Những con số trên chứng minh, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, tuy nhiên, trong 3 năm gần đây đang gặp không ít khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp “cạn” nguồn lực. Theo ông, cần làm gì để vực dậy tinh thần doanh nhân Việt Nam?
Rõ ràng, hiện nay chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ đầu đổi mới nước ta còn khó hơn nhiều. Khi đó doanh nhân vốn liếng nhỏ bé, kiến thức, kinh nghiệm thị trường không có gì, còn cán bộ cũng đầy bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, nhưng chính sự hưng phấn cùng tinh thần kinh doanh lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số và thoát khỏi đói nghèo.
Sức mạnh tinh thần luôn là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam. Và tôi tin, chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được.
Nói gọn lại, các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại, vì vậy, doanh nhân doanh nghiệp mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội.
Một niềm vui lớn đối với các doanh nhân trong dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay là được đón chào Nghị quyết mới của Bộ Chính trị (Nghị quyết 41) về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đâu là điểm mới quan trọng mà doanh nghiệp bấy lâu nay vẫn khát khao, thưa ông?
Cách đây 11 năm, lần đầu tiên ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 - NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết 09 tạo bước tiến rất lớn cho sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, môi trường chính sách có nhiều thay đổi.
Năm 2013, doanh nhân doanh nghiệp lần đầu tiên được hiến định trong Hiến pháp Việt Nam với những khẳng định quan trọng về quyền kinh doanh, cam kết bảo hộ tài sản… Sau đó một loạt các quy định, chính sách pháp luật được sửa đổi sau đó nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết 09.
Sau 10 năm thực hiện, bối cảnh thế giới, trong nước cũng như mục tiêu phát triển đất nước đã có nhiều thay đổi, VCCI đã mạnh dạn tham mưu đề xuất Nghị quyết mới. Đó là Nghị quyết 41 - NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Một trong những nội dung rất mới, rất quan trọng, có giá trị bản lề xác định vai trò của đội ngũ doanh nhân: là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bảo đảm quốc phòng an ninh. Đây là bước ngoặt, nâng tầm vai trò không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân - những người không chỉ thuần túy làm kinh tế, đóng góp cho sự phát triển xã hội mà còn tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Nghị quyết 41 - NQ/TƯ cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến. “An toàn, bình đẳng” là hai nội hàm mới, cũng chính là điều doanh nhân đón đợi như một hạnh phúc họ có được.
Đặc biệt nữa, điểm mà doanh nhân doanh nghiệp rất hào hứng, ủng hộ khi Nghị quyết mới được ban hành đó là “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế”. Quyết định này khiến doanh nghiệp rất tâm đắc, vui mừng. Điều này đã được Đảng nói nhiều nhưng lần đầu tiên được chính thức hóa trong Nghị quyết. Do đó, sắp tới chúng ta cần thể chế hóa định hướng này.
Trong Nghị quyết mới lần này, dường như vai trò của doanh nghiệp dân tộc được nhấn mạnh rõ nét hơn thưa ông?
Có lẽ lần đầu tiên trong Nghị quyết của Đảng đưa ra nội dung phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nội địa gắn với việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bởi kinh tế quốc gia không thể chỉ dựa vào các doanh nghiệp FDI.
Trong giải pháp xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Nghị quyết yêu cầu phải ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, có chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp nông nghiệp.
Nhìn nhận một cách thực tế, doanh nhân Việt Nam thời gian qua phát triển tự phát, Nhà nước ban hành cơ chế chính sách và doanh nhân tự hình thành mà chưa có trường đào tạo doanh nhân một cách bài bản. Nguồn gốc xuất phát của doanh nhân trước kia chủ yếu từ khu vực nhà nước, công chức, viên chức. Từ năm 2011 đến nay, doanh nhân chủ yếu từ khu vực tư nhân.
Vì tự phát nên doanh nhân không thống nhất về trình độ, nhận thức cũng như văn hóa kinh doanh, mỗi doanh nghiệp một văn hóa, không có định dạng rõ nét,… đây là hạn chế mà sắp tới đòi hỏi cần khắc phục. Do vậy, cần có một chiến lược bài bản trong bồi dưỡng, đào tạo doanh nhân, đặc biệt, có chính sách đột phá để hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn.
Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 41, VCCI sẽ có những kế hoạch gì?
Trong nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết nhấn mạnh đến vai trò của VCCI đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam. Do đó, để thực hiện nhiệm vụ của mình, Đảng Đoàn VCCI chủ động phối hợp với Ban Cán sự Đảng, Đảng Đoàn các tỉnh, thành thực hiện Nghị quyết, kịp thời giải quyết vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, theo Nghị quyết 41, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng Đoàn VCCI thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát kiểm tra thực hiện Nghị quyết. VCCI sẽ chủ động đem hết sức mình để thực hiện Nghị quyết, đưa doanh nhân doanh nghiệp phát triển, thực hiện khát vọng chung của dân tộc.
Nghị quyết 41 cũng rất nhấn mạnh tới xây dựng đạo đức văn hóa kinh doanh. Đạo đức là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa kinh doanh. Văn hóa kinh doanh là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trước đây chúng ta không để ý vấn đề này, nói về văn hóa doanh nghiệp nhưng không có lõi hay “hạt giống” để tạo ra sự đồng chất mỗi doanh nhân làm một kiểu nên không ai nhận diện được doanh nghiệp Việt Nam là gì.
Do đó VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức kinh doanh và sắp tới là triết lý kinh doanh Việt Nam – giống như một học thuyết để doanh nhân có một nhận thức chung, khái niệm và giá trị chung từ đó cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam cùng thực hành, nhằm tạo ra một bản sắc riêng, sự thống nhất của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
VnEconomy 18/10/2023 09:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
09:00 18/10/2023