Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đà leo thang giá xăng dầu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng… tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2022 vẫn ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây; theo đó, tăng trưởng 6 tháng cũng đạt mức khá. Điều gì đã làm nên mức tăng trưởng ấn tượng này, thưa ông?
Kinh tế Việt Nam quý 2 và 6 tháng năm 2022, trên đà hồi phục nhanh sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42%, trong đó quý 2/2022 tăng 7,72%, là mức tăng cao nhất của quý 2 so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay. Kết quả tăng trưởng này nhờ vào động lực và đóng góp của một số ngành, lĩnh vực.
Thứ nhất, ngành dịch vụ hồi phục mạnh mẽ khi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam được khống chế, mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra bình thường như trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế khởi sắc. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý 2/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khu vực dịch vụ tăng 6,6% thể hiện sự phục hồi tốt sau đại dịch.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2022 tăng 6,8%; quý 2/2022 tăng 10,8%).
Thứ ba, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 11,7% (tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây), thể hiện cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân đã dần hồi phục và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, tham gia vào sản xuất và ổn định thu nhập.
Thứ tư, 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa sôi động trở lại sau đại dịch, các bãi biển, địa điểm du lịch đông khách.
Thứ năm, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Thứ sáu, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 10,1 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong vòng 5 năm qua.
Thứ bảy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, tạo đà cho phát triển trong các quý tiếp theo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.730 nghìn tỷ đồng, tăng 30,3%. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,4%.
Thứ tám, lao động và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính đạt 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính đạt 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 416,9 nghìn đồng.
Bên cạnh những điểm sáng như đã nêu, theo ông, nền kinh tế 6 tháng đầu năm tồn tại những điểm hạn chế nào?
Với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường như hiện nay, kinh tế Việt Nam chắc chắn có nhiều điểm hạn chế, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Đó là ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao. Do đó, chi phí sản xuất tăng làm cho giá sản phẩm chăn nuôi nhiều khả năng sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi lợn.
Giá dầu thô, khí đốt thế giới tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, các nước cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Nga làm giá xăng dầu trong nước tăng cao dẫn tới tăng chi phí đầu vào các ngành sử dụng xăng dầu, gây áp lực trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra.
Vận chuyển hành khách chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như trước khi xảy ra dịch Covid-19. Vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng của 6 tháng đầu năm các năm 2017-2019 (lần lượt là 9,3%; 9,9%; 10,7%).
Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 xuất siêu 710 triệu USD nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức xuất siêu 5,86 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020 (năm bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19). Bên cạnh đó, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng giảm như: rau quả giảm 17,2%; hạt điều giảm 7,8%; chè giảm 1,3%; clanh ke và xi măng giảm 7,7%; sản phẩm từ cao su giảm 12%.
Đặc biệt, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics... tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô.
Dù có những điểm sáng tối đan xen nhưng rõ ràng mức tăng trưởng kinh tế 6,42% trong 6 tháng của Việt Nam là khá lạc quan nếu đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo suy giảm, xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt và Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero-Covid, thưa ông?
Xung đột giữa Nga và Ukraine trong 4 tháng qua đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu và làm cho giá cả trên thế giới gia tăng.
Trước tình hình này, hầu hết các tổ chức quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu so với dự báo trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại và chỉ đạt mức 3%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm; Liên hợp quốc dự báo chỉ tăng trưởng 3,1%, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm; trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/6/2022 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 4,1% xuống còn 2,9%.
Đáng chú ý, ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, riêng Việt Nam thì WB lại dự báo nâng mức tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.
Như vậy ngay cả WB cũng dự báo xu hướng tăng trưởng của Việt Nam ngược so với các nước. Điều này tương đồng với những chỉ báo kinh tế tăng trưởng tốt hàng tháng như Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), Chỉ số quản trị mua hàng (PMI), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, hoạt động xuất nhập khẩu, tình hình đầu tư trong nước và nước ngoài... cùng chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường.
Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022.
Vì vậy, để đạt được tăng trưởng theo mục tiêu thì cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả, đúng nội dung, đúng đối tượng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ kịp thời cho phục hồi, phát triển bền vững là bước đi quan trọng, cấp bách điều kiện hiện nay.
Dù triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá khả quan nhưng giữa cơn “bão giá” do hệ lụy của chiến tranh, đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu... Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động nhất là khi nền kinh tế có độ mở cao. Rủi ro này sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm như thế nào, thưa Ông? Liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu trưởng năm 2022 không?
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra những hệ lụy khôn lường đến kinh tế toàn cầu, một trong số đó chính là giá xăng dầu cao kỷ lục, giá cả các mặt hàng tăng mạnh gây sức ép lạm phát lớn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao nên cũng không nằm ngoài cơn bão giá khủng khiếp này. Mặc dù mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế 6 tháng đầu năm chưa cao, nhưng đây được dự báo là một trong những lực cản lớn đối với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2022.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể đạt đươc mục tiêu tăng trưởng năm 2022 với một số căn cứ sau:
Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và mức độ bao phủ vaccine cao – yếu tố đã giúp Việt Nam sớm quay lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và mở cửa du lịch quốc tế. Nhờ đó, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được diễn ra thuận lợi và gặt hái những kết quả ấn tượng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022. Điều này chính là bước đệm tốt cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% cao hơn 0,68 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, nền kinh tế quý 2 có những bước phát triển khá, nhất là khu vực dịch vụ (đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây). Tiếp đà phát triển trong quý này, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, kinh tế quý 3/2022 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý 3 năm trước âm hơn 6%) và quý 4 nếu không có những biến cố bất lợi lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt, đạt và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%.
Vậy còn tác động từ việc điều chỉnh giá xăng dầu liên tục từ đầu năm tới nay thì sao thưa ông? Trong những tháng cuối năm, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ gây áp lực tăng giá cao và ngấm vào nền kinh tế, từ đó khó đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022?
Xăng dầu là nhiên liệu quan trọng ảnh hưởng dây chuyền tới hoạt động sản xuất, tiêu dùng và trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng lạm phát.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, làm chậm quá trình mở rộng quy mô sản xuất, hoạt động sản xuất nhiều ngành trực tiếp có thể bị ngưng trệ, đặc biệt là các ngành vận tải, khai thác thủy sản…
Do đó, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép; nên tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính.
Thứ nhất, nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước.
Thứ hai, xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Hiện nay, xăng dầu đang phải chịu 4 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Xăng dầu hiện đang phải chịu nhiều loại thuế, cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước.
Thứ ba, cần có phương án dự trữ, giải pháp và chiến lược “rất đặc biệt với mặt hàng xăng, dầu”, nhất là tăng dự trữ xăng, dầu quốc gia và làm tốt hơn dự báo để tránh rơi vào thế bị động về nguồn cung; tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá, sàng lọc những tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh lợi dụng để kinh doanh, tăng giá xăng, dầu.
VnEconomy 04/07/2022 11:00
11:00 04/07/2022