Trên môi trường số phát triển như hiện nay, báo chí đang phải đối mặt với thách thức vấn nạn sao chép, vi phạm bản quyền nội dung ngày càng phức tạp. Một sản phẩm sáng tạo của nhà báo vừa đăng tải đã bị các mạng xã hội lấy lại, biến tấu thành của mình. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng vi phạm này hiện nay?
Sự vận hành của báo điện tử trong môi trường không gian số hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức trong đó có vấn đề bản quyền báo chí.
Không phải đến bây giờ mới có tình trạng sao chép, vi phạm bản quyền mà vấn đề này đã được đặt ra từ khi công nghệ chưa phát triển. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, tình trạng này ngày càng trầm trọng hơn. Tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày nay khá phổ biến, tinh vi và đa dạng với muôn hình vạn trạng.
Những sản phẩm báo chí có chất lượng, được tác giả tâm huyết, đầu tư công phu từ ý tưởng sáng tạo đến triển khai nội dung mang giá trị tinh thần rất lớn, nhưng lại dễ dàng bị sao chép, chế biến, lan truyền rất nhanh trên mạng.
Ngoài ra, một thực tế hiện nay khi có một số cơ quan đặt hàng truyền thông nên một bản tin có nội dung giống nhau nhưng được đăng tải trên nhiều báo khác nhau, tạo ra một sản phẩm báo chí “đồng phục”. Điều này làm mất đi sức hấp dẫn của báo chí với bạn đọc, mất đi vai trò, tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân của nhà báo về quan điểm, cách nhìn và sự “duyên dáng” trong thể hiện thông tin…
Tôi cho rằng vấn đề bản quyền hiện nay cần nhìn rộng hơn trong bối cảnh thời đại công nghệ số, mạng xã hội khi nhu cầu, tâm lý, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi mạnh mẽ. Đồng thời, phải nhìn nhận vấn đề trước sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa báo chí với các phương tiện truyền thông số khác như mạng xã hội, các trang thông tin điện tử và những ứng dụng khác trên không gian số.
Mặc dù đây không phải là vấn đề mới nhưng vì sao tình trạng này vẫn diễn ra. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
Tôi cho rằng bản thân các cơ quan báo chí cũng chưa thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm bản quyền, chưa đi hết và làm đến cùng theo quy trình pháp lý. Bản thân các tờ báo và những nhà báo chưa có ý thức đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, đặc thù của xã hội và độc giả, công chúng còn dễ dãi khi tiếp nhận những thông tin vi phạm bản quyền, dễ bỏ qua. Các cơ quan quản lý đã lên tiếng, vào cuộc mạnh mẽ nhưng còn thiếu những chế tài để xử lý dứt điểm.
Thưa ông, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ gây những hệ quả gì, đặc biệt ảnh hưởng như thế nào tới sức sáng tạo, hút độc giả cũng như thương hiệu của báo chí, nguồn thu quảng cáo và vấn đề an ninh thông tin trong môi trường số?
Vấn đề vi phạm bản quyền không chỉ ảnh hưởng riêng cá nhân nhà báo mà cả nền báo chí Việt Nam. Khi các tác phẩm báo chí chính thống bị sao chép, vấn đề không đơn thuần chỉ nằm ở việc vi phạm bản quyền, mà những thông tin này còn bị cắt cúp làm méo mó, sai lệch, ảnh hưởng đến tác giả, cũng như về kinh tế cho các đơn vị nắm giữ bản quyền.
Mục tiêu của các cơ quan báo chí khi đầu tư bài báo chất lượng nhằm thu hút độc giả, có nhiều công chúng tiếp cận, từ đó tạo ra nguồn thu quảng cáo. Nếu sản phẩm đó chỉ tồn tại trên tờ báo điện tử của cơ quan báo chí, độc giả sẽ tìm đến. Nếu các đơn vị khác lấy lại nội dung không dẫn nguồn sẽ xóa nhòa ranh giới bản quyền tác phẩm báo chí. Khi các trang tin này thu hút nhiều người đọc, họ sẽ được hưởng lợi về quảng cáo, tài trợ.
Điều này sẽ “đánh” trực tiếp vào nguồn thu của những đơn vị, chủ thể sáng tạo tác phẩm. Những đơn vị có bản quyền bài báo chất lượng sẽ thiệt đơn thiệt kép và những lợi ích đi sau đó bị các đơn vị khác chiếm. Không chỉ vậy, nguy hiểm hơn khi những sản phẩm này bị sửa chữa có thể khiến độc giả hiểu sai vấn đề.
Ở khía cạnh pháp lý, vi phạm bản quyền liên quan đến quyền dân sự và giá trị sáng tạo của nhà báo. Nếu không được xử lý nghiêm minh, triệt để, tình trạng vi phạm này sẽ ngày càng phổ biến hơn và lợi ích của công chúng bị bỏ quên khi phải đọc những thông tin trùng lặp…
Nhưng một mối lo và nguy hại hơn, điều này sẽ làm nhụt chí những người sáng tạo nội dung, khi một sản phẩm dày công tạo ra vừa lên báo đã bị sao chép, biến thành sản phẩm của người khác, ngang nhiên đăng tải trên mạng.
Vậy theo ông, cần giải pháp nào để ngăn chặn, xử lý triệt để và nâng cao hiệu quả bảo vệ bản quyền báo chí, tạo niềm tin, thu hút, giữ chân độc giả?
Trước thực trạng vi phạm bản quyền hiện nay, tôi cho rằng các cơ quan báo chí cần dành sự quan tâm đầy đủ hơn nữa cho vấn đề này. Để ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền báo chí ở Việt Nam, cần thúc đẩy hơn nữa các hành động mạnh mẽ, cụ thể, vận dụng hết các quy định pháp lý đã có để xử lý. Trên cơ sở đó, nếu khung khổ pháp lý còn thiếu, hoặc chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe thì kiến nghị bổ sung hoàn thiện.
Ở góc độ Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo các địa phương có thể làm những diễn đàn chuyên đề chuyên sâu về vấn đề này, đánh thức sự quan tâm của công chúng, dư luận. Bên cạnh đó có thể hợp tác với Liên đoàn luật sư, Văn phòng luật sư có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt xử lý, làm rõ một số vụ việc điển hình về vi phạm bản quyền. Thực tế ở các nước cũng phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền và công cụ pháp lý bảo vệ cao nhất là giải quyết vấn đề tại tòa.
Bên cạnh công cụ pháp lý, chúng ta còn có công cụ đạo đức nghề nghiệp và áp lực dư luận xã hội. Theo tôi, với việc áp dụng những giải pháp tổng thể như thế sẽ góp phần cải thiện tình hình vi phạm bản quyền tác phẩm.
Trong ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí cần đề cao yếu tố đạo đức báo chí. Bởi đạo đức báo chí là cánh tay nối dài của pháp luật và đạo đức làm nghề mới là yếu tố quan trọng.
Trong nghề báo, bên cạnh công cụ pháp lý và các phương pháp quản lý nhà nước, chúng ta có 2 yếu tố quan trọng khác, đó là kỷ luật Đảng và đạo đức nghề nghiệp. Tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp là cốt lõi, nền tảng của báo chí cần phải phát huy.
Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016 gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Đây là các chuẩn mực cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp.
Những nghề tác động lớn đến xã hội như báo chí thì vấn đề đạo đức phải là yếu tố được ưu tiên, đề cao, nếu không sẽ rất khó quản lý và sẽ còn lỗ hổng vi phạm trong đó có lỗ hổng về bản quyền.
Báo chí vẫn đang vừa đảm bảo chất lượng nội dung tốt, thu hút độc giả, vừa phải lo nguồn thu để duy trì tờ báo, để tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung. Ông nhìn nhận thế nào về bài toán kinh tế báo chí trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay?
Chúng ta vẫn hay nói: báo cứ có bạn đọc là có tiền. Tuy nhiên, trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, việc giải quyết bài toán kinh tế báo chí là vấn đề rất khó. Thực tế có nhiều trang báo vẫn thu hút độc giả, lượng người đọc vẫn tăng nhưng không có nguồn thu, các doanh nghiệp không đặt quảng cáo. Không những thế, nguồn thu quảng cáo phần nhiều hiện vẫn đang chảy về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới.
Tôi cho rằng chỉ khi nền kinh tế phát triển mạnh, doanh nghiệp sống khỏe, có nhu cầu quảng bá thương hiệu sản phẩm đến thị trường và người dùng thì họ mới chi cho quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát triển và nguồn vốn, bế tắc cả đầu tư, nguồn hàng cũng như đầu ra sản phẩm… thì khó có thể dành chi phí cho quảng cáo.
Trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, nếu các cơ quan báo chí không có tích lũy, nguồn lực mỏng sẽ rất chật vật. Do đó, để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của những lãnh đạo tòa soạn với những giải pháp rất thiết thực, hiệu quả.
Trước hết các tòa soạn phải có nguồn lực để đầu tư và một ý thức làm báo nghiêm túc, chú trọng chất lượng nội dung để tạo uy tín, thu hút công chúng, giữ chân độc giả. Nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn hiện nay, rất cần báo chí đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông. Vậy nhưng cũng có trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, làm sụt giảm uy tín của công chúng với báo chí, gây bức xúc dư luận. Khi đó, tờ báo sẽ mất bạn đọc, mất niềm tin, mất nguồn thu.
Tôi cho rằng đây là bài toán của kinh tế báo chí chứ không chỉ đơn thuần là đạo đức nghề nghiệp. Chỉ khi quảng cáo xuất phát từ nhu cầu thực của doanh nghiệp và các bên đều có lợi mới là nguồn thu lớn và lâu dài cho kinh tế báo chí.
Quan điểm của ông khi hiện nay có một số tờ báo triển khai thu phí độc giả với những bài viết đầu tư chuyên môn sâu, có chất lượng nội dung tốt?
Tôi cho rằng việc các cơ quan báo chí triển khai áp dụng thu phí độc giả là một hướng đi cần thiết phải đặt ra. Tuy nhiên, nếu thu phí độc giả dưới góc độ những tác phẩm báo chí hay, chất lượng sẽ rất khó. Bởi vai trò của báo chí ở Việt Nam có đặc thù riêng, gắn với sứ mệnh tuyên truyền, định hướng dư luận nên càng thu hút, có nhiều công chúng đọc càng tốt.
Theo tôi, các cơ quan báo chí chỉ nên che và thu phí với những bài viết độc đáo, rất chuyên biệt dành cho các đối tượng độc giả, công chúng đặc thù, còn không nên áp dụng với những bài báo hay. Nếu làm không đúng, sẽ không mang lại hiệu quả và không thu hút được độc giả, nhất là khi người đọc đang thay đổi hành vi tiếp cận thông tin, “di cư” lên các nền tảng số như hiện nay.
Về lâu dài, để tiếp cận những tác phẩm báo chí chất lượng cao, người đọc cần phải trả phí tương xứng.
Trong kinh tế báo chí, có nhiều hình thức phát triển nguồn thu trong đó có cơ chế đặt hàng từ các bộ, ngành để thực hiện truyền thông chính sách. Bên cạnh đó còn có nhiều hình thức dịch vụ thu ngoài báo chí thông qua tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo, diễn đàn kinh tế, trao đổi các vấn đề đời sống xã hội, phổ biến pháp luật…
Ngoài ra, bản thân thông tin cũng là một dịch vụ, nhu cầu của xã hội. Theo tôi, báo chí phải khai thác và sống bằng các dịch vụ thông tin này thông qua hình thức công chúng chi trả trực tiếp, mua báo hoặc từ lượng truy cập vào báo để hút quảng cáo.
Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng hơn cả là báo chí phải gắn bó, bám rễ vào đời sống nhân dân, thuyết phục được công chúng, doanh nghiệp. Chỉ khi tờ báo có nguồn chi trả từ công chúng mới là tờ báo khỏe, bởi báo chí có mang lại giá trị cho doanh nghiệp và độc giả họ mới trả phí.
Khi báo chí làm nghiêm túc, tạo ra những tác phẩm chất lượng, dấu ấn riêng, hút công chúng, có đặt hàng thì sẽ có nguồn thu, sẽ tồn tại, sống khỏe và ngược lại.
Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin nền tảng số, mạng xã hội, yếu tố căn cốt nhất công chúng cần ở báo chí là tìm kiếm sự thật, thông tin chính thống, kịp thời, chuyên nghiệp. Khi mạng xã hội đăng những thông tin giả, sai trái, xấu độc thì sứ mệnh của báo chí là thông tin sự thật. Khi đó, báo chí sẽ hút công chúng tìm đến để kiểm chứng, tìm sự thật thông tin.
Với những thế mạnh của báo chí, nếu khai thác đúng sẽ phát huy hiệu quả. Vấn đề quan trọng là người đứng đầu cơ quan báo chí phải hiểu đặc thù nghề báo, biết làm báo, có ý thức chính trị cao và có tư duy quản lý, tư duy kinh tế.
Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ gì với báo chí, những người làm báo trong bối cảnh hiện nay?
Giá trị cốt lõi của báo chí là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Điều quan trọng là báo chí giữ vững giá trị để công chúng cần đến mình. Khi công chúng cần đến báo chí, nhà báo sẽ thấy nghề của mình có ý nghĩa, giá trị và tạo năng lượng vượt lên khó khăn, thách thức. Khi có công chúng, báo chí sẽ có tất cả. Theo tôi, nhà báo phải tự nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết bằng giá trị nghề nghiệp của mình.
VnEconomy 22/06/2023 14:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
14:00 22/06/2023