ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 1
ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 2

Ông đánh giá như thế nào về tình hình thương mại và chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN hiện nay, đặc biệt là khi các quốc gia đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 và đối mặt với những thách thức kinh tế toàn cầu?

Tôi tin rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên toàn cầu hóa mới, được thúc đẩy bởi hai yếu tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc đã dẫn đến cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt.

Thứ hai, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột và đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cục diện toàn cầu. Dưới tác động của những yếu tố này, ASEAN đang nổi lên như một “Con hổ châu Á” đầy tiềm năng, gợi nhớ đến những năm 1980. 

Bên cạnh đó, chiến lược “Trung Quốc + 1” đang ngày càng được chú ý, với việc các khoản đầu tư, nhà máy và hoạt động sản xuất mới được thiết lập tại ASEAN ngày càng nhiều. Trong đó, Việt Nam nổi bật như là quốc gia được hưởng lợi chính từ chiến lược này, có tiềm năng dẫn đầu về FDI và thương mại.

Trong năm 2023, Việt Nam đã thu hút hơn 23 tỷ USD nguồn vốn FDI và tổng giá trị thương mại đạt khoảng 683 tỷ USD. Những con số ấn tượng này được hậu thuẫn bởi các khoản đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn ngành điện tử đã phát triển nhanh chóng ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam cũng đang là nơi sản xuất các sản phẩm của Apple và một lượng lớn các sản phẩm của Samsung, điều mà không thể nhìn thấy cách đây một thập kỷ.

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 3

Trong ngành dệt may, nhiều công ty đã chuyển sản xuất sang Việt Nam. Việt Nam cũng nổi bật trong sản xuất đồ nội thất, tập trung vào nguyên liệu bền vững để xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Ở khu vực phía Nam của Việt Nam, nền kinh tế có sự đa dạng hơn với nhiều sản phẩm tiêu dùng hơn là điện tử (vốn tập trung chủ yếu xung quanh các tỉnh ở phía Bắc Hà Nội). Đặc biệt, xu hướng đầu tư này cũng diễn ra  trên toàn ASEAN.

Sau đại dịch, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư, nhiều trong số đó đã được lên kế hoạch trước cuộc khủng hoảng. Câu hỏi hiện tại là: Liệu những khoản đầu tư này có thể duy trì được không? Tôi tin là có thể, vì nhiều lý do.

Một là, ASEAN có môi trường chính trị ổn định hơn so với các khu vực khác.

Hai là, dân số ASEAN vẫn đang tăng trưởng, với sự gia tăng nhanh chóng của các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu.

Hơn nữa, dự báo cho thấy GDP của ASEAN sẽ tăng từ 3,6 nghìn tỷ USD ở thời điểm hiện tại lên tới 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2030, giúp ASEAN trở thành khối kinh tế lớn thứ tư thế giới. Những yếu tố này làm cho ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ cho sản xuất mà còn như một thị trường nội địa tiềm năng. Tuy nhiên, ASEAN cần duy trì sự đoàn kết như một khối kinh tế và tránh sự phân mảnh.

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 4

Theo ông, những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp tại ASEAN và Việt Nam đang gặp phải trong bối cảnh thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu là gì?

Cơ hội là rất rõ ràng bởi vì các quốc gia ASEAN có lực lượng lao động trẻ và cạnh tranh, cơ sở hạ tầng tương đối tốt và vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng. Nếu có vấn đề gì trở thành nút thắt do đầu tư nhanh chóng thì chính là cơ sở hạ tầng, khi mà các cảng trở nên quá tải trong khi các tuyến đường cao tốc dẫn đến cảng chưa đủ rộng.

Các thách thức này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu đầu tư vượt quá dự đoán của Chính phủ. Ví dụ, TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch mở rộng các cảng và đường cao tốc để đảm bảo logistics thông suốt cho việc vận chuyển hàng hóa. Do đó, sẽ có nhiều hơn các khoản đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng để duy trì dòng đầu tư liên tục vào khu vực, không chỉ hiện tại mà còn trên toàn ASEAN.

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 5

UOB đã và đang áp dụng những chiến lược gì để tận dụng dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN, từ đó mang lại giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp trong khu vực, bao gồm Việt Nam?

Vào khoảng năm 2015, UOB đã thực hiện một bước đi chiến lược quan trọng nhằm tạo sự khác biệt, tập trung vào việc tăng cường kết nối - bao gồm việc thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cải thiện dòng thương mại giữa ASEAN và các khu vực khác. ASEAN thu hút từ 200-300 tỷ USD FDI hàng năm, với tổng giá trị thương mại trong khu vực vượt hơn 2 nghìn tỷ USD. Trong đó, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đạt gần 800-900 tỷ USD, còn thương mại của ASEAN với Mỹ và châu Âu lần lượt khoảng 500 tỷ USD và 400 tỷ USD.

Chúng tôi cũng đang chứng kiến những yếu tố tương tự ở hiện tại, những yếu tố mà trước đây đã khắc họa rõ vai trò của ASEAN là trung tâm sản xuất chính cho các nước phương Tây trước cả khi Trung Quốc trỗi dậy. Trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, thị phần sản xuất toàn cầu của Trung Quốc đang dần chuyển sang ASEAN, mang lại lợi ích cho các quốc gia như Việt Nam, nơi đang thu hút đầu tư đáng kể từ Trung Quốc. Các nhà máy ở Việt Nam hiện đang sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Với lợi thế về vị trí địa lý và logistics, Việt Nam đang là quốc gia hưởng lợi chính từ chiến lược “Trung Quốc + 1”.

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 6

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp, UOB làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp cận và phát triển thị trường mới cũng như tối ưu hóa chuỗi cung ứng?

UOB đã triển khai cách tiếp cận ba mũi nhọn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực.

Thứ nhất, tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chúng tôi đã thiết lập các đơn vị tư vấn FDI tại 10 quốc gia, hỗ trợ khách hàng của chúng tôi trong việc điều hướng các khoản đầu tư ra nước ngoài. Chúng tôi hợp tác với các cơ quan Chính phủ để đơn giản hóa các công đoạn phê duyệt và cung cấp dịch vụ một cửa cho các nhà đầu tư. Chúng tôi cũng giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác địa phương và cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu. Trong thập kỷ qua, chúng tôi đã hỗ trợ hơn 4.500 công ty đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là trong ASEAN.

Thứ hai, nền tảng quản lý chuỗi cung ứng. Chúng tôi đã đầu tư vào một nền tảng số kết nối người mua và người bán, cho phép mua sắm và tài trợ vốn hiệu quả. Nền tảng này cũng giảm thiểu rủi ro gian lận trong tài chính thương mại và có sẵn tại tất cả các quốc gia ASEAN.

Thứ ba, hỗ trợ từ Chính phủ. Chính phủ của các nước trong khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh thương mại của khu vực. Thông qua các sáng kiến như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khác, các quốc gia ASEAN được hưởng lợi từ việc giảm thuế quan và các điều khoản thương mại thuận lợi hơn. Đặc biệt, Việt Nam đã ký nhiều FTA với các nước, từ đó cho phép các công ty tại Việt Nam xuất khẩu đến nhiều thị trường với điều kiện ưu đãi. Điều này đóng góp rất lớn vào việc củng cố vị thế của ASEAN như một trung tâm thương mại, kết nối với Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và các thị trường mới như Mexico và Australia.

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 7

Ông dự đoán như thế nào về triển vọng kinh tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong 3-5 năm tới? Những yếu tố nào sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình sự phát triển của khu vực?

ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 5% mỗi năm, với mục tiêu đạt GDP 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với nền kinh tế được thúc đẩy bởi hai động lực chính: xuất khẩu và kinh tế nội địa.

Về xuất khẩu, dòng vốn FDI tăng lên sẽ thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam, gia tăng xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, từ đó kích thích tiêu dùng nội địa và mang lại lợi ích cho ngành ngân hàng thông qua hiệu ứng số nhân. Tuy nhiên, để hỗ trợ sự phát triển này, Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng như các cảng, đường cao tốc và các dự án năng lượng tái tạo nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Những khoản đầu tư này sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa các nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước.

Bên cạnh đó, với dân số trẻ và lực lượng lao động chăm chỉ, Việt Nam có tiềm năng đạt mức tăng trưởng 6,5 - 7% trong năm nay. Cũng giống như Trung Quốc đã trải qua hàng chục năm tăng trưởng hai con số, không có lý do gì mà Việt Nam không thể tái hiện thành công đó.

Ngoài ra, ASEAN cũng đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh và đang trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng cho toàn cầu. Khi Trung Quốc chuyển hướng khỏi vai trò này thì ASEAN, bao gồm cả Việt Nam đang bước vào để lấp đầy khoảng trống. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rất tích cực về các cơ hội mà ASEAN cũng như Việt Nam hiện đang có.

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 8

VnEconomy 16/09/2024 16:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2024 phát hành ngày 16/09/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

ASEAN đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh 9

16:00 16/09/2024