Nhiều doanh nghiệp tại Hà Tĩnh "khát" nhân lực
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024 đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc trên địa bàn tỉnh khá lớn.
Chỉ riêng trong tháng 6/2024, có 7 doanh nghiệp lĩnh vực may mặc tại Hà Tĩnh đăng ký nhu cầu tuyển dụng hơn 3.600 lao động phổ thông trong tỉnh.
Tuy nhiên, dù đã đưa ra mức lương và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn, song nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động, số lượng lao động đến nộp hồ sơ, đăng ký tuyển dụng vẫn còn ít dẫn đến tình hình lao động việc làm tại Hà Tĩnh quý II/2024 có chiều hướng giảm so với quý trước.
Trước tình trạng trên, thời gian tới Hà Tĩnh tập trung tăng cường tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung-cầu lao động; gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đến các địa phương để thông tin rộng rãi tới người dân. Đồng thời, tiếp tục khảo sát, thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động có nhu cầu việc làm để kết nối với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Tính chung 6 tháng năm 2024, số người được giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động tại tỉnh này là 11.218 người, giảm 12,11% so cùng kỳ năm 2023, chủ yếu giảm ở lĩnh vực giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, giảm 34,49% và đi làm việc ngoại tỉnh, giảm 11,84%.
Về lực lượng lao động tại Hà Tĩnh, theo kết quả điều tra lao động việc làm, ước tính quý II năm 2024 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Hà Tĩnh là 503.482 người, giảm 0,24% so với quý trước và tăng 1,91% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tổng số, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên là nam giới chiếm tỷ trọng 50,69%, cao hơn 1,38 điểm phần trăm so với nữ giới (chiếm 49,31%); khu vực thành thị chỉ chiếm 25,96%, chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn chiếm đến 74,04%.
Tính chung 6 tháng năm 2024, lực lượng lao động 15 tuổi trở lên ước tính là 504.807 người, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó lực lượng lao động nam là 255.654 người, chiếm 50,72% trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên; lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 130.960 người, chiếm 25,98%.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng năm 2024 của Hà Tĩnh là 52,8%, giảm 0,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. So sánh giữa thành thị và nông thôn, giữa nam và nữ cho thấy cũng có sự chênh lệch đáng kể: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam cao hơn 3,07 điểm phần trăm so với nữ; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị cao hơn 11,17 điểm phần trăm so với nông thôn.
Tính chung 6 tháng năm 2024, lao động có việc làm tại tỉnh này đạt 495.005 người, chiếm 98,2% tổng số lực lượng lao động và tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tổng số, lao động có việc làm ở thành thị là 129.991 người, chiếm 26,26%; ở nam giới là 246.954 người, chiếm 49,89%.
Lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng năm 2024 chiếm tỷ trọng 29,36% (tương ứng 145.314 người), giảm cả về số lượng và tỷ trọng so với cùng kỳ năm trước (lần lượt giảm 0,5% và 0,65 điểm phần trăm); công nghiệp-xây dựng chiếm 29,33% (tương ứng 145.180 người), tăng cả số lượng và tỷ trọng (lần lượt tăng 2,71% và 0,28 điểm phần trăm); dịch vụ chiếm 41,31% (tương ứng 204.511 người), cũng tăng cả số lượng (tăng 2,68%) và tỷ trọng (tăng 0,37 điểm phần trăm).
Tính chung 6 tháng, tỷ lệ thiếu việc làm của Hà Tĩnh trong độ tuổi lao động là 2,44%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình thất nghiệp, tính chung 6 tháng năm 2024, số người không có việc làm (thất nghiệp) ước tính là 9.082 người, chiếm 1,8% lực lượng lao động 15 tuổi trở lên và giảm 2,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; lao động thất nghiệp chủ yếu là ở khu vực nông thôn chiếm đến 89,33% (tương đương 8.113 người) và ở nam giới (8.700 người). Xét riêng trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp 6 tháng năm 2024 ước tính là 5,29%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình nhận trợ cấp thất nghiệp, tỉnh này đã giải quyết kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm góp phần tích cực hỗ trợ người lao động trong thời gian mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống. Số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp phát sinh mới trong quý II/2024 là 1.705 người, tính đến tháng 6 năm 2024 là 3.117 người.