Thưa ông, cuối tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Văn bản số 690/TTg-KGVX về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó yêu cầu sớm ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học; hay cơ chế bố trí vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ. Là người có cả cuộc đời gắn với ngành khoa học, công nghệ và nhiều năm đứng đầu lĩnh vực này, ông nhìn nhận như thế nào về cơ chế này?
Việt Nam gọi là đặc thù nhưng đó là thông lệ quốc tế. Ở các nước có nền kinh tế thị trường, mảng tài trợ của Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển (R&D) khoa học và công nghệ phải theo cơ chế quỹ. Thế nhưng, việc phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho R&D khoa học và công nghệ đến tận bây giờ vẫn mang dáng dấp của thời bao cấp ngày xưa. Nghĩa là việc cấp kinh phí cho các đề tài dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ được thực hiện chẳng khác gì những dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Muốn nghiên cứu vấn đề gì phải lập dự toán, lập thuyết minh, phải được các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, sau đó được lập thành danh mục, tổng hợp và đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Chính phủ, rồi trình Quốc hội, khi được Quốc hội thông qua thì năm sau mới được cấp kinh phí.
Các nhà quản lý tài chính cho rằng Luật Ngân sách nhà nước quy định Nhà nước chỉ cấp kinh phí cho dự án nào đã làm đầy đủ thủ tục và được phê duyệt, như thế cách làm thủ tục cấp kinh phí bị ràng buộc theo năm tài chính giống như dự án xây dựng cơ bản, năm nay chỉ xét cho năm sau, không bao giờ có chuyện các nhà khoa học muốn nghiên cứu vấn đề gì là được cấp tiền ngay. Đấy là bất cập đầu tiên và cũng là lớn nhất.
Bất cập thứ hai là đến lúc được cấp tiền thì ngoài việc tính thời sự không còn, tốc độ lạm phát cao của nền kinh tế khiến kinh phí dự toán từ năm trước không còn đủ để có thể trang trải chi phí cho hoạt động nghiên cứu. Các trang thiết bị dự kiến mua từ năm trước, năm sau cũng có thể đã lạc hậu, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì các thế hệ công nghệ thay đổi rất nhanh, chỉ năm trước năm sau đã có thế hệ công nghệ mới. Vì vậy, đến khi nhận được kinh phí, nhiều người không muốn ký hợp đồng nghiên cứu nữa vì dự toán từ năm trước đã lạc hậu, nếu thực hiện sẽ rất khó nghiệm thu và quyết toán.
Bất cập thứ ba, việc giải ngân thường bị khó khăn về mặt thủ tục. Ví dụ sau khi Quốc hội thông qua dự toán ngân sách thì trước hoặc sau Tết Nguyên đán Chính phủ mới bắt đầu giao kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương. Thường tháng 4, tháng 5 tiền mới về đến các đơn vị sự nghiệp để ký hợp đồng. Khó nhất là các đề tài, dự án liên quan đến việc mua sắm vật tư, thiết bị phải qua đấu thầu, đến lúc xong thủ tục thẩm định giá, lập hồ sơ mời thầu, mở thầu, chọn được đơn vị trúng thầu, ký hợp đồng thì thường đã gần cuối năm, mà quyết toán lại theo năm tài chính, tháng 12 là phải quyết toán. Ví dụ: mua một cái máy, cuối năm máy chưa về thì chưa quyết toán được. Không quyết toán được thì kinh phí ấy phải chuyển nguồn sang năm sau. Thủ tục chuyển nguồn đối với khoa học và công nghệ lại phức tạp, kinh phí chưa giải ngân kịp muốn sử dụng tiếp lại phải làm thủ tục để xin chuyển nguồn và có thể lại phải chờ nhiều tháng. Lúc thiết bị mua về thì lại chưa có tiền thanh toán cho nhà thầu. Cứ thế, một “vòng tròn cơ chế”, rất phiền hà và nhiều hệ lụy.
Bởi vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ từ lâu đã đề xuất thay đổi cách cấp phát kinh phí theo cơ chế quỹ, tức là nhà khoa học có đề tài nghiên cứu được phê duyệt thì lập tức được cấp kinh phí. Kinh phí được cấp qua các quỹ khoa học, hoặc nơi chưa có quỹ thì cấp qua cơ quan chủ trì nhiệm vụ nhưng theo cơ chế của quỹ, nghĩa là Nhà nước giao kinh phí theo mức phân bổ được Quốc hội và Chính phủ dự kiến, không cần có danh mục các nhiệm vụ đã được phê duyệt trước, mà giải ngân theo tiến độ phê duyệt đề tài khi có nhu cầu thực tiễn cần nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngay cả khi có quy định của Nghị quyết 20 Trung ương 6 khóa XI và Luật Khoa học và Công nghệ 2013, cơ chế quỹ vẫn chưa được thực hiện. Cơ quan quản lý tài chính cho rằng theo Luật Ngân sách nhà nước không có quy định như vậy. Luật Ngân sách không có điều khoản nào quy định riêng cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà chỉ quy định chung là “các dự án chỉ được cấp kinh phí khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Điều đó chỉ đúng với dự án xây dựng cơ bản. Ví dụ: làm cầu đường có định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng dự toán, dễ dàng xác định được cần bao nhiêu cát sỏi, sắt thép, giờ máy, nhân công… cho 1 km đường và cần bao nhiêu tiền, nên có thể xây dựng kế hoạch chi tiết và khá chính xác. Còn nghiên cứu khoa học nhiều khi không thể có định mức kinh tế kỹ thuật và có tính thời sự, không theo kế hoạch được.
Cơ chế quỹ mà Bộ Khoa học và Công nghệ trước đây đã đề xuất và làm theo thông lệ quốc tế cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Cơ chế quỹ có ba nội hàm cần phải hiểu đúng và làm đúng khi hội nhập quốc tế.
Nội hàm thứ nhất, “tiền phải chờ đề tài” chứ không phải như bây giờ “đề tài phải chờ tiền”, chờ hàng năm, thậm chí chờ 2 năm mới có tiền. Theo cơ chế quỹ thì Nhà nước căn cứ vào Luật đã ấn định chi cho khoa học và công nghệ 2% tổng chi ngân sách hàng năm, trong 2% dự kiến chi cho R&D khoa học và công nghệ bao nhiêu thì đầu năm tài chính Nhà nước cứ phân bổ số tiền đó cho quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, của các địa phương để chuẩn bị sẵn sàng cấp cho các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Khi các nhà khoa học được giao nhiệm vụ và đề tài được phê duyệt vào bất kỳ thời điểm nào trong năm thì được ký hợp đồng và cấp kinh phí ngay. Cùng lắm chỉ mất vài ba tháng từ lúc đề xuất nhiệm vụ, làm dự toán, thuyết minh rồi thông qua các hội đồng khoa học, cho đến khi lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phê duyệt. Cách làm theo cơ chế quỹ rõ ràng không trái quy định của Luật Ngân sách nhà nước là “Nhà nước chỉ cấp kinh phí khi nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Như vậy, việc phê duyệt đề tài và ký hợp đồng nghiên cứu diễn ra quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, chứ không theo “mùa” như cách làm hiện nay, tức là mọi đề tài phải được phê duyệt trước ngày 31/7 hàng năm và đều phải chờ đầu năm tài chính năm sau mới được giao kinh phí.
Nội hàm thứ hai, quyết toán một lần theo hợp đồng chứ không quyết toán theo năm tài chính. Nhà khoa học ký hợp đồng nghiên cứu đề tài ba năm thì chỉ phải quyết toán sau khi nghiệm thu thanh lý hợp đồng, tiền cấp theo tiến độ nhưng cuối năm tài chính không phải quyết toán ngay mà chỉ báo cáo tình hình sử dụng ngân sách trong năm. Quyết toán đề tài theo quy định của ngành tài chính hiện nay là không hợp lý với đặc thù hoạt động nghiên cứu. Ví dụ như đấu thầu mua sắm là phải có tài sản trong kho được nghiệm thu rồi mới được quyết toán, nếu không hết năm tài chính là không quyết toán được, bị xuất toán và bị thu hồi kinh phí chưa sử dụng.
Nội hàm thứ ba, tự động chuyển nguồn. Hiện nay theo quy định của ngành tài chính, sau khi quyết toán năm, tiền chưa giải ngân được thì thu hồi ngân sách. Năm sau muốn sử dụng lại phải làm thủ tục xin lại và chuyển nguồn. Cơ chế quỹ cho phép tự động chuyển nguồn, tức cuối năm chưa tiêu hết thì tự động chuyển sang năm sau để sử dụng tiếp, rất thuận lợi về thủ tục hành chính cho các nhà khoa học.
Vậy, cơ chế tài chính được đổi mới như thế nào, đã thực sự mang lại hiệu quả hay chưa?
Cần nhấn mạnh là khi xây dựng Nghị quyết số 20/NQ-TW của Trung ương Đảng, cơ chế quỹ đã được quy định, sau đó được thể chế hóa bằng Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Trong đổi mới cơ chế tài chính, Luật này quy định có 3 nội dung đổi mới: (i) cơ chế quỹ cấp kinh phí cho các đề tài từ ngân sách nhà nước; (ii) cơ chế khoán chi; (iii) cơ chế đặt hàng.
Về cơ chế khoán chi, các nhà khoa học từ trước tới nay rất khổ sở về thanh, quyết toán. Ví dụ quy định về định mức chi rất thấp so với thực tế như tiền công tác phí, thuê khoán chuyên môn, chi hội nghị hội thảo khoa học. Nội dung chi cũng không đầy đủ, đơn cử chi thuê chuyên gia, chi dự phòng… Điều đó dẫn tới việc nhà khoa học phải chi theo thực tế, cao hơn định mức quy định và cao hơn dự toán. Khi quyết toán lại phải có đủ chứng từ, hóa đơn và phải đúng như dự toán đã được duyệt. Để quyết toán được thì nhà khoa học buộc phải “hợp thức hóa” chứng từ, đó là việc rất “khốn khổ” và trái với bản chất trung thực của người làm khoa học. Ngoài ra, mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu, nhất là chi phí vật liệu và nhân công trong nghiên cứu khoa học nhiều cái không thể có định mức. Không phải như xây dựng cơ bản, hoạt động nghiên cứu khoa học không thể làm được và không nên có định mức. Không ai dám khẳng định cứ một phát minh khoa học cần bao nhiêu lần thí nghiệm, mua bao nhiêu vật liệu, thuê bao nhiêu nhân công. Khi không có định mức kinh tế kỹ thuật mà làm dự toán như xây dựng cơ bản thì rất khó khăn, chỉ có thể làm một cách định tính và theo kinh nghiệm. Thời gian phê duyệt đề tài và chờ đợi cấp kinh phí quá dài, do trượt giá và lạm phát lại phải điều chỉnh dự toán cho phù hợp, thủ tục điều chỉnh dự toán cũng phức tạp nên nhiều người không muốn điều chỉnh nữa, vì biết lại phải chờ đợi rất lâu, ảnh hưởng đến tiến độ đề tài. Nhưng đến lúc nghiệm thu, chất lượng đề tài không tốt hoặc không ra được kết quả thì lại “đổ lỗi” cho nhà khoa học.
Chính vì thế, Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính và Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC đã đưa ra quy định về khoán chi. Nghĩa là khi đề tài đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định tài chính và phê duyệt thì tổng kinh phí đề tài được khoán cho người chủ trì đề tài, họ toàn quyền sử dụng và điều chỉnh trong nội bộ, miễn là cuối cùng bàn giao đúng sản phẩm cam kết theo hợp đồng đã ký.
Thông tư liên tịch số 27 về khoán chi được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủng hộ, nếu áp dụng sẽ giải phóng cho nhà khoa học khỏi chuyện “hợp thức hóa” hóa đơn chứng từ. Trong Thông tư đó quy định rõ hồ sơ để quyết toán đề tài chỉ bao gồm hai văn bản: một là biên bản đánh giá đạt yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu, hai là bản kê các khoản thực chi có xác nhận của cơ quan chủ trì, nghĩa là không cần theo đúng nội dung và mức chi như khi lập dự toán mà là mức thực chi. Còn hóa đơn chứng từ chi chỉ cần lưu giữ tại cơ quan chủ trì phục vụ cho giải quyết khiếu nại tố cáo khi cần.
Như vậy, các nhà khoa học không phải lo “biến báo” chứng từ, lo thủ tục điều chỉnh dự toán, lo hợp đồng đấu thầu.
Về cơ chế đặt hàng, tức là đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia và các bộ, ngành, địa phương, không phải chỉ căn cứ vào mong muốn chủ quan của nhà khoa học. Như vậy, phải có người đề xuất đặt hàng nghiên cứu, tất nhiên nhà khoa học cũng có quyền đề xuất nhưng phải qua bộ lọc, các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá và đóng vai là người đề xuất đặt hàng.
Người đề xuất đặt hàng phải có cam kết nhận lại kết quả khi nghiên cứu thành công, cam kết tiếp tục bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa và đưa vào sản xuất, kinh doanh. Chứ làm xong không ai tiếp nhận kết quả, không ai đầu tư sản xuất thì lại “bỏ ngăn kéo” nếu không có nhà đầu tư và doanh nghiệp đi cùng.
Cần nói thêm là thực hiện cơ chế quỹ không nhất thiết phải thành lập quỹ mà có thể cho phép chi tiêu theo cách thức của quỹ với sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước. Rất tiếc 10 năm nay cơ chế quỹ không vào được cuộc sống. Người ta vẫn làm việc kiểu cũ và thậm chí đang có xu hướng quản lý các quỹ giống như hệ thống tài chính hành chính, coi quỹ phát triển khoa học và công nghệ như các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 có những quy định rất đổi mới nhưng rất tiếc thực tế không làm được và không dám làm.
Như vậy, nghĩa là cơ chế quỹ mà Bộ Khoa học và Công nghệ hình thành từ 10 năm trước vẫn chưa thực sự mang lại giá trị?
Thực tế, từ năm 2003, Chính phủ đã thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) để tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, sau mở rộng cho nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, vì nghiên cứu cơ bản là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Nhà nước và cũng là thí điểm vận hành cơ chế quỹ. Sau 5 năm, đến năm 2008, Quỹ NAFOSTED mới đi vào hoạt động được vì phải hoàn thành xây dựng các văn bản quy phạm cho hoạt động của Quỹ. Sau 5 năm hoạt động đầu tiên, mọi người đều nói cơ chế quỹ quá tốt. Riêng công bố quốc tế của Việt Nam trên các tạp chí khoa học có uy tín ISI có tốc độ tăng trưởng từ 20-30%/năm, từ chỗ chỉ vài ba trăm bài đã đạt mức gần 30.000 bài/năm. Thời gian đầu, hầu hết các công bố quốc tế có chất lượng, nhất là từ các đề tài được NAFOSTED tài trợ.
Tuy nhiên gần đây, do nhận thức chưa đúng mà NAFOSTED có nguy cơ bị quản lý theo kiểu cũ, tức là không theo cơ chế quỹ. Các đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ cũng phải theo kế hoạch năm tài chính mới được bố trí kinh phí, tức là hàng năm cũng phải phê duyệt trước và lập thành danh mục, tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ Khoa học và Công nghệ. Thậm chí một số thời kỳ, cơ quan điều hành quỹ còn không được giao kịp thời kinh phí chi thường xuyên mà phải làm nhiều thủ tục giải trình.
Có một thực tế rất đáng quan tâm trong thời gian gần đây là các đơn vị khoa học lớn của Việt Nam bây giờ “ngại” lấy tiền của ngân sách mà chuyển sang sử dụng kinh phí tài trợ của doanh nghiệp, do vậy nhiều khoản ngân sách đã được phân bổ lại không được giải ngân. Một ví dụ là Quỹ Đổi mới sáng tạo của Tập đoàn VinGroup (VinIF), tổng kết quỹ VinIF cho thấy trong 5 năm qua tuy mới giải ngân hơn 700 tỷ đồng nhưng hiệu quả rất tốt vì đó thực sự là cơ chế quỹ phục vụ cho các nhà khoa học. Quan trọng hơn, một số đơn vị khoa học mạnh như Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội năm vừa rồi nhận kinh phí tài trợ nghiên cứu của VinIF còn nhiều hơn của ngân sách nhà nước thông qua các đề tài cấp bộ và cấp nhà nước. Điều đó chứng tỏ cơ chế quỹ có tính ưu việt và đột phá, phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu, tăng hiệu quả và giải phóng sức sáng tạo của nhà khoa học.
Qua phân tích trên có thể hiểu cơ chế đặc thù hay động lực chính để đẩy thúc đẩy ngành khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển chính là nằm ở cơ chế quỹ, nhưng quan trọng không kém là phải giải phóng nguồn vốn cho khoa học và công nghệ?
Những gì phân tích ở trên chỉ là liên quan đến kinh phí ngân sách nhà nước. Luật Khoa học và Công nghệ 2013 có nói đến 3 trụ cột: đầu tư, tài chính và con người (nhân lực). Cả 3 trụ cột này Bộ Khoa học và Công nghệ đã quan tâm xây dựng các văn bản hướng dẫn đầy đủ. Ví dụ như đổi mới phương thức đầu tư để huy động nguồn vốn đủ lớn và dễ giải ngân cho khoa học và công nghệ, Bộ xác định sẽ không chỉ dựa vào 2% tổng chi ngân sách mà Nhà nước cấp, bởi ngân sách nhà nước khó khăn nên mức phân bổ giảm dần, ví dụ năm nay, được biết ngân sách cho khoa học và công nghệ thậm chí chỉ còn 0,82% tổng chi ngân sách, như phân tích ở trên, với cách quản lý tài chính hiện nay thì ngay cả 0,82% cũng không giải ngân được hết nên nếu phân bổ đủ mức 2% lại càng không giải ngân được.
Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, phải tăng cường đầu tư của xã hội, nhất là của doanh nghiệp cho hoạt động khoa học và công nghệ. Các nước khác đầu tư của doanh nghiệp gấp nhiều lần đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp dễ sử dụng hơn ngân sách nhà nước vì doanh nghiệp chỉ quan tâm kết quả nghiên cứu khi đặt hàng chứ không ràng buộc việc chi tiêu quá chặt chẽ như ngân sách nhà nước. Tuy nhiên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì lại vướng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật Thuế quy định doanh nghiệp được trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhưng không quá 10% lợi nhuận trước thuế. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam, trừ các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước, còn lại toàn các công ty nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu có khi chỉ vài ba tỷ đồng/năm, lợi nhuận trước thuế mấy trăm triệu đồng thì trích 10% lợi nhuận trước thuế được mấy chục triệu đồng, khó mà làm được gì nếu muốn đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ.
Hơn nữa, doanh nghiệp trích quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì Nhà nước chỉ cho 20% thuế thu nhập doanh nghiệp dưới danh nghĩa miễn thuế khi trích quỹ, 80% kinh phí còn lại thực chất là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, nhưng cơ quan quản lý lại “quản” cả 100% theo quy định như ngân sách nhà nước. Như thế, toàn bộ kinh phí doanh nghiệp trích cho Quỹ Khoa học và công nghệ lại phải thực hiện theo quy định của Nhà nước, từ nội dung chi, định mức chi, thủ tục chi… ngay cả ký hợp đồng nghiên cứu với các viện trường cũng rất phức tạp. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều không muốn trích lập quỹ, làm cho nguồn lực tài chính đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn bị hạn chế, không hoàn thành được mục tiêu chiến lược đến năm 2020 đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ phải gấp đôi đầu tư của Nhà nước.
Chúng tôi rất muốn gỡ bỏ trần 10% lợi nhuận trước thuế nói trên theo triết lý nuôi dưỡng nguồn thu. Nghĩa là nếu năm nay doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ phải đầu tư nhiều tiền, có thể dành tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ cao hơn 10%, thậm chí 100% lợi nhuận trước thuế, tất nhiên năm đó Nhà nước không thu được thuế hoặc giảm thu, nhưng năm sau doanh nghiệp đổi mới được công nghệ, có sản phẩm mới, doanh thu sẽ tăng lên nhiều lần và doanh nghiệp nộp thuế gấp nhiều lần năm nay.
Nuôi dưỡng nguồn thu nghĩa là để cho doanh nghiệp dành tiền đầu tư thì năm sau thu được nhiều thuế hơn, Nhà nước có lợi hơn. Còn nếu chỉ sợ không thu được thuế năm nay thì không bao giờ thu được thuế gấp nhiều lần của những năm sau.
Vậy theo ông, để xây dựng hoặc có thể tạm hiểu “làm mới” cơ chế đặc thù cũng như cơ chế bố trí vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ thì đâu là những nút thắt cần tháo gỡ, hoặc cần những giải pháp căn cơ như thế nào để khoa học và công nghệ thực sự là động lực dẫn dắt cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới?
Cơ chế, chính sách, giải pháp… đã thể hiện rất rõ trong Nghị quyết của Trung ương, trong luật của Quốc hội, nên không phải là chưa có cơ chế mang tính đột phá và đặc thù, vấn đề là có rồi nhưng không làm được vì chưa tháo gỡ được những vướng mắc trong hệ thống luật pháp. Do vậy, cần phải có sự chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo cấp cao, tháo gỡ những vướng mắc trong hệ thống để những quy định, chính sách cho khoa học và công nghệ mà Đảng và Quốc hội thông qua được thực thi đúng nghĩa.
Theo tôi, cơ chế thực tế đã có, chỉ cần tập trung rà soát xem vướng ở đâu thì gỡ ở đó, để lĩnh vực này vận hành được cơ chế mới và tiến bộ. Tuy nhiên, có một thực tế là nếu phải gỡ những vướng mắc hạn chế sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay thì phải sửa rất nhiều luật: Luật Viên chức, Luật Thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Sở hữu trí tuệ,… như thế sẽ rất khó.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới trong năm 2024. Trong Luật mới này, nếu Quốc hội cho phép có được một điều trong mục Điều khoản thi hành, đó là “những quy định trái với quy định của luật này thì thực hiện theo luật này”, như thế mới hy vọng có được sự đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam, khi đó khoa học và công nghệ mới thực sự trở thành động lực dẫn dắt kinh tế phát triển bền vững và mới đúng với nghĩa là “quốc sách hàng đầu”.
VnEconomy 29/11/2023 13:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48-2023 phát hành ngày 27-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
13:00 29/11/2023