Từ một anh “giáo làng” ở Nam Định, anh đã tới đất nước Ấn Độ để “kỳ ngộ” cây đàn hương như thế nào?
Nhớ lại ngày ấy, khi nhận được thông báo về việc được cấp học bổng đi học thạc sỹ tại Ấn Độ, tôi đã khóc cả đêm. Khi đó con tôi chưa đầy 1 tuổi, trong người chỉ có đúng 80 USD, 3 bộ quần áo và 10 gói mỳ tôm, tôi đến một đất nước xa xôi, khác biệt hoàn toàn về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực... Năm 2006, khi vẫn đang là nghiên cứu sinh, tôi có cơ hội được gặp cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn khi ông có chuyến thăm Ấn Độ.
Chẳng biết vì lý do gì, bác Tạn đã gọi riêng tôi ra một phòng, dặn dò phải nghiên cứu, kết nối để đưa bằng được cây đàn hương quý hiếm về nước. Bác nói: “Nếu đưa được đàn hương về Việt Nam, cây có thể góp phần lớn vào việc thay đổi giá trị nền nông nghiệp nước nhà”. Sau đó, tôi quyết định xin học bổng học tiếp tiến sỹ về quản lý giáo dục, để được ở lại và có thêm thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về đặc tính của loài cây đàn hương.
Quá trình đưa cây đàn hương về Việt Nam sau đó có suôn sẻ không, thưa anh?
Có thể nói là tôi gặp may, tuy mất khá nhiều thời gian. Đến năm 2014, tôi và các đồng nghiệp mới thành công trong việc tạo ra giống cây đạt tiêu chuẩn tạo giống hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Bởi lẽ, cây đàn hương rất khó nhân giống. Ngay tại quê hương Ấn Độ, ở điều kiện tự nhiên, chỉ 5 - 10% số hạt cây đàn hương được gieo là nảy mầm.
Để có thời gian nghiên cứu, tôi đã quyết định nộp đơn xin thôi làm hiệu trưởng và thành lập Viện Nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm. Song song với đó, tôi đánh liều dồn tiền đi thuê đất, mở trang trại để nhân giống và trồng thí điểm loại cây quý hiếm này. Cho đến nay, cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm tại khoảng 43 tỉnh thành trên cả nước và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Nhiều cây cho ra hoa và quả khi mới chỉ hơn 2 năm tuổi. Sau khi trồng, lõi cây đàn hương thu được tại các vùng trồng thử nghiệm cũng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Nhờ đi đúng con đường nên dù Ấn Độ được coi là thủ phủ của đàn hương nhưng hiện nay sản phẩm từ đàn hương của công ty chúng tôi đã có mặt ở hệ thống siêu thị tại nước bạn...
Hiện tại, chúng tôi đã phát triển hơn mười sản phẩm từ đàn hương như: trà búp từ lá, trà nhúng, các loại hương nhang, đồ mỹ nghệ gỗ đàn hương, bột đắp mặt chống lão hóa da cho phụ nữ, xà phòng, tinh dầu đàn hương… Thời gian tới, chúng tôi sẽ giới thiệu ra thị trường khoảng hơn 20 sản phẩm nữa. Ngoài Ấn Độ, chúng tôi còn xuất khẩu các sản phẩm từ đàn hương sang các nước Trung Đông và Nhật Bản, các loại trà thì chủ yếu xuất sang Hồng Kông (TQ), Trung Quốc, Đài Loan (TQ)…
Doanh thu từ cây đàn hương hàng năm của công ty giờ đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Anh có tự thấy mình đã khởi nghiệp thành công?
Tôi lại không tính thành công bằng con số “tỷ đồng”, mà là bằng diện tích hecta. Viện Nghiên cứu của chúng tôi đã giúp người dân trồng tổng cộng trên 6.000 ha cây đàn hương tại Việt Nam và khoảng 3.000 ha tại một số nước khác như Campuchia, Kenya, Uganda… Đây chính là vùng nguyên liệu bền vững để chúng tôi có thể phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ đàn hương trong tương lai. Hiện tại, nguồn cung đàn hương chỉ mới đáp ứng 24 - 26% nhu cầu của cả thế giới.
Đàn hương có giá trị kinh tế cao như vậy, tại sao anh không tập trung phát triển các trang trại đàn hương, mà gần đây lại “lấn sân” sang trồng cây mắc ca, bơ hay cam?
Với cá nhân tôi, cây đàn hương quý nhất không phải ở giá trị kinh tế mà nó mang lại. Cây đàn hương đặc biệt nhất là ở chỗ nó bắt buộc phải trồng xen canh cùng các loại cây khác, tạo ra một hệ sinh thái rừng bền vững. Đàn hương còn có thể trồng xen canh với cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu... mang lại cho người trồng cả nguồn thu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt hơn nữa, cây đàn hương xanh quanh năm, không rụng lá, chịu hạn rất tốt và cần lượng nước rất ít, nó sẽ là loại cây để chống hạn hán, chống biến đổi khí hậu…
Từ chỗ chỉ tìm hiểu về cây đàn hương, giờ đây ước mơ của tôi lớn hơn nhiều. Tôi mong Việt Nam có một nền nông nghiệp có giá trị cao. Điều này đồng nghĩa với một nền nông nghiệp tri thức với hàm lượng chất xám phải rất cao trong từng sản phẩm nông nghiệp làm ra và đó phải là một nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.
Tâm huyết của anh giờ đây không chỉ là đàn hương mà còn là mô hình nông nghiệp tuần hoàn?
Đúng vậy, tôi cho rằng đã đến lúc phải từ bỏ quan điểm rằng hễ ai ít học và thất nghiệp thì về làm nông dân. Chỉ có hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư tiền bạc vào nông nghiệp, thu hút được nhiều người tài đến với lĩnh vực này thì nền nông nghiệp nước nhà mới hội nhập toàn cầu được.
Hiện tại chúng tôi đang tập trung xây dựng các mô hình trang trại từ 15 hecta trở lên. Đầu tiên bắt đầu từ chăn nuôi để có nguồn vi sinh bón cho cây, trồng xen canh với đàn hương sẽ là cây na, cây bơ, cam và một số loại dược liệu. Từ nguồn phế thải hữu cơ và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, chúng tôi nuôi trùn quế vừa để tái tạo đất, vừa để nuôi cá… Những mô hình như vậy đã được chúng tôi triển khai ở Đăk Nông, Phú Thọ và Hòa Bình.
Làm nông bây giờ cần khoa học và số hóa. Trang trại chăn nuôi được xây dựng hệ thống chuồng khép kín, trang bị quạt thông gió, cấp nước uống tự động, gắn camera giám sát, nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học với nguyên liệu chủ yếu là trấu trộn chế phẩm sinh học. Thức ăn cho gia súc, gia cầm được phối trộn các chủng vi sinh để mùi hôi khi chất thải ra môi trường… Khi đã có sản phẩm thì người nông dân có thể tận dụng nền tảng số để đưa sản phẩm từ cánh đồng đến tận tay người tiêu dùng.
Tóm lại, sân chơi nông nghiệp bây giờ không thể nhỏ lẻ được, đúng không anh?
Đúng vậy, tôi nghĩ nông nghiệp giờ đây nên được thực hiện trên các cánh đồng mẫu lớn, và được công nghiệp hóa, công nghệ hóa. Nông nghiệp cũng không nên tiếp tục giữ quy mô hộ gia đình với mục tiêu xóa đói giảm nghèo nữa, mà cần có sự tham gia của Nhà nước trong vai trò bảo hộ nguồn cây giống tốt, còn các doanh nghiệp lớn như là những đầu tàu tạo nên những vùng dự án… Thông minh, tri thức, chuyên nghiệp chính là những điều kiện tiên quyết để chuyển đổi mô hình nông nghiệp Việt tiếp cận và bắt kịp xu thế của thế giới.
VnEconomy 24/01/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
07:00 24/01/2023