Chatbot AI có tên Askonomy hay còn gọi là “Trợ lý thông tin kinh tế” đã ra mắt phiên bản mới tại Hội Báo toàn quốc 2024. Đây là sản phẩm chatbot AI do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng với đối tác Actable AI phát triển. Askonomy cung cấp các thông tin kinh tế cho người dùng, người đọc báo một cách chủ động. Hay nói cách khác, chatbot này đã mang lại một phương thức đọc báo mới cho độc giả trong thời đại AI. Ông có thể giải thích chi tiết hơn về cách đọc báo mới này?
Để phân biệt rõ hơn, chúng ta có thể hình dung là con người hàng ngày đều tiếp xúc với thông tin, theo cách bị động hoặc chủ động, báo chí chỉ là một trong những nguồn/phương tiện để chúng ta tiếp xúc với thông tin mà thôi.
Khi tiếp xúc thông tin báo chí, cách truyền thống nhất là “đọc” một tác phẩm báo chí (như đọc một mẩu truyện nhỏ), “nghe” một tác phẩm báo chí (qua radio, lướt web) hoặc vừa “nghe”, vừa “nhìn” một tác phẩm báo chí (qua truyền hình, lướt web).
Đặc điểm chung của phương thức đọc báo truyền thống là bạn đọc phải tập trung tâm trí, dành một khoảng thời gian đủ lớn, để chắt lọc, cập nhật và thẩm thấu được hết hoặc một phần thông tin mà mình quan tâm. Trong quá trình đó, bạn phải tiếp xúc với cả những thông tin đã biết và chưa biết. Đây là một thú vui tao nhã, một trải nghiệm tuyệt vời của rất nhiều bạn đọc, nhưng với một bộ phận khác, nó bất tiện, vì mất thời gian, không phù hợp với cuộc sống bận rộn trong “thế giới phẳng” ngày nay.
Askonomy ra đời, phù hợp với một bộ phận độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ và những người có công việc bận rộn. Thay vì “đọc”, “nghe”, “nhìn” để thu thập thông tin, thì nay, bạn đọc có thể “trò chuyện” để có được thông tin. Thay vì tiếp xúc với từng tác phẩm báo chí riêng lẻ, hoặc dành thời gian tìm kiếm một chuỗi tác phẩm báo chí có liên quan đến một chủ đề, thì ngày nay gần như ngay lập tức, độc giả có thể khai thác thông tin từ kho tư liệu khổng lồ của một cơ quan báo chí. Thay vì phải tập trung tâm trí, chắt lọc thông tin mình quan tâm và mất khá nhiều thời gian, thì nay, với Askonomy, bạn đọc có thể hỏi ngay những nội dung mình đang cần và mất rất ít thời gian. Đó là những điểm ưu việt của Askonomy.
Ở chiều ngược lại, Askonomy cũng có những hạn chế nhất định, nhất là với những độc giả coi việc dành thời gian để “đọc”, “nghe”, “nhìn” như một cách để thư giãn, giải trí và một trải nghiệm không thể thiếu hàng ngày. Tuy nhiên, những khác biệt trên đủ để cho phép chúng ta nhận định: Askonomy đã mang lại một phương thức đọc báo mới cho độc giả trong thời đại AI.
Hiện nay, người đọc dường như bị quá tải thông tin do môi trường trực tuyến luôn đầy ắp các nội dung, tin tức, trong đó có cả những tin không chính xác, tin giả. Xin ông cho biết Askonomy giúp độc giả giải quyết vấn đề quá tải thông tin như thế nào?
Askonomy là một mô hình AI tạo sinh. Công nghệ này nếu được kết nối với một nguồn dữ liệu chất lượng (dữ liệu sạch), thì sẽ cho ra những thông tin có chất lượng, thông tin sạch. Kho tư liệu của một cơ quan báo chí nói chung, và của VnEconomy nói riêng là những thông tin như thế.
Vì Askonomy được kết nối với dữ liệu của VnEconomy, nên khi sử dụng Askonomy, độc giả sẽ được tiếp cận những thông tin có chất lượng, được kiểm chứng từ Tòa soạn.
Về vấn đề quá tải thông tin, như tôi đã trình bày ở trên, với Askonomy, độc giả sẽ “trò chuyện” với cả một kho tư liệu khổng lồ của VnEconomy, để lấy ra những thông tin quan trọng nhất, cần thiết nhất, trong một thời gian ngắn nhất, do đó, Askonomy góp phần giải quyết vấn đề “quá tải” thông tin cho bạn đọc. Nhiều người hay gọi hiện tượng phải tiếp xúc với rất nhiều thông tin đã biết, thông tin không mong muốn là “spam thông tin”. Với Askonomy, bạn đọc sẽ không bị spam thông tin.
Đối với vấn đề tin giả thì sao? tin giả là những thông tin, nội dung sai sự thật tràn lan trên mạng Internet, Askonomy giúp độc giả gạn lọc các tin giả này như thế nào? Tin giả cũng có thể là do chính công nghệ AI tạo ra do đặc tính gọi là “ảo giác”, vấn đề này Askonomy có cách giải quyết không, thưa ông?
Đối với vấn nạn tin giả trên mạng Internet, như đã nói, Askonomy được kết nối với kho dữ liệu được kiểm chứng của VnEconomy, nên chắc chắn sẽ không thể có tin giả như cách mà độc giả vẫn thường gặp khi “lướt web” để cập nhật thông tin. Tuy nhiên, một quan ngại nữa từ độc giả, đó là vấn đề tin giả do chính AI tạo ra? Đây là giới hạn công nghệ mà cả thế giới đang gặp phải, khi sử dụng AI tạo sinh để phục vụ con người. Việc này đã được những nhà phát triển Askonomy quan tâm và khắc phục theo một số hướng sau đây.
Thứ nhất, Askonomy sinh sau so với những sản phẩm AI tạo sinh trên thế giới, nên ngay từ khi bắt tay vào phát triển, đã có những lợi thế nhất định. Chúng tôi đã biết được các hình thức mà AI sinh ra thông tin “giả”, chúng tôi cũng chứng kiến cách mà các sản phẩm lớn trên thế giới đã khắc phục nó như thế nào, bao gồm cả sự thành công, và thất bại. Đây là những bài học quý giá cho chúng tôi để khắc phục trên Askonomy ngay từ khi xây dựng thuật toán. Nó cho phép Askonomy giải quyết bài toán này một cách chất lượng hơn, cơ bản và lâu dài hơn.
Thứ hai, cũng giống như các sản phẩm AI tạo sinh khác, chúng tôi phải bố trí nhân sự, xây dựng các công cụ kỹ thuật để liên tục nhận phản hồi (feedback) từ người dùng, qua đó khắc phục ngay những hiện tượng AI tạo ra tin giả (nếu có).
Thứ ba, từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng khi nói tới hiện tượng “tin giả” sinh ra từ nội tại AI tạo sinh, chúng ta cần nhìn rộng hơn một chút. Không có gì là tuyệt đối cả! Đối với các chuyên gia, thông tin vẫn cứ đôi lúc chỗ này hay chỗ kia, cách này hay cách kia là “tin giả”. Hiện tượng này do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi, là sự sai sót hy hữu của mỗi chuyên gia; tuy nhiên, không ít trong số đó không đến từ sự chủ quan của các chuyên gia.
Nhìn về tương lai, ông dự đoán Askonomy nói riêng và công nghệ GenAI sẽ phát triển trải nghiệm người dùng như thế nào thông qua phương thức “tiêu thụ” tin tức bằng các cuộc trò chuyện với chatbot?
Xa quá thì chưa dám nói, nhưng trong tương lai gần, tôi cho rằng chắc chắn xu hướng cập nhật tin tức thông qua các cuộc trò chuyện với hai phương thức chính là chat và voice sẽ phát triển. Điều này được minh chứng bằng xu hướng phát triển các công nghệ giao tiếp giữa con người và các nền tảng thông tin trên Internet, điển hình là các công cụ tìm kiếm (ví dụ Google) và mạng xã hội (ví dụ Facebook), ngày càng tăng. Bên cạnh đó, các thiết bị đầu cuối (điển hình là các loại smartphone) cũng đang trong cuộc đua phát triển các tính năng hỗ trợ người dùng giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên, với thiết bị của mình, thông qua cả phương thức chat và voice.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo có thể mang lại những phương thức đọc báo kiểu mới nào nữa? Ông dự đoán khi nào thì những cách đọc báo mới, trải nghiệm đọc báo mới sẽ phổ biến, lấn át cách đọc báo thụ động “có gì trên trang báo thì đọc” hiện nay?
Đây là một câu hỏi lớn, vì nó phụ thuộc vào tiến bộ công nghệ trên thế giới về trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên, một cách nguyên tắc, có thể nói như thế này:
Quá trình tiếp xúc, nhận diện, phân tích, ghi nhớ và sử dụng thông tin của con người là một cơ chế tự động, nó hoàn hảo đến mức tuyệt vời, với vai trò trung tâm của bộ não. Trí tuệ nhân tạo, với tư cách là một sản phẩm do con người tạo ra để mô phỏng, bắt chước tất cả những gì tuyệt vời nhất mà bộ não đang xử lý để phục vụ những nhu cầu hàng ngày của con người, trong đó có nhu cầu về cập nhật thông tin. Điều này chắc chắn sẽ tác động đáng kể tới những phương thức đọc báo trong tương lai. Sự tác động này sẽ còn phát triển hơn thế bởi AI đang được kỳ vọng sẽ khắc phục thêm những hạn chế của bộ não con người khi xử lý thông tin, hoặc sẽ bổ sung thêm “não nhân tạo” cho con người (cách mà thế giới đang nghiên cứu các thiết bị IoT, có thể gắn vào não người, là ví dụ điển hình cho xu hướng này).
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc thêm, chúng ta đang trao đổi về AI tạo sinh, nhưng cũng không nên quên rằng, một bộ phận nhỏ giới tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực AI đang theo đuổi nghiên cứu về “Cognitive AI”, hay còn gọi là Cognitive Computing (điện toán nhận thức). Công nghệ này cho phép máy tính bắt chước hoạt động của não bộ con người và giúp đưa ra quyết định tốt hơn. “Quyết định thay cho con người” là sự khác biệt cơ bản, giữa Cognitive Computing với AI mà chúng ta đang bàn ở đây.
Bởi vậy, chắc chắn là sẽ có rất nhiều những bất ngờ ở phía trước khi chúng ta dự đoán về trí tuệ nhân tạo và những phương thức đọc báo kiểu mới. Nó bất ngờ và cho đến lúc này, dường như đang nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Điều này cũng giống như cách chúng ta còn chưa khám phá được bao nhiêu những khả năng kỳ diệu của chính bộ não con người.
Còn khi nào thì cách trải nghiệm đọc báo mới sẽ phổ biến và lấn át cách đọc “thụ động” thì không có câu trả lời chính xác, thậm chí tương đối chính xác cũng không có. Tôi chỉ có thể chia sẻ góc nhìn của mình là nó sẽ tăng và tăng trong tương lai gần. Tuy nhiên, nó sẽ không có tính “cách mạng” như cách báo giấy đang bị lấn át bởi các nền tảng thông tin Internet như thời gian vừa qua chúng ta đã được chứng kiến.
Bên cạnh câu chuyện về một cách “đọc báo mới” mà công nghệ AI và Askonomy tạo ra, ông đánh giá như thế nào về cách “làm báo mới” trong thời đại AI?
Thật là thú vị khi chúng ta được chứng kiến cách đọc báo mới nhờ AI. Song song đó, chúng ta cũng chứng kiến những cách “làm báo mới” với sự tham gia ngày càng sâu, rộng hơn của AI. Tức là, AI cũng sẽ góp phần làm thay đổi “cách làm báo”.
Một điểm chung giữa “đọc báo mới” và “làm báo mới” bằng AI tạo sinh, đó là cả hai đều là quá trình AI giúp con người làm việc với thông tin để xử lý thông tin. Tuy nhiên, có những khác biệt cơ bản giữa AI “làm báo” với AI giúp “đọc báo”, được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Ít nhất, xét ở góc độ quan hệ cung - cầu, thì “làm báo mới” bằng AI là tạo ra sản phẩm, để những người “đọc báo mới” bằng AI tiêu thụ - tiêu dùng sản phẩm báo chí qua sự hỗ trợ của AI. Rõ ràng là, AI hỗ trợ “tiêu dùng”, sẽ không giống như khi AI hỗ trợ “sản xuất”.
Một trong những điểm mạnh nhất của AI tạo sinh chính là từ nguồn dữ liệu lớn. Nó sản sinh ra cho ta một lượng thông tin, nội dung đã được chắt lọc, thu hẹp. Đặc biệt, AI giúp trình bày những thông tin, nội dung này theo ý muốn của người sử dụng, tương tác với mô hình AI đó.
Khả năng này, giúp cho các nhà báo (những người sáng tạo ra sản phẩm báo chí) có một công cụ tuyệt vời mà trước đây họ chưa từng có. Tất nhiên, kèm theo đó là chất lượng của sản phẩm báo chí, có thể cao hơn, thời gian để sản xuất nhanh hơn, nhưng cũng không loại trừ chiều hướng ngược lại. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, việc tạo ra một sản phẩm báo chí theo xu hướng công nghệ “multimedia”, vốn là xu hướng nhu cầu của độc giả, sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn bao giờ hết.
AI tham gia vào sáng tạo sản phẩm báo chí sẽ tạo ra những xu hướng mới. Một trong số đó là có thể sẽ hình thành một bộ phận người viết báo, tạm gọi là “viết mà như không viết”. Đó là, thay vì suy nghĩ, nung nấu để sáng tạo ra một đề tài, tìm và tập hợp tài liệu, kết nối chuyên gia để phỏng vấn theo kịch bản… để hình thành bài báo, thì nay người viết báo chỉ cần học và thành thạo cách “ra lệnh” cho các mô hình AI hỗ trợ viết báo là có thể tạo ra được một sản phẩm báo chí.
Có thể thấy AI sẽ tác động mạnh mẽ đến “cách làm báo” và “cách đọc báo”. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của công nghệ AI do các công ty Việt Nam cung cấp riêng trong lĩnh vực phát triển nội dung và dành cho báo chí hiện nay ở hiện tại?
Quan sát thị trường AI tạo sinh thời gian gần đây tại Việt Nam, tôi cho rằng mức độ ứng dụng AI vào công tác sản xuất, phát triển nội dung là khá nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là các nhà báo, người viết báo đã từng bước ứng dụng những tính năng hữu ích của AI vào công tác báo chí. Tuy nhiên, một mô hình AI chuyên sâu, dành riêng cho “làm báo” theo đúng nghĩa là một tác phẩm sáng tạo và được đông đảo người dùng công nhận về chất lượng thì dường như chưa có. Hay ít nhất, chúng ta cũng chưa chứng kiến một đơn vị báo chí hay một công ty công nghệ nào tại Việt Nam công bố chính thức. Nhưng, tôi tin là thời gian tới sẽ có.
Về công nghệ, Việt Nam đã sẵn sàng, dù đó là sử dụng API của các sản phẩm AI tạo sinh của nước ngoài, hay do người Việt tự làm chủ. Để thiết kế, đầu tư bài bản một sản phẩm AI, tạm gọi là “trợ lý viết báo”, thì cần phải có nguồn lực, bao gồm cả nhân lực hiểu biết về chuyên môn (có tính quyết định đến phong cách báo chí của một tòa soạn), hạ tầng kỹ thuật phù hợp, chuyên gia AI có khả năng và nguồn tài chính phù hợp…Tất cả những thứ đó cho phép ta nhận định rằng cần có thêm thời gian thì tại Việt Nam mới thực sự ra đời được một sản phẩm AI chuyên sâu cho viết báo.
Theo ông, trong tương lai, các công cụ AI dành cho lĩnh vực báo chí sẽ phát triển ra sao và các tòa soạn báo cần chuẩn bị những gì để có thể tận dụng tốt nhất sự phát triển của các công cụ này nhằm phục vụ độc giả tốt nhất?
AI sẽ không chờ các cơ quan báo chí mà sẽ có xu hướng “đón lõng” nhu cầu ứng dụng trong báo chí để phát triển, từ đó, sẽ từng bước tối ưu và trở nên hoàn hảo hơn.
Trước mắt, sẽ có những công cụ AI đáp ứng từng khía cạnh của báo chí ra đời (ví dụ: AI hỗ trợ dịch, AI hỗ trợ tóm tắt thông tin, AI hỗ trợ tìm kiếm đề tài…), sau đó mới là một sản phẩm lớn hơn, có tính tổng hợp, đầy đủ hơn cho nhu cầu báo chí. AI tạo sinh sẽ tồn tại và phát triển đang là một xu hướng không đảo ngược. Với thực tế đó, tôi cho rằng điều quan trọng nhất bây giờ là tính chủ động của mỗi cơ quan báo chí cần được phát huy. Trong đó, vai trò có tính quyết định phụ thuộc vào sự tiên phong của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Từ góc nhìn của tôi, có một số ý chia sẻ như sau:
Thứ nhất, ứng dụng nào, tuy không sinh ra cho hoạt động báo chí nhưng phù hợp và đáp ứng yêu cầu chất lượng chuyên môn và nguồn lực nội bộ, thì cần được ưu tiên trước, thay vì chúng ta mất thời gian quá lâu để hoài nghi về những rủi ro mà AI có thể mang lại. Không gì là tuyệt đối cả! Vừa ứng dụng, vừa rút kinh nghiệm và vừa hoàn thiện.
Thứ hai, từ lịch sử phát triển và bứt phá của báo điện tử so với báo giấy, có thể rút ra bài học kinh nghiệm. Đó là ở giai đoạn đầu, các cơ quan báo chí nên hợp tác ngay với các công ty công nghệ trong lĩnh vực AI. Trên cơ sở đó, từng bước nắm bắt công nghệ, rồi quyết định hướng đi chiến lược, chủ động hình thành một bộ máy riêng, phù hợp với nguồn lực của mỗi cơ cơ quan báo chí hay song hành với một công ty công nghệ có uy tín.
Thứ ba, cũng như Internet, AI là cơ hội cho những cơ quan báo chí nhỏ có thể bứt phá, phát triển và trở thành những cơ quan báo chí lớn hơn, thậm chí là lớn nhất nếu xét trên khía cạnh bạn đọc trên một đơn vị thời gian. Do đó, các tòa soạn nên nắm bắt cơ hội này để có chiến lược phát triển phù hợp, góp phần tăng tốc, đi lên. Để bắt đầu, hãy có trong nội bộ cơ quan mình ít nhất một đầu việc chuyên tập trung vào ứng dụng AI cho hoạt động báo chí, tốt hơn, thì phân công một, hoặc một vài nhân sự và tốt nhất thì là một bộ phận.
VnEconomy 17/06/2024 11:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
11:00 17/06/2024