Xin Bộ trưởng cho biết những điểm sáng trong công tác của ngành ngoại giao trong năm 2022?
Trong bối cảnh phức tạp, nhiều biến động của tình hình thế giới năm 2022, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, ngành ngoại giao đã bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII, kết quả của Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất, triển khai kịp thời, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm với các giải pháp cụ thể nhằm đóng góp vào nỗ lực thực hiện tốt ba nhiệm vụ cơ bản là bảo đảm mục tiêu an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước.
Chúng ta đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, ngoại giao Nhân dân và các hoạt động đối ngoại của các ban, bộ, ngành, địa phương để từ đó phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị.
Có thể thấy một số đóng góp nổi bật của ngành ngoại giao trong năm 2022.
Thứ nhất, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19 với phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Trên tinh thần Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư và bám sát trọng tâm điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đã chủ động, kịp thời chuyển trạng thái ngoại giao kinh tế từ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh sang hỗ trợ thích ứng an toàn, thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phục hồi tăng trưởng trong nước và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước. Chúng ta đã quản lý tốt biên giới trên bộ, trên biển, giữ gìn đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đồng thời tăng cường đàm phán, đối thoại giải quyết tranh chấp, tăng cường hợp tác biển, củng cố tin cậy với các nước; kịp thời trao đổi, xử lý các vi phạm trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam chủ động có những phát biểu quan trọng để củng cố sự quan tâm của các nước, khẳng định thượng tôn pháp luật trên biển, UNCLOS 1982.
Thứ ba, về đối ngoại song phương, tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. Chúng ta đã tiến hành nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, trong đó, nhiều hoạt động mang tầm chiến lược và có ý nghĩa lịch sử, nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngoài ra, ta đã nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, đưa tổng số nước có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam lên 4 nước; thiết lập quan hệ ngoại giao với quần đảo Cook, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại giao lên 190 nước.
Thứ tư, về đa phương, thể hiện tốt vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ghi nhiều dấu ấn quan trọng với việc được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025; trúng cử Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Thứ năm, triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hoạt động ngoại giao vaccine, giúp Việt Nam có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đây là kết tinh tổng lực, quyết liệt từ các cấp, các ngành và từ trong đến ngoài nước.
Thứ sáu, làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Thực hiện hiệu quả Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, tích cực vận động thu hút nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào cho phát triển đất nước. (Kiều hối cho đến hết tháng 10 đạt 9,5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng cao dịp Tết Âm lịch). Công tác bảo hộ công dân được triển khai thường xuyên, nhanh chóng, hiệu quả. Trong năm 2022, ta đã tiến hành bảo hộ cho khoảng 21.500 trường hợp công dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine, ta đã cơ bản hoàn tất việc sơ tán an toàn khoảng 6.000 công dân, kiều bào khỏi khu vực chiến sự; phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại đưa 1.400 người lao động Việt Nam bị lừa đảo sang làm việc bất hợp pháp ở Campuchia về nước; tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân và đưa 700 ngư dân Việt Nam về nước.
Thứ bảy, đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa cả về nội dung và hình thức, tận dụng sức mạnh của công nghệ số; góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế và vận động quốc tế công nhận những di sản văn hóa giá trị của Việt Nam, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia. Trong năm 2022, Việt Nam đã có thêm 04 di sản được UNESCO ghi danh (gồm Di sản văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh, Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Thành phố học tập Cao Lãnh và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm). Nỗ lực của đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại đã góp phần tạo dư luận đồng thuận cả trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển, đồng thời kịp thời phản bác các thông tin sai lệch về Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm 2022 là một năm đầy biến động. Thế giới vừa bước ra khỏi đại dịch với kỳ vọng có nhiều cơ hội phục hồi kinh tế thì cuộc khủng hoảng tại Ukraine bất ngờ xảy ra, đặt ra nhiều thách thức đến kinh tế, chính trị thế giới. Ngành ngoại giao đã chủ động dự báo, thay đổi và thích ứng như thế nào trước bối cảnh này?
Năm 2022, thế giới có những biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp và chưa từng có tiền lệ. Trong nước, đây là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, đặc biệt là sau khi chính thức mở cửa trở lại từ tháng 3/2022, chúng ta tiếp tục tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19, giữ ổn định chính trị - xã hội và phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, việc phát huy năng lực dự báo, tham mưu và khả năng “linh hoạt, chủ động, thích ứng” với tình hình mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với ngành ngoại giao và trên thực tế đã được Bộ Ngoại giao tập trung, nỗ lực thực hiện tốt.
Công tác dự báo, tham mưu được đẩy mạnh, thể hiện ở 4 điểm nổi bật.
Thứ nhất, xác định rõ trọng tâm nghiên cứu dự báo, nhất là xu thế dịch bệnh Covid-19, chính sách mở cửa và phục hồi của các nước, các diễn biến trong quan hệ nước lớn, những xu hướng đa phương, liên kết mới và những vấn đề an ninh phi truyền thống để từ đó có những kiến nghị phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
Thứ hai, phát huy tối đa vai trò “ăng-ten đối ngoại” của toàn bộ 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với vai trò phân tích, dự báo từ sớm, từ xa ngay từ các địa bàn ngoài nước, từ tiếp xúc đối ngoại, phân tích động thái sở tại đến tham mưu chính sách, biện pháp.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… cũng như tham khảo ý kiến các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm, mô hình xử lý các vấn đề kinh tế, phát triển của các nước phục vụ chính sách điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ.
Thứ tư, triển khai các công trình nghiên cứu với một đề tài cấp Nhà nước và 28 đề tài cấp Bộ về đối ngoại trong đó có một đề tài trọng điểm cấp Bộ; chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, nhất là những những vấn đề nhạy cảm, những vấn đề có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.
Sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng, thể hiện ở ba điểm.
Thứ nhất, linh hoạt, bắt nhịp kịp thời xu thế mở cửa trở lại của các nước để chủ động nối lại các hoạt động đối ngoại trực tiếp cả song phương và đa phương, góp phần đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất. Các hoạt động đối ngoại sôi động, nhất là đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới. Ta đã triển khai gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, trong đó có 34 hoạt động trực tiếp (gồm 15 đoàn thăm nước ngoài và 19 đoàn nước ngoài thăm Việt Nam); 36 hoạt động trực tuyến (gồm các cuộc hội đàm, điện đàm, hội nghị trực tuyến).
Thứ hai, trước diễn biến của tình hình xung đột Nga-Ukraine, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến với các cơ quan liên quan, không để bị động, bất ngờ, kịp thời bảo đảm lợi ích của đất nước, bảo hộ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng, đóng góp vào các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho người dân vùng xung đột, tìm hiểu, tham mưu để khắc phục, ứng phó với hệ lụy do xung đột gây ra.
Thứ ba, kịp thời có bước chuyển linh hoạt nhiệm vụ trọng tâm từ ngoại giao vaccine sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thích ứng với tình hình mới của đất nước.
Năm 2022 chứng kiến sự sôi động của những chuyến thăm song phương và tham dự hội nghị, diễn đàn đa phương của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại cấp cao trên thể hiện điều gì?
Năm 2022 đã chứng kiến sự sôi động trở lại của các hoạt động đối ngoại. Các hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã tiến hành gần 70 hoạt động đối ngoại cấp cao cả song phương và đa phương, trực tiếp và trực tuyến, tiêu biểu là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các hoạt động đối ngoại sôi động thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới. Một mặt, chúng ta vẫn tiến hành các hoạt động đối ngoại trực tuyến, mặt khác, đẩy mạnh gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo cấp cao các nước, các đối tác quốc tế.
Các cuộc tiếp xúc cấp cao với các nước, các đối tác đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ, sự tin cậy chính trị, tình cảm hữu nghị với các nước, các đối tác, đặc biệt là các nước láng giềng và các đối tác quan trọng của Việt Nam.
Các hoạt động đối ngoại đã truyền tải rộng rãi thông điệp về việc phục hồi nhanh chóng và phát triển về mọi mặt của Việt Nam, từ đó giúp thu hút các nguồn lực bên ngoài để phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch…
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng trong năm như Tuần lễ cấp cao APEC, Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41, Hội nghị cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ, ASEAN – EU, Đại hội đồng AIPA, góp phần nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, tiếp tục đóng góp cho công việc chung của khu vực và thế giới, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Các chuyến thăm cũng là dịp khẳng định mạnh mẽ chính sách của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo và coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Xin Bộ trưởng chia sẻ phương hướng và biện pháp triển khai công tác ngoại giao kinh tế để đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, thực hiện các mục tiêu kinh tế mà Chính phủ đặt ra?
Để đóng góp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong năm 2023, Bộ Ngoại giao xác định triển khai 04 trọng tâm ngoại giao kinh tế.
Một là, tiếp tục triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tranh thủ và phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Đẩy mạnh quán triệt sâu rộng và cụ thể hoá Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị sẽ được Chính phủ sớm ban hành.
Hai là, tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc và gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất. Thúc đẩy đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Thúc đẩy tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế của ta với các đối tác chủ chốt. Tận dụng hiệu quả mạng lưới 15 FTA đang thực thi; tham gia chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.
Ba là, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo chiến lược, cảnh báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Bám sát tình hình, biến động của kinh tế thế giới, các điều chỉnh chiến lược, chinh sách và sáng kiến của các quốc gia để kiến nghị các đối sách, biện pháp ứng xử phù hợp.
Bốn là, đổi mới phương thức, tăng cường năng lực triển khai và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác ngoại giao kinh tế. Tăng cường phối hợp liên ngành, kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập các tổ công tác về những vấn đề cụ thể, cấp bách khi cần thiết nhằm bảo đảm hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Với tinh thần đó, trên cơ sở bám sát các chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm triển khai“quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”, tôi tin tưởng công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khẩn trương, quyết liệt của công tác ngoại giao vaccine để đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2023, tạo nền tảng vững chắc hướng tới các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030.
Trước những thách thức, chính sách đối ngoại của đất nước càng thể hiện bản sắc rõ ràng của ngoại giao cây tre Việt Nam, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Bộ trưởng có bình luận gì về điều này?
Trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay. Điều này đặt ra cơ hội, nhưng đồng thời cả những thách thức lớn đối với môi trường đối ngoại Việt Nam. Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc để bảo vệ vững chắc và phát huy mạnh mẽ lợi ích của đất nước.
Bản sắc ngoại giao Việt Nam có cội nguồn là những triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bản sắc đó được nâng lên một tầm cao mới bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam hiện đại.
Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Gốc vững chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia – dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. Thân chắc chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là những cốt lõi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ Đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng và vun đắp hơn 36 năm qua. Cành uyển chuyển là ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Tình hình càng phức tạp, thì càng kiên trì về nguyên tắc, càng linh hoạt về sách lược. Đối ngoại Việt Nam dựa vào cái bất biến là bản sắc đối ngoại, đường lối đối ngoại để ứng phó với cái vạn biến của thế giới, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, lẽ phải, chính nghĩa, phù hợp với những giá trị chung của nhân loại, đóng góp vì một thế giới hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển. Đó cũng chính là vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Để làm được điều đó, ngành Ngoại giao sẽ cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hết mình, quyết tâm phát triền nền ngoại giao Việt Nam “vừa hồng vừa chuyên”, trong sạch, vững mạnh, tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng - để xứng đáng với sứ mệnh nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
VnEconomy 23/01/2023 08:08
08:08 23/01/2023