Được biết mục tiêu của AVV là nhắm tới đầu tư vào các startup có mối liên hệ với Việt Nam. Chị có thể chia sẻ rõ hơn lý do vì sao AVV lựa chọn những startup có liên hệ đến Việt Nam như vậy? Liệu những startup đó có khả năng mang lại lợi tức đầu tư ở mức quỹ mong muốn khi mà hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn khá non trẻ?
Vâng, đúng là AVV có một định nghĩa rộng hơn cho khái niệm startup Việt, đó là những startup được xây dựng bởi nhân tài Việt Nam ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài hoặc các startup ở nước ngoài nhưng nhắm tới thị trường Việt Nam. Có một số lý do khiến chúng tôi định nghĩa startup Việt như vậy.
Thứ nhất, về nhân tài, chúng tôi tin rằng những nhân tài Việt Nam làm startup có thể ở Việt Nam hoặc ở bất kỳ đâu trên thế giới. Những người Việt Nam có kinh nghiệm sinh sống, làm việc ở nước ngoài, thậm chí là kinh nghiệm làm việc cho những công ty công nghệ lớn trên thế giới, sẽ có những lợi thế nhất định khi làm startup. Hoạt động đầu tư mạo hiểm, đặc biệt ở giai đoạn sớm, tập trung rất nhiều vào yếu tố con người. Và đây là những nhân tài mà chúng tôi muốn có cơ hội được làm việc cùng.
Thứ hai, đối với các startup nước ngoài, chúng tôi đánh giá rằng Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn đối với họ, bởi vì Việt Nam là một thị trường rất mở, chính sách chú trọng hội nhập. Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao cho các startup công nghệ, chi phí sinh hoạt cũng như chi phí kinh doanh hợp lý. Vì thế có rất nhiều startup nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam, họ muốn xây dựng những sản phẩm và những dịch vụ có thể phục vụ cho người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp ở các thị trường đang phát triển như Việt Nam.
AVV có kinh nghiệm đầu tư, có nguồn lực và mạng lưới, hiểu biết về thị trường Việt Nam. Chúng tôi tin rằng mình là đối tác phù hợp cho tất cả những startup như vậy. Đặc biệt, với các nhà đầu tư mạo hiểm, quy mô thị trường là một tiêu chí rất quan trọng để có thể đạt được mức sinh lời đầu tư mong muốn. Những startup như vậy nhắm đến nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Vì thế, quy mô thị trường của họ rất tiềm năng, có thể giúp chúng tôi tìm được những khoản đầu tư phù hợp với tiêu chí của mình.
Trong suốt quá trình phát triển của startup, AVV đã làm việc với các founder như thế nào để hỗ trợ họ sau khi đầu tư và điều gì làm nên sự khác biệt của AVV so với các quỹ đầu tư khác ở Việt Nam?
Trong quá trình làm việc và trao đổi với các founder (nhà sáng lập), dù cuối cùng AVV có quyết định đầu tư hay không, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực làm sao để founder có một trải nghiệm tích cực với AVV và họ sẽ nhận được những giá trị nhất định từ những cuộc gặp mặt với AVV.
Sau khi đầu tư, AVV cũng chú trọng hợp tác và hỗ trợ các công ty trong danh mục của mình. Chúng tôi tin rằng các nhà sáng lập khi tìm đến AVV không phải chỉ để giải quyết bài toán về vốn. Bản thân AVV cũng có những thành viên đã có kinh nghiệm làm việc ở các công ty startup, các công ty công nghệ lớn trên thế giới và ở Việt Nam như Google, Uber, Bytedance (Tiktok), Klout, Misfit hay Topica, chúng tôi muốn tận dụng những nguồn lực và khả năng, kinh nghiệm thực chiến của mình để hỗ trợ cho các founder xây dựng nền tảng thành công lâu dài cho startup của họ từ những ngày sơ khai.
Nhưng trước khi nói về câu chuyện hợp tác và hỗ trợ, tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố xây dựng mối quan hệ với các nhà sáng lập. Thực ra thì khi nói về đầu tư mạo hiểm hay về startup mọi người hay nói đến công nghệ, đến chiến lược kinh doanh với những con số khô khan. Nhưng nhìn ở một góc độ nào đó, lĩnh vực này cũng là một lĩnh vực có rất nhiều yếu tố con người, vì vậy chúng tôi rất chú trọng xây dựng mối quan hệ thân thiết với founder để họ trân quý và coi bản thân mình là một đối tác có thể làm việc lâu dài, kết hợp lâu dài. Để làm được điều đó, trước hết phải xây dựng mối quan hệ cởi mở, chân thành, lắng nghe và thấu hiểu founder, làm sao phải là người mà founder có thể chia sẻ, tâm sự. Đó là những những nguyên tắc chúng tôi rất coi trọng và có thể nói nó tạo nên những khác biệt cho AVV với tư cách là một nhà đầu tư.
Chị đánh giá thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam? Đứng ở góc độ là một quỹ đầu mạo hiểm, AVV có những nỗi sợ gì khi đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam?
Có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất non trẻ nhưng trong vài năm qua đã có những tiến bộ vượt bậc. Tôi nhớ là thời điểm quỹ cho startup Việt Nam được thành lập và đầu tư thì số lượng startup vẫn chưa nhiều, và khái niệm về đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn còn khá xa lạ. Để thấy được sự non trẻ của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ở một vài năm trước thì ta có thể nhìn vào năm 2017, tổng số lượng vốn đầu tư vào các startup chỉ dừng lại ở mức 48 triệu USD - một con số khá khiêm tốn.
Thế nhưng chỉ 2 năm sau, tức là vào năm 2019, con số đó đã lên tới 1 tỷ USD và có những startup như Trusting Social, Elsa, hay Sky Mavis - đều là những startup Việt - đã thu hút được vốn đầu tư của rất nhiều nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Đó là những tín hiệu hết sức đáng mừng cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, các founder ở Việt Nam vẫn còn những giới hạn nhất định về kinh nghiệm, họ chưa có kinh nghiệm xây dựng startup ở quy mô lớn, có chưa có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, quản trị con người và họ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư. Vì thế vai trò của các nhà đầu tư và các bên hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam rất quan trọng.
Thực ra, điều mà tôi muốn chia sẻ ở đây có lẽ không phải là một nỗi sợ, mà đúng hơn đó là sự trăn trở với tư cách là một nhà đầu tư. Bởi vì hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, cho nên vẫn có những hạn chế nhất định. Chúng ta có thể nhìn thấy các startup vẫn phát triển rất tốt ở những giai đoạn sớm và có nhiều hoạt động tích cực. Nhưng ở thị trường Việt Nam, vẫn có một cái hiện tượng gọi là “cái đuôi dài” (long tail), tức là chưa có nhiều startup thực sự có thể đạt được chất lượng nhất định khi trưởng thành ở giai đoạn series B và Series C. Bản thân nhiều founder cũng chưa có kinh nghiệm xây dựng startup ở những cái giai đoạn trưởng thành như vậy. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với tư cách là một nhà đầu tư cũng như là một thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, chúng tôi có thể giúp đỡ các nhà sáng lập học hỏi và trau dồi nhanh chóng để có thể bù đắp được thiếu sót về kinh nghiệm này.
Cảm ơn chị về những chia sẻ. Ngoài ra, ở góc độ chính sách, theo chị, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần những hỗ trợ gì từ các nhà quản lý để có thể phát triển tích cực hơn nữa?
Tôi tin rằng mỗi cá nhân, mỗi thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đều đóng một vai trò nhất định, và các nhà quản lý chính sách ở Việt Nam có một vai trò không ai có thể thay thế. Đó là tạo nên hành lang pháp lý, môi trường chính sách để giúp startup phát triển. Ví dụ, về quy trình đăng ký kinh doanh, tôi rất mong trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách sẽ thay đổi và cải tiến quy trình này để các startup có thể đăng ký doanh nghiệp một cách nhanh chóng, với chi phí rẻ hơn. Hoặc một ví dụ khác về việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài. Hiện nay, quy trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn vô cùng khó khăn, tôi hi vọng quy trình này sẽ được đơn giản hóa, để các startup Việt có thể tiếp cận với nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư quốc tế.
Là một hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển, chúng ta có thể tận dụng bài học từ các hệ sinh thái phát triển hơn, với câu chuyện chính sách, tôi nghĩ đây cũng không phải ngoại lệ. Ta có thể nhìn vào các hệ sinh thái đã phát triển trong khu vực và trên thế giới, tìm hiểu xem họ có những chính sách gì có thể áp dụng ở Việt Nam. Chẳng hạn như nói về câu chuyện đăng ký kinh doanh thì hiện nay ở Singapore, để đăng ký một doanh nghiệp mới quy trình này chỉ mất 1-2 tuần với chi phí rất nhỏ, trong khi ở Việt Nam theo như tôi tìm hiểu quy trình này có thể mất đến vài tháng. Tôi nghĩ nếu các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam có thể chuẩn hóa quy trình này, đơn giản hóa hay thậm chí là số hóa một số khâu trong quy trình đăng ký kinh doanh sẽ giúp cải thiện trải nghiệm của các nhà sáng lập rất nhiều.
Theo dự đoán của AVV, thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào trong 2-3 năm tới? So với các quốc gia khác trong khu vực thì thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam sẽ ở vị trí như thế nào?
Trong ngắn hạn, rõ ràng kinh tế thế giới đang rơi vào giai đoạn nhiều thách thức. Tuy nhiên tôi thấy đây là một lợi thế của Việt Nam vì Việt Nam đang được coi là điểm sáng trong bức tranh về bối cảnh kinh tế toàn cầu, đó là lợi thế cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Bức tranh tăng trưởng tính cực về kinh tế là một tín hiệu rất tốt đối với các nhà đầu tư ở nước ngoài khi họ đánh giá về các startup ở thị trường Việt Nam. Trong thời gian qua, các startup Việt Nam đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến từ thị trường Đông Nam Á và quốc tế. Trong 2-3 năm tới, tôi nghĩ xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục, ngày càng nhiều nhà đầu tư ở các thị trường quan tâm hơn đến Việt Nam.
Một số thị trường khu vực như Indonesia hoặc Singapore đã có sự trưởng thành nhất định, bão hòa về hoạt động đầu tư mạo hiểm, cho nên các nhà đầu tư đang tìm kiếm một điểm đến mới có những thương vụ phù hợp với mình. Và tôi nghĩ Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đó.
Như đã chia sẻ từ đầu chương trình, AVV được biết là quỹ đầu tư vào các startup Việt có khát vọng vươn ra tầm quốc tế, vậy nếu được nhắn gửi thông điệp đến các nhà sáng lập Việt Nam đang tìm hướng đi ra thị trường quốc tế năm 2023 thì chị sẽ nói gì?
Với tư cách là một nhà đầu tư, AVV có niềm tin mãnh liệt vào khả năng của các nhà sáng lập Việt Nam, xây dựng được những sản phẩm mang lại ảnh hưởng tốt đẹp, tích cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Năm 2023 sẽ không phải là một năm dễ dàng, tuy nhiên trong thách thức cũng tiềm ẩn những cơ hội, đây là thời điểm rất tốt cho các startup tập trung cao độ hơn vào giá trị cốt lõi của mình, tinh gọn cách thức vận hành cũng như bộ máy, và có thể đạt những thành tựu mới về kinh doanh. Là một nhà đầu tư, AVV sẽ tiếp tục hỗ trợ các startup ở giai đoạn này.
VnEconomy 27/02/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2023 phát hành ngày 27-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
07:00 27/02/2023