Thưa Bộ trưởng, kết quả xuất khẩu năm 2021 có sự đóng góp rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Xin Bộ trưởng cho biết kết quả cụ thể?
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu năm 2020, trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu chính của ta chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch, thậm chí phải phong tỏa, giãn cách xã hội, tổng kim ngạch xuất khẩu chung vẫn duy trì tăng trưởng ở mức cao. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, bên cạnh phát triển các thị trường truyền thống, đã tiếp cận và có tăng trưởng xuất khẩu ở các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có kí kết FTA cũng như chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng là hết sức đúng đắn.
Tính trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường EU đạt 36 tỷ USD tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, sang thị trường Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đạt 5,2 tỷ USD tăng 15,6%, sang các thị trường có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao (xuất khẩu sang Canada tăng 18,2%, Mexico 44,6%, Peru 79,2%).
Đối với thị trường EU, sau tròn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt khoảng 38,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU 5 tháng cuối năm 2020 là 15,6 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ; 7 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu sang EU đạt 22,9 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ.
Những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường đối tác giúp xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản, nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh.
Thưa Bộ trưởng, các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều điều khoản ưu đãi thuế quan, nhưng cũng mang lại nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại. Vậy Bộ Công Thương có giải pháp gì để giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu?
Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do dẫn đến cơ hội dỡ bỏ hàng rào thuế quan và qua đó tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, song hành cùng với cơ hội là các thách thức đến từ nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời cho các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời cũng xây dựng các bản tin tuyên truyền về biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế; phối hợp với cơ quan báo, đài tuyên truyền, đưa tin về các biện pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, thông tin về các vụ việc mà cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo về phòng vệ thương mại cho các hiệp hội, doanh nghiệp để nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh việc bị kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
Thưa Bộ trưởng, có một tín hiệu đáng mừng là cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực đã có những thay đổi đáng kể. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam?
Theo số liệu ước liên bộ, nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2021 ước đạt 289,1 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có thể thấy nhóm hàng công nghiệp tiếp tục là nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao nhất và là động lực cho tăng trưởng chung của xuất khẩu.
Trong đó, những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 57,4 tỷ USD, tăng 12,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 50,7 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc, máy quay phim và linh kiện ước đạt 38 tỷ USD, tăng 39,9%. Tăng trưởng chung của xuất khẩu đến từ nhóm hàng sản phẩm công nghệ cho thấy các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ta đã có sự chuyển dịch so với trước đây, khi xuất khẩu phụ thuộc vào các nhóm hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép và xuất khẩu khoáng sản. Điều này cũng phù hợp với định hướng đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu 2011 – 2020, định hướng tới năm 2030, cũng như định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp chủ lực.
Ngoài hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm cao và là động lực cho đổi mới sáng tạo, việc tỷ trọng của nhóm hàng nông sản, khoáng sản giảm, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng cũng cho thấy các doanh nghiệp trong nước cũng đã có sự chuyển dịch, tham gia vào hoạt động sản xuất nhóm hàng này.
Xu hướng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn công nghiệp nước ngoài cũng là động lực lớn của tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua, đặc biệt khi hoạt động đầu tư tập trung vào các nhóm ngành chế biến, chế tạo các sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch lớn như đã đề cập. Hoạt động sản xuất với quy mô lớn của các tập đoàn, công ty này cũng sẽ mang đến cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Xin Bộ trưởng chia sẻ về những giải pháp và định hướng ưu tiên mà Bộ Công Thương sẽ triển khai trong năm tới để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu?
Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong năm tới tiếp tục có những thuận lợi khó khăn đan xen đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
Về thuận lợi, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách sẽ làm phục hồi nhu cầu tiêu dùng của người dân với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Ngoài ra, ưu đãi mang lại từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, sẽ được các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn để đẩy mạnh xuất khẩu.
Thời gian qua, Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chính sách đi vào đời sống sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục vượt khó. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn sẽ là động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc xuất hiện các biến chủng mới của virus với tốc độ lây lan rộng tiếp tục là những rủi ro lớn đối với kinh tế và xã hội của các quốc gia. Bên cạnh đó, xung đột chính trị, thương mại giữa các quốc gia vẫn diễn biến khó lường với nhiều rủi ro tiềm tàng. Giá hàng hóa tăng mạnh làm nhập khẩu có xu hướng tăng, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Điều này có thể làm gia tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất, ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã tác động tiêu cực đến ngành vận tải biển khi giá cước vận tải tăng cao và xảy ra tình trạng thiếu hụt container vận chuyển.
Để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng đề xuất giải pháp tổ chức khôi phục sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh mới, song song cùng với giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ và các bộ, ngành để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách. Trọng tâm là đồng hành cùng các doanh nghiệp, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh để rút ngắn thời gian phục hồi.
Bộ Công Thương đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mà Bộ đã chú trọng trong thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu như tiếp tục tổ chức khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đồng thời theo dõi sát những biến động của kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; nâng cao năng lực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số cho cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại để phù hợp với tình hình mới.
Đẩy mạnh hơn công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN để tạo thuận lợi cho các hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, xuất khẩu, giảm chi phí logistics, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới.
VnEconomy 15/02/2022 06:00
06:00 15/02/2022