10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 1
10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 2

Dù đối mặt không ít thách thức, nền kinh tế toàn cầu giữ vững nhịp tăng trưởng trong năm 2024. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2024 của thế giới ước đạt 3,2%, nhỉnh hơn so với mức tăng 3,1% đạt được vào năm 2023.

Đáng chú ý là sự vững vàng tăng trưởng diễn ra trong bối cảnh lạm phát toàn cầu giảm tốc nhanh. Trong báo cáo công bố tháng 10/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ lạm phát toàn cầu năm 2024 giảm còn 5,8%, từ mức 6,7% của năm 2023 và sẽ tiếp tục hạ về 4,3% vào năm 2025.

Tiến trình giảm lạm phát đang được thúc đẩy bởi chính sách tiền tệ còn thắt chặt ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Tại gần một nửa số nền kinh tế phát triển và gần 60% số nền kinh tế mới nổi, lạm phát toàn phần đã giảm về mục tiêu của ngân hàng trung ương, OECD cho biết. Lạm phát được dự báo sẽ đạt mục tiêu tại các nền kinh tế phát triển sớm hơn so với tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Thị trường việc làm tại các nền kinh tế lớn đã bắt đầu suy yếu, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Tiền lương danh nghĩa tăng mạnh và sự xuống thang của lạm phát đã thúc đẩy thu nhập thực tế của các hộ gia đình. Tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng của khu vực tư nhân còn yếu ở hầu hết mọi quốc gia, phản ánh niềm tin của người tiêu dùng chưa thực sự khởi sắc. Dù vậy, khối lượng thương mại toàn cầu tiếp tục hồi phục, được dự báo tăng 3,6% trong năm 2024, theo dữ liệu của OECD. Sự vững vàng của kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ duy trì trong hai năm tới, với mức tăng 3,3% dự kiến cho năm 2025 và 2026. Triển vọng kém tươi sáng của một số nền nền kinh tế lớn như Trung Quốc và châu Âu sẽ được bù đắp bởi đà tăng trưởng vững của kinh tế Mỹ và những nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 3

IMF ước tính rằng khối nợ chính phủ toàn cầu có khả năng tăng lên mức 100 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tương đương khoảng 93% sản lượng hàng hóa và dịch vụ hàng năm của toàn thế giới. Định chế có trụ sở ở Washington DC cũng nhận định nợ chính phủ sẽ tiếp tục tăng lên mức cao hơn, gần tương đương với sản lượng kinh tế hàng năm của thế giới trước khi kết thúc thập kỷ này. Còn theo một báo cáo từ Viện Tài chính quốc tế (IIF), thâm hụt ngân sách khổng lồ của nhiều chính phủ trên thế giới, đặc biệt là Chính phủ Mỹ, là dấu hiệu cho thấy nợ công toàn cầu có thể tăng thêm 1/3 trong thời gian từ nay tới năm 2028, lên tới 130 nghìn tỷ USD.  Những kỷ lục mới, thiếu bền vững của nợ công có thể đe dọa sự ổn định kinh tế, ổn định tài khóa, thậm chí ổn định chính trị ở nhiều quốc gia.

Đối với Mỹ, nợ công đã lần đầu tiên vượt mốc 35 nghìn tỷ USD vào tháng 7/2024, tăng gần 12 nghìn tỷ USD so với năm 2020 và tăng 1 nghìn tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, lên mức tương đương 98% GDP. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo đến năm 2034, nợ công của Mỹ sẽ lên tới 122% GDP - một con số đáng báo động.

Theo một số ước tính, chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump sẽ khiến ngân sách Chính phủ Mỹ thâm hụt thêm 7,5 nghìn tỷ USD trong thời gian từ 2026-2035. Không chỉ nợ công của Mỹ gây lo ngại, nợ công và thâm hụt ngân sách cũng là vấn đề khiến nền chính trị của một số nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp chao đảo trong năm 2024.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 4

“Hạ cánh mềm” (soft landing) là một từ khóa được nhắc tới nhiều trong suốt năm 2024. Đây là thuật ngữ chỉ tình trạng kinh tế mà ở đó chính sách tiền tệ thắt chặt đưa lạm phát giảm về mục tiêu nhưng không gây ra sự sụt giảm mạnh trong tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới, nhất là kinh tế Mỹ, đã tiến gần tới trạng thái “hạ cánh mềm” trong năm 2024, với tốc độ lạm phát tiến gần về mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương đề ra, nhưng nền kinh tế không rơi vào suy thoái hay sụt tốc mạnh. Tuy chưa thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã có thể đi đến quyết định xoay trục chính sách tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB)… đều đã khởi động chu kỳ nới lỏng. Cùng với đó, ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng bắt đầu giảm lãi suất theo. Việc cắt giảm lãi suất trên toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025, nhưng mức độ giảm sẽ tùy thuộc vào mỗi nền kinh tế cụ thể.

Theo IMF, sau khi lập đỉnh ở mức 9,4% vào quý 3/2022, lạm phát toàn phần trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm về mức 3,5% vào cuối năm 2025, thấp hơn một chút so với mức bình quân trong 2 thập kỷ trước đại dịch. Dù vậy, lạm phát lõi, nhất là giá dịch vụ, có thể cao dai dẳng ở một số nền kinh tế như Mỹ, khiến các ngân hàng trung ương phải tính toán kỹ lưỡng khi giảm lãi suất.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 5

Đầu năm 2024, giới phân tích đã nói nhiều về khả năng rơi vào suy thoái của kinh tế Mỹ dưới sức ép của lãi suất cao. Nhưng mức lãi suất đỉnh của hơn 2 thập kỷ mà Fed duy trì trong phần lớn thời gian của năm, cùng với những bất định liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới đã không thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt tốc.

Quý 3/2024, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8%, sau khi đạt mức tăng 3,1% trong quý 2 và 1,6% trong quý 1/2024. Trong cập nhật báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu tháng 10/2024, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,8% trong năm 2024 và 2,2% trong năm 2025. Mỹ là nền kinh tế phát triển duy nhất được IMF nâng triển vọng cho cả năm 2024 và 2025, đồng thời được nhận định sẽ là động lực trung tâm của kinh tế toàn cầu trong năm 2024 và năm 2025.

Thị trường việc làm của Mỹ gần đây đã tăng trưởng chậm lại, nhưng tỷ lệ thất nghiệp còn thấp so với tiêu chuẩn lịch sử. Tiền lương tăng trưởng vững giúp người tiêu dùng nước này duy trì sức chi tiêu. Đây là những động lực quan trọng phía sau sự vững vàng của kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu giảm chậm lại, cho thấy chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát sẽ không dễ dàng. Vì lý do này, sau khi giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, Fed đã thu hẹp mức giảm còn 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và 12/2024. Giới chuyên gia dự báo, rủi ro lạm phát tăng trở lại trong năm 2025 sẽ khiến Fed giãn tiến độ nới lỏng, có thể chỉ giảm lãi suất nhiều nhất là 3 lần trong năm 2025.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 6

Trong khi phần lớn các nền kinh tế lớn của thế giới còn đang lo lạm phát, Trung Quốc đương đầu với một vấn đề hoàn toàn ngược lại. Áp lực giảm phát đã đeo đẳng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong suốt hơn 2 năm qua, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng không đáng kể trong khi chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) liên tục sụt giảm.

Tiêu dùng ảm đạm và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Trung Quốc tiếp tục chật vật dù đại dịch Covid-19 đã kết thúc từ lâu. Quý 3/2024, GDP Trung Quốc tăng 4,6%, so với mức tăng 4,7% của quý 2/2024, đều thấp hơn mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% mà Bắc Kinh đề ra.

Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, nhưng phần lớn đều bị đánh giá là nhỏ giọt và không đủ để vực dậy nền kinh tế. Vào tháng 9/2024, Bắc Kinh tung một gói kích thích lớn bằng chính sách tiền tệ, tiếp đó là một gói kích thích bằng chính sách tài khóa vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, gói tài khóa này một lần nữa gây thất vọng vì chủ yếu tập trung vào việc giải quyết gánh nặng nợ nần cho các địa phương thay vì bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế.

Giới chuyên gia dự báo Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024, nhưng mục tiêu như vậy sẽ trở nên khó đạt hơn trong năm 2025 nếu các biện pháp kích thích không được tăng cường. Sau một cuộc họp quan trọng vào tháng 12/2024, nước này tuyên bố sẽ áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng phù hợp” trong năm 2025, đánh dấu lần đầu tiên sau 14 năm đưa ra cam kết như vậy.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 7

Nhật Bản là một trường hợp ngoại lệ trong số các nền kinh tế phát triển trong năm 2024 xét về chính sách tiền tệ. Trong khi ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển khác bắt đầu giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3 năm 2024, đánh dấu đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 17 năm và chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm đã duy trì 8 năm. Tiếp đó, BOJ có đợt tăng lãi suất thứ hai vào tháng 7/2024, khi tiền lương ở Nhật duy trì xu hướng tăng và lạm phát có dấu hiệu sẽ đạt mục tiêu 2% một cách bền vững.

Việc BOJ điều chỉnh chính sách tiền tệ đã gây nên một “cơn địa chấn” trên thị trường tài chính toàn cầu vì dẫn tới việc các nhà giao dịch ồ ạt rút khỏi vị thế carry-trade. Đây là loại hình giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất, trong đó nhà đầu tư vay tiền ở những thị trường có lãi suất thấp để đầu tư vào những thị trường có lãi suất cao.

Trong suốt nhiều năm Nhật Bản giữ lãi suất âm, đồng Yên Nhật đã trở thành đồng tiền cấp vốn được ưa chuộng trong carry-trade. Đây là một lý do khiến tỷ giá đồng Yên liên tục giảm sâu trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, có lúc rớt xuống đáy của 4 thập kỷ khi gần 162 Yên đổi 1 USD, buộc nhà chức trách Nhật phải có những đợt can thiệp vào thị trường ngoại hối. Khi lãi suất ở Nhật Bản tăng lên, tỷ giá đồng Yên nhanh chóng đảo chiều và tăng bùng nổ, gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường tài chính quốc tế.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 8

Biến động chính trị ở hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Đức và Pháp, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những lời đe dọa thuế quan từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là vài trong số những mối nguy rình rập kinh tế châu Âu trong năm 2024.  Nền kinh tế châu Âu đã có một năm đuối sức trông thấy, với ngành sản xuất - đầu tàu kinh tế khu vực - suy giảm rõ rệt.

Theo dự báo của OECD, nền kinh tế Eurozone sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2024, trước khi tăng tốc lên 1,3% vào 2025 và 1,5% vào 2026. Trong dự báo đưa ra vào tháng 12/2024, ECB tỏ ra bi quan hơn, cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực về 1% trong năm 2025 và 1,4% trong năm 2026. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundeskbank) vào tháng 12/2024 dự báo nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,2% trong năm 2024 và sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% trong năm 2025.

Một cuộc chiến thương mại đang có nguy cơ xảy ra giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể khiến lĩnh vực công nghiệp đang lao đao của châu Âu càng thêm phần khó khăn và nền kinh tế sụt tốc sâu hơn những con số dự báo này.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 9

Năm 2024 là một trong những năm thế giới có nhiều cuộc bầu cử nhất từ trước đến nay. Trong đó, thu hút sự quan tâm nhiều nhất là bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11/2024. Trái với mối lo ngại về một kết quả bầu cử không rõ ràng, ông Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - đã giành chiến thắng giòn giã trước Phó tổng thống Kamala Harris, người đại diện cho Đảng Dân chủ. Nhìn chung, thị trường tài chính đã có phản ứng tích cực ban đầu sau chiến thắng của ông Trump, với chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, tỷ giá đồng USD tăng mạnh và giá tiền ảo bitcoin cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại trên 100.000 USD.

Tuy nhiên, việc ông Trump thắng cử cũng mang tới mối lo ngại cho giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia, bởi chính sách của Mỹ, từ ngoại giao và thương mại cho tới an ninh và quốc phòng luôn có ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế thế giới. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra một số chủ trương như áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa nhập khẩu, trục xuất người nhập cư trái phép và giảm thuế.

Nếu được thực thi, những chính sách này của ông Trump có thể gây biến động dòng chảy thương mại toàn cầu và định hình lại mối quan hệ giữa các quốc gia. Ngoài ra, chương trình nghị sự của ông Trump cũng có thể đẩy lạm phát ở Mỹ tăng lên, dẫn tới việc Fed phải điều chỉnh chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó tác động tới lãi suất ở các nền kinh tế khác.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 10

Cuộc dịch chuyển của thế giới sang các nguồn năng lượng tái tạo, xu hướng phát triển ô tô chạy điện, nguồn cung dầu toàn cầu tăng nhanh hơn nhu cầu là những nguyên nhân chính khiến giá dầu suy yếu trong phần lớn thời gian của năm nay. Sau khi lập đỉnh của năm trên mức 90 USD/thùng vào đầu tháng 4, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đã giảm về vùng dưới 75 USD/thùng vào trung tuần tháng 12. Mức giá này thấp hơn gần 2 USD/thùng so với mức giá chốt của năm 2023.

Nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, cùng các cuộc xung đột tiếp diễn ở Đông Âu và Trung Đông dường như chưa đủ để giá dầu bứt phá. Sản lượng khai thác dầu của nhiều nước ngoài OPEC+ đang trong xu hướng tăng, với sản lượng dầu của Mỹ liên tiếp lập kỷ lục trong năm 2024 và có thể tăng cao hơn trong năm 2025 nhờ các chính sách ưu đãi của chính quyền ông Trump. Giới phân tích cho rằng giá dầu chỉ có thể tăng bền vững nếu kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu nhiều dầu nhất thế giới, có sự cải thiện rõ rệt.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 11

Năm 2024 là một năm “hoàng kim” của nhà đầu tư vàng trên toàn cầu, khi giá kim loại quý này tăng khoảng 30% và có trên 30 lần thiết lập kỷ lục. Môi trường lãi suất giảm trên toàn cầu, nợ công cao, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương để đa dạng hóa dự trữ khỏi đồng USD và căng thẳng địa chính trị kích thích nhu cầu phòng ngừa rủi ro là những động lực chính để giá kim loại quý bùng nổ. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng 694 tấn vàng trong 3 quý đầu năm 2024, tương đương với lượng mua ròng của năm 2022.

Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại, gần 2.800 USD/oz vào tháng 10/2024, sau đó chuyển sang thế giằng co trong vùng 2.600 - 2.700 USD/oz. Nhiều chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, có khả năng đạt tới mốc 3.000 USD/oz, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng việc Fed giảm lãi suất chậm lại sẽ cản trở triển vọng tăng giá của vàng.

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 12

VnEconomy 30/12/2024 02:19

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 53-2024 phát hành ngày 30/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

10 vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới năm 2024 - Ảnh 13

02:19 30/12/2024