Ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra những chính sách giúp thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực thương mại và thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm trên 8%. Để tạo sức bật cho nền kinh tế, từ giữa thập niên 90, cố Thủ tướng đã phát động phong trào “thắp đuốc” tìm những tổng giám đốc vừa giỏi chuyên môn, vừa đức độ và giàu khát vọng, bản lĩnh để làm nền tảng xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh cho đất nước.
Bà Mai Kiều Liên là doanh nhân nữ hiếm hoi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII. Việc một nữ doanh nhân trẻ như bà Mai Kiều Liên có vị trí quan trọng trong Đảng đã cho thấy, ở thời điểm đó Đảng, Chính phủ muốn tập hợp những bộ óc tinh thông để tham gia đóng góp ý tưởng nhằm thiết kế và thực thi chính sách kinh tế mới, phù hợp với thời cuộc. Những người trẻ được đào tạo bài bản, đã từng có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp, giàu khát vọng như bà Mai Kiều Liên được xem là những “hạt giống” quý trong quá trình tái thiết, khôi phục kinh tế đất nước. Hơn 40 năm qua, bà Mai Kiều Liên đã chứng minh sự lựa chọn của Đảng, của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là đặc biệt chính xác.
Bà Mai Kiều Liên quê tại huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhưng sinh ra tại Paris (Pháp) vào năm 1953. Đến năm 1957, gia đình bà, những trí thức yêu nước sinh sống tại Pháp, đã về nước đóng góp cho quê hương. Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông Trưng Vương, bà Liên được Nhà nước cử sang Liên Xô học về ngành chế biến sữa.
Lúc đầu, khi nghe tin phải học ngành sữa, bà Liên đã rất thất vọng bởi xu hướng thời thượng khi đó phải là các ngành như lý, hóa… Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định bà Liên đã hỏi ý kiến cha mình, ông nói: "Con nên đi học ngành sữa, vì sau chiến tranh, một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em. Chỉ có sữa mới giải quyết được vấn đề này". Đó là câu nói định hướng đắt giá, giúp ngành sữa Việt Nam giữ lại một nhân tố đặc biệt xuất sắc, nhiều người bây giờ nói vui, dường như bà Liên sinh ra để dành cho ngành sữa.
Sau khi về nước, bà trở thành kỹ sư phụ trách khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê miền Nam (tiền thân của Vinamilk), và lần lượt kinh qua các chức vụ: kỹ sư, trưởng ca, Phó Giám đốc kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc và đến tháng 12/1992 trở thành Tổng Giám đốc Vinamilk. CEO Mai Kiều Liên cũng là người khai sinh ra nhiều dòng sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng của Vinamilk như Dielac, Ngôi sao Phương Nam… Đây cũng là các sản phẩm "Top” của Vinamilk trên thị trường hiện nay và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII, nhận xét: “Chị Liên là người phụ nữ thông minh, đôn hậu, chân thực nhưng quyết liệt, sáng tạo. Tôi nhớ các lần họp Trung ương khóa VIII, chị đều có những phát biểu sâu sắc, giúp Trung ương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Tính cách quyết liệt của bà Mai Kiều Liên được khắc họa rõ nét trong tình cảnh Vinamilk buộc phải lựa chọn trở thành liên doanh (đối tác nước ngoài nắm 70% cổ phần) hay tự phát triển để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại.
“Bà Mai Kiều Liên có trình bày với lãnh đạo Bộ Công Thương là chấp nhận cạnh tranh, không đề nghị Nhà nước có một cái ưu tiên gì. Cạnh tranh về mọi phương diện, về chất lượng, giá cả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở tất cả các tầng lớp dân cư”, ông Lê Huy Côn, Thứ trưởng thường trực Bộ Công nghiệp (nhiệm kỳ 1992 – 2001) nói về quyết định từ chối liên doanh của Vinamilk.
Chính nhờ quyết định lịch sử và dũng cảm đó và nhờ bàn tay chèo lái của CEO Mai Kiều Liên, sau gần 5 thập kỷ phát triển, Vinamilk không chỉ trở thành doanh nghiệp sữa hàng đầu trong nước, Vinamilk còn ghi dấu ấn trên bản đồ ngành sữa thế giới với vị trí thứ 36 trong nhóm 50 các công ty sữa hàng đầu thế giới về doanh thu (theo Plimsoll, 2021) và là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong danh sách này. Hiện, Vinamilk đã hình thành nên hệ thống 14 trang trại chuẩn quốc tế trên cả nước và quản lý đàn bò cung cấp sữa hơn 160.000 con, cho sản lượng 1 triệu lít sữa mỗi ngày.
Những thành quả kinh tế mà Vinamilk đạt được có thể dễ dàng đong đếm, nhưng có một thành tựu lớn hơn mà nhiều người có thể chưa biết tới, đó là Vinamilk với cuộc “cách mạng trắng”, giúp rất nhiều các thế hệ trẻ em Việt Nam được uống sữa nhiều hơn, đầy đủ hơn, nâng cao sức khỏe, thể trạng của người Việt.
Có thể nói, Vinamilk là biểu tượng thành công rất hiếm có của doanh nghiệp Việt trong suốt gần 50 năm qua. Rất nhiều thương hiệu danh tiếng của Việt Nam đã từng lớn mạnh trong quá khứ, nhưng bước vào giai đoạn đổi mới, đối mặt với cơ chế thị trường, phải cạnh tranh thực sự thì đều “suy kiệt” dẫn tới phá sản, hoặc phải “bán mình”. Song riêng Vinamilk vẫn vững vàng, ổn định và phát triển.
Nhìn vào những thành quả và những con số mà Vinamilk đạt được, không ít người cho rằng lộ trình của doanh nghiệp này tương đối bằng phẳng, vì vốn dĩ, Vinamilk có xuất phát điểm là một doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, theo bà Liên, trong nhiều thập kỷ vừa qua, không có bất cứ ngày tháng nào là dễ dàng với Vinamilk. Bởi vì mỗi thời điểm là một khó khăn đặc thù đòi hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn đưa ra các giải pháp ứng phó hợp lý nhất.
Bà Liên chia sẻ: “Có được Vinamilk ngày nay là tổng hòa mọi sự cố gắng, chiến đấu không mệt mỏi của cả tập thể với mục tiêu tạo ra ngành sữa Việt Nam, nâng cao mức sống của trẻ em Việt. Trẻ em là tương lai của đất nước. Bản thân tôi cùng Vinamilk đã đặt mục tiêu như vậy”.
Giai đoạn khó khăn nhất của Vinamilk chính là thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Một trong những tác động mạnh nhất của dịch bệnh là buộc phải "chuyển từ offline sang online”. Đây cũng chính là lúc công nghệ phát huy được tính ưu việt trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh thông suốt.
Tại Vinamilk, việc ứng dụng công nghệ, đầu tư vào chuyển đổi số đã được chú trọng thực hiện từ nhiều năm trước. Đơn cử như hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) được công ty đầu tư từ khoảng 15 năm trước đã giúp các hoạt động giữa khâu bán hàng và phân phối diễn ra một cách nhịp nhàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Hoặc nhờ có hệ thống thanh toán không tiền mặt, Vinamilk không gặp bất cứ khó khăn gì trong việc thanh toán, giúp công việc kinh doanh vận hành suôn sẻ.
Các nhà máy và trang trại Vinamilk áp dụng triệt để tự động hóa và công nghệ 4.0, đảm bảo quản lý từ xa và có tính hệ thống. Chuỗi cung ứng của Vinamilk hoạt động hoàn toàn dựa vào hệ thống công nghệ thông tin, kết nối từ đầu vào - việc thu mua nguyên vật liệu, cho đến đầu ra cuối cùng - sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhờ sự việc chuyển đổi số được thực hiện rất sớm, gần như đi trước rất xa so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp Việt Nam nên Vinamilk đã thoát hiểm ngoạn mục.
Theo báo cáo về ngành thực phẩm và đồ uống 2022 của Brand Finance, Vinamilk lại tiếp tục lập kỷ lục mới khi gia tăng giá trị thương hiệu của mình 18%, đạt 2,8 tỷ USD, vươn lên vị trí thương hiệu tiềm năng nhất trong ngành sữa toàn cầu. Cũng trong năm nay, Vinamilk vẫn tích cực cùng các công ty con, công ty thành viên triển khai nhiều dự án lớn như: Nhà máy sữa Hưng Yên, Thiên đường sữa Mộc Châu, Dự án bò thịt tại Vĩnh Phúc; ra mắt liên doanh tại Philippines. Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19, Vinamilk vẫn đẩy mạnh mảng kinh doanh quốc tế với tốc độ tăng trưởng rất đáng ghi nhận khi đạt mức tăng 7,4% và 10,2% lần lượt qua các năm 2020 và 2021.
Về mục tiêu, chiến lược lớn của Vinamilk trong thời gian tới, bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh: “Vinamilk sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo và phát triển theo xu hướng xanh, sạch, bền vững của thế giới. Vinamilk cố gắng đến năm 2050 sẽ đạt được tiêu chí zero carbon trong toàn hệ thống”.
VnEconomy 26/10/2022 08:00
08:00 26/10/2022