu tư thiên thần ở ngoài Việt Nam như Việt kiều… muốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng họ còn khá sợ việc đưa tiền vào Việt Nam hay những điều lệ, điều luật khi thoái vốn họ có thể sẽ không được bảo vệ. Điều này cho thấy sự thiếu hụt hiểu biết về Luật Đầu tư dành cho những người nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cũng như của startup.
Và vì thế nhiều startup của Việt Nam vì thế đã đăng ký công ty ở Singapore hay Mỹ, hay những quốc giá khác để những nhà đầu tư có thể dễ dàng đổ tiền vào và theo dõi, mọi thứ sẽ minh bạch và dễ dàng hơn cho startup. Đây có lẽ cũng là một điều cần lưu ý cho startup công nghệ ở Việt Nam".
VnEconomy 08/04/2022 11:00
11:00 08/04/2022