Ngành logistics chuyển mình do sức ép Covid-19 và những “tay chơi” mới
Đại dịch Covid-19 với những biến động khôn lường là nguyên nhân gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là tác nhân tạo nên sự thay đổi rõ rệt của ngành giao thông vận tải và logistics. Ngành này đang chứng kiến sự chuyển mình của những “ông lớn” truyền thống cũng như sự gia nhập của những “tay chơi” mới trên thị trường...
Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng sôi động, công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ từ các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, cung ứng, thì hoạt động ngành giao thông vận tải, logistics - “xương sống” của chuỗi cung ứng, cũng đang thay đổi mạnh.
"TÂN BINH" GIA NHẬP, "ÔNG LỚN" CHUYỂN MÌNH
Tại tọa đàm về chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành giao thông và logistics”, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) và Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) mới đây, ông Trần Trí Dũng, Trưởng ban Công nghệ đổi mới sáng tạo của VLA, nhấn mạnh, giải pháp chiến lược cho các doanh nghiệp hiện nay là quản lý lưu thông nội địa và quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới và tăng hiệu quả kết nối. Đồng thời, kết nối hoạt động trực tuyến với hoạt động thực tế trên hiện trường online – offline với nhau.
Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển thương mại điện tử như vũ bão, ông Phan Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VietFul, nêu thực thế quản lý kho hàng thủ công phát sinh nhiều rủi ro, bất tiện.
Thấu hiểu “nỗi lòng" của doanh nghiệp, VietFul - một “tay chơi” mới ngành kho vận, đã cho ra đời phần mềm quản lý kho thông minh. Từ đó, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa cách lấy hàng, sắp xếp, lưu trữ hàng hóa thông minh bằng mã vạch, mã QR, kiểm kê tồn kho theo thời gian thực.
Ông Bình phân tích, trong đợt giãn cách diện rộng vừa qua, nhiều doanh nghiệp trả lại mặt bằng và chỉ tập trung phát triển kho hàng và bán hàng trực tuyến nhằm tiết kiệm chi phí và tiếp cận với khách hàng nhiều hơn. Do hiện có hàng loạt các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… cùng nhiều hình thức telesale trên website của chính doanh nghiệp nên bộ phận bán hàng của doanh nghiệp phải ghi nhớ rất nhiều các hệ thống khác nhau, phức tạp và tốn thời gian trên từng kênh bán hàng.
Bên cạnh đó, theo ông Bình, việc tổng kết hiệu quả bán hàng, doanh thu đơn hàng ở các kênh bán hàng cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thông tin tồn kho các kho hàng cũng làm ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp.
"Ngoài việc tổ chức cơ cấu lại bộ máy, thu hút nhân tài, Vietnam Post đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến cho các hoạt động logistics và bưu chính chuyển phát".
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu chính Thương mại điện tử, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Vì vậy, doanh nghiệp không chủ động kế hoạch bán hàng, gây thất thu lớn trong những chiến dịch bán hàng chớp nhoáng, giảm giá nhiều mặt hàng. Ngoài ra, tần suất xuất nhập đơn hàng không nhỏ, lên đến 1.000 - 50.000 đơn hàng mỗi ngày với các sản phẩm đa dạng và phức tạp hơn nhiều.
“Ông lớn” Vietnam Post, sau nhiều năm chuyển biến chậm chạp, cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu thế phát triển của thương mại điện tử.
Cụ thể, từ tháng 5/2020, Vietnam Post triển khai nền tảng Vpostcode phát triển trên nền tảng bản đồ số và mã bưu chính quốc gia nhằm cung cấp các thông tin về mã và vị trí của bất kì địa điểm nào trên toàn quốc nhằm tối ưu hóa thời gian vận chuyển, giảm chi phí và thúc đẩy phát triển chuyển phát thương mại điện tử.
Ngoài ra, Vietnam Post áp dụng ứng dụng quản lý khách hàng, giải pháp quản lý vận chuyển giúp quản lý phương tiện, điều phối xe nội bộ và xe xã hội giảm tỷ lệ xe chạy rỗng.
“Tương lai logistics của Vietnam Post là Order Fulfillment - một trong những dịch vụ Vietnam Post tập trung chú trọng để phát triển thương mại điện tử”, bà Mai Anh nhấn mạnh.
Dịch vụ này sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là chủ shop kinh doanh online nhỏ lẻ, tiết kiệm đáng kể các khoản chi phí như phí thuê nhà kho, thiết bị, mua vật liệu đóng gói và tập trung hơn vào việc kinh doanh, vận hành doanh nghiệp hay gian hàng thương mại điện tử.
SẮP CÓ KHO DỮ LIỆU MỞ NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
Không chỉ các doanh nghiệp mà các bộ, ngành cũng nhanh chóng hoà chung vào làn sóng chuyển đổi số. Theo ông Phùng Văn Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông vận tải, ngành giao thông vận tải đang tích cực triển khai nhiều chương trình nhằm đi tắt đón đầu trong tiến trình chuyển đổi số.
Bộ Giao thông vận tải xác định điều quan trọng nhất là chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế cho sự phát triển hạ tầng số, dữ liệu số. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách công nghệ số cho tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, gồm hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và đường bộ, phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực.
Tiếp đó, phát triển kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý, ứng dụng công nghệ số để tạo thuận lợi cho các người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ vận tải logistics. Từ đó, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực giao thông, xây dựng nền kinh tế số giao thông. Chuỗi cung ứng kết nối kho bãi, phương thức vận chuyển chuyên chở, hướng tới giảm chi phí logictics dựa trên cơ sở số hóa các thông tin.
Ông Trọng cho biết Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng thử nghiệm áp dụng công nghệ mới vào các hoạt động vận tải.
Thời gian tới, ngành sẽ hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kho dữ liệu mở sẽ được doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp công nghệ tiếp cận, chia sẻ và khai thác dữ liệu sau giai đoạn 2022-2023.
8 XU HƯỚNG LỚN THAY ĐỔI CHUỖI CUNG ỨNG
Chia sẻ về những xu hướng lớn của ngành giao thông vận tải, logistics thời gian tới, ông Trần Trí Dũng điểm ra tám xu hướng chính.
Thứ nhất, đứt gãy chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra.
Thứ hai, giảm khoảng cách với khách hàng. “Kết nối” sẽ là từ khoá nổi bật trong giai đoạn sắp tới. Khách hàng kết nối gần hơn qua các hoạt động thương mại điện tử và cài các ứng dụng.
"Theo rất nhiều chuyên gia và nhiều nguồn tin, từ năm 2022 và liên tục vài năm đó sau đó, khả năng đứt gãy các chuỗi cung ứng có thể xảy ra do nhiều biến động sẽ tiếp tục làm nặng nề hơn, tổn thương hơn chuỗi cung ứng. Đây là thực tế chúng ta phải đối mặt".
Ông Trần Trí Dũng, Trưởng ban Công nghệ đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA).
Thứ ba, nhà sản xuất cần linh hoạt uyển chuyển đáp ứng nhu cầu thị trường dưới dạng “Smart Factory” mới có thể tồn tại. Theo đó, nhà sản xuất cần nhanh chóng tái cấu trúc sản phẩm, tăng, giảm quy mô, đổi thiết kế hay chia tách thành nhà máy, phân xưởng nhỏ hơn ở nhiều nơi khác nhau để đầu tư ban đầu không phải là gánh nặng.
Thứ tư, nhà cung cấp nguyên liệu vật liệu thô cần phải “tỉnh táo” hơn, uyển chuyển hơn, có tầm nhìn dài hạn hơn. Ông Dũng cho rằng, chặng đầu tiên của chuỗi cung ứng như các nhà cung cấp nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép hay lúa gạo, trái cây rau củ quả… cần dự báo trước nhu cầu, để giúp quá trình từ khi hoạch định cho đến khi cung cấp sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thứ năm, cần rất nhiều sản phẩm số trong cả quá trình không chỉ của một lĩnh vực mà của rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khi có ý tưởng đến khi đưa các sản phẩm ra thị trường, từ lên ý tưởng, lập kế hoạch, marketing, vận tải, phân phối…
Thứ sáu, thực hiện đơn hàng động. Logistics không đơn giản là vận chuyển hay tồn trữ trong kho hàng. Trưởng ban Công nghệ đổi mới sáng tạo VLA cho rằng, doanh nghiệp cần đáp ứng được những biến động ngay tức khắc của thị trường. Đứt gãy ở khâu nào, phải có những phương thức vận tải khác để thay thế, tuyến đường khác thay thế.
Thứ bảy, đồng bộ thời gian thực. Trên thực tế, đây là một điều vô cùng khó, cần có một thiết kế hoạch phản ứng tức thời như dùng trí tuệ nhân tạo, cảm biến hệ thống, điều hành tự động hóa. Trong kinh doanh để dòng tiền tăng tốc nhanh thì dòng hàng cũng phải nhanh, thông tin theo thời gian thực.
Thứ tám, các đổi mới trong giao thông vận tải, thay đổi công suất phù hợp với quá trình vận chuyển dòng hàng và đặc biệt kết nối đa phương thức toàn cầu, qua nhiều biên giới, nhiều cảng biển, sân bay, tuyến đường, hàng rào kỹ thuật khác nhau.