Lãi suất trái phiếu đang lệch pha với năng lực tài chính doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu đang huy động được vốn với mức lãi suất tương đương với doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang diễn ra rất sôi động nhưng chủ yếu là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư tổ chức. Sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ qua các quỹ trái phiếu và đầu tư trực tiếp.
Dữ liệu của FiinRating (Bộ phận xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup) về 71 công ty bất động sản phát hành trái phiếu trong 9 tháng của năm 2020 cho thấy chỉ tiêu Debt/EBITDA đã tăng lên 7,11 lần so với mức 4,68 lần thời điểm cuối năm 2019.
Chỉ số này cho thấy khả năng thanh toán khoản nợ phát sinh của doanh nghiệp, được các công ty xếp hạng tín nhiệm sử dụng để đánh giá rủi ro vỡ nợ của tổ chức phát hành. Hiện thị trường đang thiếu đi các tiêu chuẩn/sự tham chiếu để tự đánh giá và hỗ trợ quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn chung, tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành đang có xu hướng xấu đi trong 9 tháng 2020 trong khi đòn bẩy tài chính tăng lên. Thống kê kết quả các đợt phát hành, FiinRating cho rằng đang có sự mất cân xứng giữa năng lực tín dụng của nhà phát hành và lãi suất trái phiếu trên thị trường.
Cụ thể, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện đang huy động trái phiếu với lãi suất từ 10 – 12%/năm. Tuy nhiên tình hình tài chính của các doanh nghiệp này rất khác nhau và được FiinRating xếp hạng từ Aa (rất tốt) đến Caa (Rất yếu). Nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu đang huy động được vốn với mức lãi suất tương đương với doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt.
Doanh nghiệp nhóm ngành bất động sản có sự huy động vốn qua trái phiếu mạnh mẽ bậc nhất trong thời gian vừa qua, với lãi suất hứa hẹn đưa ra ở mức cao nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp không có khả năng chi trả lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2020 đã có 1.089 đợt phát hành trái phiếu của 175 doanh nghiệp với giá trị 341.000 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 173.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 40,3% và chiếm tỷ trọng cao nhất toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Một bất cập lớn hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín tương tự như Fitch Ratings, đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
"Đáng quan ngại là tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân chiếm đến hơn 20% số lượng nhà đầu tư và nguồn vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu", HoREA cảnh báo.