2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 1

Tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 giảm 48% so với năm 2019, song Việt Nam vẫn được nhận định là thị trường đầu tư hấp dẫn  của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup).

Báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC-Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm Do Ventures phát hành ngày 31/5 nhận định: 2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ.

2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 2
2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 3

Báo cáo cho biết tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam năm 2020 đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Tuy nhiên, số lượng thương vụ đầu tư giảm không đáng kể, chỉ khoảng 17%.

Trong đó, giai đoạn sụt giảm mạnh diễn ra chủ yếu trong nửa đầu năm 2020 khi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế đã làm suy yếu dòng vốn đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư đã nhanh chóng phục hồi kể từ nửa cuối năm 2020 khi thị trường ghi nhận 60 thương vụ - con số tương đương cùng kỳ năm 2019.

“Nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế đã đem đến những tín hiệu tích cực cho thị trường”, báo cáo nhận định.

Một điểm đáng chú ý, trong khi số thương vụ có quy mô đầu tư dưới 500 nghìn USD tăng 11% thì số thương vụ với mức đầu tư từ 500 nghìn - đến 3 triệu USD, 3-10 triệu USD và từ 10-50 triệu USD đều sụt giảm đáng kể. Chỉ riêng thương vụ có quy mô đầu tư trên 50 triệu USD là vẫn duy trì cùng mức như các năm 2018 và 2019 (3 thương vụ).

Nếu tính riêng 7 thương vụ có mức đầu tư trên 10 triệu USD thì tổng vốn đầu tư của 7 thương vụ này đã lên tới 334 triệu USD, chiếm gần 75% tổng vốn đầu tư vào các startup công nghệ của Việt Nam trong năm 2020. Ngoài ra, 59 thương vụ gọi vốn với quy mô 500 nghìn USD/thương vụ (tương đương 12 triệu USD) tăng 11% so với năm 2019 cho thấy các startup giai đoạn đầu của Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư mạo hiểm dù nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

 
Ông Vũ Quốc Huy Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)
Ông Vũ Quốc Huy
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)

   NIC đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự phối hợp giữa NIC và Do Venture trong việc đồng phát hành Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, qua đó tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho đổi mới sáng tạo.

 

Trong số các ngành thu hút vốn đầu tư, thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet. Gần 101 triệu USD được rót vào lĩnh vực thanh toán trong khi bán lẻ là 83 triệu USD. Tính riêng giai đoạn 2021-2020, đặc biệt giai đoạn 2018-2019 khi thị trường startup phát triển nóng, tổng vốn đầu tư vào hai mảng này lần lượt lên tới 564 triệu USD và 434 triệu USD. 

Đáng chú ý, theo ghi nhận của NIC và Do Ventures, dịch vụ tài chính và bất động sản đã bắt đầu tăng tốc, trong đó hoạt động kinh doanh cho vay chiếm 86% nguồn vốn trong các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, những thay đổi dài hạn trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đang tạo tiền đề cho các lĩnh vực mới nổi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tự động hóa kinh doanh.

“Tuy nhiên, quy mô giao dịch và số lượng giao dịch vẫn còn khiêm tốn vì những lĩnh vực này vẫn đang trong giai đoạn chớm nở với nhiều dư địa để phát triển vào năm 2021”, báo cáo nhận định

Theo đánh giá của ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, trong bối cảnh khó khăn của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư.

2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 4

Cụ thể, tỷ lệ thương vụ thành công của các startup Việt Nam chiếm 14% tổng số thương vụ của khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 3 trong khu vực (cùng vị trí năm 2019), sau Indonesia (27%) và Singapore (37%). Tuy vậy, tỷ lệ vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 4, xếp sau Indonesia (70%), Singapore (14%), Malaysia và Thái Lan (5%). “Việc thiếu vắng những thương vụ quy mô lớn là nguyên nhân chính khiến thứ hạng Việt Nam trong khu vực giảm bậc”, báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 chỉ giảm nhẹ so với năm 2019 trong đó hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore trong khi số lượng các nhà đầu tư Nhật Bản giảm đáng kể.

Trong năm 2021, có 21 nhà đầu tư Việt Nam (tăng 1 nhà đầu tư so với năm 2019), 20 nhà đầu tư Hàn Quốc (giảm 1), 19 nhà đầu tư Singapore (cùng mức năm 2019) và 7 nhà đầu tư Nhật Bản (giảm 8).

 
Bà Lê Hoàng Uyên VyGiám đốc điều hành Do Ventures
Bà Lê Hoàng Uyên Vy
Giám đốc điều hành Do Ventures

Mặc dù vốn đầu tư vào startup giảm song Việt Nam vẫn nằm trong top đầu khu vực về số lượng các khoản đầu tư. Đây là dấu hiệu tích cực trong một năm đầy khó khăn từ những tác động không tránh khỏi của đại dịch toàn cầu Covid-19.

Theo số liệu từ báo cáo chúng tôi mới công bố, tuy tổng số vốn đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam sụt giảm nhưng số lượng các khoản đầu tư hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn so với các quốc gia khác trong khu vực, phần lớn vì kinh tế Việt Nam có sự phục hồi nhanh chóng nhờ các biện pháp kiểm soát hiệu quả của Chính phủ đối với Covid-19.

Số liệu trong báo cáo cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ nhất diễn ra vào quý 1/2020 khi dịch mới bùng phát. Từ quý 2/2021 trở đi, hoạt động đầu tư bắt đầu quay trở lại sau khi các nhà đầu tư và doanh nghiệp đã làm quen với tình hình mới.

Một điểm đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong hành vi của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp khi các hoạt động trong đời sống và công việc dần dịch chuyển lên online. Cùng với các ngành vốn đã phát triển mạnh mẽ như thương mại điện tử hay công nghệ tài chính (Fintech), các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), Online media (truyền thông trực tuyến), và các giải pháp số cho doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.

Năm 2021, các startup Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư nếu họ nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường và đưa ra được những sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng, đặc biệt là trong những thời điểm nhiều biến động như hiện nay.

Để tăng cường thu hút nguồn vốn này, Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực tạo ra môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Là một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc khối tư nhân, chúng tôi hy vọng có thể tham gia đóng góp vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các cơ quan nhà nước dưới nhiều hình thức. Báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ 2020” chính là bước đầu tiên trong mong muốn hợp tác lâu dài giữa Do Ventures và NIC.

 

2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 5

“Đáng chú ý, hơn 75% các thương vụ được ghi nhận được thực hiện bởi các quỹ trong nước hoặc quỹ nước ngoài với nhân sự có trụ sở tại Việt Nam. Điều này cho thấy các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhất là trong thời gian đầu để tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều  thử thách như hiện nay”, ông Huy nhận định.

Còn theo bà Lê Hoàng Uyên Vi, Giám đốc điều hành Do Ventures, trong khi quy mô giao dịch trung bình của các vòng gọi vốn Pre-A và vòng series A giảm đáng kể 50% thì quy mô giao dịch trung bình của vòng gọi vốn series B lại tăng đột biến.

Cụ thể, theo báo cáo, quy mô giao dịch trung bình của vòng Pre-A là 0,2 triệu USD/thương vụ (so với 0,4 triệu USD/thương vụ của năm 2019) và vòng series A là 1,4 triệu USD (3 triệu USD/thương vụ năm 2020) thì quy mô giao dịch trung bình của vòng series B năm 2020 vọt lên 10 triệu USD/thương vụ, tăng đáng kể so với mức 6 triệu USD/thương vụ trong 2019.

 

2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 6Bà Lê Hàn Tuệ Lâm
Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans tại Việt Nam (Hàn Quốc)

Giai đoạn 2018-2019 thị trường startup phát triển mạnh mẽ và có nhiều startup ra đời. Những startup được coi là đàn anh cũng chỉ mới bắt đầu từ những năm 2007-2008. Do đó, thị trường startup Việt Nam rất đa dạng, còn rất sớm và có nhiều công ty trẻ, ở giai đoạn hạt giống.

Để đầu tư cho thị trường startup ở Việt Nam thì buộc phải đầu tư vào những công ty này, các startup ở giai đoạn sớm. Với thực tế hiện nay thì phải 5-7 năm nữa thị trường mới trưởng thành hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn với các nhà đầu tư vào startup giai đoạn muộn.

Nhìn thực tế khi hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu từ năm 2015-2016 thì đến nay là thời điểm chín muồi và có nhiều startup trưởng thành hơn. Do đó ở các thương vụ gọi vốn, các startup này sẽ gọi vốn đầu tư lớn hơn từ 5-10 triệu USD; thậm chí những công ty như Momo đã lên đến trăm triệu USD. Đây là sự trưởng thành tất nhiên của các startup. Và nếu nhìn theo tiến trình phát triển thì trong những năm tiếp theo, giá trị các thương vụ đầu tư sẽ còn cao hơn.

Việc lựa chọn, chọn lọc đầu tư như thế nào phụ thuộc vào chiến lược và khẩu vị của từng nhà đầu tư; trong đó, với những quỹ tập trung vào các startup ở giai đoạn từ rất sớm thì vẫn rải đầu tư ở mức 50.000-100.000 USD. Chỉ các startup ở giai đoạn sớm mới cần mức vốn đầu tư như vậy.

 

2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 7

Đánh giá về triển vọng thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong năm 2021, báo cáo cho rằng thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, nhưng cơ hội để các startup bứt phá là rất lớn khi hoạt động đầu tư mạo hiểm dần phục hồi.

“Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài một cách mạnh mẽ”, ông Huy nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” với những mục tiêu rõ ràng nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan đã từng bước hoàn thiện nhiều cơ chế pháp lý nhằm hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong khu vực.

“Đặc biệt, Chính phủ đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số khi bước đầu triển khai khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các ngành nghề mới như công nghệ, tài chính (fintech). Đây là những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi nhất, nơi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế”, báo cáo nhận định. 

2021: Chờ đợi sự "bứt phá" từ đầu tư start-up công nghệ - Ảnh 8

10:00 02/06/2021