Lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể vẫn tiếp tục tăng
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp bất động sản đã giải thể tăng khoảng 30,4%, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này giảm khoảng 61,4%...
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý 2/2023 do Bộ Xây dựng công bố ngày 2/8 cho biết, hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Số doanh nghiệp bất động sản có xu hướng giải thể tăng. Lượng doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới thì giảm khoảng 61,4%.
BA NHÓM KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC MÀ CÁC DOANH NGHIỆP ĐANG PHẢI ĐỐI MẶT
Đánh giá về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng phân làm ba nhóm chính.
Nhóm một là nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý. "Hiện nay, nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án;...", Bộ Xây dựng thông tin.
Nhóm hai là nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện. "Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Nhóm ba là nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn. Với thực trạng này, Bộ Xây dựng nhận định: "Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai. Theo đó, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Đặc biệt là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu...
Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp đang phải áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Cùng với đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bởi vậy, ngoài việc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay, hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc. Có nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay...
CẦN LOẠI BỎ TÂM LÝ NÉ TRÁNH, SỢ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ
Một khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản) cũng cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
"Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới bất động sản. Nhiều người lao động sẽ lâm vào cảnh mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội...", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản. Trong đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội, chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc, gửi về Tổ công tác để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;
Tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; Đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn chủ đầu tư, nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án;
Khẩn trương, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục triển khai liên quan đến dự án bất động sản trên địa bàn.
Đồng thời loại bỏ tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế nói chung và việc tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các dự án, thị trường bất động sản...