“Ngành chip bán dẫn của Việt Nam thực ra đã có hơn 20 năm, với lợi thế về nguồn lực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), ngành chip là ngành duy nhất trong các ngành hội tụ cả kiến thức toán, lý, hóa. Tin học thì chỉ cần toán, nhưng bán dẫn thì thêm cả lý, hóa và Việt Nam là nơi hiếm hoi giỏi cả toán, lý, hóa. Hiện có khoảng 40-50 công ty vào Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip. Trong hệ sinh thái của Việt Nam hiện đang có hơn 5.000 kỹ sư thiết kế và đây sẽ là nòng cốt để mở rộng trong tương lai.
FPT cũng bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Chúng tôi có môn outsource (gia công ngoài). Mọi người nói nhiều về TSMC - công ty hiện đang dẫn đầu về công nghệ, nhưng xuất phát điểm của họ cũng là công ty đi gia công cho IBM, Intel, họ nhận gia công và từ đó xây dựng từ số 0 đến ngày nay. Chúng tôi cũng sẽ theo cách mà TSMC đã làm. Khởi nghiệp từ một nhóm số 0, hiện tại chúng tôi đã có hơn 200 người thiết kế các sản phẩm của rất nhiều khách hàng trên thế giới. Trong quá trình gia công, tích lũy đó, chúng tôi sẽ tìm ra ngách của FPT của người Việt Nam có thể cạnh tranh.
Ngoài lực lượng gia công, Việt Nam còn nhiều chuyên gia người Việt từ Mỹ, từ các nước khác, họ sẵn sàng quay về Việt Nam, đội ngũ chuyên gia đó cộng với nền công nghiệp 20 năm của Việt Nam thì chúng ta có thể làm những việc lớn lao hơn.
Đây là một trong các ngách của FPT đã chọn. Trên thế giới có rất nhiều con chip thì FPT chọn chip nguồn và gọi là power IC management. Vì chip nguồn sẽ có ở tất cả các thiết bị như: điện thoại, máy tính, máy ảnh, máy giặt, tivi, tủ lạnh… đều cắm nguồn 220v và chip nguồn chuyển hóa dòng điện này xuống các con chip khác, linh kiện khác và cần có một con chip để điều chỉnh.
Khi các “ông lớn” tập trung vào các chuỗi lớn như MCU, AI…, thì những lĩnh vực nhỏ họ sẽ không tùy chỉnh nữa và chỉ đưa sản phẩm hoàn chỉnh, khách hàng chỉ mua hoặc không mua. Khi đó khách hàng sẽ có nhu cầu sửa cái này cái kia và FPT đến sửa, điều chỉnh, ví dụ module cho phù hợp với sản phẩm, đó là ngách mà FPT đã tìm ra.
Hiện, chip nguồn của FPT đã có đơn đặt hàng là 70 triệu, những công ty sản xuất máy in camera hàng đầu của Nhật Bản đã đặt hàng FPT và FPT đang trên đường ship các con chip đó vào các sản phẩm của công ty Nhật, đã đảm bảo tiêu chuẩn của Nhật và bắt đầu từ thị trường Nhật, sau đó sẽ triển khai ra thị trường các nước khác như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, thị trường châu Âu. Tôi tin còn rất nhiều ngách như thế cho các công ty trẻ, mới của Việt Nam tham gia vào thị trường này”.
“Vấn đề bán dẫn “nóng” trong khoảng 4 năm trở lại đây, đồng thời chứng kiến sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng ngành. Các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) không chỉ ở Đài Loan mà trong 4 năm nay, bắt đầu sang các quốc gia khác.
Xu hướng dịch chuyển của các tập đoàn ngành bán dẫn tại Đài Loan được dự báo sẽ tăng đáng kể từ năm 2024 đến 2027. Đây là cơ hội vàng đối với Việt Nam. Đáng chú ý là những tập đoàn bán dẫn như: TSMC, UMC, PSMC… đều cần mở nhà máy tại các nước như Mỹ, Nhật, Đức, Singapore, Ấn Độ. Bên cạnh đó, một số công ty làm thiết kế IC cũng đã mở các trung tâm R&D ở Singapore, Malaysia, Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cũng chứng kiến sự thay đổi trong sản lượng sản xuất trong khu vực của các công ty bán dẫn Đài Loan từ nay đến năm 2027.
Lý do chính tạo nên xu hướng dịch chuyển này trước hết là sự căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã dẫn đến lo ngại về sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các quốc gia đang có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế để thu hút các công ty bán dẫn Đài Loan đến đầu tư.
Đặc biệt, nhu cầu chip ngày càng tăng, thúc đẩy các công ty bán dẫn Đài Loan mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác để đến gần thị trường khách hàng hơn.
Xu hướng dịch chuyển còn xuất phát từ yêu cầu của khách hàng, đồng thời việc đầu tư tại các quốc gia đang phát triển giúp giảm chi phí đầu tư và sản xuất.
Không những thế, việc thiếu hụt nhân lực đang là vấn đề nghiêm trọng ở Đài Loan. Đây cũng là lý do một số công ty đóng gói, kiểm thử có nguyện vọng muốn tìm những quốc gia ở khu vực Đông Nam Á có nguồn nhân lực dồi dào như Việt Nam để mở cơ sở, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ví dụ hiện nay, TSMC dự kiến sẽ xây dựng các nhà máy tại Mỹ với tổng vốn đầu tư 65 tỷ USD hoặc đầu tư hơn 20 tỷ USD cho hai nhà máy ở Nhật Bản.
Để thuyết phục các doanh nghiệp bán dẫn đầu tư, Mỹ đã có những chính sách cho TSMC được tài trợ không hoàn lại đến 6,6 tỷ USD và có thể vay đến 5 tỷ USD. Còn ở Nhật Bản cam kết chi 26 tỷ USD để vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó 1/3 nguồn này dùng cho hai nhà máy của TSMC.
Công ty UMC công bố kế hoạch đầu tư nhà máy Fab 12i ở Singapore. Ngoài chính sách ưu đãi thuế, Singapore có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài đến làm việc.
Gần đây nhất, PSMC - công ty chế tạo bán dẫn lớn số 3 của Đài Loan - đã sang Ấn Độ xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 11 tỷ USD. Tuy nhiên, PSMC không bỏ chi phí đầu tư mà 70% tài chính đến từ Chính phủ Ấn Độ và 30% đến từ Tập đoàn TATA.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao để phát triển ngành bán dẫn trong nước, trong đó đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên. Việt Nam cũng có chiến lược thu hút đầu tư hợp lý, có kinh nghiệm thu hút các doanh nghiệp lớn như Samsung, Hana Micron, Intel…”.
“Chúng ta cũng biết chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó ngành bán dẫn là một trong những ngành quan trọng nhất, đang có những biến động rất lớn bởi nhiều yếu tố như: chiến tranh thương mại, các xung đột về địa chính trị, các xung đột lợi ích giữa các quốc giá lớn, tác động của dịch bệnh, an ninh, nguồn lực…
Hiện nay, chuỗi cung ứng đã tái định hình với mô hình Chuỗi cung ứng 2.0. Trong đó sẽ hình thành 8 khu vực sản xuất mới. Đông Nam Á là một trong những khu vực trọng điểm mà các doanh nghiệp sẽ đầu tư thành trung tâm sản xuất mới, trong đó Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn cho ngành bán dẫn.
Việt Nam là quốc gia đang có nguồn nhân lực rất tốt và phù hợp để có thể tham gia vào ngành này. Nguồn nhân lực trẻ, thông minh và tiếp cận nhanh với công nghệ mới là lợi thế rất lớn so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Hơn nữa Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất điện tử lớn từ Trung Quốc sang như Foxcom, Samsung, LG…
Đây sẽ là đầu tàu kéo theo hệ sinh thái các nhà sản xuất bán dẫn. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang có những bước đi quyết liệt và chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn trong ngành bán dẫn cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia vào ngành này. Song song với đó, xây dựng quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện với các quốc gia mạnh về ngành bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp từ các quốc gia này đầu tư tại Việt Nam. Phải nói đây là thời điểm có một không hai của Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngành bán dẫn đòi hỏi hệ sinh thái phức tạp cả về công nghệ và nguồn cung. Do vậy để thu hút đầu tư cho ngành bán dẫn, chúng ta không thể chỉ xây dựng chính sách riêng cho một ông lớn nào hay một quốc gia nào. Chính sách phải đồng bộ và cân bằng. Ngoài các chính sách trực tiếp thì việc xây dựng một hạ tầng đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu của ngành bán dẫn rất quan trọng.
Ngành bán dẫn đang chịu áp lực lớn về các chính sách liên quan phát triển bền vững ESG, sản xuất xanh. Việc đáp ứng các nguồn điện sạch là rất quan trọng. Việc cung cấp đủ điện, nước liên tục và chất lượng cao là một điều kiện tiên quyết cho ngành bán dẫn. Ngoài ra, đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn cũng sẽ là chìa khóa để các nhà đầu tư quyết định chuyển cơ sở của họ sang Việt Nam.
Advantech là doanh nghiệp công nghệ rất mạnh về bán dẫn của Đài Loan. Chúng tôi cũng là một mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành. Do vậy Advantech cũng đang tích cực tham gia thúc đẩy phát triển các đối tác tại Việt Nam để có thể tham gia vào ngành bán dẫn trong tương lai.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thúc đẩy các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cùng các trường đại học tại Việt Nam. Việc xem xét đầu tư để xây dựng cơ sở sản xuất của mình tại Việt Nam trong tương lai cũng là một hướng đi của chúng tôi”.
“Trong bối cảnh hiện tại, khi có sự đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu cao về vi mạch bán dẫn, việc chuyển dịch toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ và Trung Quốc, sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, yêu cầu chính phủ và các địa phương phải nhạy bén và thay đổi để thu hút các dự án này. Do đó, cần phải đánh giá toàn diện các chính sách hiện có, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư để có những điều chỉnh phù hợp nhằm thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng, trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam, cũng đang đánh giá tình hình thực hiện các chính sách thu hút đầu tư và lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp lớn. Thực ra, câu chuyện thu hút đầu tư ở đây chính là câu chuyện cạnh tranh với các quốc gia khác. Với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thì có thể việc ưu đãi thuế không mang lại hiệu quả cao, hơn nữa, các nước phát triển có thể trợ cấp tiền rất lớn để thu hút doanh nghiệp.
Việt Nam, với nguồn lực hạn chế, không thể thực hiện các chính sách tài trợ hàng tỷ USD như các quốc gia phát triển. Thay vào đó, Đà Nẵng và Việt Nam cần tập trung vào các yếu tố khác như phát triển nguồn nhân lực, sự năng động hỗ trợ của chính quyền, tiềm năng phát triển và xây dựng một hệ sinh thái phù hợp để phát triển ngành bán dẫn.
Thành phố Đà Nẵng đã chủ động lắng nghe và trao đổi với các nhà đầu tư lớn, đồng thời hợp tác với các cơ quan soạn thảo Đạo luật CHIPS Act của Hoa Kỳ. Thành phố cũng tận dụng sự hỗ trợ và ủng hộ về mặt chính trị cũng như kinh tế từ chính quyền Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn.
Ngoài ra, Thành phố cũng nghiên cứu chính sách của các quốc gia gần gũi như Singapore, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và các nước lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù nhiều chính sách rất hiệu quả, song không phải tất cả đều phù hợp với điều kiện và thực trạng của Việt Nam.
Ví dụ, Đài Loan có chính sách gắn kết đào tạo và thực hành với các doanh nghiệp và đổi mới công nghệ, trong khi Trung Quốc, Singapore và Malaysia cung cấp hỗ trợ lớn về đổi mới khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ lớn bằng tiền hay miễn giảm thuế có thể không khả thi do hạn chế về nguồn lực của Việt Nam.
Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, giữ chân nhân tài và thu hút các chuyên gia, đặc biệt là người Việt Nam đang làm việc trong các công ty bán dẫn quốc tế. Việc thu hút nguồn lực này không chỉ dựa vào tài chính mà còn cần đến tinh thần cống hiến cho quê hương và phát huy khát vọng phục vụ đất nước. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn”.
“Theo tôi, đây là thời điểm ngành công nghiệp bán dẫn đang tìm kiếm các quốc gia Đông Nam Á để thay thế Trung Quốc, bởi vì nhiều tập đoàn quốc tế đang rút khỏi Trung Quốc do nhiều lý do. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được xem là một điểm đến tiềm năng, nhưng thực tế là khi các công ty quốc tế vào Việt Nam, họ lại rút lui. Một trong các lý do chính là vì Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn.
Tình huống của Việt Nam cũng giống như việc mở một nhà hàng nhưng lại chưa có đủ thực phẩm hoặc chưa có menu, nên chưa thu hút khách hàng. Vì thế, tôi cho rằng để thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cần phải có cơ sở hạ tầng và năng lực cụ thể, thể hiện rõ ràng những gì mình có, giống như việc chuẩn bị thực phẩm và menu để show (chỉ rõ) cho các thực khách vào nhà hàng.
Hiện tại, nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp bán dẫn không phải là thiết kế chip, mà là đóng gói chip, một lĩnh vực rất quan trọng. Trung Quốc là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, khi các doanh nghiệp rút cơ sở khỏi Trung Quốc, họ cần rất nhiều nhà cung cấp, đối tác có thể thay thế Trung Quốc, mà trong ngành bán dẫn, thì họ cần các công ty đóng gói, kiểm thử chip. Khi thế giới công nhận Việt Nam là một lựa chọn đầu tư tiềm năng, thì chúng ta phải tập trung vào những điểm mạnh mà mình có thể thực hiện ngay lập tức, thay vì chỉ chạy theo những mục tiêu quá xa vời mà chúng ta chưa thể đạt được.
Nhiều người có thể chưa nhận thức được quy mô thực sự của khâu đóng gói, kiểm thử chip trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ví dụ, vào năm 2021, toàn thế giới sản xuất khoảng 1.150 tỷ con chip, đó là chip cho smartphone, laptop, xe hơi và các thiết bị khác. Nếu tính trung bình, mỗi con chip, dù đắt hay rẻ, đều có chi phí gia công khoảng 10 xu, thì tổng giá trị gia công đã lên đến hơn 100 tỷ USD. Đây là một thị trường khổng lồ mà chúng ta có thể nhắm đến.
Khi tập trung vào ngành đóng gói chip, chúng ta cần rất nhiều kỹ sư và nhân lực để vận hành máy móc; đồng thời, chúng ta cũng có thể thiết kế và sản xuất nhiều loại máy móc khác, điều này sẽ tạo ra một chuỗi giá trị liên kết rộng lớn. Chuỗi này bao gồm các kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện tử, lập trình viên, cán sự bảo trì máy móc và các lao động kỹ thuật.
Sự phát triển này cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Khi các doanh nghiệp quốc tế thấy được sự phát triển này và thấy rằng có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà máy và cơ sở sản xuất, họ sẽ thấy rằng đây là một môi trường đầu tư hấp dẫn và có tiềm năng.
Với lợi thế về nguồn lực trong nước, khi có khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này, chúng ta có thể vươn ra thị trường toàn cầu. Đó là những bước đầu để tiến vào thời đại công nghiệp 4.0”.
“Ba năm sắp tới sẽ quyết định Việt Nam sẽ ở đâu trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, tôi cho rằng cần phải nghiêm túc nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của các hệ thống sinh thái, sản xuất và thiết kế bán dẫn trên toàn cầu, phải giải bài toán đó chúng ta mới xây dựng được một chiến lược phát triển cụ thể.
Nếu định vị Việt Nam là “đại bản doanh” của đóng gói toàn cầu thì chúng ta hãy dồn lực tập trung củng cố năng lực đóng gói. Hiện nay, Việt Nam không phải chỉ đóng gói bán dẫn mà còn đóng gói các sản phẩm khác liên quan đến bán dẫn. Chẳng hạn Việt Nam đang có hai nhà máy đóng gói màn hình lớn nhất thế giới là Samsung Display và LG Display, mới đây, chúng ta có thêm các nhà máy đóng gói chip mới như Hana hay Intel.
Tôi biết có một số doanh nghiệp đóng gói đang về Việt Nam và cá nhân tôi cũng tham gia vào trong quá trình kêu gọi họ, vì tôi tự hào Việt Nam có đủ tiềm năng để đáp ứng yêu cầu của họ. Việt Nam chỉ cần đón một đến hai doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp khác họ sẽ đi theo.
Xét về tiềm lực, Việt Nam có con người, có vị thế địa chính trị thuận lợi. Chúng ta đang nằm ở giữa các quốc gia bán dẫn hàng đầu như Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), hay Hàn Quốc… và chúng ta có một thị trường châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn. Tiềm năng rất nhiều, nhưng liệu chúng ta có tận dụng được không thì đây vẫn còn là một bài toán.
Mọi thứ trong ngành bán dẫn toàn cầu mới chỉ là sơ khai, vì vậy 30 năm nữa có thể công nghệ này sẽ còn phát triển rất nhiều.
Không một quốc gia nào có thể làm chủ công nghệ bán dẫn, vậy nên chúng ta cần khẩn trương xác định vị thế chúng ta sẽ ở đâu trong toàn bộ hệ thống mắt xích quan trọng của chuỗi bán dẫn này. Thị trường bán dẫn thế giới hiện tại tập trung vào một số ít công ty nhưng nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta vẫn có thể được chia miếng bánh này, dù chỉ 2% hay 5% cũng đã là rất tốt.
Để thực hiện mục tiêu này, tôi cho rằng chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ, bao gồm ổn định chính sách để các doanh nghiệp phát triển dài hạn, bên cạnh đó, cần tạo ra môi trường kiến tạo để thu hút các doanh nghiệp lớn cũng như nguồn vốn đầu tư, đồng thời để các doanh nghiệp được phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam trong tương lai”.
“Hiện nay, các con chip đã hiện diện ở khắp mọi nơi, nhúng vào các thiết bị, hệ thống. Bên cạnh đó, với sự thay đổi tình hình địa chính trị, thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu đã và đang tạo cơ hội cho Việt Nam. Mặc dù bắt đầu chậm nhưng Việt Nam vẫn còn cơ hội và việc thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.
Theo tôi, có ba thách thức quan trọng khi đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn.
Thứ nhất, chúng ta phải xác định đào tạo nhân lực cho một ngành công nghiệp công nghệ cao, với số lượng lớn.
Thứ hai, phải đào tạo rất nhanh. Cơ hội tối đa khoảng 3 năm, nếu Việt Nam không khẳng định được vị thế trong ngành công nghiệp công nghệ cao này thì dường như chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình địa chính trị, dựa vào những quan hệ quốc tế đã xác lập, các quan hệ với cường quốc công nghệ hiện nay, Việt Nam đang có những cơ hội lớn.
Thứ ba, đây không phải là cuộc chơi đơn độc của một quốc gia mà phải tham gia toàn cầu hóa. Chúng ta đào tạo nhân lực không chỉ đơn thuần phục vụ các nhà máy ở Việt Nam mà phải đào tạo theo chuẩn quốc tế, có thể làm việc ở nước ngoài.
Đây là 3 thách thức rất lớn so với các ngành khác mà chúng ta đã làm khi phải đào tạo với số lượng lớn cho một ngành công nghiệp, thời gian ngắn và buộc phải nhảy vào cuộc chơi toàn cầu, xây dựng một hệ sinh thái.
Cùng với đào tạo dài hạn, đào tạo sau đại học, cần đào tạo nhanh, ngắn hạn trình độ cao (đào tạo tiếp nối, có trình độ các ngành lân cận, cho người đang học, đào tạo phổ rộng, chương trình 18 tháng, hoặc 2 năm, chương trình bồi dưỡng 1 năm cấp chứng chỉ, quan trọng nhất phải theo chuẩn quốc tế để các đối tác trong và ngoài nước có thể chấp nhận”.
VnEconomy 12/08/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
06:00 12/08/2024