Với tư cách là Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam, ông nhận thấy đâu là những lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất cho hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia?
Chúng tôi có tiềm năng lớn về thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, điều đầu tiên xuất hiện trong ý nghĩ của tôi là vận tải quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực vận tải, vì Azerbaijan nằm giữa châu Á và châu Âu và đã đầu tư mạnh mẽ để phát triển cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, cùng với các đối tác, Azerbaijan đã triển khai dự án đường sắt quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt Baku-Tbilisi-Kars kết nối các tuyến đường sắt của Azerbaijan đến Georgia, tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp theo là đến châu Âu. Dự án này đã mở ra những cơ hội mới cho việc vận chuyển hàng hóa từ châu Á tới châu Âu và ngược lại bằng đường sắt, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Du lịch là một lĩnh vực khác với tiềm năng lớn. Chúng tôi cho rằng trong lĩnh vực này, hợp tác giữa hai nước sẽ phát triển sau đại dịch Covid-19. Đầu tư song phương cũng có thể phát triển giữa hai nước.
Về thương mại Azerbaijan sản xuất nhiều hàng hóa khác nhau mà các đối tác Việt Nam có thể quan tâm. Tôi tin các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể tìm được đối tác ở Azerbaijan. Tôi cho rằng trong tương lai gần, chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng của hợp tác thương mại giữa hai nước.
Được biết Azerbaijan đang có nhu cầu lớn về đầu tư và xây dựng để tái thiết vùng lãnh thổ vừa được giải phóng. Theo ông, có cơ hội nào không cho các nhà đầu tư và nhà thầu Việt Nam?
Phần lãnh thổ được giải phóng năm 2020 chiếm khoảng 20% diện tích lãnh thổ của Azerbajan, có tiềm năng lớn về nông nghiệp, năng lượng và du lịch.
Vùng đất được giải phóng hiện còn nhiều bom mìn, sau khi công tác tháo gỡ bom mìn hoàn tất, các hoạt động tái thiết có thể diễn ra nhanh chóng hơn nhiều so với hiện nay.
Chúng tôi cũng đã xây sân bay quốc tế đầu tiên tại thành phố được giải phóng Fuzuli và các dự án lớn khác cũng sẽ được triển khai ở đó.
Các nhà thầu Việt Nam nằm trong số các công ty được ưu đãi khi tham gia vào công cuộc tái thiết vùng lãnh thổ mới được giải phóng này. Các nhà đầu tư Việt Nam cũng được chào đón, vì Azerbaijan cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tại khu vực này.
Nhiều công ty từ nhiều quốc gia khác nhau đã bày tỏ quan tâm, mong muốn tham gia vào các hoạt động tái thiết đó. Nhưng chính sách của Chính phủ chúng tôi là dành ưu tiên cao nhất cho các quốc gia đã từng ủng hộ Azerbaijan. Việt Nam là một trong số các quốc gia như vậy.
Các công ty của Việt Nam rất được hoan nghênh ở Azerbaijan nếu họ đến đầu tư và tạo dựng mối quan hệ kinh doanh. Đại sứ quán Azerbaijan sẵn sàng hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư muốn kết nối và xây dựng quan hệ làm ăn với các đối tác Azerbaijan.
Về hợp tác trong lĩnh vực cảng biển và logistics thì sao, thưa ông?
Như tôi đã đề cập ở trên, chúng tôi xem hợp tác trong lĩnh vực logistics và vận tải là một trong những định hướng chủ chốt cho sự hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Azerbaijan. Lĩnh vực này có tiềm năng lớn. Azerbaijan đã xây dựng một cảng lớn ở biển Caspian để tiếp nhận hàng hóa từ châu Á để chuyển tiếp tới châu Âu và ngược lại.
Chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để thiết lập mối quan hệ giữa cảng với cảng. Tôi tin đây là một nội dung quan trọng của hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Logistics là vận tải quốc tế và không chỉ từ Việt Nam tới Azerbaijan và ngược lại. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu là gần 60 tỷ USD mỗi năm. Đó là một khối lượng hàng hóa lớn từ Việt Nam được bán sang châu Âu.
Trước đại dịch, cước phí vận chuyển 1 container hàng hóa từ châu Á sang châu Âu dao động trong khoảng 2.000-3.000 USD. Hiện nay, cước phí vận chuyển một container hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu là 13.000-14.000 USD. Sự gia tăng chi phí là rất lớn.
Bởi vậy, lẽ dĩ nhiên là doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới việc tìm cách giảm chi phí vận tải và tìm cách để hàng hóa của họ được vận chuyển nhanh hơn. Tôi tin rằng Azerbaijan có thể cung cấp cho Việt Nam những giải pháp để giảm chi phí vận tải và đưa hàng Việt Nam tới châu Âu nhanh hơn, đặc biệt là thông qua vận tải từ cửa đến cửa (door-to-door).
Hàng hóa sẽ đi từ Việt Nam bằng tàu hỏa đến Trung Quốc, tới Kazakhstan rồi đến Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Khi được vận chuyển bằng tàu hỏa, hàng hóa có thể được giao đến tận cửa bất kỳ một địa chỉ nào ở châu Âu như mong muốn của chủ hàng.
Một việc rất quan trọng nữa là bốn nước Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia và Kazakhstan vừa ký kết Tuyên bố về hành lang vận tải Đông-Tây xuyên Caspi. Ý tưởng phía sau dự án này là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm giúp các nước như Trung Quốc và Việt Nam đẩy nhanh việc vận chuyển hàng hóa và có chi phí tốt hơn.
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng Tuyên bố giữa bốn nước trên đã mở ra một cơ hội mới cho các công ty Việt Nam đưa hàng hóa tới châu Âu. Tôi hy vọng rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ quan tâm đến vấn đề này và Đại sứ quán Azerbaijan sẵn lòng hỗ trợ họ đi vào thảo luận chi tiết với các đối tác Azerbaijan, để họ có thể tìm ra một tuyến đường mới để đưa hàng hóa tới châu Âu nhanh hơn.
Azerbaijan là một quốc gia với lịch sử lâu đời, nền văn hóa đa dạng và phong phú, cùng nhiều điểm đến hấp dẫn mà du khách Việt Nam có thể rất muốn khám phá. Việt Nam cũng có nhiều điều thú vị dành cho du khách từ Azerbaijan. Ông có ý tưởng nào để thúc đẩy du lịch giữa hai nước?
Đúng vậy, cả Azerbaijan và Việt Nam đều có nhiều thứ để du khách nước ngoài khám phá. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch có tiềm năng lớn và đây cũng là một lĩnh vực hợp tác mà chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy.
Trước đại dịch Covid-19, chúng tôi đã hợp tác với hãng hàng không Qatar Airways để tổ chức chuyến đi học tập tới Azerbaijan cho đại diện từ các công ty du lịch-lữ hành của Việt Nam. Các doanh nghiệp phía Việt Nam đều nhận thấy rất nhiều triển vọng và thậm chí đã mở tour tới Azerbaijan. Không may, do Covid-19 và hạn chế đi lại, chương trình này không thể tiếp tục.
Giờ đây, hạn chế đi lại đã được nới cả ở Azerbaijan và Việt Nam nên khả năng đi lại giữa hai nước đã được cải thiện. Chúng tôi đang làm việc với các công ty du lịch Việt Nam để giúp họ thiết lập quan hệ với các đối tác Azerbaijan. Sau khi xây dựng mối quan hệ công việc và hợp tác giữa các công ty, cơ hội để gia tăng số du khách giữa hai nước sẽ tốt lên.
Cùng với đó, chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với báo giới để cung cấp thêm nhiều thông tin về Azerbaijan tới công chúng Việt Nam. Nếu tới Azerbaijan vào mùa hè, các bạn có thể tận hưởng những bãi biển và nhiều hoạt động sôi động. Nếu tới vào mùa đông, bạn có thể trải nghiệm các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết.
Ngoài ra, Azerbaijan còn có một nền ẩm thực tuyệt vời. Người Việt Nam yêu thích các món từ gạo, Azerbaijan có hơn 50 món khác nhau từ gạo mà chúng tôi gọi là “plov”.
Azerbaijan nổi tiếng với những di tích lịch sử tuyệt vời và đời sống văn hóa sôi động, nên tôi tin rằng du khách Việt Nam sẽ thích thú. Thành phố Baku bảo tồn các di tích lịch sử, bao gồm khu phố cổ, đồng thời phát triển những khu phố mới. Các bạn có thể vừa chạm, nhìn và cảm nhận những kiến trúc cổ, vừa tận hưởng bầu không khí hiện đại của thành phố.
Đâu là những sản phẩm nông sản mà ông cho rằng Azerbaijan có thể nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam có thể mua từ Azerbaijan? Theo ông, làm thế nào hai nước có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp?
Các nhà sản xuất thực phẩm nhiệt đới có thể tìm thấy một thị trường tốt ở Azerbaijan. Gạo, cà phê và chè của Việt Nam có thể bán ở Azerbaijan. Ngày càng có nhiều người ở Azerbaijan ưa chuộng cà phê, nhưng họ vẫn chưa biết cà phê Việt Nam ngon như thế nào. Azerbaijan sản xuất nhiều hoa quả và rau củ hữu cơ, rất nổi tiếng ở các nước láng giềng nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa nhiều về các sản phẩm đó của chúng tôi.
Azerbaijan cũng sản xuất và xuất khẩu bông, trong khi Việt Nam nhập khẩu bông. Theo như tôi được biết, 99% bông sử dụng ở Việt Nam là bông nhập khẩu. Ngành dệt may là một phần lớn trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 36 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Một phần số tiền này được sử dụng để mua bông, trong khi Azerbaijan có thể cung cấp bông. Tôi cho rằng đây có thể là một hướng đi thú vị cho sự hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Một vấn đề trong hợp tác nông nghiệp giữa Azerbaijan và Việt Nam là doanh nghiệp hai nước không biết nhiều về nhau. Do không tham dự các hội chợ thương mại và triển lãm ở nước kia nên không biết về thị trường của nhau và không thể hiện mối quan tâm. Bởi vậy, điểm bắt đầu có lẽ là thực hiện các biện pháp cần thiết để đưa doanh nghiệp hai bên ngồi lại với nhau, thúc đẩy doanh nghiệp mỗi nước tham dự các hội chợ thương mại và triển lãm ở nước kia.
Đại sứ quán Azerbaijan sẵn sàng giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác ở Azerbaijan. Chúng tôi sẵn lòng tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp nông nghiệp của hai nước. Nếu các công ty Việt Nam quan tâm, Đại sứ quán chúng tôi sẽ hỗ trợ họ. Bây giờ, việc này đã dễ dàng hơn vì chúng ta có thể tổ chức các cuộc gặp theo hình thức trực tuyến. Việt Nam và Azerbaijan thực sự có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này và tôi thực sự tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển tích cực trong hợp tác nông nghiệp trong thời gian sắp tới.
Ông đã ở Việt Nam bao lâu và ông có ấn tượng gì về phát triển kinh tế của Việt Nam?
Tôi đã ở Việt Nam được khoảng 10 năm. Tôi thực sự yêu mến Việt Nam và tận hưởng quãng thời gian ở đây. Tôi ấn tượng trước sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam và cũng thực sự ấn tượng với hiệu quả điều hành của Chính phủ Việt Nam. Rất nhiều biện pháp đang được thực thi để tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế, để sự phát triển thêm phần năng động.
Tôi cho rằng chìa khóa chính là quyết định mở cửa nền kinh tế Việt Nam ra trước các đối tác quốc tế. Việt Nam đã ký kết một danh sách những thỏa thuận tự do thương mại cực kỳ quan trọng với các đối tác quốc tế. Những thỏa thuận đó đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Một điều quan trọng nữa là Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến và đầu tư vào Việt Nam. Một lý do nữa đưa nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là họ đánh giá cao sự ổn định của Việt Nam và cách Việt Nam bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, cũng như khả năng của Việt Nam trong việc tạo ra những điệu kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ có thêm những bước phát triển quan trọng và rất vui mừng được chứng kiến thêm những thành tựu phát triển của Việt Nam.
VnEconomy 13/04/2022 06:00
06:00 13/04/2022