Nhiều mối lo về tai nạn giao thông do xe kinh doanh vận tải gia tăng
Toàn ngành giao thông vận tải nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2023, đặc biệt về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, tình hình vẫn phức tạp khi số người bị thương tăng hơn cùng kỳ, tai nạn giao thông liên quan tới xe kinh doanh vận tải gây nhiều quan ngại...
Bộ Giao thông vận tải vừa có thông tin về tình hình triển khai xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
TAI NẠN CHƯA GIẢM BỀN VỮNG, XE QUÁ TẢI DỄ "QUA MẶT" LỰC LƯỢNG CHỨC NĂNG
Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các Sở Giao thông vận tải tiếp tục rà soát định kỳ để kiểm tra và xây dựng kế hoạch tiếp tục xử lý tiến tới dần xóa bỏ các điểm đen về giao thông trên Quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm.
"Kết quả năm 2021 xử lý được 81 vị trí, năm 2022 xử lý được 46 vị trí; từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho phép chuẩn bị đầu tư để xử lý 16 vị trí điểm đen, 22 điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông thuộc kế hoạch bảo trì năm 2023 và 21 điểm mất an toàn giao thông khác", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Về nhiệm vụ giảm số vụ, số người chết, bị thương về tai nạn giao thông hàng năm, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp cùng Bộ Công an và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp.
Một, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Hai, nâng cao điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng giao thông.
Ba, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Bốn, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo các nhóm chuyên đề như: chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”; chuyên đề “Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm”; chuyên đề đề “cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ”; chuyên đề đề “vi phạm tốc độ”; chuyên đề “Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện”...
"Trong 9 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo nhanh toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 90 vụ (giảm 1,07%), giảm 60 người chết (giảm 1,24%), tăng 216 người bị thương (tăng 3,87%)".
(Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia).
Kết quả đạt được theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, năm 2022, toàn quốc xảy ra 11.457 vụ, làm chết 6.397 người, bị thương 7.804 người. So với năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 6.216 vụ (giảm 35,2%), giảm 1.246 người chết (giảm 16,3%), giảm 5.841 người bị thương (giảm 42,81%).
Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.
Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông tại các trạm thu phí giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc.
Đánh giá về tình hình trật tự, an toàn giao thông thời gian qua tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ quý 4/2023 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội, gần đây nhất là vụ tai nạn giao thông liên quan tới xe khách kinh doanh vận tải. Một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững.
"Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải giảm mạnh nhưng còn diễn biến phức tạp trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu hoặc giáp biên giới. Còn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý. Hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ bất cập.
Ngoài ra, tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém.
50% SỐ VỤ TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG VÌ XE KINH DOANH VẬN TẢI
Lý giải về những tồn tại nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho rằng công tác xây dựng, ban hành và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật: một số văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông chậm ban hành so với thời hạn quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên mà tập trung vào các đợt cao điểm; chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải.
Theo báo cáo thống kê hàng năm của Bộ Công an, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do xe kinh doanh vận tải gây ra chiếm khoảng 50% các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Đáng lưu ý, với các đơn vị kinh doanh vận tải, việc chưa chấp hành nghiêm các yêu cầu về kinh doanh và điều kiện kinh doanh cũng dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo đó, có hiện tượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải giao phương tiện cho người chưa được khám sức khỏe hay ép thời gian giao hàng hoặc tăng chuyến dẫn đến người lái xe phải lái xe quá giờ, làm việc quá thời gian trong ngày theo quy định hoặc lái xe phải chạy quá tốc độ, ép lái xe phải chở hàng quá tải...
Đặc biệt, "mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng năng lực kết cấu hạ tầng nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ phát triển của phương tiện giao thông nói riêng; do thiếu vốn đầu tư, nên một số công trình dừng, giãn tiến độ của giai đoạn trước vẫn chưa có điều kiện được triển khai", Bộ Giao thông vận tải nêu rõ khó khăn.
Cùng với đó, tiến độ đầu tư, xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn chậm; công trình đỗ xe, điểm đón, trả khách cho vận tải đường bộ còn ít được quan tâm đầu tư.
"Nguồn vốn dành cho bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu thực tế", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Việc giải quyết các “điểm đen” tai nạn giao thông còn chưa kịp thời, tỷ lệ giải quyết, khắc phục còn thấp, mới chỉ đạt 44,7% tập trung ở các tuyến quốc lộ, các vị trí chưa được giải quyết tập trung trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện.
Ngoài ra, việc phân làn, phân luồng giao thông, bố trí biển báo, biển chỉ dẫn, tín hiệu giao thông có nơi chưa hợp lý, thiếu khoa học. Việc kiểm soát tải trọng phương tiện ngay từ đầu nguồn nhiều hạn chế... Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập, khiến nhiều hành vi vi phạm chưa được phát hiện và xử lý triệt để.
"Để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa cũng như trong công tác đào tạo, sát hạch, cập giấy phép lái xe", Bộ Giao thông vận tải thừa nhận.
GIẢI QUYẾT BẤT CẬP, CHÚ TRỌNG NÂNG CẤP HẠ TẦNG
Thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chú trọng hoàn thiện thể chế và các quy định liên quan, trước mặt là Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra yêu cầu đặc biệt với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi cần thiết.
"Tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích mổ xẻ những bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và hành vi thanh thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây tai nạn giao thông, từ đó kiến nghị những sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới", lãnh đạo Bộ lưu ý.
Cùng với đó, "bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa vào khai thác, vận hành các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, hiện đại đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý điểm đen; rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông, hệ thống báo hiệu bảo đảm điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông" Bộ Giao thông vận tải cam kết.
Lồng ghép mục tiêu, các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh. Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, giảm dần thị phần vận tải đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.