Xin ông chia sẻ những kế hoạch, sáng kiến về ESG (môi trường - xã hội - quản trị minh bạch) và về những nỗ lực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Tập đoàn SCG tại Việt Nam?
Tại các hội nghị thượng đỉnh COP lần thứ 26, 27, 28 và 29, Việt Nam đã cam kết và tái khẳng định cam kết, tuyên bố quyết tâm mạnh mẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với vai trò là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, Tập đoàn SCG tự hào khi được đồng hành để thực hiện tầm nhìn quốc gia này bằng cách triển khai các sáng kiến ESG toàn diện và thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các sản phẩm xanh và quy trình xanh.
Đối với sản phẩm xanh, các sáng kiến carbon thấp bao gồm: sản phẩm xi măng thân thiện với môi trường SCG Low Carbon Super xi măng tại Việt Nam thể hiện cam kết trong việc giảm 20% lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất thông qua các công nghệ xanh tiên tiến. Sản phẩm này đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng bền vững và phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam.
Đối với giải pháp bao bì bền vững, Tập đoàn SCG đã phát triển các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường như Green Carton và các bao bì nhựa với vật liệu đơn chất, cả hai đều hoàn toàn có thể tái chế.
Đối với quy trình xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo, các công ty của chúng tôi đã tích hợp hệ thống điện mặt trời, tổng năng suất 40 MW.
Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất thông qua Hệ thống thu hồi nhiệt thải được áp dụng tại các nhà máy sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. Các hệ thống này giúp giảm lượng khí CO2 thải ra khoảng 70.000 tấn mỗi năm, minh chứng cho cam kết của chúng tôi đối với sự bền vững trong toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Tăng cường hợp tác và phối hợp công tư, Tập đoàn SCG tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan, tham gia vào các diễn đàn như Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam và Diễn đàn ESG tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Những hoạt động này cho phép chúng tôi chia sẻ các sáng kiến mới, ứng dụng các nguyên tắc ESG và thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện.
Những tiềm năng và lợi thế của Việt Nam cho các doanh nghiệp như Tập đoàn SCG để thực hiện những kế hoạch này là gì, thưa ông?
Việt Nam có một số lợi thế giúp tăng cường năng lực thực hiện các kế hoạch phát triển bền vững.
Đầu tiên phải kể đến đó là sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với phát triển bền vững được thể hiện qua Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và khuôn khổ pháp lý về tài chính xanh, tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng rất chủ động trong việc ban hành các luật nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp đồng hành với các mục tiêu kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, Việt Nam đã đưa ra định hướng rõ ràng về thuế xanh, phân loại xanh và thuế carbon cũng như thuế môi trường. Ngoài ra, Chính phủ nên thiết lập khung pháp lý cũng như tạo động lực thu hút tài chính xanh, cần thiết cho tài trợ các dự án thích ứng với khí hậu và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh bền vững.
Cuối cùng, Việt Nam có lợi thế trong các nguồn năng lượng tái tạo khi đang có nhiều kế hoạch đầu tư và mở rộng cho việc sản xuất nguồn năng lượng này. Các nhà sản xuất trong và ngoài nước, với nhu cầu giảm dấu chân carbon (carbon footprint) sẽ cân nhắc đây là một điều kiện thuận lợi đến đến đầu tư và đóng góp vào mục tiêu chung về giảm phát thải cho Việt Nam.
Hành trình phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững là một chặng đường dài. Vậy theo ông, đâu là những thách thức mà các doanh nghiệp như SCG phải đối mặt?
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng vẫn còn một số thách thức có thể cản trở tiến trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Thứ nhất, những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng hiện tại có thể chưa hỗ trợ đầy đủ cho việc áp dụng rộng rãi các giải pháp năng lượng tái tạo hoặc các hệ thống quản lý chất thải hiệu quả cần thiết cho nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai, rào cản tài chính. Việc tiếp cận với nguồn tài trợ cho các dự án xanh có thể là một thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể gặp khó khăn với các lựa chọn tài chính.
Thứ ba, nhận thức của công chúng. Việc quan trọng đó là cần phải tăng cường hướng dẫn công chúng về các hoạt động bền vững để nâng cao sự tham gia của cộng đồng và hỗ trợ cho các sáng kiến xanh.
Trước những thực trạng về cơ hội và thách thức như vậy, ông đánh giá như thế nào về những hỗ trợ và chính sách của Việt Nam đối với các doanh nghiệp trong việc phát triển những kế hoạch, sáng kiến về ESG cũng như những nỗ lực hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững?
Có thể thấy rằng Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ các doanh nghiệp trong việc xây dựng các kế hoạch kinh tế tuần hoàn. Các chính sách như Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đặt ra các mục tiêu rõ ràng để giảm phát thải trong nhiều lĩnh vực.
Để đẩy nhanh việc áp dụng ESG và tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét triển khai các sáng kiến tài chính xanh hoặc thành lập quỹ kinh tế tuần hoàn. Các khoản đầu tư vào việc giảm phát thải carbon hoặc nâng cao hiệu suất năng lượng thường yêu cầu nguồn tài chính lớn.
Chính phủ Việt Nam nên đưa ra các ưu đãi đặc biệt như giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện khuôn khổ ESG. Do đó, những giải pháp này có thể tạo động lực cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Ngoài ra, việc thiết lập mạng lưới ESG và hệ sinh thái với các bên liên quan sẽ thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và lan tỏa sức ảnh hưởng của các sáng kiến bền vững và đảm bảo tiến độ một cách toàn diện. Thông qua các giải pháp sáng tạo và quan hệ đối tác chiến lược, SCG cam kết thúc đẩy tăng trưởng xanh toàn diện và tạo ra một tương lai bền vững, kiên cường hơn cho Việt Nam.
Ông kỳ vọng như thế nào về Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam năm nay?
Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 có tầm quan trọng đáng kể, bởi các đối tác trong nước và quốc tế đã cùng nhau thảo luận về con đường chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Tôi hy vọng diễn đàn này sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và xã hội dân sự hướng tới các mục tiêu chung về phát triển bền vững.
Điều này có ý nghĩa như thế nào với kế hoạch phát triển của Tập đoàn SCG trong thời gian tới, thưa ông?
Về các kế hoạch sắp tới, SCG tận dụng nhiều sáng kiến đến từ Thái Lan và quảng bá đến các đối tác. Có thể kể đến như các sản phẩm xanh như xi măng SCG Low Carbon giúp giảm 20% khí thải carbon và đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng bền vững. SCG cũng phát triển bao bì thân thiện với môi trường như Green Carton, giúp giảm 15% vật liệu sử dụng và có thể tái chế hoàn toàn.
Đối với Quy trình Xanh, chúng tôi tập trung thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng sinh khối trong sản xuất xi măng, gạch ngói và bao bì, với tỷ lệ sử dụng sinh khối hiện đạt 30-40%. Ngoài ra, SCG đang đầu tư mạnh vào các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để cung cấp giải pháp năng lượng sạch.
Đồng thời, chúng tôi chú trọng phát triển cộng đồng xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng với mô hình thí điểm tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thông qua các chiến dịch giáo dục, chúng tôi khuyến khích phân loại và quản lý chất thải, góp phần xây dựng các thành phố sạch và một Việt Nam xanh hơn trong tương lai.
VnEconomy 17/12/2024 18:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2024 phát hành ngày 16/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
18:00 17/12/2024