Mỗi quốc gia một cách ứng phó với quá tải du lịch
Mở cửa trở lại sau đại dịch, một số quốc gia vẫn cho rằng, cần thu hút càng nhiều du khách càng tốt, đo đếm bằng lượt khách du lịch hoặc thời gian lưu trú. Tuy nhiên, số lượng du khách quá đông đồng nghĩa với việc gây áp lực với môi trường…
Nếu chuyển sang du lịch giá trị cao, số lượng du khách thu hút ít hơn nhưng cung cấp nhiều trải nghiệm du lịch địa phương hấp dẫn hơn để thu được chi phí du lịch cao hơn, các nước vẫn có thể tạo ra nguồn thu du lịch lớn. Tuy nhiên, muốn xây dựng kế hoạch như thế là tương đối thách thức, bởi vì các quốc gia cần phải đảm bảo những điểm thăm quan trong nước có sự đặc sắc, độc đáo so với đối thủ, cũng như mang lại sự trải nghiệm phong phú cho du khách.
ĐÔI KHI CẦN HẠN CHẾ DU KHÁCH
Mới đây, một chiến dịch đặc biệt nhằm hạn chế những du khách độc hại, có hành vi vượt quá giới hạn vừa được phát động ở Amsterdam (Hà Lan). Phó thị trưởng thành phố Amsterdam, Sofyan Mbarki, người đứng đầu chiến dịch "Stay Away" (Tránh xa), cho biết: "Amsterdam là một thành phố lớn, thu hút nhiều du khách và luôn nhộn nhịp, đông đúc. Tuy nhiên, đây còn là nơi sinh sống của nhiều người dân địa phương. Chính vì vậy, thành phố cần có biện pháp ngăn chặn những phiền toái không đáng có và tình trạng quá tải từ hoạt động du lịch".
Traveling Lifestyle đưa tin, chiến dịch này là một phần trong nỗ lực xóa bỏ tên gọi "thủ đô tiệc tùng", đem lại cho Amsterdam diện mạo mới. Các nhà chức trách ở Amsterdam đang cố gắng giới hạn số lượng du khách ghé thăm thành phố. Thuế du lịch có thể được áp dụng trong thời gian tới. Ngoài ra, quy định khi thuê phòng nghỉ cũng được thắt chặt hơn.
Tương tự, để du lịch Bhutan những ngày này, du khách phải trả phí. Theo chương trình Phí phát triển bền vững triển khai từ tháng 9/2022, du khách sẽ phải chi trả 200 USD/ngày (so với 65 USD trước kia). Một chuyến đi đến Bhutan thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, vị chi, du khách tốn khoảng 2.000 USD (tương đương 50 triệu đồng) cho riêng khoản phí nói trên. Theo Traveller, với khoản phí này, Bhutan trở thành quốc gia đắt đỏ nhất thế giới, xét về thị thực.
Áp dụng khoản phí này đồng nghĩa với việc Bhutan thẳng thắn thừa nhận họ không cần du khách. Hoặc ít nhất quốc gia này không muốn đón nhiều du khách. Mặc dù là quốc gia đang phát triển, GDP thấp nhưng Bhutan không kiếm tiền từ du lịch và Phí phát triển bền vững được đặt ra để ngăn dòng du khách đổ về đây. "Nền văn hóa của chúng tôi rất nhạy cảm và chúng tôi muốn gìn giữ theo cách này để truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Những năm gần đây, Bhutan đã chứng kiến những tác hại của du lịch đại chúng và chúng tôi không muốn dùng du lịch để tạo doanh thu dưới mọi hình thức", ông Lotay Tshering, Thủ tướng Bhutan trao đổi với Traveller.
Có thể, Bhutan đã rút kinh nghiệm khi nhìn cảnh quá tải du lịch ở một số quốc gia khác. Chính quá tải du lịch từng phá hủy gần hết rạn san hô và hệ sinh thái của vịnh Maya, khiến điểm hút du khách nhất Thái Lan phải đóng cửa gần 4 năm để khôi phục.
Đối với chính quyền Thái Lan, cân bằng giữa nhu cầu du lịch, lĩnh vực đóng góp khoảng 20% GDP Thái Lan trước đại dịch, và lời kêu gọi bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của công viên là một thách thức lớn đang diễn ra.
“Giải pháp tốt nhất là không tiếp đón du khách nào. Nhưng chúng ta đều biết vịnh là một điểm du lịch lớn. Do đó, chúng ta phải thỏa hiệp”, Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat, nhà sinh học biển đang làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan về dự án tái sinh vịnh cho biết. Bãi biển Maya đã mở cửa trở lại cho khách du lịch trong năm nay, lần đầu tiên sau gần 40 tháng. Các quy định mới giới hạn số lượng du khách được đề ra ở mức khoảng 4.000 người/ngày so với mức 5.000 người/ngày vào dịp cao điểm năm 2018, trong khi hoạt động bơi lội vẫn bị cấm.
Tình trạng lưỡng lự do lo sợ quả tải du lịch như vậy cũng đã diễn ra tại đất nước vạn đảo. Hồi tháng 8 năm nay, Chính phủ Indonesia gây "sốc" khi thông báo sẽ tăng phí vào cửa gấp 25 lần đối với Vườn quốc gia Komodo - thu hút du khách khắp thế giới với hoạt động tham quan rồng Komodo sắp tuyệt chủng. Giá vé được ấn định mức 3,75 triệu rupiah (khoảng 250 USD), so với giá vé ngày thường trước đó chỉ 5.000 rupiah cho một người Indonesia và 150.000 rupiah cho một người nước ngoài. Kế hoạch này được cho là nhằm tăng doanh thu, đồng thời giảm số lượng du khách và bảo tồn môi trường sống tự nhiên.
QUAN ĐIỂM TỪ GIỚI CHUYÊN GIA
Những mâu thuẫn giữa doanh thu từ du lịch và bảo tồn tự nhiên cũng như văn hóa ở các nước trên không phải là số ít. Các biện pháp cần thiết để làm cho du lịch bền vững đã liên tục được đem ra thảo luận khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ, hoạt động du lịch xuyên biên giới được nối lại. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo rằng vào năm 2023, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là "khu vực đầu tiên quay trở lại thời kỳ năm 2019" khi xét về đóng góp của ngành vào tổng sản phẩm quốc nội. WTTC dự báo rằng các khu vực khác sẽ "phục hồi hoàn toàn vào năm 2024".
"Các chính phủ cần hiểu rằng để duy trì môi trường và thúc đẩy du lịch bền vững, tăng giá không phải là cách duy nhất", Giám đốc điều hành Piter Abdullah tại Viện nghiên cứu Segara, có trụ sở tại Jakarta, nêu quan điểm. Ông cho rằng có nhiều cách khác nhau để chống lại tình trạng quá tải du lịch, bao gồm tăng phí vào cửa, hạn chế số lượng du khách hoặc tạm thời đóng cửa các khu vực dễ bị tổn thương như công viên quốc gia, khu bảo tồn biển để phục hồi.
Bà Jaeyeon Choe từ Trường Kinh doanh và Xã hội Glasgow, Đại học Glasgow Caledonian thì cho rằng đã đến lúc đầu tư vào những khía cạnh bền vững của du lịch với sự tham gia của chính cộng đồng địa phương. Theo bà, các chính phủ Đông Nam Á cho đến nay vẫn chưa chủ động xây dựng nền tảng cho du lịch bền vững với môi trường. "Các cơ quan quản lý du lịch nên phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa để khai thác nhu cầu. Điều này có thể giúp bảo vệ và hồi sinh các di sản và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra sinh kế mới", bà Jaeyeon Choe nói rõ hơn.
Theo tờ Nikkei Asia, cũng có ý kiến cho rằng thay vì tập trung vào việc làm thế nào để hạn chế dòng khách du lịch đến các điểm đến hấp dẫn hiện có, đây có thể là thời điểm để ngành dịch vụ lữ hành các quốc gia tìm cách phân tán du khách tốt hơn ở những khu vực bị bỏ quên từ trước đến nay. Ít nhất, khách du lịch sau hai năm ở nhà hiện đang trong tâm trạng háo hức muốn khám phá và họ cũng tỏ ra thích thú hơn đối với các hoạt động và trải nghiệm dựa trên thiên nhiên hoang sơ.
Bên cạnh đó, những khoản thu từ du lịch nên được sử dụng để tái tạo rừng, nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực của ngành du lịch, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển hướng sang sử dụng ô tô điện để triệt tiêu dấu chân carbon của khách du lịch…