Ngân hàng nào có tiềm năng tăng trưởng tích cực nhất từ mảng bán bảo hiểm?
Bancassurance được đánh giá là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022...
Bancassurance là một thỏa thuận giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm để bán các sản phẩm của công ty bảo hiểm thông qua kênh phân phối của các ngân hàng.
Các ngân hàng tạo doanh thu từ việc bán các sản phẩm của các công ty bảo hiểm là đối tác của họ, và đồng thời cũng được hưởng lợi từ khoản phí trả trước từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với công ty cung cấp bảo hiểm. Bancassurance còn là động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng. Khi hệ thống ngân hàng thương mại phát triển, thu nhập của các ngân hàng sẽ trở nên ít phụ thuộc hơn vào mảng cho vay, và thu nhập phí sẽ đóng vai trò quan trọng như một động lực thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng trong tương lai.
BANCASURRANCE SẼ ĐÓNG 50% TỔNG THU NHẬP PHÍ TOÀN NGÀNH
Theo thống kê từ Yuanta trên 17 ngân hàng niêm yết, Bancasurrance chiếm trung bình 37% trong tổng thu nhập phí năm 2021 của các ngân hàng niêm yết. Kỳ vọng tỷ trọng đóng góp của mảng bancassurance vào doanh thu tại CTG, VCB, TCB, VPB, MSB và STB sẽ tăng lên đáng kể sau khi đã ký kết hợp đồng với các đối tác bảo hiểm độc quyền của họ. Vì thế, tổng doanh thu bancassurance sẽ chiếm khoảng 50% tổng thu nhập phí của toàn ngành vào năm 2025E.
Cụ thể, tại Vietinbank CTG đã ký kết hơp đồng phân phối bancassurance độc quyền thời hạn 16 năm với Manulife trong năm 2022. CTG xếp vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng tổng doanh thu phí APE trong 4T2022 với 324 tỷ đồng (+200% YoY).
Tại Vietcombank, VCB ký hợp đồng bancassurance độc quyền (thời hạn 15 năm) với FWD và khoản phí trả trước đạt khoảng 9.000 tỷ đồng, đây là khoản phí được công bố cao nhất trên thị trường. VCB xếp hạng 8 xét về tổng doanh thu phí APE trong năm 2021, và vẫn giữ vững thứ hạng này trong 4T2022 với tổng APE là 330 tỷ đồng (+28% YoY)
Với Techcombank, vào năm 2017, TCB ký hợp đồng bancassurance độc quyền có thời hạn 15 năm với Manulife. Phí trả trước khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng, khá thấp so với các thỏa thuận được ký trong thời gian gần đây. Ví dụ, VCB ký hợp đồng với FWD và thu về khoảng 9,0 nghìn tỷ đồng, phí trả trước, theo hợp đồng giữa ACB – Sun Life là khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng. Vì thế, Yuanta kỳ vọng TCB sẽ tái đàm phán với mức phí trả trước cao hơn. Năm 2021, TCB đứng thứ 3 trên thị trường xét về tổng doanh thu phí APE, nhưng trong 4T2022, TCB rơi về hạng 7 với tổng doanh thu phí APE là 359 tỷ đồng (-8% YoY).
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng: VPB đã ký hợp đồng bancassurance độc quyền 15 năm với AIA vào năm 2017, nhưng sau đó đã tái đàm phán vào năm 2021 với phí độc quyền cao hơn – một xu hướng chung ở thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây. VPB có tổng doanh thu phí APE năm 2021 cao thứ 7 trên thị trường, và đã vươn lên xếp hạng 6 với tổng APE là 378 tỷ đồng (+38% YoY) trong 4T2022. VPB cũng lên kế hoạch mua lại OPES, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, MSB ký thỏa thuận bancassurance độc quyền có thời hạn 15 năm với Prudential vào năm 2021. MSB hỗ trợ trả góp với lãi suất 0% cho khách hàng mua bảo hiểm Prudential bằng thẻ tín dụng MSB. Xét về doanh thu phí APE, MSB xếp hạng 13 trong 4T2022.
Tại Sacombank, STB và Dai-ichi Life đã ký thỏa thuận bancassurance độc quyền (thời hạn 20 năm) vào năm 2017, nhưng sau đó họ đã tái đàm phán và ký hợp đồng mới vào năm 2021. STB đứng thứ 6 xét về tổng doanh thu phí APE vào năm 2021, nhưng ngân hàng đã vươn lên và đứng thứ 3 với tổng phí APE là 454 tỷ đồng (+13% YoY) trong 4T2022.
CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG NÀO CHẤT LƯỢNG?
Những động lực thúc đẩy chính cho Bancassurance là tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam và gia tăng GDP bình quân đầu người góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm; Người dân đang ngày chú ý nhiều hơn đến sức khỏe, đặc biệt là sau đại dịch. Từ đó hình thành nhu cầu đối với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; Tỷ lệ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP.
Thông thường, các ngân hàng thường phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng lại bị kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà Nước (SBV) thông qua cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm của SBV. Ngành ngân hàng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, và các ngân hàng đang chuyển hướng sang tập trung mở rộng thu nhập phí, và bancassurance là một động lực cốt lõi của sự chuyển dịch này.
Yuanta cho rằng thu nhập của các ngân hàng sẽ ít bị phụ thuộc vào mảng cho vay trong tương lai. Thu nhập phí sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận, với 2 nhân tố đóng góp chính là: doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ.
Các ngân hàng có mạng lưới hoạt động rộng lớn và tệp khách hàng tiềm năng là những gì mà các công ty bảo hiểm đa quốc gia còn thiếu, và đây cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong việc bán bảo hiểm.
Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước như Vietinbank đang đứng đầu xét về số lượng khách hàng và mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. Các ngân hàng thương mại như VPB, MBB và HDB cũng có tệp khách hàng quy mô lớn. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là những khách hàng của các công ty con tài chính. Thu nhập hằng tháng của những khách hàng này được xếp vào nhóm thu nhập thấp.
Vì thế, khả năng có thể bán sản phẩm bancassurance cho các khách hàng từ các công ty tài chính tiêu dùng thấp hơn so với các khách hàng của ngân hàng. Do đó, nếu không tính đến số lượng khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng, thì các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước hiện đang là những ngân hàng có số lượng khách hàng bancassurance tiềm năng nhiều nhất.
Trên cơ sở đó, Yuanta tiếp tục khuyến nghị các ngân hàng chất lượng cao, có tiềm năng tăng trưởng mảng bancassurance rất tích cực như là: ACB, MBB và VCB. ACB đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng tổng doanh thu APE trong 4 tháng đầu năm 2022, theo sau đó là MBB.