"Là công ty nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới, Qualcomm đã đầu tư cho 5G từ rất sớm. Hiện nay phần lớn những giải pháp, sản phẩm của Qualcomm đều hỗ trợ 5G.
Theo dự báo của chúng tôi, trong vòng từ nay tới năm 2055 sẽ có khoảng 6 tỷ các thiết bị 5G được cung cấp ra toàn thế giới. Cách đây hơn 10 năm, Qualcomm đã đầu tư vào những công nghệ nền tảng của 5G, tham gia cùng các tổ chức trên thế giới để đưa được chuẩn 5G thống nhất, từ đó có thể đưa công nghệ vào các sản phẩm, dịch vụ. Qualcomm cũng làm việc với hầu hết những cái đối tác quan trọng trong hệ sinh thái di động để triển khai mạng 5G trên thế giới.
Thời điểm hiện tại, giá thành thiết bị 5G đã giảm rất nhiều. Hiện có khoảng 1.900 các thiết bị 5G đã được thương mại hóa và không chỉ có smartphone mà có nhiều thiết bị khác, ví dụ như các thiết bị để ứng dụng trong các giải pháp nhà máy thông minh. Vừa rồi chúng tôi mới công bố dòng chipset cho các smartphone và các thiết bị kết nối 5G giá rẻ, hiện nay giá thiết bị 5G có thể xuống tầm 150 USD và Qualcomm đang phát triển những giải pháp có thể đưa giá xuống dưới 100 USD.
Đó là điều rất thuận lợi để khi nhà mạng triển khai 5G, thiết bị 5G đã sẵn sàng, phổ cập và đại đa số người dùng có điều kiện tiếp cận.
Quan trọng, 5G có rất nhiều cơ hội ứng dụng trong trong các ngành công nghiệp như nhà máy thông minh hay nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh. Thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái 5G với đa dạng ứng dụng sẽ tạo ra những nguồn doanh thu cho nhà mạng, ngoài những nguồn doanh thu truyền thống như smartphone. Đó là những điều kiện rất quan trọng để triển khai thương mại 5G toàn cầu.
Để triển khai 5G thành công chúng ta cần hạ tầng, mạng lưới, trong đấy có giấy phép, có băng tần và sự sẵn sàng của hệ sinh thái, thiết bị và cuối cùng cũng rất quan trọng chính là những ứng dụng của 5G. Xây dựng hệ sinh thái để phát triển ứng dụng mới cho 5G, tận dụng hết tiềm năng của 5G, để 5G đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội cũng như đem lại những nguồn doanh thu mới cho nhà mạng, hỗ trợ việc đầu tư. Tôi nghĩ đấy là những yếu tố rất quan trọng.
Như đã nói, hệ sinh thái 5G sẽ không chỉ có smartphone, nên điều rất quan trọng là có những chiến lược, chính sách hỗ trợ cho cộng đồng công nghệ cũng như cộng đồng startup để họ phát triển những ứng dụng 5G mới. Qualcomm đã kết hợp với Viettel, xây dựng phòng Lab cho các doanh nghiệp startup cũng như các công ty công nghệ có môi trường phát triển những giải pháp ứng dụng mới tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã có chương trình hỗ trợ các startup phát triển ứng dụng 5G".
"5G là một chặng đường phát triển lâu dài, còn rất nhiều việc phải triển khai. Trước mắt cần có giấy phép nhưng về lâu dài cần sự chín muồi của các thiết bị đầu cuối, hình thành một thị trường có người dùng đã sẵn sàng. Đây là các yếu tố rất quan trọng để nhà mạng cung cấp dịch vụ.
Yếu tố quyết định sự thành bại của 5G nằm ở tiềm năng có được tận dụng tối đa để cung cấp các dịch vụ mang lại giá trị cho xã hội cũng như phát triển các ngành kinh tế hay không? Đây là gốc của vấn đề.
Nếu dịch vụ nhà mạng cung cấp kết hợp với các công ty khởi nghiệp sáng tạo và các team phát triển sản phẩm của doanh nghiệp mang lại giá trị cho xã hội và nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ có hiệu quả về mặt đầu tư và sẽ phục vụ cộng đồng tốt hơn. Nếu không sinh ra các sản phẩm dịch vụ mới, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Do đó, bên cạnh vấn đề hạ tầng, một trong những điều kiện quan trọng cần sự vào cuộc của cộng đồng, những người phát triển sản phẩm dịch vụ như IoT, phân tích dữ liệu, triển khai trên hạ tầng đám mây… Đây là những yếu tố giúp 5G thực sự phát triển theo đúng tầm nhìn và sứ mệnh đang đặt ra, từ đó đạt được thành công trước mắt cũng như trong dài lâu.
Để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị, hệ thống mạng 5G Make in Vietnam, các doanh nghiệp tiên phong có những sản phẩm Make in Vietnam mong muốn có các chính sách đồng bộ, phù hợp, khả thi để những đơn vị sáng tạo, phát triển sản phẩm cũng như những đơn vị có nhu cầu mua sắm thiết bị sản phẩm này được thuận lợi, ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam dùng sản phẩm của Việt Nam nếu các sản phẩm đó đảm bảo chất lượng tương đương với nước ngoài.
5G chỉ là một sản phẩm nằm trong hệ sinh thái tiềm năng rộng lớn với rất nhiều sản phẩm thiết bị. Đơn cử như 1 trạm phát sóng có thể phục vụ cùng lúc 1 triệu thiết bị IoT. Do đó, mảng sản xuất thiết bị, IoT ứng dụng cho mạng 5G là một thị trường lớn hơn rất nhiều so với mảng sản phẩm thiết bị mạng.
Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ 5G không chỉ là thiết bị mạng lưới, phát sóng mà cả hệ sinh thái dịch vụ sản phẩm phần cứng, phần mềm. Đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số… đòi hỏi phải làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình sản xuất các thiết bị. Với các thiết bị IoT nếu không soát tốt, có thể đối mặt với những nguy cơ mất an toàn an ninh trên diện rộng.
Do đó, việc hỗ trợ ngành công nghiệp Make in Vietnam sẽ đạt được nhiều mục đích, làm chủ công nghệ, giá cả thiết bị sẽ cạnh tranh hơn và có thể thay đổi tùy chỉnh theo yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam, đặc biệt là xây dựng được ngành công nghiệp Make in Vietnam phát triển. Đây cũng là lĩnh vực đang thu hút sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Chúng tôi mong muốn có sự dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển, có những hành động thiết thực, các chính sách đồng bộ hỗ trợ kế hoạch phát triển của doanh nghiệp đầu tàu. Khi doanh nghiệp có sản phẩm thì hành lang pháp lý đã sẵn sàng. Khi đó sản phẩm vào thị trường và sẽ có cơ hội triển khai rộng khắp, đạt được các mục tiêu ở tầm quốc gia, ngành cũng như doanh nghiệp. Điều này cũng giúp gợi mở để các doanh nghiệp GoGlobal tư vấn chính sách đã thành công ở Việt Nam cho các thị trường đầu tư".
"Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Viettel trong nghiên cứu sản phẩm “Make in Việt Nam” với kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng mạng lưới quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và vươn ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, Viettel chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Đầu tiên, công nghệ không phải là bài toán nan giải đối với Viettel. Cái khó kỹ thuật ở đây là làm sao thiết bị tương thích hoàn toàn với các hãng khác, đáp ứng yêu cầu khai thác trong bối cảnh dùng chung kể cả an ninh và tiêu chuẩn mở Open RAN hoàn toàn phù hợp.
Về thị trường, thách thức lớn nhất là làm sao sản phẩm của Viettel có thể bán được cho các nhà mạng trong và ngoài nước. Việc sản xuất hàng loạt (mass production) sẽ có giá thành rẻ để từ đó đưa ra thị trường với quy mô tương đối lớn. Ngay cả quy chế đấu thầu mua thiết bị ở Việt Nam cơ bản dựa trên giá, không rẻ hơn thì không bán được. Đây là thách thức rất lớn mà Viettel cần vượt qua.
Ngoài ra, đó là sự quyết tâm đầu tư của các nhà mạng Việt Nam. Trước hết, số lượng người sử dụng thiết bị hỗ trợ 5G có những hạn chế nhất định. Đồng thời, các nhà mạng cũng không dễ dàng đầu tư 5G với giá trị lớn mà không có ngay lợi nhuận trong thời gian đầu. Khó khăn ở đây là bài toán kinh tế.
Về thị trường, 5G được các nhà mạng đầu tư phát triển rất lớn, hạ tầng băng thông rộng tốc độ cao nhưng ứng dụng trên thị trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, muốn thành công thì cần phải thuyết phục người dùng ủng hộ; sản phẩm đáp ứng cho thị trường kịp thời, đúng lúc; Đầu tư hiệu quả của các nhà mạng.
Nhìn rộng ra, hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ phần cứng, phần mềm 5G và công cuộc xây dựng kinh tế số, xã hội số hiện nay… để thấy rõ tiềm năng còn rất lớn.
Cuối cùng, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, có những chính sách hay cơ chế đặc thù để thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển và sản xuất các thiết bị, hệ thống mạng 5G “Make in Vietnam”. Chẳng hạn, quy chế đấu thầu mua thiết bị gần như chưa có quy chế nào hỗ trợ, khuyến khích sử dụng sản phẩm “Make in Việt Nam”; hay các quy định về việc mua thiết bị mạng của các tập đoàn, công ty nhà nước; hỗ trợ, thúc đẩy với Viettel, Qualcomm và các đối tác khác trong việc xây dựng chuỗi cung ứng các thiết bị mạng 5G…".
VnEconomy 29/08/2023 08:00
08:00 29/08/2023